Xu hướng phát triển mới của lực lượng cánh tả tại khu vực Mỹ La-tinh trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI
TCCS - Trong một môi trường thế giới nhiều biến động và một khu vực đang có những phát triển mới, phong trào cánh tả tại khu vực Mỹ La-tinh thời gian qua đã giành được những thắng lợi khích lệ, trở thành lực lượng chính trị phổ biến tại hầu hết các nước Mỹ La-tinh. Đây là cơ hội mới, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của lực lượng cánh tả tại khu vực Mỹ La-tinh trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với những đặc điểm đặc trưng cho khu vực.
Những động lực thúc đẩy sự phát triển mới, khác về chất so với những năm đầu thế kỷ XXI
Phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh phát triển mạnh nhất trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI kể từ khi Tổng thống Hu-gô Cha-vét lên nắm quyền ở Vê-nê-xu-ê-la năm 1998. Thời kỳ này, Vê-nê-xu-ê-la đã xây dựng được một liên minh các lực lượng cánh tả trong khu vực. Cho đến năm 2009, thông qua bầu cử dân chủ, các chính phủ cánh tả đã được thành lập ở 14 quốc gia, bao gồm các nước chủ chốt ở Mỹ La-tinh, như Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê, U-ru-goay, Pa-ra-goay, Ê-cu-a-đo và Bô-li-vi-a... với tổng số gần 3/4 số dân Nam Mỹ. Tuy vậy, làn sóng cánh tả thời gian này không hoàn toàn đồng nhất về hệ tư tưởng và thiếu tính ổn định về chính trị, với ba lực lượng chính, bao gồm lực lượng cánh tả cấp tiến tại các nước Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a, Ê-cu-a-đo và Pa-ra-goay, lực lượng cánh tả ôn hòa tại Bra-xin, U-ru-goay, Chi-lê và dao động giữa lực lượng cánh tả ôn hòa và lực lượng cánh tả cấp tiến như tại Ác-hen-ti-na. Theo đó, trong bối cảnh bùng nổ sản xuất hàng hóa trên phạm vi toàn cầu, làn sóng cánh tả trong thập niên đầu của thế kỷ XXI có đặc điểm là sử dụng nguồn lực từ xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên để củng cố nền kinh tế, tài trợ cho các chính sách công, giảm nghèo và bất bình đẳng.
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, với thắng lợi của các lực lượng tiến bộ tại khu vực Mỹ La-tinh, một chu kỳ chính trị cánh tả mới đã trở lại khu vực. Bảy nước đông dân nhất khu vực, trong đó có năm nền kinh tế lớn nhất đã có các chính phủ cánh tả, bao gồm Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Mê-hi-cô, Pê-ru và Ôn-đu-rát. Như vậy, bên cạnh các trụ cột duy trì phong trào cánh tả Mỹ La-tinh, như Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la, phong trào cánh tả có thêm động lực phát triển mạnh mẽ với các nhà lãnh đạo có tầm nhìn khu vực như Tổng thống Cô-lôm-bi-a Gút-xta-vô Pê-tơ-rô và Tổng thống Bra-xin Lu-i I-na-xi-ô Lu-la đa Sin-va, để thúc đẩy hội nhập khu vực, tăng cường hợp tác Nam - Nam, có những chính sách độc lập hơn với Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, với tư cách là quốc gia lớn nhất có ảnh hưởng lớn trong khu vực, Bra-xin dự kiến thúc đẩy sự phục hồi của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS, bao gồm cả việc kết nạp Ác-hen-ti-na), đồng thời mang lại sức sống mới cho Diễn đàn Sao Pao-lô và nâng cao vị thế của lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh trong các diễn đàn đa phương khu vực khác, như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB). Cùng với đó, thông qua Sáng kiến Hòa bình toàn diện, Cô-lôm-bi-a sẽ tăng cường sự hợp tác vì lợi ích chung cho khu vực. Chủ nghĩa đa phương của các lực lượng cánh tả khu vực sẽ giúp liên kết hơn nữa với các nước theo đường lối cánh tả trên thế giới.
Sự phát triển của phong trào cánh tả khu vực Mỹ La-tinh hiện nay cũng có những đặc điểm, thuận lợi và thách thức mới so với các chính phủ cánh tả trong những năm đầu thế kỷ XXI. Khác với trước đây, lực lượng cánh tả khu vực Mỹ La-tinh hiện nay tập trung vào các vấn đề phúc lợi, công bằng xã hội, môi trường và cam kết duy trì nền dân chủ, vốn phù hợp với chương trình nghị sự của các chính phủ cánh tả mới. Triển vọng này mở ra cơ hội đẩy mạnh hội nhập khu vực, hiện thực hóa cam kết của các nhà lãnh đạo khu vực Mỹ La-tinh thông qua sự quan tâm nhiều hơn đến hợp tác khu vực, tăng cường vị thế của các tổ chức khu vực và hạn chế sự can thiệp của các nước lớn. Trong khi đó, uy tín của Mỹ, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đang có chiều hướng suy giảm tại khu vực, cũng là cơ hội để các nước Mỹ La-tinh đoàn kết và hội nhập khu vực chặt chẽ hơn. Sau Hội nghị thượng đỉnh OAS lần thứ 9 vào tháng 6-2022 với rất ít các nhà lãnh đạo khu vực tham dự, uy tín của chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn ở Mỹ La-tinh dường như bị giảm sút đáng kể. Với chính phủ cánh tả lần đầu tiên trong lịch sử, Cô-lôm-bi-a - từng được coi là đối tác chủ chốt trong các mối quan hệ của Mỹ với Mỹ La-tinh, thậm chí còn được Mỹ coi là một đồng minh ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã bình thường hóa quan hệ với Vê-nê-xu-ê-la và có những cách tiếp cận và chính sách độc lập hơn với Mỹ.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà lãnh đạo cánh tả hiện nay phải đối mặt với một viễn cảnh quốc tế, khu vực và nội bộ quốc gia có nhiều thách thức hơn so với những năm đầu thế kỷ XXI. Trước hết, đó là sự thất vọng của người dân tích tụ sau nhiều năm do nền kinh tế tăng trưởng thấp, phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19, bất bình đẳng gia tăng. Đồng thời, các chính phủ mới sẽ phải dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn để giải quyết các vấn đề trong nước, như khủng hoảng nội bộ tại Bra-xin, Chi-lê, Ác-hen-ti-na hay Cô-lôm-bi-a. Ngoài ra, như một đặc điểm cố hữu của khu vực, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh hiện nay chưa thực sự đồng nhất mà là sự đan xen giữa các lực lượng cánh tả triệt để tại Cu-ba, Ni-ca-ra-goa, Vê-nê-xu-ê-la; trung dung tại Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Pê-ru; có chính phủ cánh tả, nhưng có lợi ích tương quan chặt chẽ với Mỹ như trường hợp của Mê-hi-cô; hay theo đường lối thực tế như các chính phủ cánh tả mới tại Bra-xin và Cô-lôm-bi-a; hoặc mang tính chất cấp tiến như tại Chi-lê. Đồng thời, các chính phủ cánh tả giành được quyền lực sau các chu kỳ bầu cử với đặc trưng là sự thất bại của các đảng cầm quyền vì những sai lầm trong nhiệm kỳ, do đó, cũng phải đối mặt với sự phân hóa ý thức hệ, sự phân cực chính trị, sự phản đối của người dân với các đảng cầm quyền cũ và sự khắt khe đối với các đảng mới lên cầm quyền.
Những thuận lợi về liên kết ý thức hệ, mở rộng hợp tác khu vực
Mỹ La-tinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại U-crai-na. Khác với hai thập niên trước đây, xã hội Mỹ La-tinh hiện nay cũng thiếu ổn định hơn khi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, bộc lộ nhiều hơn những bất ổn của mô hình kinh tế tân tự do và chủ nghĩa tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế Mỹ La-tinh chủ yếu hướng tới xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, uy tín và sự tín nhiệm của cử tri đối với các chính phủ cánh tả đang ngày càng chiếm ưu thế trong khu vực. Hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống gần đây đã mang lại chiến thắng cho các đảng phái cánh tả. Cho đến nay, cả các quốc gia không tham gia làn sóng cánh tả đầu tiên trong những năm đầu thế kỷ XXI, như Mê-hi-cô, Cô-lôm-bi-a và Pê-ru cũng đã có chính phủ cánh tả cầm quyền, trong khi xu hướng cho thấy nhiều khả năng các lực lượng cánh tả sẽ trở lại nắm quyền ở U-ru-goay và Ê-cua-đo trong thời gian tới.
Chính vì vậy, làn sóng cánh tả thứ hai này được cho là sẽ tăng cường sự hội nhập khu vực với trọng tâm là liên kết sản xuất và tạo thuận lợi cho sự di chuyển của người dân, thúc đẩy các khoản đầu tư xã hội mang tính cấp bách và các giải pháp cho các vấn đề như khủng hoảng khí hậu, nạn phá rừng, khắc phục đại dịch COVID-19, loại bỏ mô hình kinh tế tân tự do và ứng phó với xu hướng phát triển kinh tế dựa trên kiến thức và công nghệ. Bên cạnh đó, các phong trào xã hội đang nổi lên mạnh mẽ hơn nhiều so với hai thập niên trước sẽ đòi hỏi các chính phủ cánh tả phải có các hình thái quản trị xã hội mới để bảo đảm việc huy động và phát huy sự tham gia của lực lượng quần chúng nhân dân. Cũng trong xu thế đó, hội nhập khu vực cũng ngày càng nhận được sự quan tâm và mong muốn của người dân Mỹ La-tinh. Sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ và các tổ chức đa phương do Mỹ dẫn dắt sẽ tạo điều kiện cho sự hồi sinh của chủ nghĩa đa phương và hợp tác khu vực. Do vậy, lực lượng cánh tả khu vực Mỹ La-tinh giai đoạn này được đánh giá là động lực mạnh mẽ đối với sự hội nhập của khu vực cả về tổ chức, tập hợp lực lượng theo hệ tư tưởng và trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cụ thể là:
Trước hết, lực lượng cánh tả khu vực Mỹ La-tinh sẽ phục hồi và củng cố vai trò của các tổ chức hợp tác khu vực. Những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, địa lý là điều kiện thuận lợi để các nước Mỹ La-tinh đoàn kết, hợp tác cùng phát triển dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả. Trong nhiều thập niên, các nước Mỹ La-tinh đã nỗ lực xây dựng các thể chế nhằm tăng cường hội nhập khu vực, như Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC), UNASUR, Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Diễn đàn vì sự tiến bộ của Nam Mỹ (PROSUR), Cộng đồng các quốc gia vùng An-đét (CAN), Thị trường chung Ca-ri-bê (CARICOM)... Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức này chưa phát huy được hiệu quả trong toàn khu vực hoặc khó tồn tại vì nhiều lý do, như sự thách thức về địa lý, sự thay đổi về chính trị và nhất là thiếu sự liên kết về ý thức hệ giữa các chính phủ. Những nỗ lực hội nhập khu vực ở Mỹ La-tinh mới chỉ dừng ở những tuyên bố thành lập các tổ chức mới, hình thành một mạng lưới các sáng kiến và thể chế phức tạp với các mục tiêu chồng chéo, mà chưa tạo dựng được tiếng nói chung cho khu vực Mỹ La-tinh. Hiện tại, với hệ quả từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại U-crai-na, khu vực này sẽ phải trải qua nhiều thách thức hơn về các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng. Những khó khăn này đặt ra yêu cầu đối thoại và hợp tác trong châu lục, không loại trừ bất kỳ quốc gia nào trong sự đa dạng của khu vực Nam Mỹ.
Do vậy, tiến trình hội nhập khu vực của Mỹ La-tinh hiện đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Sự trở lại nắm quyền của các chính phủ cánh tả trong khu vực, nhất là tại các quốc gia đông dân nhất ở Mỹ La-tinh với đa số các nhà lãnh đạo trong khu vực đều đề cao giá trị của hội nhập và hợp tác sẽ tạo cơ hội để xây dựng các mô hình hợp tác hậu đại dịch COVID-19. Trong tiến trình này, với đặc điểm đa dạng tại Mỹ La-tinh, mỗi nước trong khu vực có cách tiếp cận khác nhau. Trong khi Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba tiếp tục kiên trì sự tương đồng về ý thức hệ và lý tưởng thống nhất của các dân tộc ở Nam Mỹ theo tinh thần của Nhà giải phóng dân tộc Xi-môn Bô-li-va,các nước như Cô-lôm-bi-a chú trọng các sáng kiến thực tế trong chính sách đối ngoại bên cạnh việc phát huy những điểm tương đồng về ý thức hệ. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường đoàn kết, thống nhất, các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh cần tập trung xây dựng những cách thức điều phối khu vực mới để tận dụng, cải thiện sự hợp tác giữa các nước với những thể chế đa dạng hiện nay tại Mỹ La-tinh, nhất là với các tổ chức có vai trò bao trùm toàn khu vực, như CELAC, UNASUR, PA, CAN, CARICOM...
Trên cơ sở đó, trong số các tổ chức khu vực, CELAC có triển vọng và tiềm năng phát triển mạnh nhất. Đây vốn là một tổ chức hội nhập khu vực với cơ chế đồng thuận chính trị, bao gồm tất cả các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê. Sự phát triển của lực lượng cánh tả khu vực một lần nữa tạo cơ hội cho CELAC phát triển, đóng vai trò chủ chốt trong giải quyết các vấn đề khu vực và làm đối trọng với OAS do Mỹ chi phối. Việc phục hồi CELAC cũng giúp tăng thêm nguồn lực cho khu vực thông qua các quan hệ đối tác quan trọng như Chương trình nghị sự năm 2030 cho sự phát triển bền vững ở Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (SDG Gateway). Đây là các quan hệ đối tác quan trọng để tăng cường tài trợ và viện trợ phát triển với sự tham gia của 33 quốc gia và 20 cơ quan, tổ chức liên chính phủ và các tổ chức tài chính cam kết xóa đói, giảm nghèo, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và việc làm trong khu vực. Bên cạnh đó, xu hướng chú trọng đến chủ nghĩa đa phương của Mỹ La-tinh sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác CELAC - Trung Quốc nhằm hạn chế ảnh hưởng bá quyền của Mỹ trong khu vực.
Với UNASUR, tại Hội nghị các tổ chức hữu nghị nhân dân tại Cô-lôm-bi-a vào ngày 14-11-2022, các cựu tổng thống, cựu bộ trưởng ngoại giao và học giả các nước Mỹ La-tinh nhất trí kêu gọi khôi phục hoạt động của UNASUR. Động thái này thể hiện mong muốn của các nước khu vực trong việc phục hồi các tổ chức cánh tả vì sự đoàn kết và hội nhập tại Mỹ La-tinh. Ngoài ra, với việc các nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương (PA) bao gồm Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Pê-ru và Mê-hi-cô đều có chính phủ cánh tả, khối này sẽ đẩy mạnh việc thiết lập các mối quan hệ linh hoạt và thực dụng để đạt được hội nhập sâu rộng khi nền kinh tế của khối đại diện cho 41% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ La-tinh và 40% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực. Xu hướng này giúp cho việc hợp tác chặt chẽ hơn với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Không chỉ vậy, lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh sẽ đẩy mạnh quan hệ Nam - Nam và các tổ chức khu vực khác, như MECOSUR, CARICOM, CAN... với sự đoàn kết thống nhất cao hơn và bao trùm hơn trong khu vực. Với xu thế phát triển mới, chính phủ cánh tả các nước Mỹ La-tinh ủng hộ xu hướng đối thoại, giúp khu vực vượt qua khác biệt về hệ tư tưởng và đảng phái chính trị. Trên thực tế, quan hệ đối ngoại và hợp tác khu vực đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của chương trình nghị sự về hòa bình và chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, sự đoàn kết và xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực có cùng lợi ích sẽ mang lại lợi thế cho các chính phủ cánh tả trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.
Thứ hai, lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực. Sự đồng thuận của lực lượng cánh tả được cho là động lực giúp khu vực vượt qua sự chia rẽ về chính trị, tăng cường thương mại khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khi trao đổi hàng hóa trong khu vực hiện nay chiếm chưa tới 1/5 tổng kim ngạch thương mại. Đồng thời, hội nhập kinh tế ước tính cũng giúp GDP của các nền kinh tế như Bra-xin, Ác-hen-ti-na có thể tăng hơn 1 điểm phần trăm mỗi năm. Việc kết nối kinh tế khu vực giúp phát triển mạng lưới sản xuất, cung ứng, bảo đảm sản xuất và việc làm, thích ứng công nghệ, đổi mới, đa dạng hóa và phát triển kinh tế, mang lại những thành công tương tự như tại châu Á và Đông Âu. Sự thống nhất và mong muốn tăng cường hội nhập khu vực của các chính phủ Mỹ La-tinh hiện nay là cơ hội chưa từng có để Mỹ La-tinh cải cách, khôi phục và “hồi sinh” các nền kinh tế. Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đang là cơ hội cho Mỹ La-tinh khi cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đang làm giảm tính hấp dẫn của lao động giá rẻ tại Trung Quốc và châu Á; giúp khắc phục những lỗ hổng về khoảng cách địa lý của chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19, cũng như đáp ứng các cam kết về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, căng thẳng địa - chính trị đang đe dọa các mạng lưới sản xuất và thương mại toàn cầu cũng tạo ra cơ hội cho hội nhập khu vực và phát triển kinh tế Mỹ La-tinh. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc đang mở ra không gian cho các nước Mỹ La-tinh tham gia chuỗi sản xuất khi các công ty đa quốc gia đẩy mạnh việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế. Cuộc xung đột tại U-crai-na và các lệnh trừng phạt tài chính liên quan buộc các công ty phải nhanh chóng chuyển đổi nguồn cung ứng, tìm các nhà cung cấp gần và an toàn hơn với giải pháp đẩy mạnh kết nối kinh tế theo khu vực.
Trong bối cảnh đó, Mỹ La-tinh có lợi thế gần với thị trường Bắc Mỹ, bên cạnh quyền ưu đãi tiếp cận thị trường khi hầu hết các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Mỹ chủ yếu ở Tây Bán cầu. Các nước khu vực có FTA với Mỹ sẽ có lợi thế về thuế, giảm rào cản về thương mại và sở hữu trí tuệ, tạo thuận lợi và hấp dẫn hơn cho đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Mỹ La-tinh còn có lợi thế về nhân khẩu học và đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi kinh tế xanh. Siêu chu kỳ hàng hóa tiếp theo trên thế giới sẽ là phát triển kinh tế xanh, trong khi Mỹ La-tinh sở hữu nhiều kim loại hiếm cần thiết cho các công nghệ mới này, như lithium, đồng, graphite, coban, niken, mangan... khiến khu vực có tiềm năng trở thành điểm đến cho các công ty đa quốc gia đang tìm cách đáp ứng các cam kết về khí hậu và giảm phát thải khí các-bon trên toàn cầu.
Đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức
Thứ nhất, vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của các nước lớn tại Mỹ La-tinh làm gia tăng sự phức tạp trong quá trình phát triển của lực lượng cánh tả và hợp tác khu vực. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc tại Mỹ La-tinh khiến quá trình hợp tác khu vực trở nên phức tạp hơn khi cả hai cường quốc có mối quan hệ chặt chẽ và chiến lược với các đối tác khác nhau trong khu vực. Trung Quốc ngày càng củng cố mối quan hệ với Mỹ La-tinh và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư đáng kể với mức độ can dự ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực quan trọng, cả về kinh tế, thương mại, đầu tư, hạ tầng, công nghệ cao, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội. Cho đến nay, Trung Quốc cam kết đầu tư 250 tỷ USD vào Mỹ La-tinh và trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực, chỉ sau Mỹ. Về phía Mỹ, nước này có những điều chỉnh chính sách đối ngoại với khu vực trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và vai trò ảnh hưởng của Mỹ ngày càng suy giảm tại Mỹ La-tinh. Các chính sách của Mỹ nhằm gây áp lực cho các nước kiên định đường lối cánh tả trong khu vực, như Cu-ba, Ni-ca-ra-goa và Vê-nê-xu-ê-la không có nhiều tác dụng và ngày càng bị các nước khu vực phản đối. Tuy nhiên, Mỹ tìm cách gây sức ép để duy trì lợi ích và ảnh hưởng tại khu vực Mỹ La-tinh, hạn chế vai trò của các nước lớn ngoài khu vực trước sự lớn mạnh của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh thông qua các biện pháp can thiệp chính trị, hạn chế về tiếp cận thị trường, công nghệ và các lệnh cấm đơn phương. Mỹ La-tinh còn chịu sức ép chọn bên giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh xung đột kéo dài tại U-crai-na. Cạnh tranh nước lớn gia tăng trong các lĩnh vực, như công nghệ, tài chính và an ninh cũng tạo ra nguy cơ khiến cuộc tranh luận về vai trò tương lai của Mỹ La-tinh trở nên khó khăn hơn, do quan điểm khác biệt về cách phản ứng với nguy cơ một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.
Thứ hai, sự phân cực ý thức hệ vẫn là thực tế, bên cạnh sự chống phá của các lực lượng cánh hữu. Mặc dù có sự phù hợp về mặt ý thức hệ, sự trở lại của lực lượng cánh tả trong khu vực cũng không hoàn toàn đồng nhất do các xu hướng chính phủ cánh tả khác nhau ở mỗi nước. Phần lớn người dân Mỹ La-tinh chưa thực sự thể hiện khuynh hướng chính trị của mình, khiến cho xu thế lực lượng cánh tả trở lại cầm quyền còn gặp nhiều thách thức. Chưa kể, xu hướng chính trị Mỹ La-tinh thường mang tính chu kỳ, luân phiên bởi các chính phủ cánh tả và cánh hữu. Vì vậy, sự mất lòng tin của người dân Mỹ La-tinh đối với các đảng phái và chính phủ cánh hữu trước đây có thể nhanh chóng chuyển hướng gây áp lực cho các lực lượng cánh tả nếu các chính phủ cánh tả mới trở lại nắm quyền không thể thực hiện được những cam kết của mình. Ngoài ra, các nước cánh tả có nguy cơ rơi vào tình trạng cạnh tranh vị trí lãnh đạo tại Mỹ La-tinh, khu vực với nhiều xu hướng phát triển khác nhau.
Bên cạnh đó, lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh phải đối mặt với sự phức tạp khi chưa bao gồm toàn bộ các nước trong khu vực. Ê-cua-đo, Pa-na-ma và U-ru-goay vẫn có các chính phủ cánh hữu và trung hữu. Để đạt mục tiêu phát triển và hội nhập, các nước cánh tả Mỹ La-tinh cần có sự ủng hộ từ tất cả các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế và điều đó đòi hỏi cả ý chí và tầm ảnh hưởng chính trị. Trên thực tế, việc thống nhất lực lượng cánh tả cũng như phát huy sự đoàn kết và hội nhập khu vực không chỉ cần sự lãnh đạo và ý chí chính trị mạnh mẽ, mà còn đòi hỏi các điều kiện nội trị và quốc tế thuận lợi. Trong khi đó, Mỹ La-tinh tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như nghèo đói, xung đột vũ trang, tội phạm và sự bất mãn ngày càng tăng đối với các đảng phái chính trị truyền thống.
Các yếu tố chính trị nội bộ phức tạp ở các nước Mỹ La-tinh, như khó khăn kinh tế tại Vê-nê-xu-ê-la, tiến trình hòa bình tại Cô-lôm-bi-a, việc xây dựng Hiến pháp mới tại Chi-lê, tình hình chính trị bấp bênh tại Pê-ru cũng là những trở ngại đối với sự phát triển của lực lượng cánh tả. Nếu nỗ lực của các nhà lãnh đạo khu vực không đạt được kỳ vọng về sự thay đổi như mong đợi của cử tri, họ có thể sẽ vấp phải sự phản kháng quyết liệt. Đồng thời, các chính phủ sẽ phải tập trung phần lớn sự chú ý đến các vấn đề trong nước, vốn cần nhiều thời gian và nguồn lực.
Thứ ba, mặc dù có sự tương đồng về hệ tư tưởng, song các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh phải vượt qua thách thức khi khu vực chưa có sự gắn kết chặt chẽ về cấu trúc và kinh tế. Tuy có cơ sở để đẩy mạnh hợp tác, lịch sử hội nhập cũng cho thấy sự thách thức với khu vực khi Mỹ La-tinh đã nỗ lực xây dựng các thể chế tăng cường hội nhập trong nhiều thập niên qua, nhưng lại chưa thành công trong việc thực hiện các dự án hội nhập cụ thể.
Hơn nữa, sự tập trung của khu vực Mỹ La-tinh vào các hoạt động xuất khẩu hàng hóa và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc khiến thương mại nội khối tăng trưởng ít hơn nhiều so với thương mại ngoài khu vực trong những năm gần đây (năm 2021 chỉ đạt 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ La-tinh so với mức 21% của năm 2008). Do vậy, các hoạt động sản xuất vốn là động lực của thương mại khu vực đang giảm dần vai trò. Ngoài ra, khu vực Mỹ La-tinh phải đối mặt với các thách thức không nhỏ, như tình trạng quản trị yếu kém, bất bình đẳng kéo dài, đặc biệt là sự thiếu liên kết khu vực trong trao đổi thương mại, tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho các chính phủ và lực lượng cánh tả khu vực trong làn sóng phát triển mới. Nếu các nước Mỹ La-tinh có thể xây dựng và mở rộng liên kết với nhau trong bối cảnh toàn cầu mới đang hình thành trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, thì vẫn có thể bắt kịp sự năng động về kinh tế và thương mại, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng. Điều đó đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong các lĩnh vực, như tư duy về hội nhập khu vực, xây dựng tầm nhìn chung để tạo thuận lợi thương mại và kết nối kết cấu hạ tầng khu vực.
Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đặc điểm lịch sử chính trị khu vực Mỹ La-tinh, nhưng với sự ủng hộ của lực lượng quần chúng cách mạng, với đường lối sáng suốt của các chính phủ cánh tả trong khu vực, phong trào cánh tả tại Mỹ La-tinh trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI sẽ đoàn kết, phát huy lợi thế của mô hình phát triển ưu việt trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, mở ra cơ hội mới cho sự đoàn kết, tập hợp lực lượng, hội nhập khu vực tại Mỹ La-tinh vì các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển, mang lại phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng cho người dân khu vực Mỹ La-tinh, góp phần to lớn cho phong trào cộng sản và tiến bộ trên toàn thế giới./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất, Cộng hòa Dominicana  (22/02/2023)
Triển vọng mới của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh  (20/01/2022)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên