Giáo dục Hà Nội khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước
TCCS - Tháng 11-2019, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội kỷ niệm 65 năm (11-1954 - 11-2019) xây dựng và phát triển. Đây là dấu mốc quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 1990, trung học cơ sở năm 1999 và đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.
Những thành tựu rực rỡ
Ngày 9-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở Giáo dục Đào tạo. Khi mới thành lập, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn, chẳng những không đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân mà còn kìm hãm sự phát triển của xã hội, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ. Giáo dục mầm non cũng còn “non nớt ” chỉ có 3 trường mầm non với 254 trẻ. Giáo dục chuyên nghiệp vỏn vẹn có 1 trường kỹ nghệ thực hành và một số lớp trung học chuyên nghiệp dân lập đào tạo một số nghề, chủ yếu là các nghề thủ công.
Trải qua 65 năm phát triển, đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Hiện nay, Hà Nội có 2.746 trường (gồm 2.744 trường mầm non, phổ thông và 2 trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) với 60.391 nhóm lớp, 2.023.866 học sinh; có nhiều mô hình, loại hình trường, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của con em Thủ đô. Tính đến nay, toàn ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội có 155.323 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%. Tỷ lệ trên chuẩn giáo viên mầm non 53,5%; tiểu học: 93,8%; trung học cơ sở (THCS): 75,6%; trung học phổ thông (THPT): 21,3%; trung cấp chuyên nghiệp (TCCN): 39,8%; giáo dục thường xuyên (GDTX): 16,5%. Đây chính là nguồn lực quan trọng để toàn ngành thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả và tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập.
Tiếp nối truyền thống 65 năm tự hào của giáo dục và đào tạo Thủ đô, năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế (55 huy chương Vàng, 66 huy chương Bạc, 88 huy chương Đồng, 30 Khuyến khích); 155 giải quốc gia năm 2019 (14 giải Nhất, 47 giải Nhì, 56 giải Ba, 38 giải Khuyến khích). Đặc biệt trong các kỳ thi Olympic năm 2019, đã có 1 học sinh Hà Nội là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học (IChO), 01 học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA)…
Phát triển hệ thống trường đạt Chuẩn quốc gia (CQG) được coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong những năm qua, số trường đạt CQG của Hà Nội có bước phát triển đáng kể. Đến nay, tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố là 55,1%, trong đó công lập là 66,7%. Thực hiện Chương trình số 04/CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2020 có 20 trường chất lượng cao, đến thời điểm này, toàn thành phố Hà Nội đã công nhận được 19 trường (trong đó có 14 trường công lập). Mô hình trường chất lượng cao đang phát huy tác dụng tốt với học sinh và cha mẹ học sinh, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đổi mới và hội nhập.
Bước đột phá trong công tác hội nhập quốc tế của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô là triển khai thực hiện tốt đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng Việt Nam - Anh quốc (Chứng chỉ Cambridge) ở 8 trường thuộc cấp học THPT và THCS trên địa bàn thành phố. Hà Nội cũng đã tổ chức thành công và giành kết quả cao trong kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) 2018, 2019 với sự tham gia của hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới. Trong tháng 11-2019, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đăng cai tổ chức kỳ thi Toán và Khoa học - IMSO 2019 tại Hà Nội, với sự tham gia của đối tượng học sinh dưới 13 tuổi đến từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các tấm gương điển hình tiên tiến
Góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, không thể không nói đến đóng góp của những đơn vị, tập thể điển hình tiên tiến của mỗi ngành học, cấp học, tiêu biểu là Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, 5 năm liên tiếp được đánh giá thi đua xếp thứ nhất trong 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố. Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Xuân đã triển khai thực hiện mới các mô hình, như đổi mới công tác quản trị trường học, triển khai thành công phong trào “Một vạn giỏ hoa, nhiều vạn niềm tin”, thực hiện đề án sưu tầm, biên soạn tài liệu “Giáo dục lịch sử truyền thống quận Thanh Xuân” cho học sinh phổ thông. Phòng GD&ĐT quận Hà Đông - đơn vị đã thực hiện phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS có phòng học kiên cố, đạt chuẩn về chiếu sáng, có đủ nhà vệ sinh đạt chuẩn; 100% các trường tiểu học và THCS có phòng thư viện, y tế đạt chuẩn.
Ở cấp học mầm non, tiêu biểu có Trường Mẫu giáo Việt Triều (quận Đống Đa). Trường đã xây dựng thành công mô hình trường mầm non chất lượng cao tự chủ chi thường xuyên về tài chính, tự chủ về bộ máy hoạt động và chương trình giảng dạy. Trong năm học tới nhà trường sẽ xây dựng chiến lược phát triển chất lượng tiệm cận các trường mầm non trong khu vực; Trường Mầm non 20/10 - quận Hoàn Kiếm chủ động tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua, đạt thành tích cao trong các hội thi. Nhà trường luôn có những sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, điều hành. Ở cấp tiểu học, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), năm học 2018 - 2019 đã thành công vượt bậc trong giáo dục mũi nhọn, nhà trường cũng tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tăng cường công tác truyền thông giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Còn cấp THCS và THPT có Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), tập thể tiêu biểu xuất sắc, luôn chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua. Quan tâm và tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, công tác xã hội…; Trường THCS Trần Phú (huyện Phú Xuyên) chú trọng xây dựng trường THCS thân thiện với nhiều giải pháp như tuyên truyền giáo dục ý thức của học sinh, triển khai thực hiện phong trào “Sân trường, lớp học không có rác”, “An toàn trường học”, “Lớp học là nhà”.... giúp học sinh an toàn, tự tin khi đến trường; Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - ngôi trường luôn dẫn đầu trong mọi phong trào của ngành. Năm học 2018 - 2019, học sinh của trường tiếp tục được vinh danh trên các đấu trường quốc tế với 1 huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế 2019; 1 huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2019; 1 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng tại kỳ thi Vật lý thiên văn và Thiên văn học quốc tế…
Có thể nói, những thành tích mà ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đạt được trong suốt 65 năm qua đã khẳng định vị trí dẫn đầu của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong sự phát triển của nền giáo dục đào tạo nước nhà. Những thành tích ấy sẽ là tiền đề, tạo đà để ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục có thêm nhiều thành tựu trên bước đường đổi mới, hội nhập và phát triển./.
Giáo dục Hà Nội đổi mới và hội nhập  (28/11/2019)
Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần tạo đột phá về quy mô, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam  (17/11/2019)
Tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020  (26/10/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển