Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng sẽ tạo đà cho sự hợp tác, phát triển
- Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nối một loạt chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước như chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 và mới năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Việt Nam. Theo Đại sứ, các chuyến viếng thăm cấp cao liên tiếp này nói lên điều gì?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhìn lại chiều dài 22 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ thấy sự phát triển rất mạnh mẽ, từ chỗ rất khó khăn để vượt qua như những giai đoạn sau chiến tranh, bị cấm vận để rồi từ đó với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai,” đã thành Đối tác toàn diện.
Trong chiều dài đó, các chuyến thăm cấp cao và các cấp ngày càng được tăng cường, chứng tỏ quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Thứ hai là vị thế của Việt Nam trong khu vực ngày càng được tăng cường. Như năm 2010, chúng ta đã chủ trì chức Chủ tịch ASEAN và năm 2017 chủ trì chức Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Những chuyến thăm cấp cao đó càng củng cố mối quan hệ trên các lĩnh vực, cả về mặt song phương, cũng như trên bình diện khu vực và quốc tế. Thứ hai, nó cũng cho thấy hai bên càng xây dựng mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau hơn. Thứ ba là tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới trong những điều kiện mới của quan hệ hai nước.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên tới thăm Hoa Kỳ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, vậy điều đó nói lên điều gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chuyến thăm Hoa Kỳ lần này là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo ta trong bối cảnh Hoa Kỳ có một chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump và trong thời gian qua, hai nước đã có nhiều trao đổi để có thể cài đặt quan hệ, tiếp tục duy trì được đà quan hệ trong 22 năm qua, đồng thời xem xét lại ưu tiên của hai nước trong thời kỳ mới.
Trong quá trình trao đổi giữa lãnh đạo hai nước, Việt Nam đã khẳng định rằng chúng ta nhất quán chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đồng thời rất coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ cả về mặt song phương cũng như hợp tác khu vực và quốc tế.
Còn chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định rất coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực, cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam. Điều đó sẽ củng cố phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cả về hiệu quả và chiều sâu. Chúng ta tìm hiểu những chính sách và những ưu tiên mới để hai nước cùng tìm ra những cơ hội hợp tác mới và cũng để lãnh đạo hai nước trong thời kỳ mới của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump hiểu biết hơn về Việt Nam, hiểu biết hơn về Hoa Kỳ, cũng như chính sách của hai nước có thể cùng nhau hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
- Là người trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ đánh giá như thế nào về sự quan tâm của phía Hoa Kỳ tới chuyến thăm của Thủ tướng?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có lẽ chúng ta phải đánh giá sự quan tâm từ nhiều góc độ như từ chính giới, Quốc hội, giới doanh nghiệp hay giới học giả. Chúng ta thấy rất rõ rằng họ rất coi trọng quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, thấy rằng đó là mối quan hệ bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau và cùng có lợi, trên cả bình diện song phương và vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Trong thư mời của Tổng thống Donald Trump gửi Thủ tướng Chính phủ ta đi thăm Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rất rõ là muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời coi Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong hợp tác ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua đã được sự ủng hộ của Quốc hội và của hai đảng của Hoa Kỳ và trong lần này cũng vậy, trong các cuộc tiếp xúc của tôi ở Quốc hội thì họ đều bày tỏ mong muốn chuyến thăm sẽ tạo đà hơn nữa cho quan hệ hai nước. Đáng chú ý là có hai nghị sỹ là đồng Chủ tịch Hội quan hệ với ASEAN trong Quốc hội Hoa Kỳ đã ra tuyên bố đánh giá rất cao và hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ, vừa thúc đẩy song phương và thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trong khu vực và trong ASEAN. Các học giả có rất nhiều bình luận, trong bối cảnh Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thăm Hoa Kỳ, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trông đợi sẽ làm rõ hơn chính sách của Hoa Kỳ với khu vực.
- Đại sứ có thể nói rõ hơn trọng tâm, những nội dung chính của chuyến thăm lần này là gì?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Điều quan trọng nhất trong chuyến thăm này là phải tiếp tục được đà quan hệ 22 năm qua, của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó vừa thúc đẩy quan hệ chính trị, tăng cường trao đổi tiếp xúc giữa các bên. Thứ hai là mối quan hệ về kinh tế, thương mại lâu nay vẫn là trụ cột để làm động lực cho thúc đẩy quan hệ song phương, trong hơn 20 năm qua đã tăng 100 lần (hiện ở mức khoảng hơn 50 tỷ USD). Dư địa và cơ hội hợp tác về kinh tế-thương mại còn rất nhiều và chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng quan tâm rất nhiều đến hợp tác kinh tế-thương mại và có những ưu tiên khác.
Trong chuyến thăm này, chắc chắn hai bên sẽ tìm ra được tiếng nói chung, thúc đẩy lợi ích mà hai bên cùng có lợi trong quan hệ kinh tế-thương mại. Thứ ba là hợp tác về an ninh-quốc phòng và các lĩnh vực khác, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những khuôn khổ như Tuyên bố về tầm nhìn 2015 trong hợp tác quốc phòng, hay bản Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Việc này sẽ được tiếp tục thúc đẩy hơn, nhất là trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo hay hợp tác an ninh, an toàn hàng hải. Đây là những lĩnh vực mà chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ.
Ngoài ra còn hợp tác về giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân. Việt Nam hiện có khoảng 30.000 sinh viên đang theo học tại Mỹ. Đây sẽ là lực lượng tiếp thu được kiến thức về khoa học-kỹ thuật và quản lý mới, phục vụ cho đất nước, nhưng đồng thời họ cũng là cầu nối trong quan hệ hai nước. Hàng năm có trên 500.000 lượt khách du lịch từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy môi trường để làm sao thu hút được sự giao lưu giữa hai bên và đây tiếp tục là một trọng tâm.
Trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp, hội đàm chính thức với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, đồng thời có các cuộc trao đổi, nói chuyện với các nghị sĩ của cả hai đảng, nói chuyện với giới học giả và đặc biệt sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp để thúc đẩy quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
- Thông qua chuyến thăm này, liệu phía Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được kết quả hay thỏa thuận cụ thể nào hay không thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc trao đổi rất hữu ích, đồng thời đạt được nhận thức chung và đề ra những định hướng thúc đẩy quan hệ hai nước mạnh mẽ hơn nữa trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Trong dịp này, tôi cũng tin rằng các doanh nghiệp của hai nước sẽ có các bản hợp đồng ký kết với nhau, đạt trị giá nhiều tỷ USD. Đây thực sự sẽ là minh chứng cho sự hợp tác, quan hệ cùng có lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ./.
Những bước đi thận trọng của Tổng thống Donald Trump  (28/05/2017)
Tôn vinh công nhân, người lao động tiêu biểu nhân Tháng Công nhân 2017  (28/05/2017)
Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  (28/05/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên