Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ

TS. Doãn Công Khánh Bộ Công Thương
21:45, ngày 06-07-2017

TCCSĐT - Năm 2017 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07-01-1972 - 07-01-2017) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (06-7-2007 - 06-7-2017). Mối quan hệ truyền thống, hữu nghị cũng như những thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua là cơ sở để hai nước tăng cường quan hệ trong thời gian tới, trong đó có quan hệ thương mại.

Những bước tiến mới trong quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có những bước phát triển mới. Cơ chế hợp tác cụ thể theo hình thức Ủy ban liên chính phủ và Tiểu ban Thương mại hỗn hợp được luân phiên tổ chức theo định kỳ đã phát huy tác dụng thiết thực, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Hằng năm, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được tổ chức. Doanh nghiệp hai bên liên tục tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ triển lãm, tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo tại mỗi nước.

Theo thống kê, nếu như năm 2011 xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,553 tỷ USD, thì năm 2016 con số đó là 2,688 tỷ USD. Quý I-2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 734,6 triệu USD, tăng 32,2% so với quý I-2016 (1). Những con số đó cho thấy hàng hóa của Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập tốt vào thị trường Ấn Độ.

Trước đây, thương mại hai nước chỉ phụ thuộc vào việc xuất, nhập khẩu ba mặt hàng chính là thức ăn chăn nuôi, ngô và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu, thì giờ đây, cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu đã có thay đổi lớn, mở rộng sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi và ô-tô.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hóa chất và các sản phẩm hóa chất; kim loại thường và sản phẩm; cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; xơ, sợi dệt các loại; hạt tiêu; cà phê; phương tiện vận tải phụ tùng...

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ấn Độ là: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng thủy sản; bông các loại; dược phẩm; thức ăn gia súc và nguyên liệu; hóa chất và sản phẩm hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; thuốc trừ sâu và phân bón; xơ sợi dệt các loại; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may da giày; sắt thép và sản phẩm sắt thép...

Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng gồm: sợi, nguyên phụ liệu, vải, sản phẩm dệt may các loại… năm 2014 đạt 108 triệu USD, năm 2015 khoảng 129 triệu USD và năm 2016 đạt 175 triệu USD(2).

Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là từ sau năm 2010, khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) có hiệu lực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may và sản phẩm may mặc từ Ấn Độ năm 2014 là 460 triệu USD, năm 2015 khoảng 402 triệu USD, và năm 2016 đạt khoảng 405 triệu USD(3).

Việt Nam và Ấn Độ nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực da giầy. Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam đào tạo và quản lý môi trường trong ngành da giầy. Hội đồng xuất khẩu da Ấn Độ sẵn sàng hợp tác và đã trao đổi với Hiệp hội da giầy Việt Nam trong lĩnh vực này.

               Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ
                               Giai đoạn 2011-2016
                                                                  Đơn vị : Triệu USD

 

                                           Nguồn: Bộ Công Thương, năm 2016

Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai một số hoạt động thiết thực trong khuôn khổ năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ trong việc mời các doanh nghiệp Ấn Độ tham dự các Hội chợ triển lãm được tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là VietnamExpo được tổ chức thường niên.

Để tăng cường quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Có thể nói, trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại giữa hai bên còn tồn tại không ít rào cản, đòi hỏi hai bên thực hiện toàn diện nhiều biện pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.

Một là, hai bên cần sớm bàn bạc, thống nhất các biện pháp triển khai thực hiện thỏa thuận, cam kết đạt được trong các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong thời gian vừa qua, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra là đưa kim ngạch song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện giới thiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường Ấn Độ; hạn chế việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ đối với Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các vụ việc điều tra; hỗ trợ nhau trong việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tạo thuận lợi cho việc cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Ba là, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Ấn Độ, như thúc đẩy việc triển khai AIFTA đã được ký kết; thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận về cơ chế hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, thương mại hàng công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản giữa hai nước nhằm tạo cơ sở để thúc đẩy thương mại song phương.

Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dệt may, da giầy, đặc biệt là sớm xem xét xác định địa điểm và thời gian triển khai xây dựng khu công nghiệp Ấn Độ hoặc khu công nghiệp dệt may Ấn Độ để hỗ trợ cho ngành dệt may, da giầy, sản xuất nguyên vật liệu (bông, sợi, vải, da động vật, nguyên phụ liệu, hóa chất, công nghệ dệt nhuộm) cung cấp cho ngành dệt may, da giầy Việt Nam.

Năm là, khuyến khích doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo (hiện nay hầu như chưa có hợp tác trong lĩnh vực này), đặc biệt là hợp tác chế tạo máy và thiết bị công nghiệp, công cụ và máy nông nghiệp, chế tạo, sản xuất ô tô…

Phát triển, mở rộng hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ, củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, thực thi tự do hóa thương mại với những bước đi và tốc độ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ… góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng của Việt Nam./.

-----------------------------------------

(1) Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương 2017

(2) Báo cáo của Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương)

(3) Thống kê Hải quan Việt Nam 2016