Ấn Độ - Những kỳ vọng mới
Nền kinh tế của các nước châu Á, trong đó có Ấn Độ hiện nay đang bị bóng đen của lạm phát và tăng giá đe dọa đến tốc độ tăng trưởng. Mặc dù lạm phát ở Ấn Độ không cao (12%), song là mức kỷ lục trong vòng 13 năm trở lại đây. Tuy vậy, Ấn Độ vẫn được coi là quốc gia đang nổi lên ở châu Á. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng trong khu vực.
Thành tựu và khó khăn
Trong 15 năm qua, tăng trưởng GDP của Ấn Độ liên tục đạt trung bình 6%/năm. Bốn năm trở lại đây, tăng trưởng đạt bình quân 8%, trong đó, năm 2006 tăng trên 9%. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu Ấn Độ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2025, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.
Ấn Độ được coi là điểm đến hấp dẫn của giới kinh doanh quốc tế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của quốc gia này với tốc độ tăng chóng mặt (chỉ riêng tháng 10-2006, FDI vào Ấn Độ đã tăng 312% so với cùng kỳ năm trước). Năm 2005, hơn 2/3 số vốn FDI tại Ấn Độ được đầu tư cho các dự án sản xuất. Các ngành kinh tế trọng điểm như: viễn thông, chế tạo ô-tô, xây dựng... phát triển mạnh và trở thành những đầu kéo của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp của Ấn Độ ra nước ngoài tăng từ 204 triệu USD (năm 1996) lên 2,7 tỉ USD (năm 2005).
Ngoài ra, Ấn Độ còn là một quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển sớm với các lĩnh vực có thế mạnh như: hạt nhân, nghiên cứu vũ trụ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa chất, dược phẩm. Đặc biệt, ngành công nghệ thông tin tăng gần 30%, trong đó, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ tăng 32%, đạt doanh số trên 40 tỉ USD. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, nhất là y tế, công nghệ sinh học, an ninh, quốc phòng... Chỉ trong vòng 15 năm phát triển, thành phố Bangalore đã thành "thủ đô" công nghệ thông tin với hơn 1.700 công ty phần mềm, được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ.
Nền kinh tế Ấn Độ đa dạng, bao gồm các ngành và lĩnh vực: nông nghiệp, thủ công nghiệp, dệt, chế tạo và nhiều ngành dịch vụ. Mặc dù 2/3 lực lượng lao động Ấn Độ vẫn trực tiếp hay gián tiếp sống bằng nghề nông, song dịch vụ đang là lĩnh vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Sự tiến tới thời đại kỹ thuật số với một số lượng lớn dân số trẻ và có học, thông thạo tiếng Anh đang dần chuyển Ấn Độ thành một điểm đến quan trọng đối với các dịch vụ điều hành kinh doanh của các công ty toàn cầu. Ấn Độ là nước xuất khẩu chính nhân công tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, dịch vụ tài chính. |
Nền công nghiệp nội địa Ấn Độ được coi là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Với trình độ phát triển cao, công nghiệp nội địa không những tạo được những ngành mũi nhọn như: chế tạo cơ khí, ô-tô, thép, hóa dầu... mà còn khẳng định được vị thế cũng như sự bình đẳng trong liên doanh với nước ngoài. Nhờ hiệu quả của công cuộc cải cách kinh tế toàn diện được chính phủ Ấn Độ phát động từ năm 1991, một loạt tập đoàn kinh tế có tên tuổi như Tata, Reliance, Essar... đã ra đời, không những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế trong nước mà còn vươn ra nước ngoài bằng đầu tư trực tiếp hoặc sáp nhập các công ty đối tác. Ấn Độ đã tích cực phát triển kinh tế theo hướng tự do hóa và mở cửa, chú trọng cải cách cơ cấu, nâng cao hiệu quả hệ thống tài chính - ngân hàng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, tăng đầu tư vào những khu vực có khả năng tạo nhiều việc làm, đặc biệt khu vực tư nhân, phi đầu tư hóa các cơ sở kém hiệu quả. Kể từ đầu năm 2008, các công ty tư nhân dự tính đầu tư khoảng từ 400 tỉ đến 500 tỉ USD vào nền kinh tế trong nước.
Do phát triển tương đối "nóng", "khát" vốn và thị trường nên nền kinh tế Ấn Độ rất sôi động, nhất là sức sống của thị trường chứng khoán và bất động sản. Hệ thống tài chính, ngân hàng được hình thành sớm, phát triển vững, tác động tích cực tới nền kinh tế vĩ mô, nhờ vậy ít chịu tác động của lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao. Thành phố Mum-bai được coi là trung tâm tài chính của Ấn Độ, là "cái nôi" tài chính của châu Á. Mum-bai không chỉ là thị trường vốn quốc gia mà còn trở thành thị trường vốn quốc tế với 3.600 công ty Ấn Độ và nước ngoài niêm yết giá với số vốn lên tới 730 tỉ USD. Sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân với sức cạnh tranh cao cùng với việc đầu tư ngày càng nhiều cho khoa học - kỹ thuật và giáo dục đang giúp cho kinh tế Ấn Độ tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới. Hiện nay, chính phủ Ấn Độ đang xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc cách mạng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, nhất là đối với giáo dục đại học. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày Độc lập (15-8-1947 - 15-8-2007) Thủ tướng Ấn Độ M. Xinh tuyên bố: Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng mới 6.000 trường chất lượng cao, 1.600 cơ sở đào tạo công nghệ thông tin, 10.000 trường dạy nghề, 50.000 trung tâm phát triển kỹ năng cùng với việc xây mới 5 viện nghiên cứu khoa học, 7 viện quản lý và 8 viện công nghệ thông tin. Ấn Độ đang có trong tay chìa khóa của sự phát triển đó là nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, thông thạo tiếng Anh. Theo nhận định của Tổ chức Lao động thế giới, năm 2020, Ấn Độ sẽ có 116 triệu lao động ở độ tuổi từ 20 đến 24.
Tuy nhiên, bên cạnh một đất nước Ấn Độ sang trọng của những người giàu có, của tinh túy khoa học và văn minh, vẫn tồn tại một xã hội Ấn Độ của bạo lực, đói nghèo và bệnh tật. Ngoài những yếu tố tiềm tàng gây bất ổn định về chính trị tại Nam Á, Ấn Độ chịu áp lực rất lớn về các vấn đề xã hội. Tại các thành phố, vấn đề dân cư quá tải, ô nhiễm môi trường và nạn ách tắc giao thông triền miên xảy ra đang làm đau đầu các nhà quản lý. Thêm vào đó là tình trạng lạc hậu của khu vực nông nghiệp, vấn đề năng suất lao động, bộ máy hành chính quan liêu, thủ tục rườm rà, nạn tham nhũng... đều là những nguy cơ làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài. Bàn về hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới, Thủ tướng Ấn Độ cho rằng: Ấn Độ cần 500 tỉ USD vốn đầu tư, trong đó, 320 tỉ USD dành để phát triển kết cấu hạ tầng và nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng đưa Ấn Độ đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển.
Phát triển quan hệ đối tác Việt Nam - Ấn Độ
Cùng nằm ở khu vực châu Á, Việt Nam và Ấn Độ luôn ủng hộ, sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập; sớm thiết lập mối quan hệ hữu nghị dựa trên nền tảng hợp tác do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nê-ru đã dựng xây. Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình. Cùng với năm tháng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục củng cố, phát triển, thu được nhiều thành tựu quan trọng và được nâng lên tầm cao mới.
Với vai trò cầu nối trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bang Ma-ha-ra-xtra. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mum-bai đã tham gia chuẩn bị và phục vụ thành công chuyến thăm Mum-bai của Thủ tướng Việt Nam (tháng 7-2007); đã phối hợp với các công ty du lịch để tổ chức ngày Việt Nam tại Mum-bai (tháng 9-2007), Hội thảo kinh tế (tháng 7-2008) nhằm giới thiệu tiềm năng và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước. |
Về hợp tác chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Phía Việt Nam có các đoàn sang thăm Ấn Độ như: chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 9-1992); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 3-1997); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 12-1999), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 4-2003). Hai bên ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI. Đặc biệt, năm 2007 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước với chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam mà thành công nổi bật là việc ký kết Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao Ấn Độ gồm có: Chuyến thăm của Tổng thống Ven-ca-ta-ra-man (tháng 4-1992), Phó Tổng thống R.K. Na-ra-y-a-nan (tháng 9-1993), Thủ tướng N. Rao (tháng 9-1994), Thủ tướng Va-giơ-pai (tháng 1-2001). Quốc hội hai nước cũng thường xuyên thiết lập quan hệ mật thiết: Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm Ấn Độ vào năm 1994; năm 2007, Chủ tịch Hạ viện Xôm-nát Chát-tơ-di đã sang thăm Việt Nam.
Về quan hệ kinh tế - thương mại, kim ngạch buôn bán hai chiều liên tục tăng: 375 triệu USD (năm 2002), 500 triệu USD (năm 2003), 667,05 triệu USD (năm 2004), 697 triệu USD (năm 2005), 1,005 tỉ USD (năm 2006). Trong thời gian tới, hai bên phấn đấu tăng kim ngạch hai chiều lên mức 2 tỉ USD vào năm 2010 và 5 tỉ USD năm 2015. Hiện Ấn Độ đứng thứ 10 trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tháng 2-2007, tập đoàn Essar của Ấn Độ đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty thép Việt Nam và Tổng Công ty cao su Việt Nam đầu tư xây dựng một nhà máy cán thép nóng trị giá 527 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tháng 5-2007, tập đoàn thép Tata của Ấn Độ ký bản ghi nhớ với Tổng Công ty thép Việt Nam với số vốn đầu tư 3,5 tỉ USD xây dựng nhà máy thép tại Hà Tĩnh...
Quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, tài chính, văn hóa, nghệ thuật... phát triển tốt đẹp. Hằng năm, Ấn Độ cấp cho ta khoảng 120 học bổng, trong đó 14 đến 20 suất dài hạn và 150 suất về công nghệ cao. Hiện có khoảng 300 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Ấn Độ. Bạn còn giúp ta 2 dự án không hoàn lại về công nghệ thông tin trị giá 4,7 triệu USD; giúp thiết bị và đào tạo cán bộ về công nghệ hạt nhân; cho vay một số khoản tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp. Đồng thời, hai bên cũng trao đổi nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật./.
Thoát nước đô thị - một vấn đề không nhỏ  (27/11/2008)
Thoát nước đô thị - một vấn đề không nhỏ  (27/11/2008)
8 điểm sáng về đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2008  (27/11/2008)
Tháng 11, xuất khẩu giảm 240 triệu USD  (27/11/2008)
Xuất khẩu thủy sản chạm ngưỡng 4 tỉ USD  (27/11/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên