Đồng Tháp cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới
Tỉnh Đồng Tháp ngày nay được hợp thành từ tỉnh Sa Đéc và một phần lớn vùng Đồng Tháp Mười cùng với một phần của các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Mỹ Tho, Cần Thơ(1). Vượt qua mọi hy sinh gian khổ, đồng hành cùng cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay Đồng Tháp đang vững tin cùng cả nước trên con đường đổi mới, góp phần làm rạng danh vùng đất huyền thoại phương Nam của Tổ quốc.
Đồng Tháp Mười xưa kia được biết đến như vùng đất hoang vu, chua phèn, nghèo nàn và lạc hậu; phần còn lại của tỉnh mang đậm bản sắc văn hoá vùng sông nước Cửu Long với những địa danh văn hiến - nên thơ như làng Hòa An, Cao Lãnh, Sa Đéc, Nha Mân, Cái Tàu... Con người Đồng Tháp chân chất, thật thà nhưng anh dũng, bất khuất trong chiến đấu với kẻ thù, kiên trì chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
Đồng Tháp còn là vùng đất hội tụ của những anh hùng hào kiệt, nhân sĩ yêu nước; là nơi che chở, đùm bọc hết lòng cho cách mạng: cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn làm nơi sinh sống và hoạt động những năm cuối đời; quê hương chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - là một trong những người lãnh đạo và tổ chức vận động thanh niên Nam Kỳ tham gia phong trào Đông Du; Thiên hộ Nguyễn Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Thống lĩnh Nguyễn Văn Linh chọn làm nơi "chiêu binh", lập căn cứ chống thực dân Pháp xâm lược những năm nửa cuối thế kỷ XIX; là căn cứ Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp; là căn cứ vững chắc của Khu ủy, Bộ Tư lệnh khu 8 - Trung Nam Bộ.
Trước ngày Đảng ta ra đời, Đồng Tháp có 3 thanh niên tham gia lớp huấn luyện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc - một tổ chức tiền thân của Đảng. Các bậc tiền bối cách mạng này đã theo Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận và tích cực truyến bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Cuối năm 1929 các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên lần lượt ra đời ở xã Hòa An (Cao Lãnh), Phong Hòa (Lai Vung), Bình Thành Tây (Lấp Vò). Nhân dân Đồng Tháp tự hào vì đã sinh ra đồng chí Phạm Hữu Lầu một trong 7 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng(2), từng giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Bộ năm 1959.
Chiến trường Đồng Tháp Mười là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh hùng của quân và dân các tỉnh Nam Bộ. Gần nửa thế kỷ đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc, Đồng Tháp cùng cách mạng miền Nam lập nhiều chiến công vang dội: "chiến công oanh liệt"(3) của chiến sĩ cảm tử Phan Văn út ngày 31-7-1951 tại tiểu khu Sa Đéc làm cho chỉ huy Pháp ở Đông Dương hoang mang lo sợ. Chiến thắng lịch sử Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung tháng 9 -1959 được xem như "tiếng sấm" đầu mùa, khơi ngòi cho miền Nam đồng khởi - tiểu đoàn 502 đánh bại cuộc hành quân quy mô cấp trung đoàn là cuộc càn quét lớn nhất lúc bấy giờ, bắt 105 tù binh, thu 127 súng các loại, 12 máy thông tin và nhiều loại quân cụ khác. Đây là một trong những chiến công oai hùng, trở thành cột mốc son trong lịch sử của Đảng bộ Kiến Phong - Đồng Tháp. Truyền thống anh hùng đó đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Đồng Tháp quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và sau này tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Sau chiến tranh, di chứng để lại rất nặng nề, đồng ruộng hoang hóa, lương thực không đủ ăn, trên 70% diện tích đất nông nghiệp là đất phèn, phần còn lại chỉ sản xuất lúa 1 vụ. Công nghiệp nhỏ bé, kết cấu hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, trên 1/4 dân số mù chữ, chỉ có 23 bác sĩ trên gần 1 triệu dân và vô vàn những điều bất ổn sau chiến tranh. Trận lũ lụt kinh hoàng năm 1978, đồng thời với việc trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh Vệ quốc trên hướng Tây Nam, làm cho đời sống nhân dân càng thêm khó khăn thiếu đói, bệnh tật, khốn đốn mọi bề. Năm 1981, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp hạ quyết tâm khai phá, chinh phục vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, biến vùng đất phèn thành vựa lúa góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Vùng đất phèn của Đồng Tháp chiếm khoảng 280 ngàn héc-ta trong tổng diện tích trên 630 ngàn héc-ta của cả Đồng Tháp Mười, phần còn lại của tỉnh Long An, Tiền Giang. Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: "Các đồng chí phải mạnh dạn tiến công vào Đồng Tháp Mười bằng mọi sáng tạo mới, kết hợp khoa học thực tiễn ở địa phương để vận dụng cho phù hợp. Nếu có mất thì chỉ mất một phần của 3 tỉnh. Nếu được thì được cho cả nước".
Đi đầu trong công cuộc khai hoang là các nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm, trại của tỉnh. Đồng Tháp đã huy động hàng triệu ngày công lao động của nông dân đào kênh, đắp đường, rửa phèn, vỡ đất khai hoang. Năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có Chỉ thị 74/CT về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và Long An phối hợp tổ chức xẻ tuyến kênh chiến lược Hồng Ngự - Long An, dẫn nước ngọt ém phèn thành công, tạo bước đột phá cho công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười. Từ đó, hàng trăm con kênh lớn nhỏ xẻ ngang, xẻ dọc - nước ngọt tới đâu, trồng lúa tới đó, niềm ấp ủ, khát khao hàng thế kỷ của cha ông nay đã trở thành hiện thực. Trên 10 năm kiên trì, tìm tòi, sáng tạo với ý chí quật cường và tình yêu quê hương tha thiết; Đảng bộ, nhân dân Đồng Tháp và các tỉnh Long An, Tiền Giang đã thành công vang dội trong hành trình chinh phục vùng đất phèn khắc nghiệt này. Vùng đất mà trước đây nhiều chuyên gia Hà Lan, Liên Xô kết luận "không thể trồng lúa được". Đó là cả một kỳ công, sức sáng tạo, sự kiên trì rượt đuổi thời đại, vượt qua chính mình để làm nên những chiến công huyền thoại.
Khai thông Đồng Tháp Mười, nông nghiệp Đồng Tháp không ngừng phát triển và hiệu quả ngày càng cao, đến nay sản lượng lương thực tăng gấp 5 lần so với năm 1986 và luôn giữ ổn định ở mức trên 2,4 triệu tấn/năm. Tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2006 gấp 5,58 lần năm 1986; tăng trưởng kinh tế bình quân 9,47%/năm; sản lượng lúa gấp 3,5 lần; giá trị sản xuất công nghiệp gấp 6,24 lần; thu ngân sách gấp1.384 lần (năm 1986 tổng thu chi 1 tỉ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 82% vào năm 1985 xuống còn 56,81% vào năm 2006. Kết cấu hạ tầng giao thông có nhiều thay đổi tích cực. Từ 2 quốc lộ xuống cấp trầm trọng và giao thông nội tỉnh chủ yếu là đường đất, chật hẹp, đến nay các quốc lộ 30, 80, 54 cơ bản thông thương và đang được đầu tư nâng cấp trên 170 km đường tỉnh, 320 km đường huyện, 360 km đường xã được láng nhựa. Xe ô-tô lưu thông được đến 136/142 trung tâm các xã, phường, thị trấn. Đường giao thông nông thôn cơ bản được láng nhựa hoặc bê-tông hóa, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận cả lợi hai mùa mưa nắng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống mức 10,72% - đứng thứ 5/13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 15/64 tỉnh, thành trong cả nước. Tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng; 100% trạm y tế cấp xã có bác sĩ phục vụ; đồng bào vùng ngập sâu được sinh sống an cư, lạc nghiệp trong 204 cụm, tuyến dân cư mới được quy hoạch đầu tư và xây dựng.
Cùng với nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Đồng Tháp còn tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy và cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kết nạp đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, số lượng đảng viên không ngừng tăng lên, trình độ học vấn của đảng viên cao hơn hẳn so với những năm trước đây. Từ năm 2001 đến nay đã kết nạp 10.985 đảng viên, nâng đảng viên toàn Đảng bộ từ 7.300 đồng chí (năm 1985) lên 25.567 đồng chí (năm 2006). Xác định công tác phát triển đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng đảng nhằm nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, Tỉnh ủy Đồng Tháp đề ra chủ trương phấn đấu đến năm 2010 nâng tỷ lệ đảng viên so với dân số đạt từ 2% trở lên, tương đương 36.000 đảng viên.
Nhìn lại thành tựu rực rỡ 20 năm qua, Đồng Tháp hôm nay thể hiện cụ thể, sống động trên 3 lĩnh vực sau:
- Nông nghiệp là lĩnh vực có bước phát triển bứt phá ngoạn mục nhất. Tổng diện tích gieo trồng hằng năm gần 500 ngàn héc-ta, ngoài chủ lực là cây lúa và các loại rau màu, Đồng Tháp còn có một số loại cây đặc sản khác, các loại cây đặc sản này không những khẳng định được vị thế của mình tại địa phương mà còn vươn tầm ra cả nước và khu vực như xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười, Cao Lãnh... Sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm đạt ở mức ổn định trên 350 ngàn tấn. Nuôi trồng thủy sản đất bãi bồi đang là ưu thế hàng đầu của Đồng Tháp và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2006 ước tính trên 5.000 ha, sản lượng đạt trên 155 ngàn tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt trên 121 triệu USD, trong đó nuôi cá tra, cá ba sa khoảng 1.500 ha, lợi nhuận bình quân từ 700 - 900 triệu héc-ta/năm. Mô hình sản xuất 1 vụ lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh trên ruộng ở các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Lấp Vò phát triển trên 300 ha. Nếu so với trồng lúa 2 vụ truyền thống thì lợi nhuận kết hợp giữa lúa và tôm tăng gấp 4 lần (khoảng 70 triệu đồng/ha/năm); tiềm năng có thể phát triển trên 3.000 ha, tổng giá trị lợi nhuận ước tính trên 200 tỷ đồng/năm. Đây là một trong những hướng đi mới, đầy triển vọng nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Đồng Tháp trong thời gian tới.
- Trên lĩnh vực công nghiệp, bên cạnh việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống như đóng xuồng ghe, dệt chiếu, đan thảm lục bình, dệt khăn choàng, làm bột... Đồng Tháp đang tập trung phát triển mạnh vào các ngành công nghiệp chủ lực có sức bật lớn. Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đồng Tháp đã triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp, đến nay đã thu hút trên 50 dự án đầu tư, tổng vốn trên 5.000 tỉ đồng. Trong đó, khu công nghiệp Trần Quốc Toản tại thành phố Cao Lãnh đã hoàn thành kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông thủy, bộ, thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào và vùng nguyên liệu phong phú đang mở rộng chào đón các nhà đầu tư. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng Tháp năm 2006 đạt khoảng 240 triệu USD, trong đó 16 dự án hoạt động của các khu, cụm công nghiệp đạt doanh thu trên 1.674 tỉ đồng, đóng góp cho xuất khẩu 57 triệu USD. Một số doanh nghiệp Đồng Tháp đã khẳng định vị thế của mình trên thương trường như Domexco, Imexpharm - là một trong những công ty dược hàng đầu khu vực và cả nước, sản phẩm có mặt gần 20 quốc gia trên thế giới; công nghiệp chế biến có công ty Sa Giang, Vĩnh Hoàn, Docifish với sản phẩm bánh phồng tôm, cá tra phi lê có thị phần lớn ở thị trường châu Âu, Hoa Kỳ.
- Thương mại - dịch vụ có bước tiến dài và ngày càng khởi sắc. Ngoài việc đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện các chợ truyền thống; hệ thống phân phối thương mại của tỉnh đã phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và phong phú hơn như: siêu thị ở thị xã Cao Lãnh, Sa Đéc, đang chuẩn bị đầu tư thêm ở Thanh Bình, Hồng Ngự; chợ chuyên kinh doanh trái cây Mỹ Hiệp ở huyện Cao Lãnh; chợ nông sản ở huyện Thanh Bình; chợ thủy sản, hoa kiểng ở thị xã Sa Đéc... Đồng Tháp đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế ở Thường Phước (huyện Hồng Ngự), Dinh Bà (huyện Tân Hồng) - khả năng là đầu mối quan trọng, cửa ngõ xuất khẩu chính sang Cam-pu-chia, đồng thời rút ngắn thời gian từ Đồng Tháp đi Đền Ankor Siem Reap, vương quốc Cam-pu-chia xuống còn 5 giờ đi xe. Hạ tầng du lịch nội tỉnh được đầu tư khá lớn; Vườn quốc gia Tràm Chim có Sếu đầu đỏ thuộc diện quý hiếm trên thế giới, cảnh quan sinh thái mang đậm dấu ấn đặc sắc của vùng Đồng Tháp Mười; khu di tích lịch sử cách mạng Xẻo Quýt, khu du lịch văn hóa Gò Tháp, khu mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang được đầu tư nâng cấp thêm để xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử - văn hóa. Hằng năm, ngành du lịch Đồng Tháp đón tiếp trên 150 ngàn lượt du khách, trong đó có trên 11 ngàn lượt khách quốc tế. Từ một thị trấn nhỏ bé ven Đồng Tháp Mười đến nay Cao Lãnh trở thành thành phố, là trung tâm chính trị - kinh tế của Đồng Tháp; khẳng định một diện mạo mới cho sự phát triển năng động của cả vùng một thời được "mệnh danh" là bưng biền, nước nổi.
Tuy trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn cần nỗ lực phấn đấu, nhưng mỗi người Đồng Tháp có quyền tự hào vì sự tiến bộ "thần kỳ" của quê hương vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 20 năm đổi mới. Đó là hành trang quý báu, là niềm tin để Đồng Tháp cùng cả nước bước vào thời kỳ mới.
(2) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2006), Nxb Lao động - 2006, tr 22
(3) Trích Chỉ thị số 92/KH-51 của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ gởi các cấp quân dân chánh toàn Nam Bộ về việc làm lễ truy điệu trọng thể cho liệt sĩ Phan Văn Út trong ngày Lễ Độc lập 2-9-1951
Nhìn lại thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2005 và những vấn đề đang đặt ra  (15/06/2007)
G8: Vẫn nặng về trình diễn  (14/06/2007)
G8: Vẫn nặng về trình diễn  (14/06/2007)
Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nền văn hóa đạo đức ở nước ta hiện nay  (13/06/2007)
Khát vọng chấn hưng đất nước  (13/06/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển