Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025: ghi nhận từ phía dư luận và nhân dân
TCCS - Ngày 1-6-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã công bố dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, dư luận và nhân dân Hà Nội đánh giá, việc thành phố đã nhìn thấy được những điều kiện thuận lợi, những thời cơ đang hiện hữu là rất lớn để đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững hơn, đồng thời cũng đồng tình với chủ đề, phương châm của đại hội, thể hiện rõ mục tiêu, quyết tâm chính trị và cả bản sắc, đặc trưng của Hà Nội.
Cách thức để Thành ủy xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị đã trở thành truyền thống và bao giờ cũng dựa trên những căn cứ khoa học. Nhưng điểm khác là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, 8 chương trình công tác toàn khóa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố được xây dựng rất sớm. Ngay trong 6 tháng sau đại hội, 8 chương trình công tác đã được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện, nên quãng thời gian để đánh giá kết quả 8 chương trình công tác đủ độ dài, gần như là trọn nhiệm kỳ.
Riêng Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” với 8 đề tài nghiên cứu rất công phu, bài bản. Vừa qua, đồng chí Bí thư Thành ủy, lãnh đạo thành phố còn trực tiếp làm việc với các bộ, ngành trung ương để trao đổi sâu về một số lĩnh vực, vừa tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang đặt ra của Thủ đô, vừa giúp hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị... Do đó, căn cứ xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị bảo đảm độ chính xác cao.
Quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị kỳ này, Thành ủy tiếp tục thể hiện tinh thần cầu thị, phát huy dân chủ, cố gắng tranh thủ được trí tuệ, trách nhiệm đóng góp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan Trung ương. Ngay trong thành phố cũng cố gắng huy động tâm huyết, trí tuệ của các giới, các ngành, từ các đồng chí nguyên lãnh đạo, văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên... để có một sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.
Những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm đã được gửi đến ban lãnh đạo. Đa phần các ý kiến đều đánh giá tốt bản dự thảo Báo cáo chính trị lần này và tập trung ở mấy vấn đề.
Thứ nhất, bố cục hợp lý; phương pháp tiếp cận, thực hiện logic, khoa học.
Thứ hai, nhận định, đánh giá đúng mức, thẳng thắn, nhất là những hạn chế, thiếu sót.
Thứ ba, những định hướng chung có tầm nhìn xa và cụ thể, rành mạch cho từng giai đoạn 5 năm, 10 năm và đến năm 2045.
Thứ tư, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và những giải pháp đưa ra thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện; các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cũng rất cao.
Về lĩnh vực chính trị: Dư luận và nhân dân đánh giá, bản dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã cho thấy tầm vóc của Thủ đô, nhất là qua đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố. Trong đó, 5 bài học kinh nghiệm của Thành phố được đông đảo dư luận và nhân dân đánh giá cao, đặc biệt bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng rất thuyết phục. Đây là điểm sáng của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Càng nghiên cứu sâu dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội càng giúp nhân dân nhìn nhận đầy đủ hơn những điểm được và chưa được trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua. Qua đó, giúp nhân dân hình dung rõ hơn về mục tiêu của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Đối với phần phương hướng, nhiệm vụ, việc lấy xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những khâu đột phá chính được nhân dân đánh giá cao và nhận được nhiều sự ủng hộ. Đảng ta là đảng cầm quyền, nếu Đảng mạnh, sẽ có hệ thống chính trị mạnh, sức mạnh đoàn kết giữa Đảng và nhân dân được tăng cường, bảo đảm giúp Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phát triển bền vững.
Về lĩnh vực kinh tế: Nhân dân đánh giá những mục tiêu và nhiệm vụ được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã cho thấy khát vọng của Thủ đô; nếu làm được sẽ tạo sự phát triển bứt phá cho Thủ đô trong 5 đến 10 năm tới. Trong khi cả nước đặt ra mục tiêu đến năm 2025 mới vượt mức thu nhập trung bình thấp, Hà Nội xác định mục tiêu đạt tiệm cận mức thu nhập trung bình cao là quyết tâm rất lớn.
Đa phần các ý kiến góp ý đều đánh giá, dự thảo báo cáo không chỉ tập trung vào lãm rõ những thành tựu của Hà Nội trong nhiệm kỳ qua, mà còn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà thành phố cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế chưa cao. Công nghiệp phát triển thiếu ổn định; hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp. Ngành dịch vụ tăng trưởng dưới tiềm năng… Một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt được như kế hoạch cũng được thẳng thắn nhìn nhận, như tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải...
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Những nhận định, đánh giá về lĩnh vực văn hóa nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đều có cơ sở thực tiễn và khoa học chắc chắn. Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân cũng được phân tích sâu sắc, sát thực. Việc thảo luận kỹ để tìm ra phương sách cụ thể, hữu hiệu trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh và vị thế, mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến là điều cần thiết.
Thăng Long tỏa sáng bốn phương là hợp lẽ. Tuy nhiên, nó cần hội tụ đủ để tỏa sáng. Con người là nhân tố quyết định. Việc nhận định khâu “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa chưa được chú trọng đúng mức” trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội là nhận định nghiêm khắc, thẳng thắn. Việc phân tích, đánh giá về những hạn chế dài hơn phần thành tích cho thấy sự thẳng thắn, cầu thị, từ đó nhằm đưa ra giải pháp trúng và đúng.
Trên cơ sở xem xét, cân nhắc, có một số nhóm nội dung góp ý Tiểu ban Văn kiện tập trung tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị bao gồm:
Một là, một số ý kiến cho rằng, phần nhận định, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố nên cân đối giữa phần kết quả làm được và hạn chế, vì trong dự thảo hiện nay phần đánh giá về hạn chế khá nhiều và rất thẳng thắn, trong khi phần đánh giá kết quả chưa thật đầy đủ. Do đó, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu điều chỉnh theo hướng cân đối lại dung lượng hai phần này cho phù hợp. Tuy nhiên, tinh thần thì không thay đổi, tức là phải rất thẳng thắn, cầu thị, vì có chỉ ra được hạn chế, yếu kém thì mới có giải pháp và quyết tâm khắc phục tương xứng.
Hai là, có ý kiến đánh giá các chỉ tiêu đề ra rất cao, nhất là sau khi thành phố chịu tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì nên nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Quan điểm của Tiểu ban Văn kiện là đến thời điểm này đánh giá về tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 chưa đầy đủ. Chúng tôi sẽ đợi đến hết quý III-2020, khi các số liệu rõ ràng, gồm cả số liệu chung của nhiệm kỳ 2015 - 2020, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Tiểu ban Văn kiện sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm căn cứ khoa học.
Ba là, Tiểu ban Văn kiện sẽ nghiên cứu để đưa vào chỉ tiêu rất mới: Kinh tế số. Đây vừa là tiếp thu chỉ đạo của Trung ương, vừa căn cứ vào góp ý của các bộ, ngành Trung ương. Từ thực tế tại Hà Nội, việc đưa thêm chỉ tiêu kinh tế số sẽ giúp thành phố có cơ sở phấn đấu, nếu tận dụng được sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn và đúng hướng hơn, đưa Hà Nội sớm trở thành “Thành phố thông minh”, “Thành phố sáng tạo”, thực hiện tốt mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Việc xác định chỉ tiêu kinh tế số cũng phù hợp với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra sôi động trên thế giới cũng như định hướng cơ cấu kinh tế của Hà Nội là phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao.
Hiện nay, dự thảo Báo cáo chính trị đang được Tiếu ban Văn kiện tổng hợp hoàn thiện để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở cho ý kiến của Bộ Chính trị, Thành ủy sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị. Đây sẽ là bản chính thức trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội./.
Xây dựng huyện Gia Lâm ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô  (01/07/2020)
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình cơ cấu lại Agribank  (01/07/2020)
Đảng bộ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025  (17/06/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển