TCCS - Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số lượng học sinh tăng mạnh mỗi năm, Hà Nội đang đối diện với thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng việc phát huy tinh thần sáng tạo trong dạy học, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh gắn với đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo.

Chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, hơn 10 năm qua, nền giáo dục Thủ đô có nhiều khởi sắc rõ nét, với những kết quả đạt được toàn diện ở các cấp học, ngành học.

Thành phố đã hoàn thành phê duyệt, ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Hà Nội được triển khai thực hiện quả. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Quy mô giáo dục tiếp tục phát triển. Năm học 2023 - 2024, thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; hơn 2,2 triệu học sinh; gần 123.000 giáo viên. Đến tháng 10-2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 72,7%. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế, chính sách được thực hiện chủ động. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua 5 nghị quyết tại kỳ họp hội đồng nhân dân thành phố, trong đó có những cơ chế, chính sách, nội dung mới. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp nhà nước xét tặng 1 “Nhà giáo nhân dân”, 56 “Nhà giáo ưu tú” cho các nhà giáo của thành phố Hà Nội.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới. Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học; là một trong bốn địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Học sinh Thủ đô khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 12 học sinh đạt giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Hà Nội đã tổ chức an toàn 6 kỳ thi, đặc biệt, năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56% (xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022; Hà Nội là địa phương có nhiều điểm 10 thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhất cả nước với 1.232 điểm 10, tăng 3,35 lần so với năm 2022). Trong đó, khối giáo dục thường xuyên đạt gần 98,3%, tăng 2% (tăng 4 bậc) so với năm 2022). Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2023 - 2024 bảo đảm nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân. Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm. Tham mưu thành phố đăng cai tổ chức và giành giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc lần thứ XII, năm 2022. Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội. Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong học sinh có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng học sinh được kết nạp đảng năm học 2022 - 2023 tại các trường thuộc sở là 92 học sinh, bằng hơn 3 lần tổng số học sinh tại các trường thuộc sở được kết nạp trong thời gian 12 năm (từ năm 2010 đến năm 2022) 26 học sinh.

Phát huy năng lực, tinh thần sáng tạo của người học

Để phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo của học sinh các cấp, giáo dục STEM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm học gần đây của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, STEM được thiết kế nội dung dạy học có tính tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên, do đó giáo dục STEM ở cấp tiểu học có mục tiêu là tạo cơ hội để học sinh tích hợp kiến thức, kỹ năng ở các môn học đặc thù, từ đó vận dụng những kiến thức, kỹ năng này giải quyết những vấn đề thực tiễn có trong từng chủ đề giáo dục STEM. Việc áp dụng phương pháp giáo dục STEM đã tạo sự hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học - công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 7 địa phương tham gia triển khai thí điểm giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố đã tổ chức Ngày hội công nghệ thông tin và STEM, thu hút đông đảo học sinh tham gia, đặc biệt là phần trình diễn các hoạt động lập trình robot và các sản phẩm STEM do chính học sinh thực hiện... Nhiều trường học đã mạnh dạn, đi đầu trong việc hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy quản lý trong quá trình thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Chương trình giáo dục STEM tiếp tục được lồng ghép vào các hoạt động dạy và học tại nhà trường. Nhiều sản phẩm của học sinh đã đạt giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố, quốc gia và quốc tế. Đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập đã trở thành phong trào được cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội hưởng ứng tích cực. Để chuẩn bị cho Ngày hội công nghệ thông tin và STEM, 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã tham dự cuộc thi thiết kế bài giảng e-learning và sản phẩm công nghệ thông tin. Đội ngũ nhà giáo toàn ngành đã thiết kế gần 300 sản phẩm công nghệ thông tin chất lượng, có tính ứng dụng cao để tham gia trưng bày, thi tài tại Ngày hội công nghệ thông tin và STEM cấp quận. Kết quả triển khai qua 1 năm học cho thấy, kỹ năng ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế của học sinh có chuyển biến rõ nét. Có thể thấy, giáo dục STEM đạt được những thành công nhất định, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, qua đó giúp phát triển các phẩm chất, các năng lực chung và năng lực đặc thù cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, là đơn vị có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số lượng học sinh mỗi năm đều tăng, Hà Nội đứng trước thách thức lớn khi vừa phải giải bài toán không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học, vừa phải nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và kỳ vọng của người dân. Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp vẫn diễn ra ở một số quận, huyện, thị xã có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng (4 quận nội đô). Các chỉ tiêu (số lớp/ trường, số học sinh/lớp) ở một số phường, xã, quận nội đô và huyện đang phát triển đều không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Chất lượng giáo dục còn chưa phát triển đồng đều giữa khu vực nội thành và các huyện. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội (hiện đứng thứ 16/63 tỉnh thành, đứng thứ 9/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng). Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở được tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập còn thấp, chưa đáp ứng được chủ trương phân luồng do thiếu trường, thiếu lớp học. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi cấu trúc, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, đặt ra yêu cầu cấp thiết đổi mới nền giáo dục - đào tạo của Thủ đô, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Những giải pháp cần chú trọng trong thời gian tới

Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô cần tập trung triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Song song với việc chú trọng đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh, chính sách về giáo dục và đào tạo của Thủ đô cần được tiếp tục đổi mới theo hướng toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ; xây dưng cơ chế thu hút các nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các cấp học. Xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.

Ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô cần chủ động, tích cực tham mưu thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo. Đối với các đơn vị liên quan, cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường; quan tâm đến lĩnh vực thể thao học đường; chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô. Chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục. Cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế từ năm học trước, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, đồng thời, cần rà soát mạng lưới, khắc phục tình trạng thừa, thiếu trường, lớp cục bộ.

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, tạo chất lượng giáo dục đồng đều trên địa bàn toàn thành phố, các trường công lập cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn. Các nhà trường cần được tự chủ để tuyển dụng được giáo viên giỏi, khích lệ giáo viên cống hiến; tự chủ để sử dụng kinh phí của Nhà nước hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt quá trình phát triển của nhà trường và sự tiến bộ của học sinh. Có cơ chế để nhà trường chủ động lựa chọn phương pháp giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với học sinh đơn vị mình và điều kiện giáo dục, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, phẩm chất. Bên cạnh yếu tố tự chủ, tính nhân văn trong giáo dục cũng cần được đề cao với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, bám sát mục tiêu giáo dục không tạo áp lực, không chạy theo thành tích; tổ chức dạy thật, học thật, đánh giá thật.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục - đào tạo. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô./.