Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2022 và triển vọng năm 2023
TCCS - Trong năm 2022, mặc dù nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, chiếm 1/6 thương mại toàn cầu, nhưng nền kinh tế này đang lâm vào tình trạng khó khăn nhất kể từ khi đại dịch COVID bùng phát từ hơn hai năm trước. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay, trước tình trạng lạm phát tăng cao, cuộc khủng hoảng năng lượng nhiều biến động…, EU phải đối mặt với nguy cơ về một cuộc suy thoái khi rủi ro chồng chất.
Bức tranh kinh tế EU năm 2022
Bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine, tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU trong năm 2022 được đánh giá đạt những kết quả khả quan hơn so với dự báo do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi tháng 7-2022 (2,7%), với mức tăng trung bình 3,3% trên toàn EU, 3,2% đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) (1). Điều này là do sự khởi đầu mạnh mẽ vào đầu năm 2022, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, đời sống kinh tế - xã hội khu vực dần trở lại trạng thái hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2022, Eurozone bước vào giai đoạn khó khăn hơn. Tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, như giá năng lượng tăng cao, sức mua của các hộ gia đình bị giảm sút, chi phí sinh hoạt tăng, thương mại toàn cầu chậm lại và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn đã khiến EU, Eurozone và hầu hết các quốc gia thành viên rơi vào suy thoái. EU là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất, do vị trí địa lý gần khu vực xung đột và phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu khí đốt từ Nga. Do vậy, bước sang quý III-2022, EU đã phải thắt chặt tài chính hơn trong bối cảnh biến động chính trị kéo dài, phức tạp. Trong phân khúc trái phiếu chính phủ, lợi suất dài hạn tăng hơn khi các ngân hàng trung ương tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát gia tăng. Các phân khúc rủi ro hơn như cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn biến động, chủ yếu do chi phí tài trợ tăng, hoạt động kinh tế chậm lại, căng thẳng địa - chính trị và sự lo ngại về nguồn cung năng lượng. Không chỉ vậy, đồng euro tiếp tục trượt giá so với hầu hết các loại tiền tệ, đặc biệt là so với đồng USD. Nhìn chung, đồng euro giảm giá làm tăng thêm áp lực lạm phát, đặc biệt là do giá nhập khẩu cao hơn.
Mối quan tâm lớn nhất đối với nền kinh tế EU trong năm 2022 là khả năng tiếp cận nguồn cung năng lượng từ Nga do hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu như dòng vận chuyển khí đốt từ Nga ngừng chảy, các quốc gia thành viên EU dễ bị tổn thương như Slovakia, Séc và Hungary có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Các nhà dự báo hàng đầu của Đức cho biết, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ mất khoảng 220 tỷ euro (tương đương 225 tỷ USD) trong hai năm tới. Còn theo EC, 12 quốc gia thành viên EU đã bị cắt hoàn toàn hoặc một phần nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, lưu lượng khí đốt của Nga đến châu Âu chưa bằng 1/3 so với thời điểm năm 2021 (2). Theo đó, giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao đối với nhu cầu sử dụng để sưởi ấm, điện và các quy trình công nghiệp. Một mùa đông đặc biệt lạnh và việc mất nguồn cung khí đốt còn lại của Nga có thể kéo dài tình trạng khủng hoảng khí đốt cho đến mùa đông năm 2023 - 2024. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp EU đang phải đối mặt với hóa đơn tiện ích tăng vọt, dẫn đến việc một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như phân bón và thép.
Báo cáo từ Viện Nghiên cứu kinh tế Bruegel (Bỉ) được công bố vào tháng 9-2022 cho thấy, giá bán buôn điện và khí đốt đã tăng từ 5 - 15 lần kể từ đầu năm 2021 tại nhiều nước châu Âu. Chi phí để chính phủ các nước bù lại mức tăng giá điện và khí đốt trước khi thị trường tìm thấy điểm cân bằng mới với giá thấp hơn, là khoảng 1.000 tỷ euro (tương đương 1.070 tỷ USD) (3). Như vậy, gánh nặng chi phí năng lượng đè nặng lên ngân sách của EU. Chưa kể, mức độ can thiệp của các nước cũng dẫn đến nguy cơ phân mảnh khắp châu Âu. Các chính phủ có tài chính mạnh hơn sẽ quản lý tốt hơn cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách cạnh tranh với các nước láng giềng về nguồn năng lượng hạn chế trong những tháng mùa đông.
Trong ba tháng cuối năm 2022, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm mạnh sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 8-2022 (345 euro/MWh); và trước tình trạng nguồn cung cấp đường ống của Nga giảm mạnh, EU nhanh chóng tăng nhập khí đốt từ các nhà cung cấp khác, như Na Uy, Qatar và Mỹ; các kho chứa khí đốt gần như đã được lấp đầy và nhu cầu sử dụng khí đốt đã giảm mang đến hy vọng rằng, EU có thể tránh được trường hợp xấu nhất về tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng, hạn chế cung cấp và ngừng hoạt động công nghiệp trong những tháng tới. Tuy nhiên, các diễn biến tích cực trong ngắn hạn như vậy không thể giải quyết những thách thức mà các ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng của EU đang phải đối mặt do giá điện và khí đốt cao và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng năng lượng, các nền kinh tế EU còn phải chứng kiến tình trạng lạm phát ở mức cao kỷ lục. Năng lượng tiếp tục là nguyên nhân chính gây ra lạm phát hàng đầu, với giá lương thực tiếp tục tăng mạnh. Giá thực phẩm chế biến và chưa chế biến (bao gồm rượu và thuốc lá) tăng rõ rệt kể từ tháng 6-2022 (8,9%), với mức 13,1% vào tháng 10-2022 (4). Sự tăng tốc diễn ra trên diện rộng, đặc biệt mạnh ở các sản phẩm sữa, bánh mì và ngũ cốc, cho thấy sự mất giá của đồng euro và áp lực từ việc tăng chi phí đầu vào liên quan đến năng lượng, vận chuyển và tiền lương. Theo đó, lạm phát ở Eurozone tăng tốc trong quý III-2022, từ 8,6% trong tháng 6-2022 lên 9,9% trong tháng 9 và 10,7% trong tháng 10-2022. Tại EU, lạm phát tăng từ 9,6% trong tháng 6-2022 lên 10,9% trong tháng 9-2022. Tháng 10-2022, tỷ lệ lạm phát ở EU cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác (so với mức cao nhất được ghi nhận vào tháng 7-2008 khi giá cả tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2007). Trước khi lạm phát gia tăng gần đây, mức tăng giá ở EU đã được giữ ở mức tương đối thấp, với tỷ lệ lạm phát duy trì dưới 3% trong khoảng thời gian từ tháng 1-2012 đến tháng 8-2021. Đến tháng 12-2022, tỷ lệ lạm phát ở EU giảm xuống 10,40% so với mức 11,1% vào tháng 11-2022(5).
Tỷ lệ lạm phát cao làm giảm sự phát triển kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó đáng chú ý là sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng và đầu tư. Hệ quả cho thấy, một là, giá hàng tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của các hộ gia đình tư nhân. Kết quả là, họ cắt giảm nhu cầu đối với hàng tiêu dùng. Hai là, để đối phó với tỷ lệ lạm phát cao, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản. Lạm phát cao kéo dài buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất cơ bản. Trong năm 2022, ECB đã tăng thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) vào tháng 7-2022, đây là lần đầu tiên ngân hàng này tiến hành tăng lãi suất kể từ năm 2011 cho đến nay. Tiếp đó, đến tháng 9-2022, tăng 75 điểm cơ bản và tháng 11-2022 tăng thêm 75 điểm cơ bản. Tháng 12-2022, tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp, tăng 50 điểm cơ bản (6). Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tài trợ cho các khoản đầu tư. Đồng thời, việc mở rộng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu về hàng tiêu dùng giảm. Nhu cầu về tư liệu sản xuất vì thế cũng giảm sút. Ba là, các doanh nghiệp có hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất có nhu cầu thấp hơn sẽ cắt giảm sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Điều này dẫn đến việc giảm hơn nữa nhu cầu kinh tế chung đối với hàng tiêu dùng.
Khó khăn nữa cần kể đến đối với EU trong năm 2022 là sự suy thoái toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ suy thoái kinh tế trong từng quốc gia thành viên EU là khác nhau. Tỷ lệ lạm phát ở các nước Trung và Đông Âu trong năm 2022 cao hơn đáng kể so với hầu hết các nước EU khác. Tình trạng thiếu nguyên liệu thô trên toàn cầu và sự gián đoạn trao đổi thương mại với Nga đang tác động nặng nề đến các nền kinh tế Trung và Đông Âu. Mặt khác, một số nền kinh tế Trung và Đông Âu sử dụng nhiều năng lượng và do đó, phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên, than đá và dầu mỏ. Giá năng lượng tăng cũng tác động mạnh đến các quốc gia này. Mặc dù tỷ lệ lạm phát hằng năm dự kiến sẽ giảm vào năm 2023, nhưng tỷ lệ lạm phát ở Trung và Đông Âu sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mức chung của EU.
Về thị trường lao động, trên thực tế, tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục là một thách thức đối với các doanh nghiệp EU. Theo khảo sát của Deloitte (Central European CFO survey), tình trạng thiếu lao động lành nghề là một trong những rủi ro hàng đầu đối với các doanh nghiệp ở Đức, Hà Lan và Áo. Tuy nhiên, bất chấp những “cơn gió ngược” về tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động ở Eurozone thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ, với hơn 213 triệu người lao động (7) - mức cao kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 6,6% trong tháng 9-2022 (8). Điều này cho thấy những bất ổn và nỗi lo suy thoái không tác động lớn đến thị trường lao động.
Như vậy, theo Eurostat, sự hỗ trợ của các chính phủ EU đã giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao, giúp nền kinh tế EU trong quý IV-2022 vẫn tăng 0,1% so với quý III-2022 (9). Nền kinh tế EU cũng đã thể hiện một số khả năng phục hồi ngoài mong đợi. Các số liệu gần đây cho thấy tăng trưởng có thể đã suy giảm xuống mức thấp nhất và quá trình phục hồi chậm chạp đang diễn ra. Chỉ số Stoxx 600 (10) theo dõi các cổ phiếu toàn châu Âu đã tăng nhiều phiên liên tiếp và hiện tăng 3% kể từ đầu năm; DAX (Đức) (11) cũng tăng 1,8%; CAC 40 (Pháp) (12) lên 1,9%; chỉ số FTSE 100 (13) tăng 0,4% (14).
Triển vọng nền kinh tế EU năm 2023
Theo các chuyên gia phân tích, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế EU trong năm 2023 gặp nhiều rủi ro, nhất là khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn và khả năng nền kinh tế EU vẫn tiếp tục bị gián đoạn. Nguy cơ lớn nhất đến từ những diễn biến bất lợi trên thị trường khí đốt và sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Ngoài nguồn cung cấp khí đốt, EU vẫn phải hứng chịu những cú sốc tiếp theo đối với các thị trường hàng hóa khác do căng thẳng địa - chính trị gây ra. Cụ thể:
Một là, nguy cơ suy thoái, nền kinh tế tăng trưởng thấp.
Theo Sylvain Broyer, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại S&P Global Ratings, suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Ông lưu ý trong một nghiên cứu gần đây rằng, tài chính hộ gia đình vẫn mạnh và đầu tư công đang gia tăng. S. Broyer nhận định, mặc dù sự suy giảm mạnh về tăng trưởng là chắc chắn 100%, nhưng khả năng xảy ra suy thoái toàn diện sẽ nhỏ hơn, khoảng từ 30% đến 43% (15).
Theo dự báo của EC đưa ra vào tháng 11-2022, mức tăng trưởng GDP của EU nói chung, Eurozone nói riêng trong năm 2023 sẽ đạt mức thấp nhưng vẫn có dấu hiệu tích cực là 0,3%. Năm 2024, mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn là 1,6% đối với EU và 1,5% đối với Eurozone (16). Lạm phát giảm nhanh và tiền lương tăng mạnh sẽ là những yếu tố thúc đẩy thu nhập khả dụng thực tế của các hộ gia đình, dẫn đến sự phục hồi trong tiêu dùng cá nhân. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến sẽ có tác động mạnh mẽ hơn vào năm 2024. Đối với thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone được dự báo tăng lên 7,2% vào năm 2023, trước khi giảm xuống 7% vào năm 2024 (17).
Theo ước tính của các nhà phân tích và mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics, tình trạng nợ công ở EU dự kiến sẽ là 89% GDP vào cuối năm 2023. Về dài hạn, nợ công EU được dự đoán sẽ có xu hướng ở khoảng 87% GDP vào năm 2024 và 85% GDP vào năm 2025 (18). Trong đó, nợ công Eurozone tiếp tục giảm từ mức 93,6% năm 2022 xuống 92,3% GDP năm 2023 và đạt 91,4% GDP năm 2024 (19). EC cũng cho biết, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, song sẽ giảm xuống 6,1% trong Eurozone vào năm 2023 và 2,6% vào năm 2024 (20).
Bên cạnh đó, tăng trưởng danh nghĩa mạnh mẽ trong ba quý đầu năm 2022 và việc ngừng hỗ trợ đại dịch COVID-19 đã giúp giảm thâm hụt chính phủ, tuy nhiên, tổng thâm hụt chính phủ sẽ tăng nhẹ trở lại vào năm 2023, do hoạt động kinh tế suy yếu, chi tiêu lãi suất tăng và các chính phủ đưa ra những biện pháp mới để giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao. Từ mức 3,5% GDP vào năm 2022, thâm hụt trong Eurozone được dự báo sẽ tăng lên 3,7% GDP vào năm 2023 và giảm xuống 3,3% vào năm 2024 (21).
Lãi suất danh nghĩa ngắn hạn dự kiến sẽ tăng từ mức hiện tại lên 2,8% vào đầu năm 2023, sau đó sẽ đạt mức cao nhất là 3,2% vào giữa năm 2023 trước khi giảm xuống 3% vào cuối năm 2024. Do lạm phát dự kiến sẽ giảm dần, lãi suất thực tế ngắn hạn dự kiến sẽ tăng một cách bền vững và sẽ chuyển biến tích cực vào quý II-2024. Ở các quốc gia thành viên EU, lãi suất ngắn hạn trong năm 2023 cũng được ấn định là tiếp tục tăng ở hầu hết các quốc gia trước khi giảm nhẹ vào năm 2024 (22).
Ngày 2-2-2023, ECB đã quyết định tăng lãi suất cơ bản tại Eurozone thêm 0,5 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp của ngân hàng này. Sau quyết định trên, ba loại lãi suất chính của ECB là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều tăng lần lượt lên các mức 3%, 3,25% và 2,5%, đưa lãi suất tiền gửi lên mức cao nhất kể từ năm 2000. Dự kiến lộ trình tăng lãi suất sẽ được duy trì với tốc độ ổn định và được giữ ở mức phù hợp để bảo đảm lạm phát trở lại theo đúng mục tiêu trung hạn là 2% (23).
Hai là, khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp diễn.
Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, trong năm 2023, mức chênh lệch cung - cầu khí đốt của châu Âu được dự kiến lên tới 27 tỷ m3. Khối lượng thiếu hụt này chiếm khoảng 6,8% nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên của châu Âu trong năm 2023 (24). Các rủi ro có thể dẫn đến sự thiếu hụt khí đốt ở EU, đó là: 1- Nga đã chuyển khoảng 60 tỷ m3 khí đốt tới EU trong suốt năm 2022, có thể ngừng hoàn toàn dòng chảy vào năm 2023; 2- Nhiệt độ ấm vào đầu mùa đông 2023 có thể không kéo dài, thay vào đó, thời tiết băng giá bao trùm toàn bộ khu vực Bắc Âu; 3- Thị trường khí đốt tự nhiên có thể bị rung chuyển nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc trở lại khi các hạn chế liên quan tới dịch bệnh COVID-19 được dỡ bỏ.
Theo báo cáo của IEA, năm 2023, EU có thể thiếu hụt nguồn cung lên tới 57 tỷ m3. Khoảng 30 tỷ m3 trong số đó sẽ được bảo đảm nhờ việc tích cực dự trữ và nỗ lực tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt trong khoảng thời gian từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023 của các nước thành viên EU. Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ nếu dòng khí đốt qua đường ống của Nga đến châu Âu ngừng hoàn toàn từ đầu năm 2023, số lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của Trung Quốc trở lại mức của năm 2021 và các cơ sở lưu trữ của châu Âu chỉ được lấp đầy 30% vào cuối mùa đông 2023. Theo IEA, sự thiếu hụt còn lại có thể được giảm nếu EU nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng máy bơm nhiệt... Tuy nhiên, để thực hiện những đề xuất này sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỷ euro (tương đương 106 tỷ USD) (25).
Ngày 5-2-2023, EU đã đưa ra quyết định ngừng mua xăng dầu tinh chế từ Nga (bao gồm dầu diesel, dầu khí và dầu nhiên liệu), đồng thời hạn chế doanh nghiệp vận tải và bảo hiểm châu Âu cung cấp dịch vụ cho xăng dầu từ Nga sang các nước khác nếu giá bán vượt quá mức trần (26). Như vậy, EU ngừng mua bán hoàn toàn dầu mỏ của Nga sau khi đã ngừng mua dầu thô của Nga từ cuối năm 2022. Đồng thời, các chính phủ EU kết hợp các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đa dạng hóa quốc gia nhập khẩu năng lượng đã phần nào giải quyết được tình trạng thiếu hụt năng lượng. Tuy nhiên, giới chuyên gia quan ngại rằng, liệu sự đồng thuận của EU trong việc hạn chế nguồn cung năng lượng từ Nga có thực sự tạo niềm tin vào thị trường, vào các khoản đầu tư và có thể giúp nền kinh tế EU hướng đến triển vọng tốt hơn hay không, để từ đó tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế của EU trong năm 2023.
Có thể nói, trải qua những khó khăn và biến động về địa - chính trị tại khu vực trong năm 2022, mặc dù EU và các nước thành viên đã có những biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, chống lạm phát, tăng chi tiêu và thúc đẩy việc làm..., song bước sang năm 2023, dự báo nền kinh tế EU tiếp tục tăng trưởng chậm và có dấu hiệu đi vào suy thoái kinh tế do vẫn chịu hậu quả nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng như lạm phát kinh tế toàn cầu./.
-------------------------
(1), (8), (17), (20) Maria Martinez: “EU lowers 2023 growth outlook, raises inflation forecasts as war in Ukraine takes toll” (Tạm dịch: EU hạ triển vọng tăng trưởng năm 2023, tăng dự báo lạm phát dưới tác động của xung đột ở Ukraine), ngày 11-11-2022, https://www.marketwatch.com/story/eu-lowers-2023-growth-outlook-raises-inflation-forecasts-as-war-in-ukraine-takes-toll-271668161215
(2), (15), (24), (25) Julia Horowitz: “Europe’s economy is in dire straits. This week presents a crucial test” (Tạm dịch: Nền kinh tế châu Âu đang trong tình trạng khó khăn. Tuần này sẽ là bài kiểm tra quan trọng), ngày 21-7-2022,
https://edition.cnn.com/2022/07/20/economy/europe-recession-risk/index.html#:~:text=An%20economic%20forecast%20the%20European%20Commission%20released%20last,of%208.3%25%20this%20year%20before%20falling%20to%204.6%25
(3) Việt An: “Tiền của châu Âu không đủ “xoa dịu” thị trường năng lượng, khủng hoảng kéo dài đến bao giờ?”, ngày 5-2-2023, https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tien-cua-chau-au-khong-du-xoa-diu-thi-truong-nang-luong-khung-hoang-keo-dai-den-bao-gio-677631.html
(4), (6), (16), (22) European Commission: “European Economic Forecast: Autumn 2022” (Tạm dịch: Dự báo kinh tế châu Âu: Mùa thu năm 2022), tháng 11-2022, https://economy-finance.ec.europa.eu/economic-forecast-and-surveys/economic-forecasts/autumn-2022-economic-forecast-eu-economy-turning-point_en
(5) Eurostat: “European Union Inflation Rate” (Tạm dịch: Tỷ lệ lạm phát của Liên minh châu Âu), tháng 12-2022,
https://tradingeconomics.com/european-union/inflation-rate#:~:text=In%20the%20long-term%2C%20the%20European%20Union%20Inflation%20Rate,percent%20in%202023%2C%20according%20to%20our%20econometric%20models
(7) NL Times: “Pessimism over EU economy; Dutch GDP growth to hit 4.6% this year, 0.6% next year” (Tạm dịch: Bi quan về kinh tế EU; tăng trưởng GDP của Hà Lan đạt 4,6% trong năm nay, 0,6% trong năm tới), ngày 11-11-2022, https://nltimes.nl/2022/11/11/pessimism-eu-economy-dutch-gdp-growth-hit-46-year-06-next-year
(9) Phiên An: “Kinh tế châu Âu tăng nhanh hơn Mỹ”, ngày 1-2-2023, https://vnexpress.net/kinh-te-chau-au-tang-nhanh-hon-my-4565570.html
(10) Chỉ số Stoxx 600 hay Stoxx Europe 600 là một chỉ số chứng khoán của chứng khoán châu Âu được lập ra bởi Stoxx Ltd với số lượng cố định là 600 công ty, trong đó có các công ty vốn lớn trong 18 quốc gia châu Âu, bao gồm khoảng 90% cổ phiếu free-float của thị trường chứng khoán châu Âu. Các nước tạo nên chỉ số bao gồm Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Anh
(11) Chỉ số DAX (Deutscher Aktien Index) là một chỉ số thị trường chứng khoán đại diện cho 30 công ty lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất của Đức giao dịch trên sàn giao dịch Frankfurt
(12) CAC 40 (Cotation Assistée en Continu) - chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Pháp. Chỉ số được tính như con số trung bình của tổng giá trị 40 công ty lớn nhất Pháp. Cổ phiếu các công ty này được giao dịch tự do tại sàn Euronext Paris
(13) Chỉ số FTSE 100 là chỉ số giá cổ phiếu của 100 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London (LSE)
(14) Hà Thu: “Châu Âu có thể không suy thoái sâu”, ngày 5-1-2023, https://vnexpress.net/chau-au-co-the-khong-suy-thoai-sau-4556664.html
(18) Eurostat: “European Union Government debt to GDP” (Tạm dịch: Nợ Chính phủ Liên minh châu Âu trên GDP), 2022, https://tradingeconomics.com/european-union/government-debt-to-gdp.
(19) Jan Strupczewski: “EU exec revises up 2022 euro zone growth forecast, sees bigger slowdown in 2023” (Tạm dịch: EU điều chỉnh dự báo tăng trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2022, chứng kiến sự chậm lại lớn hơn vào năm 2023), ngày 11-11-2022, https://www.reuters.com/markets/europe/eu-exec-revises-up-2022-euro-zone-growth-forecast-sees-bigger-slowdown-2023-2022-11-11/
(21) David Mchugh: “EU expects recession to hit this year as inflation hangs on” (Tạm dịch: EU dự đoán suy thoái sẽ xảy ra trong năm nay khi lạm phát tiếp tục), ngày 11-11-2022, https://abcnews.go.com/International/wireStory/eu-expects-recession-hit-europe-inflation-hangs-93107243
(23) Vũ Tùng: “ECB tiếp tục tăng lãi suất và để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ”, ngày 2-2-2023, https://bnews.vn/ecb-tiep-tuc-tang-lai-suat-va-de-ngo-kha-nang-die-u-chi-nh-chi-nh-sa-ch-tie-n-te/279621.html
(26) Solcyre Burga: “Europe and the G7 Are Stepping Up Fossil Fuel-Related Sanctions on Russia” (Tạm dịch: Châu Âu và G7 đang tăng cường các biện pháp trừng phạt liên quan đến nhiên liệu hóa thạch đối với Nga), ngày 5-2-2020, https://time.com/6253071/eu-embargo-russian-diesel/?fbclid= IwAR0o5 piQyy097Cb5zvpIR1cMrk0Zv_d-hM3Z-FM4kfq5bBRm9G7SxoKr-UY
Kinh tế Nga năm 2021 và những thách thức trong năm 2022  (08/03/2022)
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng  (03/03/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển