Tạp chí Cộng sản: Vẻ vang truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển
TCCS - Ngày 4-8-2020, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học: “Tạp chí Cộng sản - 90 năm xây dựng và phát triển”. Hội thảo là dịp để nhìn lại quá trình hình thành, phát triển, những đóng góp của Tạp chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong 90 năm qua, kể từ ngày Tạp chí ra số đầu đến nay (5-8-1930 - 5-8-2020); đồng thời, tổng kết những bài học có giá trị, đề xuất các kiến nghị đổi mới, nâng cao chất lượng công tác của Tạp chí đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản.
Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương; lãnh đạo Tạp chí Cộng sản qua các thời kỳ; các cộng tác viên, nhà khoa học, nghiên cứu cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản - do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm chủ nhiệm xuất bản số đầu tiên vào ngày 5-8-1930. Trong 90 năm hình thành và phát triển, dù trải qua những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, với nhiều tên gọi ở các thời kỳ, nhưng Tạp chí Cộng sản luôn giữ vững là ngọn cờ tư tưởng, lý luận hàng đầu của Đảng, gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Trong các cơ quan báo chí của Đảng, Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận chính trị duy nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vai trò, vị thế, tính chất đặc biệt đó đặt trách nhiệm lớn cho Tạp chí là phát ngôn về lý luận chính trị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phải thể hiện tính chính thống, tính chuẩn mực, đúng tầm vóc là “vũ khí sắc bén” của công tác tư tưởng. Không phải ngẫu nhiên vào thời kỳ đầu, Tạp chí Cộng sản đặt ngay trong Văn phòng Trung ương Đảng, do Tổng Bí thư trực tiếp làm Tổng Biên tập, viết bài, duyệt bài và khi lập tòa soạn chuyên trách, thì công tác của Tạp chí vẫn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều có các quyết định hoặc chi thị về công tác của Tạp chí Cộng sản. Hội thảo cần bám sát các quyết định đó để thảo luận, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Tạp chí trong thời gian tới, đặc biệt trên các vấn đề: Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phải đặt đúng tầm vóc của cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, bảo đảm nâng cao chất lượng biên tập, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; tích cực chuẩn bị cho việc xuất bản ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu vào năm 2021, bảo đảm tính chất tạp chí tuyên truyền, hướng dẫn lý luận chính trị; có cơ chế phối hợp với các cơ quan khoa học, cộng tác viên để xây dựng ấn phẩm đúng tầm, có chất lượng; chủ động nghiên cứu công phu, bài bản, tổ chức thành tuyến bài và duy trì đều đặn chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”; nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tổ chức cộng tác viên viết bài, tổ chức biên dịch thật sự khoa học để tuyên truyền phù hợp, phấn đấu mở thêm trang tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, bên cạnh cải thiện trang tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Lào trên Tạp chí Cộng sản điện tử. Cần đầu tư xây dựng tòa soạn điện tử, ứng dụng tốt các thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ cho nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị.
Đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ rõ, mọi công việc của Tạp chí đều liên quan đến vấn đề gốc rễ là công tác cán bộ, công tác cộng tác viên. Tạp chí cần có cơ chế tuyển dụng những sinh viên xuất sắc các ngành khoa học Mác - Lê-nin, cử đi đào tạo lý luận chính trị một cách bài bản gắn với bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, bảo đảm mỗi cán bộ nghiên cứu, biên tập phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lý luận sắc bén, thực tiễn sâu rộng, nghiệp vụ thành thục. Hội thảo cũng cần bàn thảo việc đổi mới các hình thức tương tác, chia sẻ thông tin hai chiều để cộng tác viên nắm rõ tôn chỉ, mục đích, tính chất tuyên truyền trên tạp chí, định hướng viết bài ở từng giai đoạn, đặc trưng và yêu cầu từng ấn phẩm, nhờ đó mà nâng cao chất lượng tuyên truyền.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, trong chặng đường 90 năm qua, dù ra đời, xuất bản, phát hành trong những điều kiện khó khăn, dù mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng Tạp chí luôn giữ vững tính chất, bản sắc là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là ngọn cờ tư tưởng, lý luận hàng đầu của Đảng. Kỷ niệm 90 năm Tạp chí ra số đầu là dịp để nhìn lại diễn trình lịch sử của Tạp chí, được đặt chung trong dòng chảy công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; tạo không gian để thế hệ hôm nay có dịp tri ân, học hỏi kinh nghiệm được trao truyền từ các thế hệ tiền bối; mở cơ hội chia sẻ, tương tác giữa cán bộ Tạp chí với đội ngũ cộng tác viên, giữa những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận với bạn đọc; nhờ đó tích lũy thêm vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức nghiên cứu, biên tập, xuất bản, phát hành Tạp chí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Đồng chí PGS, TS. Đoàn Minh Huấn đã điểm lại chặng đường phát triển 90 năm của Tạp chí qua ba giai đoạn: Giai đoạn đầu, khi chủ nghĩa Mác - Lê-nin bắt đầu được du nhập, truyền bá thông qua vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; khi đường lối cách mạng mới hình thành Đảng ta vừa lãnh đạo khởi dựng sự nghiệp, vừa tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, phát triển lý luận thì nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị được thực hiện bằng phương pháp trực tiếp, hay còn gọi là trực truyền. Phương cách trực truyền làm cho lý luận và đường lối không bị “tam sao thất bản” giống như gián truyền qua đội ngũ trung gian. Thực tế ấy khiến cho mỗi bài viết trên Tạp chí luôn hòa quyện giữa tính lý luận, tính chính trị và tính thực tiễn, nhờ đó các cây bút thuộc thế hệ đầu tiên luôn hội đủ trong mình các tố chất, phẩm chất vừa là nhà cách mạng, vừa là nhà lý luận, vừa là nhà báo.
Giai đoạn thứ hai, khi đã tổ chức thành tòa soạn độc lập, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước dù vẫn phụ trách trực tiếp nhưng đã định hình cơ quan chuyên trách. Lúc này, bài viết chủ yếu trên Tạp chí vẫn là của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều cây bút là những cán bộ nghiên cứu lý luận chuyên nghiệp hoặc lãnh đạo cấp bộ, cục, vụ, viện, địa phương. Trực truyền và gián truyền đan xen nhau. Lý luận chính trị thường thức đã định hình khung ổn định, nhờ đó cán bộ nghiên cứu, biên tập có thể tham gia viết bài tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị ngày càng nhiều hơn. Tổ chức tòa soạn độc lập giúp cho công việc biên tập, xuất bản, phát hành được tiến hành một cách chuyên nghiệp, nhất là viết những thể loại đòi hỏi kỹ năng nghiên cứu lý luận và làm báo chuyên nghiệp.
Giai đoạn thứ ba, từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, tổ chức tòa soạn độc lập, chuyên nghiệp là xu hướng tất yếu, nhưng mọi mặt công tác của Tạp chí luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cách tổ chức tòa soạn chuyên nghiệp giúp cán bộ Tạp chí có điều kiện tiến hành công tác một cách chủ động, trong hoạt động nghiên cứu, biên tập, xuất bản, phát hành cũng như thu hút cộng tác viên từ nhiều cơ quan khoa học, lý luận tham gia viết bài cho Tạp chí. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, biên tập và cộng tác viên của Tạp chí cả về kiến thức lý luận, thực tiễn và nghiệp vụ báo chí.
Đồng chí PGS, TS. Đoàn Minh Huấn khẳng định, nhìn lại chặng đường phát triển vẻ vang của Tạp chí, chúng ta có điều kiện hiểu sâu sắc hơn tầm nhìn xa, rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác lý luận, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị ngay từ thời dựng Đảng. Người đã khai bút, mở nghiệp, dựng cơ đồ của Tạp chí Cộng sản. Các lãnh đạo tiền bối của Đảng đã sử dụng vũ khí phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng mà mỗi người mang trong mình vừa là nhà chính trị, vừa là nhà lý luận, vừa là nhà báo - nhà văn hóa. Tạp chí lý luận chính trị là công cụ không thể thiếu đối với một đảng cách mạng cần có lý luận dẫn đường, giúp cán bộ vượt lên chủ nghĩa kinh nghiệm và được nâng tầm lý luận, nhờ đó mà hành động một cách sáng suốt. Tổng kết 90 năm còn là dịp để chúng ta tỏ lòng tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các bậc lãnh đạo tiền bối, không chỉ tạo dựng nền tảng vững chắc cho hôm nay mà còn để lại tấm gương đạo đức ở đời, tấm gương làm người và rèn nghề vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay.
Sau phần phát biểu đề dẫn, hội thảo đã trực tiếp nghe 8 tham luận, ý kiến tham góp của các cán bộ nguyên là lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, các nhà khoa học, lý luận, cộng tác viên của Tạp chí. Các tham luận, ý kiến trình bày tại Hội thảo đã khẳng định vị trí, vai trò của Tạp chí Cộng sản trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của Đảng; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,… Với tình cảm gắn bó, thân thiết, kỳ vọng vào sự phát triển của Tạp chí trong thời gian tới, các cộng tác viên đã đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng để xây dựng, phát triển Tạp chí xứng đáng là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã khái quát những vấn đề, nội dung chính được trình bày tại hội thảo và tham luận in trong kỷ yếu hội thảo, thể hiện qua một số nội dung sau:
Một là, hội thảo khẳng định ý nghĩa của sự kiện Tạp chí Đỏ - nay là Tạp chí Cộng sản - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm chủ nhiệm đầu tiên. Tạp chí Đỏ ra đời cho thấy, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cách mạng; coi trọng yêu cầu tuyên truyền lý luận chính trị, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đảng viên; thể hiện tầm nhìn xa, rộng, cách làm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng.
Hai là, các bài học kinh nghiệm có giá trị từ lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí Cộng sản. Các tham luận, phát biểu vừa ôn lại lịch sử vẻ vang qua các chặng đường xây dựng và phát triển của Tạp chí Cộng sản, vừa đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn, không chỉ đối với công tác Tạp chí mà rộng hơn là cả công tác tư tưởng - lý luận của Đảng.
Ba là, khẳng định vai trò, vị thế của Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương; là ngọn cờ tư tưởng, lý luận hàng đầu của Đảng. Nhiều đồng chí Tổng Bí thư đã kiêm nhiệm hoặc làm Tổng Biên tập Tạp chí. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Tạp chí Cộng sản cũng luôn kiên định, giữ vững tôn chỉ, mục đích, bản sắc của một tạp chí lý luận chính trị.
Bốn là, tính lý luận, tính chính trị, tính chiến đấu và tính thuyết phục của các ấn phẩm, chuyên mục, bài viết trên Tạp chí Cộng sản ngày càng được nâng cao và sâu sắc hơn. Các tham luận nhấn mạnh bản sắc đặc trưng tuyên truyền trên Tạp chí Cộng sản, thể hiện tập trung nhất ở tính lý luận, tính chính trị, tính chiến đấu, tính thuyết phục. Tính lý luận thể hiện ở việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng bằng lý lẽ sắc bén, không phải tuyên truyền “chay” mà từ tổng kết thực tiễn khái quát lên tầm lý luận. Tính chính trị thể hiện ở kế hoạch nghiên cứu, tuyên truyền của Tạp chí phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, nhất là bám sát Cương lĩnh, các văn kiện Đại hội Đảng, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tính chiến đấu đòi hỏi phải đấu tranh với các quan điểm lệch lạc để uốn nắn, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Tính thuyết phục của bài viết lý luận chính trị là không dễ trong điều kiện hiện nay, nhưng sâu xa vẫn phải có tư liệu tin cậy, lý luận sắc bén, lập luận chắc chắn.
Năm là, làm rõ những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức của Tạp chí Cộng sản trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ thời kỳ mới. Thuận lợi cơ bản là Tạp chí Cộng sản luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự kế thừa truyền thống vẻ vang 90 năm; bạn đọc luôn xem Tạp chí là địa chỉ cung cấp tri thức lý luận chính trị tin cậy để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tuyên truyền, giáo dục; công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ cho phép Tạp chí ứng dụng các công cụ phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền lý luận chính trị của Đảng. Bên cạnh thuận lợi, Tạp chí Cộng sản cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức về sự hẫng hụt thế hệ, thiếu các chuyên gia lý luận tầm cỡ, sức ép của truyền thông xã hội, của thông tin không chính thống,…; lực lượng cộng tác viên trẻ còn ít, chưa có nhiều cây bút sắc sảo, giàu sức thuyết phục; việc mua, đọc, sử dụng Tạp chí chưa đồng đều ở các địa phương và tổ chức đảng.
Sáu là, cần xử lý thỏa đáng các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới và phát triển của Tạp chí Cộng sản, gồm có: Mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động biên tập - xuất bản; mối quan hệ giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để phục vụ cho tuyên truyền; mối quan hệ giữa phản ánh những vấn đề lý luận chính trị thường thức với xuất bản những chuyên đề lý luận chuyên sâu; mối quan hệ giữa tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng với tạo không gian cho trao đổi, tranh luận; mối quan hệ giữa tuyên truyền, cổ vũ nhân tố mới, cách làm hay với phê phán cái ác, cái xấu, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; mối quan hệ giữa xây dựng lực lượng cán bộ nghiên cứu, biên tập của chính Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản với việc mở rộng cộng tác viên bên ngoài từ các cơ quan lý luận, khoa học, báo, đài, bộ, ngành. Tháo gỡ và giải quyết, xử lý hài hòa các mối quan hệ này góp phần giúp Tạp chí Cộng sản phát triển, mãi xứng đáng là ngọn cờ lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau hội thảo, Tạp chí Cộng sản tiến hành Lễ trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tạp chí lý luận của Đảng" tặng một số đồng chí cộng tác viên chiến lược, có nhiều bài viết xuất sắc và những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Tạp chí Cộng sản./.
Một số giải pháp xây dựng Tạp chí Cộng sản tiếp tục xứng đáng vị thế là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng trong giai đoạn hiện nay  (04/08/2020)
Hợp tác tuyên truyền, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận giữa Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Bình Dương  (01/08/2020)
Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tạp chí lý luận của Đảng” và Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”  (01/08/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay