Cuốn sách của Ronald Inglehart là một công trình nghiên cứu xã hội học dựa trên việc phân tích dữ liệu thu thập từ hai đợt Điều tra giá trị thế giới năm 1981 và 1990, được tiến hành tại 43 quốc gia trên thế giới, gồm cả các nước phát triển, đang phát triển và đang chuyển đổi ở Đông Âu và Liên Xô trước đây. Trên cơ sở bằng chứng thực nghiệm này, tác giả đã có những đánh giá, nhận xét sâu sắc về sự biến đổi văn hóa, kinh tế và chính trị đang diễn ra hiện nay và dự báo về xu hướng biến đổi trong thời gian sắp tới.

Đây là một công trình nghiên cứu điều tra xã hội học có giá trị tham khảo đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu Việt Nam, trong bối cảnh đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để giúp bạn đọc thuận tiện theo dõi và tham khảo, Nhà xuất bản đã giữ nguyên các luận chứng của tác giả, mặc dù có những luận chứng rất khác với cách đánh giá của chúng ta, nhất là các vấn đề có liên quan tới học thuyết Mác, vấn đề dân chủ và nhân quyền, vấn đề sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu...

Nội dung của cuốn sách gồm:

Phần mở đầu: Các giá trị và các xã hội đang biến đổi

Chương 1: Các hệ thống giá trị: khía cạnh chủ quan về chính trị và kinh tế

Chương 2: Biến đổi cấp độ cá nhân và biến đổi cấp độ xã hội

Chương 3: Hiện đại hóa và Hậu hiện đại hóa tại 43 xã hội

Chương 4: Đo đạc các giá trị Duy vật và Hậu duy vật

Chương 5: Sự chuyển hướng đi tới các giá trị Hậu duy vật, 1970 - 1994

Chương 6: Phát triển kinh tế, văn hóa chính trị và chế độ dân chủ: hồi phục con người

Chương 7: Tác động của văn hóa đối với tăng trưởng kinh tế

Chương 8: Sự xuất hiện những vấn đề mới và những đảng phái mới

Chương 9: Sự chuyển đổi tới các giá trị Hậu hiện đại: những biến đổi được tiên đoán và quan sát, 1981 - 1990

Chương 10: Sự xói mòn quyền lực thể chế và gia tăng sự can thiệp của công dân vào chính trị

Chương 11: Các quỹ đạo biến đổi xã hội