Đôi nét về bức tranh an ninh - chính trị thế giới năm 2018

Đỗ Văn Chất, Phan Thị Thu Dung Bộ Công an
23:17, ngày 13-03-2019

TCCSĐT - Năm 2018, cục diện chính trị - an ninh thế giới có nhiều biến động rất sâu rộng và khó lường. Nhìn chung, bức tranh tổng thể vẫn là sự đan xen giữa hai gam màu “sáng” và “tối”. Trong đó, tăng cường hội nhập, hợp tác, giảm căng thẳng - đối đầu vẫn là xu thế chủ đạo. Tuy vậy, thế giới còn đậm gam màu “tối” bởi sự gia tăng các mâu thuẫn, nội chiến, biểu tình, tranh chấp chủ quyền biển, đảo,… khiến nhiều khu vực chưa thể ổn định.

Về vấn đề chiến tranh và hòa bình

Nhìn từ góc độ chiến tranh và hòa bình, có thể thấy trong năm 2018 thế giới dường như không bùng phát chiến tranh giữa các quốc gia và khu vực. Những cuộc nội chiến hay xung đột khu vực lâu nay vẫn còn dai dẳng nhưng mức độ quyết liệt đã giảm, đơn cử như giữa Israel với Palestine, còn ở Syria và Yemen đã thấp thoáng hình bóng của giải pháp chính trị hòa bình.

Giữa Mỹ, Arab Saudi và một vài đồng minh khác với Iran ở vùng Vịnh Persian gia tăng căng thẳng nhưng cũng không xảy ra đụng độ quân sự, càng không có chiến tranh sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran với nhóm P5+1. Ở châu Âu, căng thẳng giữa Ukraine và Nga gia tăng, song hai bên cũng cố gắng không để tái diễn vấn đề nổ súng… Tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc tuy chưa tiến đến được cái đích cuối cùng trong năm 2018, nhưng được dự báo sẽ đạt tiến triển mới, chậm nhưng vẫn hướng về phía trước, có được thêm “sức đề kháng” cao hơn trước nguy cơ tiến trình bị đảo ngược.

Ở Afghanistan, cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban đã đẩy Afghanistan rơi vào tình trạng an ninh bất ổn và tình hình ngày càng trở nên căng thẳng kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 20-10-2018 khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương trong các vụ tấn công đẫm máu. Phiến quân Taliban kêu gọi người dân Afghanistan tẩy chay cuộc bầu cử vì cho rằng Mỹ sử dụng cuộc bầu cử nhằm hợp pháp hóa sự chiếm đóng cũng như sự hiện diện của quân đội nước này tại Afghanistan. Taliban xem phá hoại bầu cử là một công cụ hữu hiệu để phơi bày sự yếu kém của chính phủ cũng như sự hỗ trợ đang suy giảm của quốc tế. Trong tình thế đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang để ngỏ ý định triệt thoái bộ phận đáng kể quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan. Theo các chuyên gia, nếu điều này trở thành sự thực thì trong tương lai không xa, Afghanistan sẽ trở thành “điểm nóng” mới về chính trị - an ninh khu vực, bởi: thứ nhất, các lực lượng vũ trang - an ninh (những công cụ trấn áp các mối đe dọa) của chính quyền Kabul vẫn còn quá non yếu và sẽ thực sự trở nên mỏng manh dễ phá vỡ nếu không có sự nhập cuộc, hỗ trợ của các cường quốc; thứ hai, cho đến lúc này vẫn chưa có một tiến trình hòa giải dân tộc đúng nghĩa nào đủ khả năng kết nối toàn bộ các phe nhóm, lực lượng ở Afghanistan thành một khối thống nhất, cùng hướng về mục tiêu hòa bình, ổn định để tái thiết đất nước.

Mâu thuẫn địa - chính trị, xung đột quân sự, khủng bố, biểu tình lan rộng, nội chiến, tranh chấp chủ quyền biển, đảo tiếp tục gia tăng

Thứ nhất, đó là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2018, quan hệ Mỹ - Trung Quốc chứng kiến những sóng gió chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ hai nước. Về bản chất, những căng thẳng này xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, khi Tổng thống Mỹ D. Trump muốn khôi phục vai trò của Mỹ trên trường quốc tế, trong khi Trung Quốc ngày càng mạnh lên, đe dọa vị thế cường quốc số một thế giới của Mỹ. Mỹ đã “nổ phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc từ hồi tháng 7-2018 và tổng cộng cho tới nay, Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và đe dọa chuyển sang giai đoạn 3 với việc áp thuế lên khoảng 267 tỷ hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và cảnh báo về các biện pháp bổ sung có thể ảnh hưởng tới các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Giữa lúc chiến tranh thương mại leo thang, Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 12-2018 đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G-20) diễn ra tại Argentina, trong đó hai bên nhất trí tạm “đình chiến” về thương mại trong vòng 90 ngày để đàm phán, tạm ngưng kế hoạch áp thuế bổ sung từ ngày 01-01-2019. Thế giới đang chờ đợi kết quả từ các cuộc đàm phán này để xem hai nền kinh tế “khổng lồ” có thể đi đến một giải pháp đôi bên cùng có lợi hay không.

Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc còn thể hiện trên các lĩnh vực chính trị và kinh tế. Không chỉ có chiến tranh thương mại, quan hệ Mỹ - Trung Quốc còn xung đột ở một loạt vấn đề khác. Việc Trung Quốc đẩy mạnh tầm với và sức ảnh hưởng toàn cầu thông qua chiến lược “Vành đai, Con đường” đã khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, nhất là tại những quốc gia vốn được coi là đồng minh của Mỹ. Washington đã bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm cạnh tranh với dự án này của Trung Quốc, trong đó có việc phát động một chương trình hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Thứ hai, quan hệ Nga - Ukraine “nóng” trở lại khi ngày 03-12-2018, Tổng thống Ukraine P. Poroshenko trình Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine. Trước đó, ngày 25-11-2018, các tàu Nga đã nổ súng và bắt ba tàu hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn ở eo biển Kerch, nối biển Đen và biển Avoz, gần Crimea, với cáo buộc tàu hải quân Ukraine vi phạm lãnh hải Nga, phớt lờ các yêu cầu dừng lại và thực hiện những hành động nguy hiểm. Ukraine đã ban hành thiết quân luật 30 ngày, kêu gọi các đồng minh phương Tây ủng hộ và gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Vụ việc cũng dẫn đến hàng loạt động thái căng thẳng khác, gây ra lo ngại về cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước láng giềng.

Thứ ba, làn sóng biểu tình “áo vàng” tại Pháp và những cơn giận dữ ở châu Âu. Nước Pháp những ngày cuối năm 2018 đã bị “rung chuyển” bởi các cuộc biểu tình của các lực lượng “áo vàng” phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu của Chính phủ. Bắt nguồn từ những cuộc biểu tình đơn lẻ, phong trào “áo vàng” đã thu hút hàng chục nghìn người xuống đường và biểu tình ôn hòa nhanh chóng trở thành biểu tình bạo động lan rộng trên nhiều thành phố lớn của Pháp. Tại Thủ đô Paris, người biểu tình đã phong tỏa nhiều tuyến đường quan trọng, đốt phá hàng loạt xe hơi, đập phá các văn phòng, cửa hàng và đụng độ với cảnh sát. Kể từ giữa tháng 11 đến nay, ít nhất 3.000 người bị thương, hàng nghìn người bị bắt giữ trong các vụ bạo động. Từ Pháp, cuộc biểu tình đã lan rộng sang nhiều quốc gia châu Âu khác, như Bỉ, Hà Lan, Italy. Bất ổn kinh tế - xã hội một thời gian dài chưa được giải quyết được ví như ngọn lửa âm ỉ, đã bị “thổi bùng” lên do hiệu ứng từ phong trào “áo vàng”. Người dân châu Âu cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi kinh tế vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính, chưa kể đến việc một số nước giàu phải gánh vác gánh nặng tài chính thay cho các nước vẫn lún sâu trong khủng hoảng kinh tế trong khối. Điều đó đã tạo cơ hội để trào lưu dân túy trỗi dậy, mở đường cho phong trào ly khai, như việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit) hay Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha…

Thứ tư, khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Trung Đông mà nổi bật là căng thẳng giữa Qatar với Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập không có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đang có nguy cơ nóng thêm, trong bối cảnh các nước trong khu vực vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp tẩy chay đối với Qatar. Ngược lại, Qatar cũng không có ý định nhân nhượng. Hai bên đã có những biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau. Trong những ngày cuối năm 2018, Qatar cũng tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới, tháng 5-2018, Mỹ chính thức chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem và đây là một trong những chính sách ngoại giao gây tranh cãi nhất của Tổng thống Mỹ D. Trump trong năm 2018. Diễn biến này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình và bạo lực đẫm máu mới ở dải Gaza, khiến tình hình ở Trung Đông càng trở nên phức tạp.

Tựu trung trong năm 2018, các khu vực đều ít nhiều có những biến động. Ngoài các sự kiện nổi bật trên, không thể không kể đến nhiều khu vực khác nhau với những diễn biến phức tạp, như châu Á với các cuộc bầu cử ở Afghanistan, Ấn Độ; châu Âu với sự kiện Brexit, bầu cử Nghị viện châu Âu và sự trỗi dậy của lực lượng dân túy, dân tộc chủ nghĩa; Bắc Mỹ với nửa nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai của Tổng thống Mỹ D. Trump khi hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát và lơ lửng câu hỏi về khả năng tổng thống bị truất quyền; Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh với cuộc bầu cử quốc hội ở Israel, tác động của việc Mỹ rút quân khỏi Syria, biến động ở Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi, nội chiến ở Yemen; Mỹ Latin với sự thay đổi Tổng thống ở Mexico và Brazil, tình hình Venezuela và bầu cử mới ở Argentina, Bolivia; châu Phi với những bước chuyển lịch sử mới ở Tunesia, Algeri, Ethiopia, Yemen, Sudan…

Những tín hiệu tích cực

Những chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên được xem là điểm sáng của thế giới trong cả năm 2018. Chưa bao giờ bán đảo Triều Tiên lại tiến gần cơ hội hòa giải đến vậy. Lần đầu tiên sau 11 năm, ngày 27-4-2018, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã có cuộc gặp ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm, cùng với hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sau đó (tháng 5 và tháng 9-2018). Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên diễn ra ở Singapore vào ngày 12-6-2018 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới vì đây là lần đầu tiên, một tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ gặp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên, trong khi giữa hai nước tồn tại sự thù địch kéo dài nhiều thập niên, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Tuyên bố đạt được sau các hội nghị là tín hiệu tích cực của các bên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Hàng loạt hoạt động ngoại giao tiếp sau các sự kiện trên đã từng bước tháo gỡ được căng thẳng, đưa các bên tránh xa bờ vực chiến tranh và hướng tới một tương lai đầy hy vọng. Đây được cho là những dấu son trong bức tranh an ninh - chính trị thế giới năm 2018.

ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cũng là một trong những tín hiệu tốt trong tổng thể bức tranh an ninh - chính trị thế giới năm 2018. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên. Văn bản này là cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai và hai bên cũng đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán COC trong thời gian tới. Tiến trình đàm phán COC đã diễn ra trong hơn một thập niên qua, với nhiều khó khăn về các điều khoản cũng như tốc độ của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự thống nhất quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Những thách thức an ninh tiềm tàng trong năm 2019

Các nước châu Âu đã trải qua một năm 2018 nhiều biến động và điều này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2019 khi nhiều sự kiện tác động đến tình hình chính trị của “lục địa già”. Theo giới chuyên gia, việc từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis - người vốn bất đồng với Tổng thống Mỹ D. Trump trong nhiều chính sách và chủ trương bảo vệ mối quan hệ với các quốc gia đồng minh mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương - đã tác động không nhỏ tới tâm lý của các nước châu Âu, đặc biệt sau những chỉ trích của Tổng thống D. Trump rằng châu Âu đóng góp quá ít vào ngân sách quốc phòng. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu việc Anh rời EU vào ngày 29-3-2019.

Nước Pháp cũng là một thách thức an ninh trên bản đồ châu Âu khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với sức ép gia tăng từ làn sóng biểu tình “áo vàng”, vốn kéo dài từ cuối năm 2018 tại nước này. Ngoài ra, một số sự kiện khác cũng gây chú ý, như cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5-2019, vốn được xem là sẽ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của các đảng cánh hữu; sự bất ổn của chính trường Đức trước thời điểm Thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm; hay Italy hiện bị coi là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Nơi có nguy cơ xung đột leo thang hơn cả là Ukraine sau khi Nga bắt giữ 03 tàu hải quân cùng thủy thủ Ukraine ở biển Đen hồi tháng 11-2018, cáo buộc Kiev xâm nhập trái phép lãnh hải của Nga, điều mà Ukraine bác bỏ. Dù thế nào, sự tăng cường hiện diện quân sự của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lực lượng Nga tại khu vực là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 31-3-2019.

Tình hình Biển Đông trong năm 2019 được dự báo vẫn phức tạp khi Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục có các động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Đối với Trung Đông, giới phân tích nhận định năm 2019 sẽ là năm then chốt đối với cuộc xung đột tại Yemen và Syria, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định rút toàn bộ quân (khoảng 2.000 binh lính) khỏi Syria và ngừng hỗ trợ Arab Saudi trong cuộc chiến tại Yemen. Ở Syria, việc Mỹ rút quân có thể kéo theo việc gia tăng hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của quân đội chính phủ, đồng thời dẫn tới một cuộc tranh chấp ở khu vực của người Kurd - cựu đồng minh của Mỹ.

Tại Yemen, Arab Saudi phải lựa chọn giữa việc tuân thủ một tiến trình hòa bình do phương Tây hậu thuẫn nhằm chấm dứt cuộc chiến đang đe dọa đẩy hàng triệu người vào tình trạng đói nghèo cùng cực, hay tiếp tục chiến dịch quân sự bất chấp chỉ trích của quốc tế. Hồi kết của hai cuộc xung đột này sẽ định hình cơ bản bức tranh khu vực Trung Đông, vốn bị cuốn vào sự tranh giành ảnh hưởng của một số quốc gia, trong đó có Iran, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2018 chứng kiến những đột phá ngoại giao chưa từng thấy với các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc và Triều Tiên - Mỹ. Tuy nhiên, năm 2019 được đánh giá là năm thách thức trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Cho tới nay, hai bên thống nhất thời điểm cụ thể cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng 2-2019. Liệu cuộc đàm phán này có mang lại tia hy vọng sáng sủa cho bán đảo Triều Tiên hay không vẫn là câu hỏi và là niềm hy vọng của cộng đồng quốc tế.

Tóm lại, tình hình an ninh - chính trị thế giới năm 2018 khép lại với sự kỳ vọng về một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, nhưng cũng gây quan ngại về một thế giới còn nhiều xung đột, mất ổn định. Những gam màu “sáng”, “tối” của năm 2018 sẽ tác động ra sao đến cục diện thế giới năm 2019 vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Tuy nhiên, cộng đồng thế giới vẫn lạc quan tin tưởng rằng, hòa bình hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo chi phối cục diện an ninh - chính trị toàn cầu./.