Tự quản xã hội trong xây dựng nền dân chủ ở Trung Quốc và một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
TCCS - Tự quản xã hội là một hình thức dân chủ trực tiếp, có ý nghĩa lớn trong xây dựng, thực hành dân chủ ở nhiều quốc gia khác nhau. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tự quản xã hội làm chuyển biến căn bản tư duy, cách thức thực hành dân chủ ở Trung Quốc. Với nhiều điểm tương đồng về thể chế chính trị, cơ cấu tổ chức chính quyền và văn hóa, nghiên cứu vai trò tự quản xã hội trong xây dựng nền dân chủ ở Trung Quốc sẽ đưa ra những gợi mở sâu sắc, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.
Quá trình xây dựng, phát triển tự quản xã hội ở Trung Quốc
Tự quản xã hội ở Trung Quốc manh nha hình thành từ các hình thức tự quản trong các hương ước. Trải qua giai đoạn phát triển hệ thống kinh tế kế hoạch được thiết lập vào thập niên 50 của thế kỷ XX, các tổ chức tự quản xã hội được hình thành ở cấp cộng đồng. Tuy nhiên, do cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các chỉ tiêu phát triển kinh tế do chính quyền trung ương đưa ra và các hệ thống khác nhau của công xã nhân dân không được thực hiện một cách khách quan, dẫn đến các tổ chức tự quản cộng đồng mặc dù ban đầu được thiết kế dựa trên ý tưởng người dân làm chủ công việc của chính họ, nhưng trên thực tế đã bị bóp méo. Từ năm 1978, trên cơ sở đổi mới kinh tế, do nhu cầu khách quan thúc đẩy, Trung Quốc xuất hiện các tổ chức tự quản cộng đồng. Đến nay, về cơ bản, khuôn khổ pháp lý và cơ chế hoạt động của các tổ chức cộng đồng được hình thành.
Về hình thức tổ chức tự quản xã hội
Trung Quốc hiện có 2 hình thức tổ chức tự quản cộng đồng phổ biến:
Một là, ủy ban dân làng. Đây là tổ chức quần chúng tự quản ở cấp cơ sở do hội đồng dân làng bầu ra, trong đó dân làng tự quản lý công việc, tự giáo dục và phục vụ nhu cầu của mình.
Hai là, ủy ban dân cư đô thị. Đây là tổ chức quần chúng tự quản ở cấp cơ sở tại các thành phố do hội đồng dân cư bầu ra, trong đó dân cư đô thị tự quản lý công việc của mình, tự giáo dục, tự phục vụ nhu cầu của mình và tự giám sát. Ủy ban dân cư đô thị có từ 5 đến 9 thành viên, bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các thành viên. Trong một khu vực có dân cư mang nhiều quốc tịch, ủy ban dân cư sẽ bao gồm một hoặc nhiều thành viên mang quốc tịch đại diện cho nhóm dân cư đó.
Về khuôn khổ pháp lý
Tự quản xã hội được pháp luật thừa nhận ở mức cao nhất trong Hiến pháp. Điều 111, Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thông qua vào tháng 12-1982 nêu rõ: “Ủy ban dân cư và ủy ban dân làng được thành lập giữa các dân cư thành thị và nông thôn trên cơ sở nơi cư trú của họ là các tổ chức quần chúng tự quản ở cơ sở. Chủ tịch, phó chủ tịch và các thành viên của mỗi cộng đồng hoặc ủy ban dân làng do người dân bầu ra. Mối quan hệ giữa nhân dân, ủy ban dân cư thôn bản với các cơ quan quyền lực nhà nước ở cơ sở do pháp luật quy định”(1).
Thiết chế cho tự quản xã hội cũng được quy định trong văn bản luật. Cụ thể, với hình thức ủy ban dân làng, ngày 24-11-1987, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa VI thông qua Luật Tổ chức ủy ban dân làng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để thử nghiệm. Đến năm 1998, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã thông qua Luật Tổ chức mới của ủy ban dân làng, quy định một cách có hệ thống chính quyền tự trị của dân làng. Vào năm 2010, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã sửa đổi và hoàn thiện Luật này một lần nữa, quyền tự chủ của người dân trong làng dần được tăng lên. Với hình thức ủy ban dân cư, ngày 26-12-1989, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa VII thông qua Luật Tổ chức ủy ban dân cư nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thay thế Điều lệ Tổ chức Ủy ban Thường vụ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cơ chế hoạt động của các tổ chức tự quản được quy định cụ thể hóa ở các văn bản dưới luật. Chẳng hạn, năm 1992, Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm về quyền tự trị của dân cư - đề xuất tăng cường các chức năng dịch vụ của cộng đồng đô thị. Năm 1999, Bộ Dân chính ban hành Kế hoạch thực hiện công việc của Khu Thử nghiệm xây dựng cộng đồng quốc gia, cung cấp các tiêu chuẩn và hướng dẫn về thực hành cải cách tự quản của dân cư đô thị trên toàn quốc. Năm 2000, chính quyền trung ương chính thức yêu cầu thúc đẩy việc xây dựng các cộng đồng đô thị trong cả nước.
Như vậy, khuôn khổ pháp lý cho sự hoạt động, khuyến khích phát triển các tổ chức tự quản được xây dựng một cách hệ thống từ các văn bản luật cao nhất đến các hình thức, mức độ thấp hơn và cả những chính sách thúc đẩy xây dựng, phát triển các hình thức tự quản xã hội.
Về lĩnh vực hoạt động
Tự quản xã hội được triển khai trong những lĩnh vực liên quan đến đời sống của cộng đồng dân cư như sản xuất, giáo dục, sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự…
Chức năng của ủy ban dân làng là quản lý các công việc, các dịch vụ phúc lợi công cộng của làng; hòa giải các tranh chấp giữa dân làng, giúp duy trì trật tự công cộng; truyền đạt ý kiến, yêu cầu của làng, đưa ra các đề xuất với chính quyền nhân dân. Ủy ban dân làng chịu trách nhiệm phục vụ và điều phối sản xuất trong làng để thúc đẩy sản xuất nông thôn và phát triển kinh tế; quản lý đất đai thuộc sở hữu tập thể và các tài sản khác trong làng; bảo đảm quyền tài sản hợp pháp, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức kinh tế tập thể, dân làng, hộ gia đình hoạt động theo hợp đồng, hộ gia đình liên kết và quan hệ đối tác. Ủy ban dân làng cũng giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích của dân làng, như: Số người được hưởng trợ cấp do công việc bị trì hoãn và mức trợ cấp đó; sử dụng lợi nhuận thu được từ các tổ chức kinh tế tập thể của thôn; đề xuất gây quỹ và nhân công để thực hiện các công việc phúc lợi công cộng, nhận thầu xây dựng trong làng; đề xuất giao khoán và quản lý đất đai, thiết lập và giao thầu các dự án tập thể của thôn; đề xuất việc sử dụng các khu đất để xây nhà ở; đề xuất sử dụng và phân bổ các loại phí như phí đền bù đất đai; các vấn đề liên quan đến việc mượn, cho thuê hoặc xử lý tài sản tập thể của làng…
Đối với ủy ban dân cư đô thị, nhiệm vụ bao gồm: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh và chính sách của nhà nước; giải quyết các công việc công cộng và dịch vụ phúc lợi công cộng của dân cư tại khu dân cư sở tại; hòa giải tranh chấp giữa các cư dân; hỗ trợ duy trì an ninh công cộng; hỗ trợ chính quyền nhân dân địa phương hoặc cơ quan của chính quyền địa phương trong công việc liên quan đến lợi ích của dân cư, chẳng hạn như y tế công cộng, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc đặc biệt cho quân nhân khuyết tật, các thành viên gia đình của liệt sĩ và quân nhân cách mạng, cứu trợ xã hội và giáo dục trẻ vị thành niên; truyền đạt ý kiến, yêu cầu của người dân và góp ý với chính quyền địa phương. Các tổ chức tự quản dân cư đô thị còn cung ứng các dịch vụ cộng đồng, chủ yếu là các dịch vụ trợ giúp xã hội và phúc lợi cho người già, trẻ em, người tàn tật, các hộ gia đình nghèo khó và những đối tượng hưởng lương hưu nhà nước; các dịch vụ phục vụ tiện ích và lợi ích của cộng đồng dân cư; dịch vụ xã hội cho cộng đồng; dịch vụ tìm việc làm và dịch vụ an sinh xã hội cho người lao động bị mất việc làm; các dịch vụ khác như y tế công cộng, môi trường cộng đồng, văn hóa cộng đồng, an ninh cộng đồng…
Năm 1993, Trung Quốc chỉ có 3.711 trung tâm dịch vụ cộng đồng, đến năm 2011, số lượng trung tâm dịch vụ cộng đồng và trạm dịch vụ cộng đồng lần lượt là 14.391 và 56.156. Các dịch vụ cộng đồng bao gồm nhiều lĩnh vực trong đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận dân cư, tăng từ hơn 10 mục lên hơn 200 mục, phục vụ phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, thanh niên, trung niên và những người nhận chăm sóc đặc biệt, các đơn vị dựa vào cộng đồng và các nhóm khác về sức khỏe cộng đồng, văn hóa cộng đồng, môi trường cộng đồng, an ninh cộng đồng và bảo đảm cộng đồng. Sự phát triển của các dịch vụ cộng đồng đã gắn kết chặt chẽ các tổ chức tự quản với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư; do đó cộng đồng tự quản có nội dung quản lý và phục vụ thiết thực hơn, nâng cao chất lượng và phạm vi phục vụ cộng đồng xã hội(2).
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Các tổ chức tự quản đều là những tổ chức do cộng đồng dân cư bầu ra và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự thành lập, tự quản lý và tự giám sát.
Nguyên tắc thành lập, hoạt động của tổ chức tự quản dân làng thực hiện “bầu cử quần chúng” với 4 điểm dân chủ, bao gồm: Bầu cử dân chủ, ra quyết định dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ.
Về bầu cử dân chủ: Ủy ban dân làng được bầu ra thông qua cuộc bầu cử quần chúng - một cuộc bầu cử tự do không có ứng cử viên. Đặc điểm quan trọng nhất của hình thức bầu cử này là sử dụng một tờ “giấy trắng” làm phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử ủy ban dân làng, các ứng cử viên hoàn toàn được xác định từ kết quả trong lá phiếu “giấy trắng” trước đó. Từ kết quả đó, dân làng bỏ phiếu bầu chủ tịch, phó chủ tịch và các thành viên khác của ủy ban dân làng. “Bầu cử quần chúng” được xem là một cuộc cách mạng trong hệ thống bầu cử mang đặc sắc Trung Quốc - cử tri trực tiếp quyết định các ứng cử viên, quyền đề cử của chính quyền cấp trên và các đảng phái chính trị bị hủy bỏ một cách khách quan.
Về mặt ra quyết định dân chủ: Các vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của tất cả dân làng đều được đưa ra thảo luận trước hội đồng dân làng và hội đồng đại diện của dân làng trước khi đưa ra quyết định. Nếu 10% số dân làng hoặc 1/3 số đại diện dân làng trở lên đề nghị, hội nghị của dân làng sẽ được triệu tập tổ chức.
Về quản lý dân chủ và giám sát dân chủ: Thiết lập hệ thống công khai các công việc của thôn. Mọi việc quan trọng của thôn phải được công khai ít nhất mỗi quý một lần. Làng có việc lớn về tài chính tập thể sẽ công khai thu chi tài chính mỗi tháng một lần, những việc lớn liên quan đến lợi ích của dân làng thì công khai bất cứ lúc nào. Luật Tổ chức ủy ban dân làng cũng yêu cầu thành lập ủy ban giám sát các công việc của làng, hoặc các hình thức tổ chức giám sát công việc khác của làng để chịu trách nhiệm thực hiện các hệ thống quản lý công khai các vấn đề của làng… Các thành viên của ủy ban giám sát được hội đồng dân làng hoặc hội đồng đại diện của dân làng bầu ra. Ngoài ra, cũng thiết lập một hệ thống kiểm toán đối với các thành viên của ủy ban dân làng khi họ rời nhiệm sở.
Đối với hình thức tổ chức của ủy ban dân cư đô thị: Theo Luật tổ chức của ủy ban dân cư đô thị, cơ cấu tổ chức của cộng đồng dân cư tự quản bao gồm hội đồng dân cư, ủy ban dân cư (ủy ban nội bộ hoặc các ban công tác khác nhau) và các nhóm dân cư. Luật quy định, hội nghị dân cư phải bao gồm những người cư trú từ 18 tuổi trở lên. Cuộc họp dân cư có thể có sự tham gia của tất cả những người cư trú tại địa bàn từ 18 tuổi trở lên hoặc một đại diện hay nhiều đại diện của từng hộ gia đình; cũng có thể có sự tham gia của các đại diện được bầu của các nhóm dân cư. Hội nghị sẽ được triệu tập khi có trên 1/5 số dân cư từ 18 tuổi trở lên, trên 1/5 số hộ gia đình hoặc trên 1/3 số nhóm dân cư đề nghị. Khi phát sinh các vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của tất cả dân cư, ủy ban dân cư phải chuyển các vấn đề đó lên hội đồng dân cư để quyết định thông qua thảo luận. Khi cần thiết, ủy ban dân cư sẽ thành lập các tiểu ban về hòa giải nhân dân, an ninh công cộng, y tế công cộng và các vấn đề khác. Ủy ban dân cư có thể thành lập các nhóm dân cư, những người đứng đầu nhóm sẽ được bầu bởi các thành viên của nhóm này. Một ủy ban dân cư thường sẽ được thành lập cho một khu vực có 100 - 700 hộ gia đình sinh sống, một nhóm dân cư sẽ được thành lập cho 15 - 40 hộ gia đình.
Vai trò tích cực của tự quản xã hội đối với xây dựng nền dân chủ của Trung Quốc
Là hình thức thực hành dân chủ phong phú, sinh động và mạnh mẽ, tự quản xã hội cung cấp những điều kiện, nền tảng xã hội rộng lớn và sâu sắc cho sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.
Thứ nhất, ý thức dân chủ của công dân không ngừng được củng cố. Người dân ở các khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt là ở nông thôn, được tham gia trực tiếp bầu cử dân chủ 3 năm một lần, thông qua hành vi chính trị, tính hợp lý chính trị của họ được cải thiện rất nhiều. Ý thức trách nhiệm đối với đất nước, xã hội, cùng các hành vi chính trị ngày càng hợp lý của họ đã xóa bỏ tư tưởng chính trị truyền thống rằng nông dân là những người có nhận thức, phẩm chất kém và cần được giáo dục. Thực tiễn phong phú về tự quản chứng tỏ các hành vi chính trị dân chủ được thiết lập trên cơ sở trách nhiệm gắn với lợi ích của bản thân người dân là đúng đắn, có lợi cho sự phát triển của đất nước, phần lớn dân cư thành thị và nông thôn đang ngày càng đáp ứng yêu cầu của những công dân hiện đại.
Thứ hai, tự quản cấp cộng đồng có tác động sâu sắc đến văn hóa chính trị của Trung Quốc. Trong một giai đoạn lịch sử khá dài, xã hội Trung Quốc nhấn mạnh bản chất của dân chủ, trong khi coi nhẹ quy trình, thủ tục để thực hiện dân chủ, cho rằng quy trình, thủ tục thực hiện dân chủ chỉ là hình thức nên có thể bỏ qua. Nhưng chính nhờ xây dựng quy trình cụ thể trong thực hành bầu cử dân chủ ở cấp cộng đồng, xã hội Trung Quốc bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của các quy trình, thủ tục thực hiện dân chủ. Ví dụ, các thông lệ bầu cử dân chủ như thiết lập các phòng bỏ phiếu kín, xếp hàng bỏ phiếu… đã thúc đẩy toàn xã hội tuân thủ các thủ tục thực hiện dân chủ, nhờ đó nền văn hóa dân chủ toàn diện, hợp lý dần được hình thành và hoàn thiện.
Thứ ba, việc bầu cử dân chủ 3 năm một lần, việc quản lý dân chủ thường ngày, ra quyết định dân chủ và giám sát dân chủ trên thực tế có thể loại bỏ các yếu tố xã hội không mong muốn để bảo đảm sự hài hòa, ổn định của xã hội thành thị, nông thôn. Với sự phát triển của hệ thống tự quản dân chủ cấp cộng đồng, những thay đổi về chất đã diễn ra trong phương thức điều chỉnh mâu thuẫn xã hội ở cấp cộng đồng của Trung Quốc. Xã hội Trung Quốc không còn sử dụng hình thức đấu tranh tự phát để giải quyết các vấn đề xã hội. Từ đó, tự quản dân chủ cấp cộng đồng góp phần cải thiện trật tự xã hội. Theo đó, xã hội Trung Quốc về cơ bản đạt được chế độ tự quản dân chủ hiện đại. Điều này có tác động to lớn đến sự ổn định lâu dài của toàn xã hội Trung Quốc, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi, hiện đại hóa hơn nữa mô hình chính trị - xã hội của Trung Quốc.
Thứ tư, việc thực hành tự quản dân chủ của dân cư thành thị và nông thôn ở Trung Quốc thay đổi sâu sắc tư tưởng chính trị của người dân, thể hiện rõ nét các chức năng quản trị của nền dân chủ hiện đại. Làm thay đổi căn bản hành vi chính trị và lối sống của người dân, việc thực hành tự quản dân chủ đồng thời định hình lại một cách khách quan hành vi chính trị của toàn xã hội Trung Quốc, từ đó đặt nền tảng xã hội vững chắc cho dân chủ hóa trong quá trình hiện đại hóa Trung Quốc. Trên cơ sở đó, hệ thống tự quản dân chủ cấp cộng đồng của Trung Quốc ngày càng thể hiện những tác động và giá trị lâu dài, sâu sắc hơn trong sự phát triển của nền chính trị dân chủ đặc sắc Trung Quốc. Nhiều chuyên gia Trung Quốc nhận định: “Các tổ chức tự quản ở cơ sở thực sự là khóa học dân chủ cho người dân, đặc biệt là nông dân. Là một nước xã hội chủ nghĩa, nếu không trao quyền tự quản cho nhân dân ở mức độ nhất định, mà chỉ yêu cầu người dân thực hiện các nhiệm vụ được sắp xếp từ trên xuống dưới, về lâu dài là không khả thi. Nếu người dân có thể tự quản được, dân chủ sẽ thành thói quen, là nền tảng của ổn định lâu dài”(3).
Bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Thực tế vận hành các tổ chức tự quản ở Trung Quốc cho thấy một số vấn đề đang đặt ra. Một là, khi các tổ chức tự quản có quyền quyết định mọi vấn đề của mình, vậy vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng đối với các tổ chức tự quản ở đâu, thông qua hình thức, cơ chế gì? Hai là, làm thế nào thực hiện dân chủ một cách thực chất hơn trong hoạt động của tổ chức tự quản: Dân chủ trong bầu cử, dân chủ trong quyết định, dân chủ trong quản lý, dân chủ trong giám sát. Ba là, làm thế nào để kết nối hoạt động giữa chính quyền cơ sở với các tổ chức tự quản cho hiệu quả, trong khi về mặt pháp lý các tổ chức tự quản không trực thuộc quyền quản lý của chính quyền cơ sở.
Qua nghiên cứu trường hợp của Trung Quốc, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tự quản xã hội là hình thức thực hành dân chủ cơ sở có trật tự, có tác động tích cực đến xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thông qua các hình thức tổ chức tự quản, chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính sách, pháp luật của nhà nước được chuyển tới người dân, đồng thời các tổ chức tự quản xã hội cũng là kênh phản hồi ý chí, nguyện vọng của người dân tới chính quyền, bộ máy nhà nước. Các tổ chức tự quản góp phần giảm nhẹ công việc quản lý của chính quyền cơ sở, phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt của cộng đồng dân cư tham gia vào công tác quản lý xã hội chính nơi mình sinh sống. Từ đó, tự quản xã hội góp phần hình thành ý thức dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi trong cộng đồng dân cư, là môi trường đào tạo thực hành dân chủ trong xã hội. Từ thực tiễn ở Trung Quốc có thể khẳng định, tự quản xã hội là hình thức thực hành dân chủ có lợi cho việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cần tạo điều kiện cho hình thức này phát triển.
Thứ hai, xây dựng tự quản xã hội đòi hỏi phải triển khai từng bước tương ứng với cải cách và phát triển kinh tế. Tự quản xã hội là tất yếu, song lại tương ứng với mức độ phát triển kinh tế. Xây dựng và hình thành các tổ chức tự quản xã hội ở Trung Quốc là một quá trình, là kết quả tất yếu từ những cải cách kinh tế và biến đổi xã hội ở Trung Quốc. Quy luật chung là khi xã hội càng phát triển, kết cấu kinh tế càng phức tạp; tính đa dạng, phong phú và thường xuyên biến đổi của đời sống xã hội tất yếu đòi hỏi các hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, vừa giảm nhẹ công việc cho bộ máy nhà nước, vừa linh hoạt, thích ứng phù hợp với nhu cầu hết sức đa dạng và hay biến đổi của cộng đồng dân cư. Do đó, xây dựng tự quản xã hội là kết quả tất yếu của cải cách kinh tế, phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, phát triển của xã hội trong một thời kỳ nhất định.
Thứ ba, để xây dựng, phát triển tự quản xã hội có hiệu quả, cần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho sự tồn tại, phát triển của các hình thức tự quản xã hội. Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức tự quản xã hội một cách có hệ thống, từ mức độ cao nhất trong Hiến pháp đến văn bản luật và các chính sách, trợ cấp tài chính thúc đẩy các tổ chức tự quản xã hội. Đây là một kinh nghiệm quý để Việt Nam tham khảo và lựa chọn mức độ thừa nhận các tổ chức tự quản trên các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, xây dựng, phát triển các tổ chức tự quản xã hội cần có sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước. Quá trình xây dựng, phát triển các tổ chức tự quản xã hội của Trung Quốc gắn liền với quan điểm của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước Trung Quốc. Đi cùng với nó là sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tự quản được hình thành, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ nhất, bảo đảm quyền tự quyết của nhân dân đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của chính người dân, để thực hiện dân chủ một cách thực chất./.
------------------
(1) Ning Fang (ed), China’s Political System (Hệ thống chính trị của Trung Quốc), China Social Sciences Press, 2020, https://doi.org/10.1007/978-981-15-8362-9_8, p. 229
(2) China Civil Affair’s Statistical Yearbook 2012 (Niên giám thống kê các vấn đề dân sự Trung Quốc), China Statistics Press 2012, p. 154
(3) The Biography of Peng Zhen (Tiểu sử Bành Chân), Central Party Literature Press, 2012, Vol. 4, p. 1522
Công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và một số gợi mở đối với Việt Nam  (12/09/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc  (06/09/2023)
Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay  (31/08/2023)
Nâng cao đạo đức công vụ của công chức ở một số nước Đông Bắc Á và bài học kinh nghiệm cho Hà Nội  (18/07/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển