Giải quyết hài hòa giữa lợi ích ngân hàng và doanh nghiệp
TCCS - Ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, để ngân hàng và doanh nghiệp cùng phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu chung là phát triển kinh tế đất nước thì rất cần phải giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên.
Những cái khó trong thực tế
Ngân hàng thương mại thực chất là doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng. Dịch vụ ngân hàng phải bảo đảm cho ngân hàng tồn tại, bảo toàn và phát triển được vốn kinh doanh, đồng thời phải hoàn trả được nợ cho người gửi tiền bởi vì vốn của ngân hàng cho vay là nguồn vốn huy động trong dân. Ngoài ra nguồn vốn còn phải được thu hồi đầy đủ, kịp thời để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh tiếp theo. Muốn vậy, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh như thế nào là điều rất quan trọng, nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì việc thu hồi vốn của ngân hàng sẽ khó khăn và ngược lại.
Có những thời điểm năm 2008 nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ứ đọng hàng trăm tấn cá tra không tiêu thụ được. Năm 2009, diện tích nuôi cá tra của các hộ dân này đã giảm nhiều do giá thức ăn chăn nuôi tăng gần 40% so với năm trước, trong khi giá bán giảm từ 800 - 1.000 đ/kg, nếu sản xuất người nuôi cùng lắm chỉ hoà vốn thậm chí lỗ. Tương tự, đầu năm 2010, nông dân tỉnh Quảng Ngãi tuy được mùa dưa hấu nhưng lại khó tiêu thụ, giá dưa bị tụt nhanh (đầu vụ từ 4.000 - 4.500 đ/kg thì chỉ sau 10 ngày giá xuống còn 2.500đ/kg, thậm chí chỉ còn 500 - 700 đ/kg), trong khi nếu theo tính toán, không kể tiền công chăm sóc, để trang trải chi phí thuốc trừ sâu, tưới nước, giá bán dưa phải được từ 1.500 - 1.800 đ/kg.
Những năm gần đây, các ngân hàng đầu tư đã cố gắng gắn được vùng nguyên liệu với thị trường tiêu thụ cho người vay để sản xuất. Tuy nhiên ở nhiều nơi hàng hóa sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ, hoặc thị trường đầu ra nhất là nông sản chưa ổn định, vững chắc, nên gây khó khăn cho cả bên đi vay và ngân hàng.
Về lãi suất cho vay, đây là yếu tố nằm trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, nếu lãi suất càng cao thì càng đẩy giá thành lên cao và làm giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ khoản vay ngân hàng. Nói một cách khác nếu doanh nghiệp “chết” thì ngân hàng cũng sẽ “chết” theo và ngược lại. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì sẽ có vốn trả nợ ngân hàng sòng phẳng, ngân hàng sống và tồn tại được phải “nhờ” vào doanh nghiệp. Nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất các doanh nghiệp có thể chịu đựng được hiện nay chỉ nên khoảng từ 12% - 13%. Trường hợp có những khách hàng truyền thống vay với số lượng lớn, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thì có thể cho vay dưới 12%/năm.
Thực ra trong cuộc chạy đua lãi suất, bản thân các ngân hàng cũng không muốn đẩy lãi suất huy động lên cao, vì nếu chưa cho vay ra được kịp thời thì lợi nhuận sẽ giảm, gây nên ứ đọng dư thừa vốn, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp vay và áp lực cho chính mình. Nhưng, nếu lãi suất huy động thấp thì không thu hút và chủ động được nguồn vốn để cho vay. Vì vậy lãi suất huy động của ngân hàng này phải “nhìn vào ngân hàng kia” để ấn định mức lãi suất chung của cả thị trường. Đối với lãi suất cho vay “đầu ra” cũng vậy, làm thế nào lãi suất cho vay phải hạ dần để thực hiện mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần cân đối giữa khối lượng hàng hóa và khối lượng tiền tệ cần thiết trong lưu thông để nâng cao chất lượng tín dụng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, các ngân hàng phải ấn định mức lãi suất sao cho phù hợp với khả năng trả của doanh nghiệp và cũng cần lựa chọn doanh nghiệp có thể làm ăn sinh lời để cho vay.
Ngoài ra, ngân hàng phải có nhiệm vụ góp phần vào phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, nên các chính sách tín dụng ngân hàng phải phục vụ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh duy trì và đẩy mạnh sản xuất, không thể chạy theo lợi nhuận đơn thuần, lợi ích cục bộ cho đơn vị mình. Tín dụng ngân hàng phải đi vào chiều sâu, coi trọng vốn đầu tư vào sản xuất hàng hóa, phải nâng tỷ trọng vốn vào các ngành như công, nông lâm nghiệp chế biến thủy hải sản, các hộ làm kinh tế trang trại thu hút nhiều lao động và khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của các vùng, miền. Thế nhưng, trên thị trường tài chính hiện nay, các ngân hàng cổ phần tuy đã phát triển mạnh cả về quy mô và doanh số hoạt động, nhưng phần lớn tập trung ở các thành thị, dân cư đông đúc, nơi có nhiều lợi thế. Các bàn tiết kiệm và phòng giao dịch mở ra dày đặc trên những tuyến phố để thu hút vốn và mở rộng cho vay, trong khi ngân hàng cổ phần chưa chú trọng mở rộng thị trường về nông thôn (hiện nay ở nông thôn chỉ có mạng lưới hoạt động của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) nên nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Thực tế, các hộ nông dân, các hộ làm kinh tế trang trại vẫn phải vay vốn ngân hàng với lãi suất như ở thành thị trong điều kiện sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, giá cả nông sản bấp bênh, vì thế chưa khuyến khích phát triển sản xuất.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là, các tổ chức tín dụng thiếu nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, mua sắm các máy móc thiết bị phương tiện vận chuyển. Thời gian qua các ngân hàng đã phải chủ động huy động vốn bằng biện pháp phát hành trái phiếu chuyển đổi phục vụ cho dự án trung và dài hạn và đầu tư của ngân hàng, song ngân hàng vẫn còn nỗi lo canh cánh liệu số vốn hàng nghìn tỉ đồng của các ngân hàng thương mại đã đầu tư từ năm trước có tiềm ẩn rủi ro không?, đó là những cái khó không thể không nhìn thấy.
Làm thế nào để bảo đảm lợi ích cho cả ngân hàng và các doanh nghiệp
Để giải quyết hài hòa lợi ích của cả hai bên, đối với những doanh nghiệp, hộ kinh doanh mà năng lực quản lý còn yếu thì cán bộ ngân hàng phải đi sâu vào tìm hiểu phương án, dự án sản xuất kinh doanh, mong muốn của họ để tư vấn giúp trên phương diện tài chính kế toán, phương hướng thị trường... Đặc biệt là phải có kế hoạch trợ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30-9-2009, của Chính phủ.
Bản thân các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tự tìm cách đổi mới phương thức sản xuất, quản lý, công nghệ, mặt hàng kinh doanh để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng cường huy động vốn trong nội bộ, cố gắng không tăng giá bán, tiêu thụ được sản phẩm và bảo đảm tiền luơng cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xử lý các khoản nợ tồn đọng như nợ phải thu, nợ phải trả để lấy vốn đầu tư vào kinh doanh, phát huy nội lực là chính.
Trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đã nêu trong Nghị quyết tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6-4-2010 của Chính phủ, về phía các ngân hàng, tín dụng ngân hàng cần tập trung giải quyết một số lĩnh vực dưới dây:
Một là, tăng cường đầu tư vào sản xuất nông lâm nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoại trừ hệ thống ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn và các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các ngân hàng khác đến cuối năm 2010 phải có vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực này chiếm tỷ trọng từ 20% - 30% trong tổng dư nợ. Đối tượng đầu tư chủ yếu là sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung ở các vùng trọng điểm như lúa với mục tiêu sản lượng phải đạt được từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/ha, bảo đảm hộ trồng lúa phải có lãi ít nhất là 30% so với giá thành sản xuất. Tổng sản lượng lúa cả nước phải từ 41 triệu - 43 triệu tấn và xuất khẩu 4 triệu tấn gạo/năm. Nâng mức đầu tư cho kinh tế hộ, đặc biệt là các khoản vốn cho vay trung dài hạn để làm vườn, ao, chuồng và các hộ làm kinh tế trang trại thu hút nhiều lao động.
Trong quá trình này, các tổ chức tín dụng phải thường xuyên giúp hộ nông dân xử lý kịp thời những khoản vốn bị rủi ro do gặp phải thiên tai, dịch bệnh để giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Vốn tín dụng cũng phải đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các cơ sở chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp để gắn giữa sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trong cho vay, các ngân hàng không nên tính thêm các khoản chi phí, vì như thế sẽ “đẩy” giá thành của doanh nghiệp lên cao làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn.
Hai là, hạn chế đến mức tối đa các khoản cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, vàng và bất động sản vì những khoản đầu tư này không tạo ra của cải vật chất, thời gian thu hồi vốn lâu, khi xảy ra rủi ro rất khó thu hồi nợ, tiền mặt đưa ra lưu thông lớn sẽ tạo ra sức ép đối với giá cả và gây nên lạm phát. Đối với cho vay bất động sản chỉ nên cho những hộ có nhu cầu mua nhà ở thực sự vay và đã được chính quyền địa phương và cơ quan xác nhận, đáp ứng được các điều kiện theo quyết định số 67/2009/QĐ-TTg, ngày 24-4-2009, của Thủ tướng Chính phủ. Theo kinh nghiệm ở một số nước, các tổ chức tín dụng chỉ nên khống chế tỷ trọng tối đa khoản vay này dưới 10% trong tổng dư nợ. Nên siết chặt tín dụng bất động sản, ngăn chặn đầu cơ gây “bong bóng bất động sản” và nợ xấu, không cho vay những doanh nghiệp giữ đất mà không xây nhà, đặc biệt là các dự án đã được duyệt thu hồi đất của dân nhưng bỏ hoang hóa lãng phí trong nhiều năm. Cần hạn chế, kiểm tra chặt chẽ tránh việc cho vay để kinh doanh “mua đi, bán lại” làm thị trường bất động sản lên cơn sốt một cách giả tạo và dẫn đến người dân rút tiền ngân hàng để đầu tư vào lĩnh vực này.
Hạn chế các khoản vay để nhập và sản xuất các mặt hàng ô-tô, xe máy đắt tiền và các loại hóa mỹ phẩm... vừa gây tắc nghẽn giao thông, vừa chưa phù hợp với hoàn cảnh điều kiện thực tế của nước ta hiện nay còn thiếu vốn phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2010 tỷ trọng vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội chiếm 70% - 80%, dư nợ cho vay thương mại dịch vụ, tiêu dùng 20%. Để làm được điều này cần kiểm tra chặt chẽ tránh hiện tượng “núp dưới danh nghĩa” để vay được vốn ngân hàng nhưng lại sử dụng vốn vay sai mục đích, dẫn đến khó có khả năng trả nợ.
Ba là, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Đối với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, ngoài việc sử dụng các nguồn lực tài chính do nhà nước huy động để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 31/QĐ-TTg, ngày 5-3-2007, của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ kinh doanh để quyết định mức cho vay cụ thể nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng; hộ vay phải có vốn tự có bao gồm giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, lao động, tiền vốn tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn của dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh.
Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp thanh tra. Nên chăng là kiểm tra theo chuyên đề của từng mặt nghiệp vụ để xác định được những khoản nợ đang lưu hành, nợ quá hạn từ đó có biện pháp xử lý và nhân ra các điển hình tiên tiến về chất lượng tín dụng ngân hàng. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm sự tín nhiệm của ngân hàng với doanh nghiệp, đồng thời chống những biểu hiện tiêu cực đối với những cán bộ ngân hàng trong khi thực thi nhiệm vụ./.
Khai mạc Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh, Hà Tĩnh  (10/09/2010)
Phong trào thi đua yêu nước và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”  (09/09/2010)
Việt Nam dành hơn 739.000 tỉ đồng cho đầu tư công  (09/09/2010)
Thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh  (09/09/2010)
165 triệu USD dành cho xóa đói giảm nghèo ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc  (09/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay