TCCSĐT - Sáng 04-4-2018, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2017 (Báo cáo PAPI 2017).



Những xu hướng tích cực trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp quốc gia và những vấn đề người dân quan ngại nhất trong năm 2017

Phân tích số liệu khảo sát theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp trên 14.000 người dân từ tất cả các tỉnh/thành trong cả nước về các vấn đề thuộc 6 trục nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công, Báo cáo PAPI 2017 đưa ra một số dấu hiệu tích cực trong hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2017 từ góc độ cảm nhận của người dân. Đó là:

Thứ nhất, so với năm 2016, trong 6 chỉ số nội dung nói trên có 5 chỉ số đạt điểm gia tăng gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Trách nhiệm giải trình với người dân; Công khai, minh bạch.

Thứ hai, người dân tỏ ra lạc quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Đây là chỉ số có mức điểm được cải thiện đáng kể nhất ở cả góc độ cảm nhận và trải nghiệm thực tế của những người được phỏng vấn. Người dân đánh giá tích cực hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng ở hầu các chỉ số cấu thành trục nội dung này. Đây được đánh giá là sự cải thiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm 2017. Cụ thể hơn, ở cấp tỉnh, có 33 tỉnh/thành đạt mức gia tăng điểm đáng kể ở chỉ số này, trong đó dẫn đầu là các tỉnh Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang với mức gia tăng điểm số đạt trên 20% so với năm 2016. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cải thiện chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là các vụ việc tham nhũng lớn được đưa ra và xử lý.

Thứ ba, trong chỉ số “Thủ tục hành chính công”, người dân hài lòng hơn với việc khoảng cách về giới trong đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có xu hướng thu hẹp (từ 18% năm 2016, xuống còn 9% năm 2017), cũng như việc không phải đi qua các “cửa” để làm các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tỷ lệ hộ người dân phản ánh hộ gia đình bị thu hồi đất tiếp tục giảm.

Thứ tư, trong “Chỉ số cung ứng dịch vụ công”, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tăng từ 74% năm 2016 lên 81% năm 2017. Mức chênh lệch về tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế ở nông thôn và thành thị được thu hẹp lại (chỉ còn 4%). Độ bao phủ của bảo hiểm y tế tiếp tục được mở rộng, những rào cản để người dân có bảo hiểm y tế được đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tự chọn, được tháo gỡ.

 Báo cáo PAPI 2017 nêu bức tranh tổng quát về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công từ góc nhìn và trải nghiệm của người dân trong năm 2017. Báo cáo là tài liệu tham khảo giúp các cấp chính quyền nắm bắt được phần nào kỳ vọng của người dân đối với nền quản trị và hành chính công của đất nước.


Bên cạnh những dấu hiệu tích cực đó, Báo cáo PAPI 2017 cũng đưa ra những vấn đề người dân quan ngại nhất trong năm. Đứng đầu là vấn đề đói nghèo (chiếm 28,47%); tiếp đến là tăng trưởng kinh tế (7,78%); việc làm (7,35%); môi trường (7,35%); tham nhũng (7,06%). Thứ tự các vấn đề mà người dân quan ngại trong năm 2017 có sự thay đổi so với năm 2016, chẳng hạn vấn đề môi trường từ mối quan tâm thứ hai (năm 2016) lùi xuống hàng thứ tư (năm 2017).

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Việt Nam đạt được thành tựu giảm nghèo rất ấn tượng, nhưng nghèo đói vẫn là mối quan ngại hàng đầu của người dân? Qua số liệu phân tích, bước đầu đưa ra hai nguyên nhân để lý giải mối quan ngại lớn nhất này: một là, lo lắng về khả năng bản thân hoặc người thân bị rơi vào đói nghèo; hai là, cho rằng, đói nghèo ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng đến khả năng gây dựng một nền giáo dục phát triển có thể tạo ra lực lượng lao động có chất lượng trong tương lai. Sự lo lắng này có thể là lời giải cho việc có tới 70% số người trả lời phỏng vấn cho biết sẵn sàng đóng góp từ 1% - 5% thu nhập của mình cho giảm nghèo.

Đối với mối quan ngại về môi trường, kết quả khảo sát cho thấy, người dân không ủng hộ tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá và cho rằng, ô nhiễm môi trường là vấn đề hệ trọng Nhà nước cần ưu tiên giải quyết. Mặc dù đói nghèo, sinh kế là mối quan tâm hàng đầu của người dân, nhưng kết quả khảo sát cho thấy đa số người được hỏi không sẵn sàng chấp nhận các dự án có thể mang lại tăng trưởng kinh tế nhưng gây tổn hại đến môi trường. Chẳng hạn, người dân ủng hộ doanh nghiệp quan tâm bảo vệ môi trường hơn là ủng hộ doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm; những doanh nghiệp có chứng chỉ “xanh” nhận được thêm 20% tỷ lệ người trả lời ủng hộ so với những doanh nghiệp chưa có chứng chỉ này.

Hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh năm 2017

Hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh năm 2017 có thể khái quát ở những nét lớn sau:

Nếu xét chỉ số PAPI tổng hợp (không có trọng số), không có tỉnh/thành phố nào trong tất cả 63 tỉnh/thành phố có kết quả tụt lùi so với năm 2016. Trong đó có 7 tỉnh có tiến bộ vượt bậc so với năm 2016. Ba tỉnh có mức gia tăng điểm cao nhất (tăng hơn 8%) là: Bạc Liêu, Quảng Ninh, Trà Vinh.

Trong số 63 tỉnh/thành phố của cả nước, không có địa phương nào thuộc nhóm 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung. Chẳng hạn, Quảng Bình, Bến Tre, Bạc Liêu thuộc nhóm đạt điểm cao nhất ở 5 trong 6 chỉ số nội dung, nhưng Bạc Liêu cũng lại rơi vào nhóm 15 tỉnh/ thành phố đạt điểm trung bình thấp ở chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”.

Khoảng cách giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất trong kết quả tổng hợp chỉ số PAPI 2017 cấp tỉnh có xu hướng thu hẹp hơn so với giai đoạn 2011 - 2016. Tuy nhiên, khoảng cách giữa địa phương có điểm cao nhất và địa phương có điểm thấp nhất vẫn còn tương đối lớn (39,52 điểm so với 33,09 điểm) và còn cách xa so với điểm tối đa mong đợi (60 điểm).

Xét theo vị trí địa lý, các tỉnh/thành phố phía Bắc có xu hướng đạt điểm cao ở 2 chỉ số nội dung là “Tham gia của người dân” và “Công khai, minh bạch”. Trong khi đó, các tỉnh/thành phố ở phía Nam có xu hướng đạt điểm cao hơn ở các chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “thủ tục hành chính công” và “Cung ứng dịch vụ công”./.

 Cho đến nay, hầu hết các tỉnh/ thành phố của cả nước đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về chỉ số PAPI. Có 51/63 tỉnh và thành phố đã ban hành nghị quyết, kế hoạch hành động, chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành ở địa phương nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công nhằm cải thiện mức độ hài lòng của người dân từ kết quả chỉ số PAPI.