Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Mỹ thi hành chiến lược đối ngoại “can dự và mở rộng”, với mục tiêu chiến lược bao trùm là tập trung củng cố vị trí “siêu cường duy nhất” của Mỹ, thiết lập một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo, không để cho bất kỳ đối thủ nào đe dọa vị trí của Mỹ.

Khi sự kiện 11-9-2001 diễn ra, Mỹ đã buộc phải điều chỉnh và triển khai chiến lược toàn cầu mới, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh ở nhiều khu vực và thế giới.

Với vị trí địa – chính trị chiến lược, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là nhân tố quan trọng trong tính toán chiến lược của Mỹ.

Đối với Việt Nam, Mỹ là đối tác lớn và quan trọng. Quan hệ với Mỹ tạo ra cho chúng ta cơ hội mới, nhưng cũng đặt chúng ta trước không ít khó khăn, thách thức.

Do đó, việc nghiên cứu nhân tố địa – chính trị trong chiến lược quốc phòng an ninh và đối ngoại có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách đối với nước ta. Nó không chỉ làm rõ nhân tố địa – chính trị trong chiến lược toàn cầu mới của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, mà còn góp phần luận chứng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của các đối sách trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam đối với Mỹ cũng như đối với những nước liên quan ở khu vực hiện nay và những năm tới. Văn kiện Đại hội X của Đảng ta nêu rõ: công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.