Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Đức và nhìn lại quan hệ Việt Nam - Đức thời gian qua
TCCS - Là một trong những “đầu tàu” của khu vực châu Âu, Đức được nhận định là quốc gia có chính sách đối ngoại mang tính ổn định và tính liên tục. Tuy nhiên, những biến động nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới trong thời gian qua đã khiến Đức phải có những điều chỉnh chiến lược đáng chú ý, trong đó ngày càng quan tâm hơn đến các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz (năm 2022) và chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đến Việt Nam (từ ngày 23 đến 24-1-2024) cho thấy rõ điều đó.
Một số điều chỉnh chiến lược đối ngoại của Đức trong bối cảnh mới
Ngày 27-2-2022, trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề cập đến khái niệm “bước ngoặt thời đại” (Zeitenwende)(1) như một sự thay đổi của thời đại mới trong chính sách đối ngoại của Đức, khi nhấn mạnh “quyền lực mềm” hiện nay là chưa đủ, mà phải đi kèm với “quyền lực cứng”(2), nhằm phản ứng trước diễn biến tình hình xung đột ở Ukraine.
Trước đây, từ bài học rút ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, “bước ngoặt thời đại” đầu tiên của Đức là nêu cao chủ nghĩa hòa bình, không phổ biến vũ khí đến các vùng chiến sự “nóng”; “quyền lực mềm” là giải pháp hàng đầu và “quyền lực cứng” là giải pháp cuối cùng, đóng vai trò dẫn dắt chỉ khi phối hợp với các cường quốc phương Tây khác; tận dụng bảo trợ an ninh (chủ yếu từ Mỹ)... Thế nhưng, cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khiến Đức một lần nữa đưa ra những thay đổi bước ngoặt về quan niệm truyền thống vốn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Đức. Đức nhận thấy, kiến trúc an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương đang dịch chuyển từ việc có thể tồn tại cùng nước Nga sang chỉ có thể tồn tại khi chống lại nước Nga; châu Âu có thể nhận được sự bảo trợ an ninh từ Mỹ, nhưng châu Âu vẫn cần tự cung cấp và bảo trợ an ninh cho chính mình; phổ biến vũ khí có thể khiến các cuộc xung đột kéo dài, nhưng phổ biến vũ khí cũng là để bảo vệ những giá trị mà Đức theo đuổi... Cụ thể hơn, để “bước ngoặt thời đại” đi vào thực tế, Chính phủ Đức sẽ thành lập quỹ đặc biệt cho quân đội Đức (lên tới 100 tỷ euro), chi 2% GDP để đóng góp cho NATO hằng năm, xây dựng Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử (tháng 6-2023) như một văn bản định hướng chính sách an ninh và đối ngoại Đức, cung cấp hỗ trợ nhân đạo, tài chính và vũ khí cho Ukraine.
Tuy nhiên, cho dù “bước ngoặt thời đại” khiến Đức đưa ra những bước đi thay đổi, song các trụ cột của chính sách đối ngoại vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, Đức vẫn đề cao trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, duy trì đoàn kết chính trị với EU và NATO. Trên thực tế, “bước ngoặt thời đại” của chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh dấu sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức đối với khu vực châu Âu. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại giúp Đức hội nhập chặt chẽ hơn với châu Âu về quốc phòng - an ninh. Hơn nữa, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhấn mạnh rõ tầm quan trọng của EU đối với Đức, gọi đó là “khuôn khổ hành động” của nước này.
“Bước ngoặt thời đại” năm 2022 của Đức tiếp tục thể hiện rõ sự hội nhập với phương Tây (Westbindung) khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cơ bản nhất trí với các nhà lãnh đạo phương Tây về cách đánh giá chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện nay; nhấn mạnh cam kết của Đức đối với lĩnh vực quốc phòng châu Âu, NATO; khẳng định tiếp tục củng cố vị trí của Đức trong khối đồng minh phương Tây. Theo giới chuyên gia, “sự hội nhập với phương Tây” nhìn chung vẫn là một điểm bất biến trong chính sách đối ngoại của Đức, chỉ là đang được “trẻ hóa” bởi “bước ngoặt thời đại”.
Một điều chỉnh chiến lược nổi bật khác trong chính sách đối ngoại của Đức những năm gần đây là việc Đức ban hành chiến lược “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vào năm 2020, đưa Đức trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu (sau Pháp) thông qua chính sách này. Chính phủ Đức thấy rõ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về vị trí địa - chiến lược và địa - kinh tế đang ngày càng gia tăng trong những năm qua. Điều này khiến Đức nhanh chóng thông qua chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đa dạng hóa quan hệ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, về thương mại, Đức đẩy mạnh quan hệ với các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia và Ấn Độ thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Về an ninh, thông qua cách tiếp cận từ hợp tác thương mại, Đức có thể hình thành các điểm kết nối, từ đó tăng cường hợp tác về an ninh với các đối tác trong khu vực. Ngoài ra, Đức cũng mong muốn lấy định hướng của Đức làm cơ sở nền tảng cho chiến lược chung của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(3).
Nền tảng vững chắc trong quan hệ Việt Nam - Đức
Việt Nam và Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2011, nhưng trên thực tế, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trước đó.
Ngay từ giữa thế kỷ XIX, các sứ thần đầu tiên của Đức đã được cử đến Sài Gòn để kết nối bang giao giữa hai quốc gia. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dừng chân ở Đức. Sau này, Người đã tiếp tục gieo mầm và dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Đức “đơm hoa, kết trái”. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á sở hữu nhịp cầu nhân văn đặc biệt kết nối với Đức. Đó là đội ngũ đông đảo hơn 100.000 học sinh, sinh viên và lao động Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Đức từ những năm 50 của thế kỷ XX, nắm vững ngôn ngữ và văn hóa Đức. Với trên 170.000 người, bao gồm nhiều thế hệ, hội nhập sâu rộng và có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội Đức, cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã kết thành một khối tài sản chung vô giá, trở thành chất xúc tác không thể thiếu cho sự phát triển đa dạng và độc đáo của quan hệ hai nước(4).
Mặc dù Việt Nam và Đức có hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng hai nước luôn có sự thấu hiểu, chia sẻ với nhau. Trong thế kỷ XX, khi nhân dân Việt Nam đang tiến hành kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước, thì ở châu Âu xa xôi, những người bạn Đức (Đông Đức và Tây Đức) liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam. Năm 1950, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Vào thời điểm đó, Cộng hòa Dân chủ Đức không chỉ hỗ trợ về vật chất, mà còn là chỗ dựa tinh thần có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bài phát biểu của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức Erich Honecker vào năm 1972 đến nay vẫn luôn in đậm trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam: “Đoàn kết với Việt Nam là sự nghiệp của trái tim. Tình đoàn kết, hữu nghị của Đảng, Nhà nước và nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức luôn luôn đứng về phía các đồng chí và các bạn, nguyện làm hết sức mình để giúp đỡ và ủng hộ một cách xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân Việt Nam anh em”(5).
Hơn nữa, dù trước năm 1975, Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) không có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam, nhưng những phong trào đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong đấu tranh thống nhất đất nước, như phong trào “Giúp đỡ Việt Nam” (Hilfsaktion Vietnam) vẫn diễn ra mạnh mẽ, mang ý nghĩa nhân văn thiết thực. Các tổ chức hữu nghị của Cộng hòa Liên bang Đức với Việt Nam luôn hoạt động tích cực, như: Sáng kiến đoàn kết quốc tế với Việt Nam (năm 1969), Terre des hommes (năm 1967), Làng hòa bình quốc tế (năm 1967)(6).
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, các hoạt động hữu nghị Việt Nam - Đức ngày càng đa dạng hơn. Năm 1975, Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong giai đoạn này, những dự án mà Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào nông nghiệp. Đối với Cộng hòa Dân chủ Đức, xuất khẩu lao động là hình thức hợp tác nổi bật mà hai bên thực hiện trong giai đoạn này.
Kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, quan hệ Việt Nam - Đức phát triển và chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc. Năm 1991, Hội hữu nghị Việt Nam - Đức được hợp nhất từ Hội hữu nghị Việt Nam với Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây. Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước. Sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Đức ngày càng được tăng cường khi hai nước thiết lập cơ chế tham vấn chính trị vào năm 2008.
Giai đoạn phát triển mới của quan hệ Việt Nam - Đức được ghi nhận vào năm 2011 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuyên bố chung Hà Nội về “Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai” trở thành khuôn khổ cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và là nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Đức trong tương lai. Hai nước cam kết, thống nhất nhiều dự án cụ thể, nhằm đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực, như: đối thoại chính trị chiến lược, kinh tế - thương mại - đầu tư, tư pháp - pháp luật, hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường, giáo dục, khoa học - công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội(7). Trong thời điểm đó, Đức là một trong số ít các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Điều này cho thấy tính chất đặc biệt và tầm vóc của quan hệ Việt Nam - Đức.
Sự sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Đức còn được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19. Chính phủ Đức đã hỗ trợ Việt Nam 12.578.110 liều vaccine thông qua cơ chế COVAX; Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng hỗ trợ các trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội(8). Việt Nam hỗ trợ Đức về các vật tư y tế. Đại dịch COVID-19 khiến các chuyến thăm cấp cao song phương bị gián đoạn, nhưng các kênh trao đổi và tiếp xúc giữa hai nước vẫn tiếp tục được duy trì qua nhiều hình thức linh hoạt, như điện đàm, thư tín,...
Với nền tảng vững chắc, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực ở cả bình diện song phương và đa phương. Về chính trị - ngoại giao, sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và Đức ngày càng được củng cố, tăng cường thông qua việc duy trì trao đổi đoàn ở các cấp trên kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các cơ chế hợp tác khác. Kể từ khi Việt Nam và Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, hai bên đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao, góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển sâu rộng, hiệu quả. Trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc, phía Đức luôn hoan nghênh và ủng hộ đường lối đổi mới của Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đức trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam coi trọng và đánh giá cao vai trò và vị trí của Đức trong EU và trên thế giới. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập cơ chế đối thoại lý luận cấp cao với Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) và Đảng Cánh tả (Die Linke).
Hợp tác kinh tế - thương mại liên tục phát triển, là “điểm sáng” nổi bật trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Đức đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, như Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (năm 1997), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (năm 1998). Trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp hai lần, từ 4,57 tỷ USD (năm 2011) lên hơn 12,6 tỷ USD (năm 2022)(9). Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên. Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực châu Âu, chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại)(10). Năm 2023, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại khu vực Đông Nam Á. Trong hợp tác đầu tư, tính đến tháng 5-2023, Đức có 444 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam(11).
Về giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân, hiện Việt Nam có khoảng 300 nghiên cứu sinh nhận được học bổng nghiên cứu tại Đức và 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Hằng năm, Đức trao cho sinh viên Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, như: DAAD, Konrad Adenauer Stiftung, Heinrich Boll, Kurt Hansen… Hơn nữa, cộng đồng người Đức ở Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở Đức đều đang trên đà phát triển, là đại diện cho nhịp cầu hữu nghị và bền chặt, kết nối nhân dân hai nước.
Về hợp tác khoa học - công nghệ, Đức tiếp tục cam kết Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức ở khu vực châu Á. Hai bên triển khai nhiều dự án nghiên cứu, đào tạo, như: Chương trình “Hợp tác nghiên cứu biển” với Quỹ Nghiên cứu quốc gia Đức (DFG), Chương trình “CLIENT II - Đối tác quốc tế để đầu tư sáng tạo mang tính bền vững”.
Về hợp tác trong các thể chế đa phương, hai nước tăng cường trao đổi và phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), ASEAN - EU... Năm 2020, Việt Nam và Đức đều đảm nhận vai trò trọng trách kép, khi cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, còn Đức là Chủ tịch luân phiên của EU. Đặc biệt, hai nước đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cấp quan hệ ASEAN - EU lên đối tác chiến lược, cũng như thúc đẩy giải quyết các vấn đề toàn cầu trên cơ sở luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế thường xuyên có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, quan hệ song phương Việt Nam - Đức đứng trước những thách thức mới. Bên cạnh đó, hai bên còn tồn tại sự khác biệt về hệ thống chính trị - xã hội, lịch sử, văn hóa, tập quán, trình độ phát triển. Mặc dù vậy, có thể khẳng định, quan hệ Việt Nam - Đức được vun đắp bởi công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Bề dày lịch sử và những thành tựu mà hai bên cùng nhau đạt được chính là nền tảng vững chắc để hai nước vượt qua những khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Thứ nhất, 13 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2011 - 2024) và gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1975 - 2024), đã tạo dựng sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia, tạo điều kiện cho mối quan hệ song phương Việt Nam - Đức sẵn sàng phát triển sang một giai đoạn mới, hợp tác sâu sắc và rộng mở hơn, ở một thời điểm phù hợp trong tương lai.
Thứ hai, Việt Nam và Đức tiếp tục chia sẻ nhiều lợi ích song trùng và đan xen trên cơ sở cùng chung mối quan tâm về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, ủng hộ hòa bình, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Đây không chỉ là những giá trị mà Đức theo đuổi, mà còn là phương châm của chính sách đối ngoại Việt Nam.
Thứ ba, hai nước luôn là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau. Đức là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam ở khu vực châu Âu trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ,... Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Đức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh Đức là một trong số các nước có riêng một chiến lược quốc gia đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy, Đức tiếp tục mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Sự gắn kết, tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam - Đức chính là nền tảng vững chắc cho quan hệ chính trị, kinh tế bền vững và lâu dài. Bên cạnh đó, việc cùng đề cao luật pháp quốc tế và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế cũng là động lực giúp mối quan hệ giữa hai nước được phát triển sâu sắc hơn. Chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đến Việt Nam từ ngày 23 đến 24-1-2024 là một trong những minh chứng cho thấy hai bên coi trọng việc đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong thời gian tới; đồng thời, khẳng định Đức luôn coi Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng hàng đầu khi Đức thực hiện những bước đi chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.
------------------(1) “Zeitenwende” mang ý nghĩa là “bước ngoặt thời đại”, chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1949 - thời điểm đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách đối ngoại của Đức. Theo đó, Thủ tướng đầu tiên của Đức (Tây Đức) Konrad Adenauer, đã đưa ra khái niệm “zeitenwende” bằng cách dẫn dắt đất nước đi theo con đường dân chủ, thể hiện cam kết với châu Âu và NATO. Xem: James D. Bindenagel: “A First German National Security Strategy”, American-German Institute, ngày 22-6-2023, https://americangerman.institute/2023/06/a-first-german-national-security-strategy/
(2) Kai Küstner: “Deutschlands Außenpolitik: Strategie für mehr Sicherheit gesucht”, Tagesschau, ngày 25-3-2022, https://www.tagesschau.de/inland/innenpolitik/nationale-sicherheitsstrategie-101.html
(3) Mạnh Hùng: “Đức thông qua “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương””, Vietnam Plus, ngày 5-9-2020, https://www.vietnamplus.vn/duc-thong-qua-dinh-huong-doi-voi-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-post661342.vnp
(4) Xem: Phạm Bình Minh: “45 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức: Sâu rộng, hiệu quả, thực chất”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 23-9-2020, https://phambinhminh.chinhphu.vn/45-nam-quan-he-hop-tac-viet-nam-duc-sau-rong-hieu-qua-thuc-chat-10537676.htm
(5) Trần Đương: “Linh hồn của phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam”, Công an Nhân dân điện tử, ngày 20-11-2011, https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Linh-hon-cua-phong-trao-doan-ket-ung-ho-Viet-Nam-i190564/
(6) Nguyễn Hữu Tráng: “Đối ngoại nhân dân, điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Đức”, Trang Thông tin đối ngoại, ngày 16-10-2021, https://ttdn.vn/nghien-cuu-trao-doi/ly-luan-thuc-tien/doi-ngoai-nhan-dan-diem-sang-trong-quan-he-viet-nam-duc-54587
(7) Xem: “Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 11-10-2011, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/tuyen-bo-chung-ha-noi-viet-nam-va-duc--doi-tac-chien-luoc-vi-tuong-lai-93189.html
(8) Xem: Mạnh Hùng: “Đức giúp Việt Nam nhiều thiết bị y tế trong cuộc chiến chống đại dịch”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 24-11-2021, https://dangcongsan.vn/thoi-su/duc-giup-viet-nam-nhieu-thiet-bi-y-te-trong-cuoc-chien-chong-dai-dich-597971.html
(9) Xem: “Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Đức”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 14-11-2022, https://infographics.vn/interactive-kim-ngach-thuong-mai-song-phuong-viet-nam-duc/115645.vna
(10) Lê Hải Triều - Phạm Thế Phương: “Báo cáo hồ sơ thị trường Đức: Hỗ trợ Bộ Công Thương nghiên cứu và tập hợp hồ sơ thị trường của các nước thành viên EU và nghiên cứu về một số ngành liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam”, WTOCenter, tháng 10-2025, https://wtocenter.vn/file/17419/Germany%20Market%20Profile.pdf
(11) Xem: “Động lực mới thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 19-1-2024, https://baochinhphu.vn/dong-luc-moi-thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-duc-102240119172438159.htm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Thủ hiến bang Hạ Saxony của Đức  (03/10/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam  (14/11/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz  (31/03/2022)
Một số vấn đề về đối tác, đối tượng trong tình hình mới hiện nay  (15/12/2021)
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ từ năm 2017 đến nay  (05/12/2021)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay