Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam,” tổ chức ngày 8-9, tại thành phố Cần Thơ.

Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp thủy sản tìm kiếm các giải pháp công nghệ thông tin thông minh để ứng dụng vào công tác quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng chế biến cho đến quá trình vận chuyển và phân phối.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp thủy sản được tiếp cận khung giải pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra chuỗi cung ứng thủy sản an toàn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận tổng thể các chuỗi cung ứng thực phẩm dựa trên công nghệ số, trên cơ sở mỗi thành tố của chuỗi cung ứng sẽ được gắn một thiết bị theo dõi duy nhất.

Đây có thể là một thẻ nhận dạng bằng tần số vô tuyến gắn với một con cá, một mã vạch gán cho một bao bì sản phẩm hay một số hiệu đặt riêng cho một ao tôm. Sản phẩm thủy sản sau đó có thể được đưa vào máy quét và chuyển dữ liệu cho đơn vị yêu cầu thông tin, từ nhà phân phối đến người nhập khẩu và người tiêu dùng.

Nhờ đó, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam khi đặt chân tới các thị trường quốc tế vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ tươi ngon, từ đó tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng toàn cầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản còn được tiếp cận những tiến bộ công nghệ thông tin mới nhất trong đó có công nghệ cảm ứng và phần mềm truy xuất nhằm giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản nắm bắt những thông tin quan trọng về thủy sản như nguồn gốc xuất xứ, ngày đánh bắt, nhiệt độ vận chuyển.

Ông Tạ Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho rằng trước những rào cản kỷ thuật bắt buộc hàng hóa nhập khuẩn phải đáp ứng được các yêu cầu chất lượng và nguồn gốc xuất xứ thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc thủy sản là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường đặc biệt là đáp ứng tốt những đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm từ phía người tiêu dùng.

Ông Dũng cũng khẳng định: giải pháp truy xuất thực phẩm không chỉ giúp các doanh nghiệp thủy sản tuân thủ tốt các quy định khắc khe của cơ quan quản lý và các quốc gia nhập khẩu mà còn giúp các doanh nghiệp thủy sản chủ động theo dõi quản lý tốt chất lượng sản phẩm, dễ dàng phát hiện và xử lý sự cố xảy ra khi chế biến thủy sản để nhanh chóng thu hồi.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hai doanh nghiệp rất thành công khi ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc thủy sản đó là Công ty cổ phần chế biến Thủy sản Bình An ở tỉnh Cần Thơ và Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau.

Chỉ sau một năm, công ty ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc thủy sản, sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả hai công ty này đều tăng từ 10-15% so với việc sử dụng phương pháp truy suất kiểu thủ công như trước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới, Việt Nam được coi là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với giá trị xuất khẩu giai đoạn 1998-2008, tăng trung bình 18%/năm.

Kể từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới./.