Góp phần nhận diện để sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất hiện nay
TCCS - Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, Đảng ta tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, kiên quyết, kiên trì rà soát, sàng lọc, đưa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng và bộ máy chính trị các cấp. Đó là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ trong tình hình mới.
Nhận diện để sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất hiện nay
Kinh nghiệm lịch sử 91 năm qua, nhất là 76 năm cầm quyền của Đảng cho thấy, sau khi có đường lối chính trị đúng đắn, một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng là xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, cùng với “xây”, Đảng ta hết sức coi trọng việc chỉnh đốn Đảng, nhất là khi xuất hiện tình hình đặc biệt, cấp bách, qua đó góp phần sàng lọc và loại bỏ những cán bộ, đảng viên suy thoái, thoái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ, để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn trong hơn 91 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện và kiên quyết, nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” được coi trọng, có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất đạo đức và vai trò tiên phong, gương mẫu, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ. Điều đó càng nhức nhối hơn khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(1). “Trong giai đoạn từ 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang,…). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng”(2), góp phần sàng lọc những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng.
Cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất là những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm những điều đảng viên không được làm như phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng. Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác. Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức...
Chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, vun vén cho lợi ích của bản thân và gia đình là nguyên nhân trực tiếp khiến cho tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền,… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra khá trầm trọng. Đồng thời, việc xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn bị động, chủ quan, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Ở nhiều cấp, việc đánh giá và sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên còn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Ở một số nơi, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị còn thiếu sự chủ động, kiên quyết trong việc sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi tổ chức. Vì thế, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thêm phức tạp, khó lường.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, phải “có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín với nhân dân”(3). Đồng thời, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Đây là công việc rất hệ trọng và cấp thiết, mà trước hết là cần có phương thức sàng lọc làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách khoa học, phù hợp và hiệu quả.
Một số cách thức sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất
Nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên
Để có căn cứ sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, thì trước tiên phải nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên chính xác. Đánh giá đúng, chính xác là để biết đâu là cán bộ tốt, đâu là cán bộ yếu kém, vi phạm để sàng lọc; nếu vi phạm nghiêm trọng thì loại bỏ. Theo Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” nêu rõ, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm,...
Điều chuyển, luân chuyển cán bộ, đảng viên
Điều chuyển, luân chuyển cán bộ là hoạt động phổ biến, là một khâu trong công tác cán bộ của các cơ quan của Đảng, Nhà nước, chính quyền, đoàn thể,... trong hệ thống chính trị, nhằm chuyển đổi lần lượt vị trí công tác của cán bộ, đảng viên. Điều chuyển, luân chuyển cán bộ là một trong những cách thức để sàng lọc, nhận diện được rõ hơn cán bộ, đảng viên có đủ năng lực công tác hay không, vì trong môi trường làm việc mới sẽ giúp cho những cán bộ có điều kiện được thực hành, rèn luyện để ngày càng trưởng thành hơn; đồng thời, cũng làm lộ rõ yếu kém của những cán bộ năng lực yếu, trình độ, bản lĩnh hạn chế,… Ngoài ra, điều động, luân chuyển cán bộ, đảng viên còn là yêu cầu quan trọng, cần thiết để góp phần phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, nhất là việc chạy chức, chạy quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ, đảng viên
Đây là một khâu rất quan trọng của công tác cán bộ nói chung và trong sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất hiện nay nói riêng. Công tác kiểm tra, giám sát là để kịp thời phát hiện những sai phạm, vi phạm nhiều khi được che đậy rất kỹ, rất kín, rất tinh vi, để xử lý những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe, giáo dục; tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm và loại bỏ những cán bộ, đảng viên vi phạm.
Kiểm soát việc thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên
Kiểm soát việc thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên là việc sử dụng cơ chế, biện pháp, các quy định trong Điều lệ Đảng, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên trong việc định ra những quyết định chính trị và thực thi công vụ. Kiểm soát việc thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên là công việc hệ trọng, bảo đảm cho quyền lực không bị tha hóa, nhưng cũng không trói buộc quyền lực, gây khó khăn, cản trở việc thực thi công vụ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Kiểm soát quyền lực phải thường xuyên, toàn diện và chặt chẽ để phát hiện, xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên khi có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực,...
Chế độ tập sự trước bổ nhiệm
Tập sự là làm thử, “nhập vai” vào vị trí công việc, chức trách phải đảm nhiệm công việc mới trong tương lai, trước khi được giao chính thức. Người tập sự phải thể hiện khả năng đáp ứng yêu cầu về tư cách, phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí công việc trong một tổ chức nhất định. Chế độ tập sự là bước thử thách, để nhận diện cán bộ, đảng viên có đủ đạo đức, năng lực đáp ứng công việc hay không; nếu yếu kém, thậm thí thoái hóa, biến chất thì kịp thời thay thế ngay.
Chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý đã khẳng định được hiệu quả trong thực tiễn công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ của nhiều cơ quan, đơn vị. Việc nghiên cứu, bổ sung và áp dụng chế độ tập sự góp phần tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của cả hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cần sàng lọc một cách chính xác những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan của Đảng và Nhà nước không đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời gian tập sự, kiên quyết không bổ nhiệm chính thức, nhằm ngăn chặn hiện tượng cán bộ có năng lực yếu kém, nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm do “chạy chức”, “chạy quyền”.
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác sàng lọc, loại bỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất
Một là, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, đảng viên theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở từng cấp. Cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ đứng đầu theo Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017, của Bộ Chính trị, về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ, đảng viên năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Hai là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trên tinh thần bám sát các nội dung của Quy định số 98-QÐ/TW, ngày 7-10-2017, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó tập trung tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kịp thời thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ. Ðây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay.
Ba là, tập trung rà soát, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế hiện có, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khẩn trương hoàn thiện các cơ chế về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ nhân sự; đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú ý quản lý cán bộ, đảng viên làm việc trong lĩnh vực đặc thù,… kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức”, “chạy quyền”. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; có cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”,... Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, đề cao thực hiện thẩm quyền tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới để kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát việc thực thi quyền lực của cán bộ, thực hiện nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; theo đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn hệ thống chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với thực tiễn. Quy chế làm việc của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị phải rõ ràng; trong tổ chức thực hiện phải công khai, minh bạch, theo đúng các tiêu chuẩn, quy định, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, tập trung vào những vị trí, lĩnh vực nhạy cảm; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng quyền lực để trục lợi, thực hiện hành vi sai trái trong công tác cán bộ.
Năm là, xây dựng quy chế, quy định cụ thể về chế độ tập sự trước bổ nhiệm, trong đó có chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý các cấp, như tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý; thời gian tập sự; quyền và nghĩa vụ của tổ chức đảng, người đứng đầu trong tiếp nhận, theo dõi, hướng dẫn, đánh giá cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý,… Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên, viên chức trong hệ thống chính trị.
Sáu là, đẩy mạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bằng cơ chế, chính sách, pháp luật và các biện pháp để cán bộ “không muốn tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, gắn với việc thực hiện Quy định số 41-QĐ/TW thông qua việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực, căn cứ vào một trong các trường hợp sau: a) Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; b) Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; c) Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Quy định rõ việc kê khai và kiểm tra, xác minh về thu nhập, tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
----------------------
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22
(2) Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, với quyết tâm chính trị cao và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, chúng ta nhất định sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh”, Tạp chí Cộng sản, số 957, tháng 1- 2021
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 178 - 179
Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa, khoa học và hiện đại  (10/12/2021)
Bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương: Thực tiễn và kinh nghiệm  (27/11/2021)
Mối họa từ “người giả”  (22/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển