TCCSĐT - Ngày 4-3-2013, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Các đồng chí: GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS. Mạch Quang Thắng, Vụ Trưởng Vụ Quản lý khoa học chủ trì Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Hiến pháp là một văn kiện chính trị - pháp lý hết sức quan trọng của mỗi quốc gia. Ở nước ta, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay đã có 4 bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Hiến pháp năm 1992 ra đời đã kịp thời thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết cho bước chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, bao cấp, sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện cải cách bộ máy nhà nước; dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội; đã góp phần đưa Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài và hiện nay đang chuyển mạnh sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 
 GS, TS. Tạ Ngọc Tấn phát biểu khai mạc Hội thảo

GS, TS. Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Cuộc Hội thảo này của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là diễn đàn khoa học, phát huy sức mạnh trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của nhà khoa học trong toàn bộ hệ thống Học viện và các chuyên gia, đề xuất các nội dung cần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe GS, TS. Trần Ngọc Đường - Ủy viên Thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp báo cáo về những điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Đánh giá về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, 35 tham luận của các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí khẳng định: Nội dung của Dự thảo đã bảo đảm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Dự thảo đã thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định và làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Dự thảo Hiến pháp đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Dự thảo đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: đã có sự xác định đúng đắn, phù hợp hơn với nhiệm vụ, quyền hạn của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, của Chủ tịch nước và chính quyền địa phương; xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dự thảo thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ. Theo Dự thảo, tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương được đổi mới theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.

 

Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết một cách cơ bản những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và có tính ổn định lâu dài.

 

Tại phiên họp toàn thể buổi sáng, các đại biểu đã tập trung vào thảo luận những vấn đề cơ bản: Thứ nhất, việc thể chể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đề ra trong các Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI của Dự thảo; Thứ hai, thảo luận về các quan điểm định hướng về sửa đổi Hiến pháp; Thứ ba, góp ý các quy định về chế độ chính trị (tập trung vào vấn đề quyền lực nhà nước là thống nhất, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội), vấn đề kiểm soát quyền lực; Thứ tư, thảo luận góp ý các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân (nhấn mạnh các quy định về cơ chế bảo đảm và thực hiện xã hội); Thứ năm, thảo luận góp ý các quy định về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và môi trường (tập trung vào các quy định về kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ); Thứ sáu, thảo luận góp ý các quy định về bộ máy nhà nước (tập trung vào các quy định về Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát); Thứ bảy, thảo luận góp ý các quy định về bảo vệ Tổ quốc (tập trung vào Điều 70 về lực lượng vũ trang); Thứ tám, góp ý về kỹ thuật soạn thảo.

 

Với tham luận “Những quan điểm quyết định chất lượng xây dựng Hiến pháp và thể chế pháp quyền”, GS, TS. Trần Ngọc Hiên cho rằng: Hiến pháp là đạo luật gốc, có hiệu lực cao nhất, quyết định tương lai đất nước và chất lượng hệ thống chính trị. Vì vậy, không nên sao chép tùy tiện, bắt chước làm theo mà phải nhìn thẳng vào thực tiễn với những đòi hỏi mới. Từ đó, ông đưa ra 5 quan điểm cơ bản quyết định chất lượng xây dựng Hiến pháp và thể chế pháp quyền: Một là, quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền nhân dân. Hai là, khẳng định quyền phúc quyết của nhân dân. Ba là, xây dựng thể chế kiểm tra, kiểm soát. Bốn là, hiệu quả lãnh đạo của Đảng - một yếu tố quyết định chất lượng của Hiến pháp. Năm là, nền văn hóa mới là nhân là quả của Hiến pháp mới.

 

GS, TS, NGND. Đỗ Thế Tùng cho rằng, điểm 2, Điều 8; điểm 2, Điều 29 và điểm 2, Điều 31: Không nên quy định chung chung mà chỉ rõ: Cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được các kiến nghị của nhân dân phải giải quyết hoặc giải đáp sau bao nhiêu ngày, không được đùn đẩy hoặc làm ngơ. Nếu quá hạn quy định theo luật mà không giải quyết hoặc giải đáp phải chịu kỷ luật.

 

Theo GS, TS, NGND. Đỗ Thế Tùng, cần xem lại điểm 2, Điều 33. Hiện nay, ở nước ta chưa đánh thuế thừa kế, còn nhiều nước đánh thuế thừa kế rất cao. Trong tương lai chắc chắn nước ta cũng phải đánh thuế thừa kế. Hiến pháp sẽ có thể tồn tại trong thời hạn dài, không nhất thiết sửa đổi sớm, bởi vậy, cần có quy định về thuế thừa kế, nếu chỉ nói chung là quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ thì khi có luật thuế thừa kế sẽ gặp khó khăn. Điều 50 cũng chỉ quy định chung là mọi người có nghĩa vụ nộp thuế.

 

GS, TS, NGND. Đỗ Thế Tùng nêu câu hỏi: Điều 47, cần xem lại ý “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Có những kẻ phản bội Tổ quốc nhưng chỉ bị xử một số năm tù hay tù chung thân, trong khi một số kẻ buôn lậu ma túy bị tử hình. Nên ghi là “Phản bội Tổ quốc sẽ bị nghiêm trị”.

 

Điều 54, điểm 2, GS, TS, NGND. Đỗ Thế Tùng đề nghị bỏ từ “lâu dài”, sửa lại thành “các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Bởi vì, theo ông, sự biến đổi về lượng đến một độ nhất định sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất và cái lạc hậu sẽ bị phủ định để ra đời cái mới, tiến bộ hơn...

 
 Quang cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, trong 35 tham luận gửi tới Hội thảo, góp ý cho Lời nói đầu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số đại biểu cho rằng, một mặt, cần phải được dày công biên tập lại sao cho súc tích hơn, khái quát hơn giai đoạn lịch sử của Việt Nam và nêu trực tiếp chủ thể và mục tiêu của Hiến pháp (không ghi nhận gián tiếp như hiện nay); mặt khác, cần phải làm nổi bật được tính mục đích của Hiến pháp, các chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện. Cụ thể là:

 

Thứ nhất, đoạn 2 của Lời nói đầu nên được chỉnh sửa lại gọn và súc tích hơn theo hướng bỏ đi những cụm từ không cần thiết. Chẳng hạn, nên thay cụm từ “Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời” thành cụm từ “và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945”. Đoạn này nên viết lại như sau: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945”.

 

Thứ hai, thay từ “làm nghĩa vụ quốc tế” bằng cụm từ “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” mới đúng cả theo nghĩa tinh thần quốc tế vô sản và ngôn ngữ hiện đại của pháp luật quốc tế và sự chấp nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế hiện nay đối với vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của các quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

 

Thứ ba, đoạn 3 của Lời nói đầu cần chỉnh sửa lại cho chính xác và thể hiện tính mục đích mạnh mẽ của Hiến pháp hiện đại. Đó là, chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, cụm từ “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia”.

 

Thứ tư, đoạn 4 (cuối) của Lời nói đầu cần chỉnh sửa cụm từ “thi hành” và đổi thành “tuân thủ và thực hiện”. Vì nhân dân, trước hết không phải là người phải thi hành Hiến pháp, mà chính là Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trước tiên thi hành Hiến pháp.

 

Tại Hội thảo, nhiều tham luận nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân và các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn trong toàn bộ thiết kế của các chương, điều, khoản của Dự thảo. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước (bên trong và bên ngoài) đã được thiết lập nhưng chưa thật sự phù hợp với các nguyên lý của chủ nghĩa hiến pháp hiện đại và thực tiễn hoạt động của bộ máy nhà nước ta hiện nay, một số quy định trong Dự thảo chưa thật phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở nước ta, vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

 

Chiều cùng ngày, Hội thảo chia 3 nhóm chuyên đề để tập trung thảo luận, góp ý vào các quy định cụ thể của Dự thảo về: Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Bảo vệ Tổ quốc; Bộ máy nhà nước; Hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp./.