Phát triển doanh nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta

PGS, TS LÊ QUÝ ĐỨC
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
22:46, ngày 15-10-2023

TCCS - Phát triển doanh nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Do vậy, cần nhận thức đầy đủ vai trò của các doanh nghiệp văn hóa, thực hiện các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp văn hóa hoạt động, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào GDP và góp phần gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia - dân tộc trong bối cảnh mới.

Biểu diễn múa rối nước truyền thống tại Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam_Ảnh: TTXVN 

1- Doanh nghiệp văn hóa là doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sáng tạo - văn hóa, bản quyền, giải trí…, thuộc khu vực kinh tế - văn hóa vốn đã ra đời ở phương Tây cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Các doanh nghiệp này ngày càng phát triển mạnh và có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của các nước phát triển. Các doanh nghiệp sử dụng các sáng tạo, kỹ năng và trí tuệ của các cá nhân, tổ chức có tiềm năng tạo ra của cải vật chất dưới dạng hàng hóa có hàm lượng trí tuệ cao và tạo ra công việc cho nhiều người. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) của Liên hợp quốc quan niệm, các doanh nghiệp văn hóa (doanh nghiệp sáng tạo - văn hóa) là sự kết hợp sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có tính chất phi vật thể và văn hóa tạo thành các sản phẩm hay dịch vụ văn hóa được bảo vệ bởi luật bản quyền.

Đặc điểm chung của các loại hàng hóa, dịch vụ văn hóa của doanh nghiệp văn hóa sản xuất ra là vừa mang giá trị văn hóa, vừa mang giá trị kinh tế, chúng có hàm lượng chất xám cao, được vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường và có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các yếu tố công nghệ. Doanh nghiệp văn hóa là sản phẩm của nền kinh tế tri thức xoay quanh các trụ cột: Sự sáng tạo cá nhân và sở hữu trí tuệ, thị trường, công nghệ(1).

Có thể xem xét vai trò của doanh nghiệp văn hóa (thông qua sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội như sau:

Thứ nhất, sự phát triển doanh nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế của đất nước, không chỉ góp thêm số lượng sản phẩm hàng hóa (văn hóa và dịch vụ) mà còn góp phần cấu trúc lại, năng động hóa nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất khác gắn với dịch vụ phát triển, như giao thông, bưu chính, tài chính, ngân hàng, sản xuất các phương tiện truyền thông, công nghệ nghe nhìn…; đóng góp vào GDP của quốc gia, nâng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa mang tính sáng tạo, khai thác và phát huy tiềm năng văn hóa của dân tộc cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ hai, sự phát triển doanh nghiệp văn hóa góp phần tạo ra nhiều việc làm mới và phân công lại lao động xã hội; thu hút nguồn lực lao động đặc thù, như lao động sáng tạo (trí thức, nghệ sĩ), lao động lành nghề, chuyên gia (kỹ thuật viên, nghệ nhân, thợ thủ công), lao động dịch vụ…; nâng cao thu nhập cho các tầng lớp người trong xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở nông thôn thông qua việc sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống bằng công nghệ, tri thức dân gian hay các dịch vụ du lịch ở các địa phương…

Thứ ba, sự phát triển doanh nghiệp văn hóa góp phần nâng cao và thúc đẩy năng lực sáng tạo văn hóa của con người (cả cá nhân và cộng đồng), thông qua sự kích thích của thị trường, sự trợ giúp của công nghệ và truyền thông, tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo sản phẩm mới và giá trị văn hóa mới. Đồng thời, sự phát triển doanh nghiệp văn hóa cũng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, càng phong phú và đa dạng của con người.

Thứ tư, sự phát triển doanh nghiệp văn hóa góp phần thúc đẩy giao lưu, tiếp biến văn hóa và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực của các cộng đồng, các quốc gia và cả nhân loại. Ngoài hoạt động thụ hưởng, thưởng thức sản phẩm văn hóa từ các cộng đồng, quốc gia khác nhau, con người có thêm cơ hội học tập lẫn nhau, sử dụng công cụ, phương thức sáng tạo văn hóa của nhau; đồng thời có thể hợp tác với nhau, trao đổi các sản phẩm văn hóa và mở rộng thị trường văn hóa; từ đó nâng cao sự hiểu biết, sẻ chia giữa con người với con người ở các cộng đồng, quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Thứ năm, sự phát triển doanh nghiệp văn hóa tạo nên thị trường sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa phong phú, đa dạng ở mỗi quốc gia, các khu vực trên thế giới; qua đó, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia thông qua sự tham dự vào quá trình hợp tác và cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Chế tác sản phẩm búp bê mặc trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam_Nguồn: infonet.vietnamnet.vn

2- Nghị quyết số 33-NQTW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đề ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tại Đại hội XIII của Đảng, vấn đề này lại được nhấn mạnh: “Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”(2). Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Ngày 20-12-2022, tại Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Năm 2019, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp 3,61% vào GDP cả nước (riêng Hà Nội, năm 2019, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa là 1,49 tỷ USD, chiếm 3,7% GRDP của thành phố).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, cần tạo ra bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có việc thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng, từ đó phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể thấy, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển cần dựa vào ba trụ cột là sáng tạo - công nghệ - thị trường. Do đó, để phát triển các doanh nghiệp văn hóa cần có những giải pháp phù hợp hướng vào ba trụ cột đó.

Trước tiên, là những giải pháp “sáng tạo”. Trụ cột sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa chính là năng lực của các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và kinh doanh, trong đó chủ yếu là chủ thể lãnh đạo, quản lý và chủ thể sản xuất (sáng tạo, tạo tác) sản phẩm.

Trong đời sống xã hội hiện đại, văn hóa không chỉ có chức năng tuyên truyền, cổ động chính trị, tư tưởng mà còn có chức năng kinh tế; văn hóa ngày nay cần phải tham gia vào phát triển kinh tế, làm giàu cho cá nhân và xã hội. Song thực tế, không phải ở đâu và không phải lúc nào đội ngũ lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy, chính quyền cũng nhận thức rõ vai trò của văn hóa cũng như vai trò của các doanh nghiệp văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đối với những chủ thể sáng tạo (sáng tác), trên thực tế, đã có chuyển biến trong nhận thức về ý nghĩa kinh tế của các sản phẩm văn hóa mà mình sáng tạo, sản xuất ra (sản phẩm điện ảnh, âm nhạc, hội họa, thời trang,…) vì họ phải sống trong/cùng cơ chế thị trường, phụ thuộc vào việc bán được hay không bán được sản phẩm cho khách hàng (công chúng). Bên cạnh đó, vẫn còn không ít chủ thể sáng tạo văn hóa khác, vì nhiều lý do, chưa quan tâm đến giá trị kinh tế của các sản phẩm văn hóa; từ đó, dẫn đến phương thức sáng tạo không có sự đổi mới, cảm hứng sáng tạo ngày càng bị mài mòn, chưa đáp ứng được sự đổi mới trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hiện nay. Khi những nút thắt căn bản trong nhận thức của chủ thể lãnh đạo, quản lý cũng như chủ thể sáng tạo, biểu diễn, tổ chức sản xuất các sản phẩm văn hóa chưa được tháo gỡ thì chưa thể giải phóng tiềm năng, sức sáng tạo, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra phương hướng khắc phục hạn chế trên, đó là: “Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”(3).

Thứ hai, khoa học, công nghệ đem lại cho con người những công cụ sáng tạo mới, phương thức sáng tạo mới, vật liệu mới… làm thay đổi nhanh chóng đời sống vật chất và tinh thần. Từ khi nhân loại sáng tạo ra máy vi tính, mạng internet, truyền hình, truyền thông đa phương tiện,… đã tác động mạnh mẽ đến các hoạt động văn hóa, như phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phim truyền hình, các hoạt động truyền thông, quảng cáo… Công nghệ giúp cho người sáng tạo cũng như doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng nhanh hơn, đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn; quảng bá, phổ biến sản phẩm rộng và sâu hơn; bảo quản, lưu giữ sản phẩm lâu bền hơn. Công chúng (khách hàng) được tiêu dùng sản phẩm văn hóa ngày càng mới mẻ, phong phú và đa dạng hơn. Tựu trung là, công nghệ đã thúc đẩy sáng tạo, sản xuất tiêu dùng các sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ với giá cả phù hợp.

Do đó, thời gian tới, cần có giải pháp tiếp thu những tiến bộ khoa học, công nghệ của các nước trên thế giới trong quá trình xây dựng và phát triển các doanh nghiệp văn hóa, từ đó tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng tốt, tiện ích cao. Việc tiếp thu khoa học, công nghệ của nước ngoài không chỉ ở phương diện kỹ thuật, công nghệ máy móc mà còn cả công nghệ tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh, tức là cách thức tổ chức, quản lý việc sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ văn hóa theo phương thức công nghiệp.

Bên cạnh tiếp thu công nghệ sáng tạo, sản xuất, quản trị của nước ngoài, hiện nay, việc sử dụng tri thức truyền thống và bí quyết nghề nghiệp cổ truyền cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang bản sắc văn hóa của từng dân tộc, vùng, miền. Do đó, các doanh nghiệp văn hóa cần chú trọng kết hợp giữa tri thức truyền thống với tri thức khoa học, công nghệ hiện đại để sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm vừa mang giá trị truyền thống, vừa mang giá trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới trong bối cảnh mới.

Để các doanh nghiệp văn hóa phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung phát triển nguồn nhân lực vừa am hiểu nghệ thuật, vừa có khả năng sử dụng công nghệ; chú trọng hoạt động đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trong nước, tăng cường thuê chuyên gia nước ngoài; gắn kết được các vai trò “curator” (giám tuyển nghệ thuật) trong quá trình tạo ra sản phẩm có giá trị nhiều mặt, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh của công chúng, vừa chống lại những yếu tố phản văn hóa trong xã hội, vừa mang lại giá trị kinh tế, đóng góp cho sự phát triển chung.

Đối với chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội, quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, ngoài việc phải đổi mới nhận thức về chức năng của văn hóa và nâng cao nhận thức về vai trò của các doanh nghiệp văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thì cũng cần bồi dưỡng kỹ năng, công nghệ quản lý ngành công nghiệp mới mẻ này. Các ngành công nghiệp văn hóa vừa thuộc lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, vừa thuộc lĩnh vực kinh tế, hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường. Do đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa, doanh nghiệp văn hóa không chỉ cần có sự hiểu biết và sử dụng hiệu quả các công nghệ mới mà còn cần có nền tảng văn hóa xứng tầm và sự nhạy cảm, tinh tế trong quá trình lãnh đạo, quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa nói riêng.

Thứ ba, là giải pháp “thị trường”. Cần đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa lành mạnh. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Chính phủ cần có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa… Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển một số ngành chưa được quan tâm thỏa đáng để các doanh nghiệp văn hóa có sự phát triển đồng bộ, bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; chẳng hạn như, chính sách đất đai, chính sách vay vốn, chính sách thuế, chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ giá, tạo ra những ưu đãi ban đầu cho thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa hiện nay ngày càng phát triển. Đặc biệt là cần quan tâm đến quyền sở hữu tư nhân để các nhà đầu tư yên tâm rót vốn vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa có tính đặc thù (có khi chậm thu hồi vốn …); đồng thời nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Đây là vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa sống còn đối với người sáng tạo và kinh doanh ngành công nghiệp văn hóa.

Cũng như các loại thị trường khác, thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa cần được bảo đảm vận hành thông suốt, minh bạch, công bằng trong các chính sách của Nhà nước và sự quản lý của các cơ quan có trách nhiệm. Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà sáng tạo, sản xuất sản phẩm văn hóa được cạnh tranh bình đẳng và phục vụ trung thực. Để thực hiện được yêu cầu trên, vấn đề quản lý sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ văn hóa phải thực sự đặt trong cơ chế thị trường minh bạch. Trước hết, phải coi các sản phẩm văn hóa là hàng hóa (hàng hóa đặc biệt) của nền kinh tế thị trường, lấy quy luật giá cả điều tiết việc sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa, từ thói quen hưởng thụ sản phẩm và dịch vụ được bao cấp sang sử dụng sản phẩm và dịch vụ phải trả tiền và chủ động, tự chủ thỏa mãn nhu cầu của mình. Nghĩa là, cần tạo ra lớp công chúng mới, những khách hàng tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa vừa đa dạng về nhu cầu, vừa tự chủ chọn lựa và vừa chủ động chi trả thù lao.

Đối với chủ thể sáng tạo sản xuất, kinh doanh lĩnh vực văn hóa, cần có sự tôn vinh theo tiêu chí của kinh tế thị trường, nghĩa là cần tôn vinh những người sáng tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, những nhà kinh doanh giỏi, làm giàu trong lĩnh vực văn hóa. Tất cả các giải pháp trên nếu được thực hiện sẽ thúc đẩy nhân tố “thị trường”, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta./.

--------------------

(1) Xem: Lương Hồng Quang: Các ngành công nghiệp sáng tạo văn hóa ở Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 264
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 263 - 264