Kinh nghiệm trong công tác đào tạo công chức ở Anh
TCCS - Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chế độ công chức. Sau hơn 150 năm phát triển, chế độ đào tạo công chức của nước Anh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, trong những năm qua, Chính phủ Anh đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong quản lý công tác đào tạo cán bộ công chức. Đây chính là điều kiện tiên quyết để nước Anh xây dựng được một đội ngũ công chức có tinh thần trách nhiệm cao và hiệu quả trong công việc, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước.
Đặc điểm trong chế độ đào tạo công chức của Anh
Nghiêm túc, chú trọng hiệu quả
Một đặc điểm nổi bật trong chế độ đào tạo công chức ở Anh là quản lý chặt chẽ, có hệ thống và hiệu quả. Luật Công chức của Anh quy định, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học chính quy phải tham gia một khóa đào tạo bắt buộc và được cấp chứng chỉ cấp quốc gia thì mới đủ điều kiện thi công chức. Theo quy định, trước khi bắt đầu vào làm việc, người được tuyển dụng đều phải trải qua một khóa đào tạo ít nhất là 15 ngày. Ngoài ra, đối với công chức cao cấp, khi đảm nhận công việc mới, họ đều phải đến Trung tâm phát triển của Học viện Công chức Anh tham gia kỳ thi sát hạch, đánh giá để xác định hướng đào tạo và phát triển trong tương lai.
Mục tiêu đào tạo rõ ràng
Mục tiêu của công tác đào tạo công chức của Anh là nâng cao năng lực cho công chức để họ tiếp nhận và tham gia vào các hoạt động xã hội... Chương trình đào tạo phù hợp với từng ngành, vị trí công tác, giới tính, độ tuổi... Ví dụ, Học viện Công chức Anh là nơi cung cấp các ý kiến tư vấn của chuyên gia cho những đối tượng tham gia đào tạo, trong đó có hơn 1/3 số môn học được xây dựng theo yêu cầu riêng cho các đối tượng tham gia đào tạo. Đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo là các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong nhiều lĩnh vực...
Hệ thống đào tạo quy củ
Chương trình đào tạo công chức ở Anh chủ yếu tập trung vào một mục tiêu là nâng cao 9 phương diện cho công chức, bao gồm: (1) Năng lực lãnh đạo; (2) Năng lực tư duy chiến lược và quy hoạch; (3) Năng lực hoàn thành nhiệm vụ; (4) Năng lực quản lý nhân sự; (5) Năng lực giao tiếp; (6) Năng lực quản lý tài chính và các nguồn tài nguyên khác; (7) Năng lực công tác cá nhân; (8) Tính sáng tạo và năng lực phán đoán; (9) Kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ.
Tại Anh, hệ thống đào tạo công chức là một mạng lưới đào tạo kết hợp giữa ba cơ quan gồm: cơ sở đào tạo trực thuộc chính phủ; cơ sở đào tạo công chức chuyên nghiệp và cơ sở đào tạo ở các trường đại học. Cục Đào tạo và Phát triển của Bộ Tài chính Anh là một cơ sở đào tạo công chức trực thuộc chính phủ, chủ yếu dựa vào chiến lược phát triển và yêu cầu công việc thực tế để đào tạo cán bộ công chức. Còn các cơ sở đào tạo công chức chuyên nghiệp như Học viện Công chức Anh, Hiệp hội Quản lý hành chính công Hoàng gia Anh... thì chủ yếu lại dựa vào nhu cầu đào tạo của các cá nhân và tổ chức trong xã hội, chương trình đào tạo phù hợp với các đối tượng khác nhau. Ngoài ra, học viện trong các trường đại học, cao đẳng Anh cũng là một cơ sở đào tạo công chức quan trọng như Học viện Chính sách công cộng thuộc trường Đại học Bơ-minh-ham, Học viện Kinh tế và Khoa học chính trị của trường Đại học Luân-đôn...
Một số kinh nghiệm trong đào tạo công chức của Anh
Nội dung đào tạo phong phú, chú trọng những vấn đề thực tiễn
Chương trình đào tạo công chức của Anh có nội dung phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực, có thể phân thành những nội dung như: Chính phủ và kinh tế, chính phủ và quản lý, phát triển kỹ năng cá nhân, thi chứng chỉ và hướng dẫn luận văn, pháp luật, nghiên cứu châu Âu, danh mục môn học được tổ chức, phân loại theo từng ngành, có khoảng 500 danh mục để công chức lựa chọn. Chương trình đào tạo công chức của Anh rất chú trọng tổ chức các hoạt động thực tế tại cơ sở, đồng thời tập trung nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra cho công chức.
Loại hình đào tạo đa dạng
Căn cứ vào thứ bậc của công chức, chương trình đào tạo công chức của Anh được chia thành 3 loại hình khác nhau: Đào tạo công chức cao cấp, đào tạo công chức trung cấp và đào tạo công chức sơ cấp. Đối tượng của chương trình đào tạo công chức cao cấp là quan chức cấp cao thuộc các ban ngành của chính phủ, thời gian đào tạo diễn ra trong khoảng 3 tuần; đối tượng của chương trình đào tạo công chức trung cấp là các nhân viên quản lý trung tầng trong các ban ngành của chính phủ, thời gian đào tạo diễn ra khoảng 10 tuần, nội dung đào tạo gồm các lĩnh vực như hành chính công, quản lý nhân sự, chính sách xã hội, thống kê học... Còn chương trình đào tạo công chức sơ cấp được tiến hành trong 20 tuần, chủ yếu bao gồm các môn học cơ bản như pháp luật, kinh tế thống kê, hành chính công, nghiên cứu chính sách...
Hình thức đào tạo linh hoạt
Hình thức đào tạo công chức ở Anh rất linh hoạt, vừa có những bài giảng mang tính hệ thống của các chuyên gia, học giả, vừa có các nội dung huấn luyện nghiệp vụ của lãnh đạo ban ngành... Ngoài ra, đối với những công chức trẻ trong độ tuổi 20 làm việc tại các ban ngành chính phủ, hằng tuần đều phải có một ngày đi học theo quy định, những người có kinh nghiệm dày dạn hơn, có thể xin được hỗ trợ về mặt kinh phí để nghiên cứu một đề tài nào đó phù hợp với năng lực của bản thân. Chương trình đào tạo của các công chức trong độ tuổi 30 - 40 chủ yếu tập trung vào vấn đề hoạch định chính sách, kỹ năng quản lý hành chính, thao tác và sử dụng máy tính, thời gian đào tạo kéo dài từ 4 đến 6 tuần.
Theo kịp sự phát triển của thời đại
Trong quá trình quản lý các cơ sở đào tạo công chức, Chính phủ Anh áp dụng cơ chế thị trường, thúc đẩy cạnh tranh để phát triển. Cách làm này đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo công chức kịp thời nắm bắt được nhu cầu của thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng. Nội dung đào tạo thường xuyên đổi mới, xây dựng chương trình theo yêu cầu thực tiễn của xã hội. Năm 2001, Bộ Tài chính đã đề ra 5 vấn đề cần giải quyết trong quá trình đào tạo công chức, cụ thể là: nhu cầu và phát triển cán bộ quản lý cao cấp; thế nào là kỹ năng quản lý và lãnh đạo không đúng đắn; những nhận thức sai lầm còn tồn tại trong quá trình đào tạo và quản lý viên chức; tại sao chính sách và chế độ không thể quán triệt một cách có hiệu quả; làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng cứng nhắc trong tư duy và công việc. Đồng thời, chương trình đào tạo công chức của Anh cũng dành riêng cho đối tượng công chức cao cấp như nghệ thuật lãnh đạo, hướng tới chính phủ hiện đại hóa, trao đổi và phản hồi thông tin đa chiều, kỹ năng quản lý...
Phát huy thế mạnh, không ngừng đổi mới
Để phát hiện những người thật sự có tài trong xã hội tham gia vào đội ngũ công chức, từ sau cải cách năm 1968, Chính phủ Anh đã mở rộng tuổi thi cho thí sinh, thời kỳ đầu chỉ nhận học sinh mới tốt nghiệp, sau đã mở rộng tuổi thi đến 24. Ngày nay, đối với những người từ 28 đến 30 tuổi cũng có thể được chọn lựa cho thi. Yêu cầu đối với học lực cũng không đòi hỏi cứng nhắc như trước kia, chỉ cần hợp lệ, cho dù chưa qua đại học chính quy, cũng có thể được tuyển dụng.
Các sơ sở đào tạo công chức của Anh phát huy tối đa thế mạnh của mình, cung cấp các mô hình đào tạo mới cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội. Công cuộc cải cách tư hữu hóa ở Anh luôn đi trước một bước so với các quốc gia khác cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, do đó, phương châm quản lý, lý luận, mô hình và phương thức phục vụ của các ban ngành và cơ quan công cộng của Anh luôn có sự khác biệt rõ rệt. Chính vì vậy, mặc dù các học viện vẫn lấy hoạt động đào tạo công chức làm nội dung chính, song họ vẫn phát huy thế mạnh là nơi cung cấp các dịch vụ cho các cá nhân và cơ quan có nhu cầu. Những đột phá đó giúp cho các cơ sở đào tạo công chức của Anh thu được nguồn lợi nhuận nhất định, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở này phát triển.
Thay lời kết
Các quốc gia trên thế giới đều ý thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nhân lực trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với vai trò là người thực thi công vụ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ công, đội ngũ công chức là lực lượng quan trọng, dẫn đường cho công cuộc phát triển xã hội, trên vai gánh vác trọng trách là người hoạch định chính sách và quản lý các sự vụ công. Về cơ bản, tố chất và năng lực của công chức sẽ quyết định đến hiệu quả làm việc của chính phủ, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của đất nước. Học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm và cách làm thành công của một số nước là con đường ngắn nhất để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ công chức./.
Kiểm toán nhà nước Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba nhân kỷ niệm 15 năm thành lập  (10/07/2009)
Chỉ thị của Ban Bí thư về kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (09/07/2009)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay