Chính phủ Bô-li-vi-a quyết định trục xuất Đại sứ Mỹ tại La-pát. Nhằm biểu hiện tình đoàn kết với Chính phủ Bô-li-vi-a, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Ca-ra-cát phải rời nước này trong vòng 72 giờ. Oa-sinh-tơn đáp trả bằng hành động trục xuất tương tự.

Quyết định trục xuất Đại sứ Hoa Kỳ tại La-pát được Tổng thống E-vô Mô-ra-lét đưa ra trong bối cảnh tình hình chính trị Bô-li-vi-a trở nên bất ổn mà nguyên nhân là phe đối lập các bang Beni, Tarija, Cochabamba, Pando và Santa Cruz tiến hành các hành động bạo lực đòi quyền tự trị, phản đối chính sách quốc hữu hoá của chính phủ, nhất là ngành dầu khí, đồng thời phản đối chủ trương của chính phủ trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp.

Cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa phe ủng hộ và phe chống đối chính phủ trong những ngày qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 30 người, phần lớn là những nông dân ủng hộ Tổng thống cánh tả Ê-vô Mô-ra-léts. Tất cả những hoạt động này được chính phủ Bô-li-vi-a khẳng định có bàn tay khuyến khích, xúi giục của Đại sứ Hoa Kỳ tại La-pát. Chính phủ Bô-li-vi-a cũng tố cáo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trả 4,5 triệu USD cho các tổ chức chống lại ông Ê-vô Mô-ra-léts.

Tại Vê-nê-xu-ê-la, quyết định trục xuất Đại sứ Hoa Kỳ trong vòng 72 giờ của Tổng thống Hu-gô Cha-vét không chỉ nhằm bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Bô-li-vi-a, mà còn nhằm cảnh báo Mỹ về những hoạt động phá hoại Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la. Mạnh mẽ hơn, Tổng thống Hu-gô Cha-vét tuyên bố sẽ chỉ cử Đại sứ trở lại Oa-sinh-tơn khi ở đó có chính quyền mới tôn trọng các dân tộc Mỹ La-tinh. Trước đó, lực lượng an ninh Vê-nê-xu-ê-la đã bắt giữ một số sỹ quan quân đội âm mưu ám sát Tổng thống Hu-gô Cha-vét.

Phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 11-9, ông Hu-gô Cha-vét tố cáo Mỹ và một số đồng minh từ lâu đã âm mưu ám sát ông nhằm phá hoại cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tại quốc gia giàu dầu mỏ này, đồng thời cho biết Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la từng chặn đứng nhiều âm mưu tương tự. Các vụ trục xuất trên cũng đã dẫn tới phản ứng dây chuyền tại Nam Mỹ khi Hôn-đu-rát (Honduras) tuyên bố trì hoãn vô thời hạn việc trình ủy nhiệm thư của Đại sứ Mỹ tại nước này để bày tỏ sự ủng hộ đối với Bô-li-vi-a và Vê-nê-xu-ê-la.

Quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia Nam Mỹ trở nên căng thẳng từ khi các lực lượng cánh tả liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống, tạo ra những chuyển biến về chính trị dẫn đến sự liên kết gắn bó hơn tại khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ. Các nước này ngày càng vươn xa hơn ra ngoài khu vực, tìm mối liên kết cả về chính trị lẫn quân sự để đối trọng với Oa-sinh-tơn, trong đó phải kể đến việc Vê-nê-xu-ê-la cho phép 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga lần đầu tiên tiến hành các chuyến bay huấn luyện kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Việc Tổng thống Hu-gô Cha-vét chỉ trong vòng 2 tháng tiến hành 2 chuyến thăm Nga, và việc trong tháng 11 tới, một số tàu chiến của Nga sẽ tới Vê-nê-xu-ê-la để tiến hành tập trận chung tại vùng biển này cũng gây lo ngại cho Oa-sinh-tơn. Chính vì vậy, Mỹ đã áp dụng chính sách can thiệp gây chia rẽ, kích động và chống phá ngầm những nước “không ăn cánh”, bằng chứng rõ nhất là tài trợ tiền cho các lực lượng đối lập thông qua các tổ chức hỗ trợ phát triển như Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED) hay Cơ quan Phát triển Quốc tế (UNAID). Nhưng những gì mà Mỹ đang làm tại đây cho thấy Mỹ đang dần “mất sân”, bởi không quốc gia có chủ quyền nào chấp nhận bất cứ hoạt động can thiệp gây chia rẽ, kích động chống đối từ bên ngoài./.