4- Tiếp biến, thâu hóa và phát triển tinh hoa thể chế; kiến tạo và phát huy hệ động lực phát triển hệ thống chính trị Việt Nam đổi mới

4.1- Phát triển tinh hoa rường cột thể chế

Nghiên cứu lịch sử cho thấy, sự thành công của các con đường phát triển là sự hội tụ của ba nhân tố chủ yếu: Công nghệ - Thể chế - và Con người.

Gần đây, trong giới khoa học và dư luận lại rộ lên các vấn đề nhân trị, pháp trị hay kỹ trị... trong mối liên quan với chính trị ra sao, chúng như thế nào..., dù xưa nay đây luôn là những câu hỏi lớn đối với mỗi thể chế, mỗi quốc gia, qua mỗi thời kỳ lịch sử. Tất cả đều có lựa chọn và phương thức hành xử riêng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc trước những vấn đề này. Và, chúng ta đều thấy, những sự lựa chọn khác nhau đã đưa các quốc gia, dân tộc phát triển rất khác nhau, thậm chí khoảng cách rất xa nhau. Nói một cách hình ảnh, khi cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, nó không thể chấp nhận bộ máy 1.0, càng không thể thừa nhận một thể chế trình độ 0.4.

Việc đổi mới chính trị nói chung, xét trong mối liên hệ với đổi mới kinh tế một cách toàn diện, đồng bộ, và đổi mới hệ thống chính trị hiện nay, càng không thể không xử lý các vấn đề này, trực tiếp là phát triển tinh hoa thể chế, dù ở phương diện này hay phương diện khác, mức độ này hay mức độ kia. Đó là khách quan và nhu cầu của chính sự đổi mới và phát triển của chúng ta.

Về nhân trị, có thể khái lược, đó là cách cai trị dựa vào đạo đức của con người thuở Nho giáo thịnh hành cách đây mấy ngàn năm, với bốn biện pháp quản lý xã hội: lễ, nhạc, chính, hình. Như vậy lễ, nhạc đứng đầu, thứ đến hành chính và hình pháp. Yếu tố con người được đề cao, nhất là hàng ngũ lãnh đạo. Phái nhân trị cho rằng, “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”(!). Vua chúa phong kiến thời xưa là điển hình của xã hội nhân trị. Trong xã hội dựa vào nhân, không có hạn chế về sự việc lẫn phương cách nhà lãnh đạo có thể làm.

Về pháp trị, các quan niệm cho rằng, trong thể chế pháp trị, luật pháp phải độc lập. Pháp trị là công cụ điều chỉnh quyền lực, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật và có quyền tài phán. Không ai có quyền ngồi trên pháp luật. Pháp trị giúp giới hạn sự chuyên quyền và lạm quyền, giúp cho lãnh đạo sáng suốt và tạo ra được những chính sách khôn ngoan. Các nước phương Tây đang đi theo thể chế pháp trị, tam quyền phân lập, v.v.

Như vậy, thoạt nhìn, theo các nghiên cứu thì, nhân trị và pháp trị khó mà đồng hành với nhau, nếu cô lập hoặc biệt lập chúng. Và, kỹ trị, đây là lý thuyết về phương pháp tổ chức nhà nước với các nhà khoa học và các chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ trở thành những người đứng đầu các cơ quan chính phủ và điều hành các ban, ngành liên quan chứ không phải là các chính trị gia. Theo đó, một nhà kinh tế xuất sắc sẽ trở thành bộ trưởng tài chính hay một bác sĩ xuất sắc nhất sẽ là bộ trưởng y tế. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ cuối những năm 50 thế kỷ XX đã làm cho một số người nghĩ đến dùng kỹ thuật để lãnh đạo. Kỹ trị lấy nhân tố “vật” làm chính mà xem nhẹ nhân tố “Người”. Kỹ trị là việc đưa giới trí thức tinh hoa lên nắm quyền và áp dụng tri thức - kỹ thuật vào quản lý. Họ cho rằng, phương pháp cai trị xã hội bằng giới khoa học kỹ thuật là một xu hướng mới trong quản lý nhà nước hiện nay.

V.v. và v.v..

Nhìn từ châu Á, rất nhiều ý kiến cảnh báo rất đáng suy ngẫm rằng: Kẻ thắng người thua trong thế kỷ XXI chắc chắn sẽ không phải được xác lập bởi nhóm người kiên trì với việc đẽo gọt một mái vòm chính trị cho quốc gia mình theo hình mẫu phương Tây. Người chiến thắng cuối cùng sẽ là những ai dám học hỏi... Chính vì những mô hình xã hội châu Á đang trong quá trình hiện đại hóa có lẽ sẽ tiến hóa đến một phương pháp điều hành nhà nước tốt hơn, bằng cách cân bằng giữa tự do chính trị và một nền kỹ trị với những mục tiêu được xác định rõ ràng. Người dân châu Á hiện chỉ quan tâm một việc, đó là một nền dân chủ muốn được xem trọng thì phải thực thi được những gì đã hứa hẹn với người dân. Nếu các cường quốc châu Á muốn được nhìn nhận - đối với từng nước hay cả khu vực - như là một trung tâm quyền lực về địa chính trị và kinh tế, thì họ phải làm ra được những bước tiến đáng tin cậy trong việc giải quyết tình hình bất ổn sâu xa của khu vực. Sự kết hợp của việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brê-xit) và việc ông Đ. Trăm trúng cử Tổng thống Mỹ khiến năm 2016 trở thành thời điểm cáo chung cho sự bá quyền của các thế lực chính trị phương Tây. Mỗi quốc gia trên thế giới hiện nay đều đang chạy cùng một cuộc đua, nhưng không phải là để bắt chước nước Mỹ nữa. Một nền lãnh đạo quốc gia đã dám tránh xa chủ nghĩa dân túy cực đoan thì cũng cần phải mạnh dạn cắt bỏ chủ nghĩa dân tộc...

 

Kiến tạo chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết cấp chiến lược và chính trị gia, chiến lược mang tầm tổng thể - Nguồn: tuyengiao.vn


Đối với chúng ta, việc kiến tạo và vận hành hệ thống chính trị hơn 73 năm qua, ở các thời kỳ khác nhau, dù có nét đặc thù lịch sử và truyền thống, nhưng nhìn tổng thể, dù ý thức hay thực tiễn, đều “chạm” tới các vấn đề đó, ở mức độ này hay khác. Và, những ưu thế cùng khiếm khuyết của sự vận hành hệ thống chính trị cùng những kết quả cũng như hệ lụy của nó, như đã trình bày, đều mang những “dấu ấn” hoặc đối diện những “cú sốc”, thậm chí ngoài khả năng và mong muốn, trước sự vận động của thế giới và yêu cầu phát triển của công cuộc đổi mới. Nói cách khác, trước mục tiêu phát triển bền vững hiện nay, công cuộc đổi mới hệ thống chính trị không thể không xử lý các vấn đề đó, đồng thời thâu thái, tiếp biến các thành tựu về chính trị và các vấn đề quản trị quốc gia hiện đại, nhằm tiếp tục đổi mới cấu trúc và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị tương dung, bảo đảm đồng bộ với các phương diện đổi mới toàn diện.

Đó là những thách thức tự nhiên từ khách quan của sự phát triển lịch sử thế giới hiện đại và xét ngay trong tổng thể nội tại thống nhất của công cuộc đổi mới nói chung và trên từng phương diện đổi mới nói riêng.

Về cuộc đổi mới chính trị nói chung, rường cột ở đây là đổi mới hệ thống chính trị một cách đa diện của chúng ta như đã trình bày, có lẽ không thể không thâu thái, kiến tạo và thực thi trước hết một tầm nhìn chính trị viễn kiến và phương lược xử lý mang tầm chiến lược bằng việc giải quyết một cách mềm dẻo, thích dụng các mối quan hệ tinh hoa giữa chính trị với đức trị, pháp trị và kỹ trị, để Đảng và Nhà nước đủ tầm dẫn dắt quốc gia tương dung với thế giới, trên nền tảng lịch sử chính trị dân tộc và mang phong vị phương Đông, phù hợp với thế giới hiện nay. Đó là vị thế, là con đường phát triển để chúng ta hội nhập toàn cầu một cách chủ động và hiệu quả, trước hết về cấu trúc hệ thống và sự vận hành của hệ thống chính trị. Nhưng, nếu chỉ hy vọng và quyết tâm chính trị suông thì không phải là chiến lược của những đổi mới thực thụ, khiến cho con người không còn phân biệt được giữa chính trị và điều hành đất nước, dân chủ và thực thi, quy trình và kết quả... bảo vệ và phát triển lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, nỗ lực mang lại sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, đồng thuận xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người dân của chính đất nước mình, bằng mọi cách. Chưa thấy con đường nào khác khả dụng hơn.

Vì lẽ đó, điều cần nhấn mạnh ở đây, mọi sự biện hộ, thổi phồng những cái gọi là “tiền lệ” làm cứu cánh sẽ trở nên vô nghĩa hoặc sự thái quá cái gọi là “biệt lệ” để khoác tấm áo “bản sắc”, dù mỹ miều và êm tai, đều đồng nghĩa với sự lúng túng, hốt hoảng, né tránh và bạc nhược. Và, như thế, tụt hậu hay thất bại là cầm chắc! Một “thế giới phẳng” (và cả chưa “phẳng”) phát triển ngắn hạn và rút ngắn không chờ đợi bất cứ quốc gia, dân tộc nào, đã và tiếp tục bỏ lại những ai dù chỉ do dự, cầu toàn.

Nói cách khác, cuộc đổi mới hệ thống chính trị và cơ chế vận hành của nó càng không thể dung thứ thái độ ngoảnh mặt với những bài học sơ yếu tinh hoa về nhân trị, pháp trị, kỹ trị của nhân loại và đứng ngoài cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, khi công nghệ đang “trị” thế giới, như có ý kiến nhìn nhận thái quá. Làm trái như thế, thì tự bản thân nó đã là một sự tha hóa về chính trị, càng thật khó nói đến sự phát triển của hệ thống chính trị nào, cho dù phải đối mặt với không ít những “cú sốc” về vấn đề này, như đã cảnh báo. Trong rất nhiều ý nghĩa, thì bản chất của dân chủ của chúng ta, chính là không kỳ thị, không xa lánh bất kỳ tinh hoa phù hợp nào của nhân loại.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy và yêu cầu hiện nay thách thức: Tính chính danh tính chính pháp của Đảng, của Nhà nước, rộng ra là hệ thống chính trị, phải đến từ những tư chất giềng mối căn bản cần phải có, các phương sách và quy trình mà chúng ta tự tuyển chọn, quyết sách dân chủ, để có thể thực thi tốt nhất những gì quốc gia cần và hóa giải thách thức trên lộ trình phát triển xã hội chủ nghĩa của mình, khi đại đa số nhân dân chúng ta đòi hỏi chính đáng, trên nền tảng pháp trị và dân chủ. Đó là tinh hoa tinh thần thể chế cần phải có, cũng chính là đích đến của nền dân chủ, thông qua hệ thống chính trị của chúng ta, bằng con đường pháp luật. Nhìn sang những quốc gia châu Á càng gần đây, càng chắc chắn họ sẽ không bao giờ muốn trở lại các thời kỳ trong quá khứ, khi mà những nơi đây từng là những xã hội đầy chia rẽ vì đắm chìm trong việc “dân chủ” chỉ trích nhau về chính trị, khi mà bản thân dân chủ cũng đã phát ngán với chính nó, nhất là trong lúc điều này lại đang xảy đến với nhiều nước phương Tây. Thậm chí, dân chúng ở các quốc gia này quá chán ngán với những giáo điều dân chủ sáo rỗng, và họ vẫn tiếp tục cố gắng vươn lên, mặc kệ chế độ chính trị họ đang sống là gì; họ hạ quyết tâm bầu ra một chính quyền với những nghị trình rõ ràng và thực tế, tập trung vào giải quyết các vấn đề cơ bản của cuộc mưu sinh, cho dù ngắn hạn.

Nói tới chính trị, trước hết nói tới sự bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hiệu lực quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nội dung này thể hiện trên các phương diện chính trị đối nội và chính trị đối ngoại. Đối nội với đặc trưng là giải phóng và phát triển con người Việt Nam. Đối ngoại là thiết lập quan hệ quốc tế hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các nước trên thế giới vì sự tiến bộ xã hội và tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc phù hợp luật pháp quốc tế. Việc đổi mới hệ thống chính trị là để bảo đảm và tăng cường hiệu lực và hiệu quả của mỗi thành viên của hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp của nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo mục tiêu đó. Đó là cương lĩnh hành động chính trị bất biến, có tính nguyên tắc của chúng ta.

Nền chính trị hơn 73 năm qua của chúng ta không ngừng được xây dựng với tinh thần thâu thái hài hòa và phù hợp tinh hoa đức trị và pháp trị, trong một thể chế chính trị dân chủ, trên nền tảng truyền thống và xu thế thời đại, nhằm bảo đảm và phát huy sức mạnh của Nhân dân, chứ tuyệt đối không phải chúng ta không đề cập và tổ chức thực thi các vấn đề này, thậm chí không phải là sự “mới mẻ” cần “đột phá” nào, như ai đó nói.

Lịch sử ghi: Ngay từ năm 1919, nhân danh một nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xây (Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, trong đó bày tỏ và yêu cầu về các quyền tự do tối thiểu cho dân tộc Việt Nam. Hơn bất cứ văn phẩm chính trị đương thời nào, ở đó thể hiện sâu sắc vấn đề pháp quyền trong tổ chức và quản lý xã hội Việt Nam. Đây là văn kiện đầu tiên trong lịch sử chính trị và pháp lý của Việt Nam đặt vấn đề kết hợp khăng khít quyền tự quyết của các dân tộc với các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, tức là kết hợp chặt chẽ quyền dân tộc và quyền con người, được công bố tại một hội nghị quốc tế. Và, cũng ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3-9-1945, vấn đề nhà nước hợp hiến được Hồ Chí Minh đặt là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách: Phải “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”, để nhanh chóng xây dựng “một Hiến pháp dân chủ”.

Kiến tạo Nhà nước pháp quyền là nói đến pháp luật, là bảo đảm tính tối thượng, tính nghiêm minh của pháp luật. Hồ Chí Minh nói: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Nhưng, bảo đảm sự gắn bó chặt chẽ giữa “pháp trị” với “đức trị”, pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là pháp luật thấm đẫm nhân nghĩa, vừa nghiêm minh, vừa công bằng, công minh giữa công và tội, ngăn chặn việc “thưởng có khi quá rộng, mà phạt thì không nghiêm” vô hình hạ thấp cả hai. Tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức là một khía cạnh của văn hóa chính trị truyền thống. Người ta thấy, thuyết “nhân trị” của Khổng Tử không hề loại bỏ hình luật, mà coi đó là một biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cái xấu. Thuyết “pháp trị” của Tuân Tử, Hàn Phi Tử cũng rất chú trọng lấy gương của các vua thánh, chúa minh, các ông quan đức độ và kẻ sĩ hiền tài để giáo dục. Thâu thái tinh hoa các chủ thuyết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với tăng cường giáo dục đạo đức: Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng.

Nói khái lược, nền chính trị Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nền chính trị đạo đức hay nền chính trị nhân bản, với hạt nhân “Nước lấy dân làm gốc”; “sao cho được lòng dân”; rằng, “Chính phủ là công bộc của dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; rằng, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, và rằng, “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho Nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”, “Nếu Chính phủ làm hại Dân thì Dân có quyền đuổi Chính phủ”.

Nền chính trị nhân bản Hồ Chí Minh là sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức và thực hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Nhân đây, xin nói thêm về chính trị với đức trị và pháp trị Việt Nam: “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”, ”Dân là gốc”, “Dân làm gốc”. Nét đặc sắc, độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý bằng pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Chúng ta phải bảo đảm sao cho pháp quyền là sự cai trị của pháp luật chứ không dừng ở pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật. Vì, pháp quyền phải là việc phát triển pháp luật đứng trên tất cả. Nghĩa là thượng tôn pháp luật! Vì, nói đến tự do của nhân dân là phải nói đến quyền, quyền của người dân và quyền của Nhà nước. Vấn đề phải giải quyết “là ở chỗ, cái mà đối với phía này là quyền, có phải trở thành vô quyền đối với phía kia không”, đúng như C. Mác nói. Sự cấu thành Nhà nước, do Đảng lãnh đạo, chính là xác định địa vị pháp lý của cả người dân lẫn các cơ quan và quan chức nhà nước; và sự phân giải xã hội thành cá nhân độc lập - quan hệ qua lại của họ với nhau và với Nhà nước phải được biểu thị trong pháp quyền và thông qua pháp quyền. Ở đây, cần nhấn mạnh, pháp quyền hay đặc quyền là mấu chốt của vấn đề để phân biệt quan hệ con người trong mọi chế độ xã hội: Pháp quyền là quan hệ trong xã hội dân chủ, cũng như đặc quyền là quan hệ trong xã hội đẳng cấp, chuyên chế. Xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải có pháp quyền. Nhưng pháp quyền lại đòi hỏi bắt buộc phải có luật pháp đủ và đúng. Đó chính là sự tối thiểu của tinh thần pháp quyền xuyên thấm tinh thần nhân văn trong tổ chức và thực thi quyền lực của chúng ta. Và, theo đó, mấu chốt quan trọng hơn nữa ở đây là, nhân dân cũng như Nhà nước, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.

Về chung quanh vấn đề kỹ trị. Ở Việt Nam, kỹ trị không phải là chủ thuyết phát triển, càng không phải là mục tiêu của sự phát triển. Nó là phương kế chính trị của sự phát triển đất nước. Không thể mơ hồ đồng nhất chính trị với kỹ trị, đánh đồng kỹ trị với chính trị. Cùng với đức trị và pháp trị, với tính cách là tinh hoa của nhân loại, kỹ trị hợp thành những phương tiện, những điều kiện và tạo nên hệ động lực để tổ chức và điều hành nền chính trị quốc gia nhằm thực thi mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Những tinh hoa của khoa học kỹ thuật, công nghệ quản trị quốc gia, trong cuộc kiến thiết chính trị đất nước, tóm lại nội hàm của vấn đề kỹ trị, vì thế rất không xa lạ. Chúng ta không cần thiết về kỹ trị một cách độc lập hay thuần túy; vì trên thực tế chưa bao giờ coi nhẹ việc gắn vấn đề đó như một phương tiện cùng đức trị và pháp trị làm phong phú chính trị ngay trong thiết kế và vận hành nền chính trị Việt Nam. Nhưng, chưa bao giờ coi nó là một cứu cánh. “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn; không thể lãnh đạo chung chung. Lại phải đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng, phải tạo điều kiện cho Nhân dân lao động có thể nắm được hiểu biết khoa học, kỹ thuật; ra sức đào tạo thật nhiều cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý cần thiết cho sản xuất phát triển”. Từ rất sớm chứ không phải chỉ hiện nay, vào tháng 3-1961, Hồ Chí Minh nói (và Việt Nam), luôn đã kiên trì làm như vậy, với tư cách là nhà lập pháp, đồng thời là một nhà hành pháp vĩ đại.

Theo đó, tư chất đạo đức, trình độ trí tuệ của cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị phải được lượng hóa ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức các quy luật, trong giải quyết công việc; làm chủ tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình, là vì vậy. Cơ cấu đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và sự vận hành của hệ thống chính trị được kiến tạo và phát triển theo hướng tăng nhanh tri thức và nâng hàm lượng công nghệ quản trị quốc gia. C. Mác nói rằng: “Sự ngu dốt là sức mạnh ma quỷ và chúng ta lo rằng, nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch khác nữa”. Nhưng, tiến tới xây dựng một “nhà nước kỹ trị” Việt Nam thuần túy hay một “chính phủ kỹ trị” Việt Nam thuần túy với tư cách là mục tiêu, như một số ý kiến “yêu cầu” hay “khuyến nghị”, thì chưa bao giờ và nhất định không bao giờ cả. Vì lẽ giản dị là, nỗ lực xây dựng “Chính phủ điện tử” là nói tới công nghệ hành động của Chính phủ, là nói phương tiện, kỹ thuật điều hành của Chính phủ, chứ không phải mục tiêu của Chính phủ. Tôi lại nhắc tới một ý của C. Mác, rằng: Khi một nhà chính trị cấu kết với một đầu sỏ tài chính là hậu họa khôn lường. Theo đó, chủ nghĩa tư bản thân hữu sẽ nảy nòi, những liên minh tăm tối, ma quỷ giữa các nhà chính trị suy thoái với các doanh nghiệp sẽ tàn phá lợi ích quốc gia như thế nào, vì lợi ích nhóm và nhóm lợi ích của họ. C. Mác lại cảnh báo: Tư tưởng chiếm lĩnh ý nghĩ của chúng ta, bắt lòng tin tưởng của chúng ta phải phục tùng và được lý trí cột chặt lương tâm của chúng ta vào chúng - đó là những sợi dây ràng buộc mà người ta không thể bứt ra được nếu không xé nát trái tim của mình. Thực tiễn phát triển lịch sử của chúng ta những năm gần đây đã xác tín điều tự nhiên chết người ấy.

Trong tương lai, thực tiễn không hề bó hẹp khi chúng ta sẽ xây dựng Chính phủ tự cảm, thì kỹ trị hay điện tử càng trở thành phương tiện để Chính phủ thực thi tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình, với mục tiêu phục vụ nhân dân, chứ không phải kỹ trị hay điện tử là mục tiêu phát triển của Chính phủ.

Do đó, hiện nay hơn hết lúc nào, Chính phủ “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”, Chính phủ phải đem “tài Dân, sức Dân, của Dân để làm lợi cho Dân”, như Hồ Chí Minh nói. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một “Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân” với tầm nhìn dù là trung hạn, quyết sách quản trị quốc gia vĩ mô và con đường thực thi dù là chiến lược, chứ không phải bị cuốn theo kiểu một chính phủ cồng kềnh, bấn loạn lên vì những công việc vụn vặt, lại không phải của mình. Nên càng rất khó nói tới đổi mới, nếu dù chỉ là cồng kềnh, cách bức lại vụn vặt, rời rạc, như không ít ý kiến cảnh báo. Tôi nhấn mạnh, Chính phủ phải có chính trị trước, mà chính trị, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trên, chính trị là đạo đức! Đạo đức, lúc này, là hành động. Nếu không như thế, tất sẽ rơi vào một trong hai thái cực, thậm chí cả hai thái cực mà tôi nói nhiều lần, rằng: Quyền lực chính trị trao cho những kẻ vô đạo đức thì như thả rông thú dữ vào xã hội và khi tri thức không có đạo đức thì nguyên vẹn là sự bạo tàn. Sự kiến tạo lệch lạc, đến lượt nó, cùng với sự cồng kềnh và vụn vặt, lại càng trở nên nguy hiểm.

Nhưng, trước vấn đề này vẫn đang là một chân trời rộng mở và phải lựa chọn. Phải chăng thứ nhất là: một Chính phủ chủ động thiết kế một hệ thống chính sách tốt để bảo vệ và nuôi dưỡng nền kinh tế; Nhà nước không làm thay thị trường; Chính phủ thiết kế môi trường kinh doanh thuận lợi; Chính phủ nói đi đôi với với làm, phải áp dụng mô hình Chính phủ điện tử...? Phải chăng thứ hai là: một Chính phủ hoạch định chương trình phát triển tổng thể kinh tế, xã hội, với rường cột và động lực là công nghiệp hóa; phải chủ động, tích cực can dự và can thiệp mạnh mẽ và sâu rộng vào thị trường để thúc đẩy công nghiệp hóa, nhờ đó tạo ra sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế đồng hành với xử lý các vấn đề xã hội, với đội ngũ cán bộ hành chính tinh hoa và chuyên nghiệp? Tôi nghiêng sự lựa chọn về vế thứ hai. Hơn nữa, điều cần nhấn mạnh rằng, Chính phủ phải thật sự là công bộc của nhân dân, dựa vào trí tuệ và lực lượng của nhân dân, giữ chặt mối liên hệ với nhân dân và luôn luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, đó là nền tảng lực lượng chính trị của Chính phủ, mà nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”, thì kỹ trị hay điện tử hiện diện với tư cách là phương sách, là công cụ, là phương tiện để Chính phủ thực thi trọng trách đó. Đó chính là một phương thức của kỹ trị thấm đẫm trong đức trị và pháp trị, vì sự phát triển nền chính trị nhân bản vì nhân dân, do nhân dân ở Việt Nam.

Nếu cần nói về kỹ trị, mà là kỹ trị vì dân chủ hay thực thi dân chủ thông qua kỹ trị thì còn cách nghĩ nào và hành xử gì hơn thế nữa?

Chính trị đó chính là quyền lực của nhân dân trong việc cử ra, tổ chức nên bộ máy nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta. Nó là “sự tự quy định của nhân dân”, “là sự nghiệp của bản thân Nhân dân” (C. Mác); đồng thời cũng cho thấy “sự bình đẳng giữa những người công dân..., mọi người ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước” (V.I. Lê-nin). Nó càng cho thấy, không phải Nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước, phù hợp với nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Đó là Nhà nước do dân và nó có nhiệm vụ hướng tới phục vụ nhân dân, vì nhân dân, và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân. “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy” (Hồ Chí Minh).

Trong khi hoàn thiện chế độ nhà nước, thì đồng thời cũng mở rộng và hoàn thiện quan hệ dân chủ trong các yếu tố của sự tồn tại của nhân dân, dưới các hình thức tổ chức thành viên hệ thống chính trị Việt Nam; đồng thời dân chủ được tổ chức trong tất cả các lĩnh vực quan hệ, giữa các cá nhân, cộng đồng, giữa các nhóm và tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị, không ngừng mở rộng phạm vi các hình thức tự quản của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của nền dân chủ. Vì nước ta là nước dân chủ, để cho Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh thì dân chủ và pháp luật phải luôn luôn đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau mới bảo đảm được cho chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật, càng không thể có tự do ngoài kỷ cương. Pháp luật là “bà đỡ” của dân chủ, của tự do. Và, tự do đối với chúng ta, vừa là mục đích, vừa là con đường để giải phóng nhân dân và nhân dân tự giải phóng mình. Mọi quyền dân chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Tất cả hướng tới kiến tạo một xã hội Việt Nam bảo đảm sự phát triển tự do của mỗi thành viên và là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Đó là mục tiêu của chính trị, của dân chủ, của pháp luật... mà chúng ta cần và kiên định thực thi. Nói gọn lại, đối với chúng ta, dân chủ và pháp quyền, đó là điều cần vươn tới, bảo vệ và phát triển vô điều kiện, từng bước tiến tới kiến tạo các thiết chế bảo hiến khác và vận hành chúng trên thực tế để bảo đảm việc tuân thủ hiến pháp và bảo vệ các quyền của con người một cách tối cao, phòng ngừa và ngăn chặn sự xâm hại của tình trạng vô pháp, phi pháp, thậm chí các quyền lực lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp.

Trong nhiều năm gần đây, đây đó trên thế giới, các nhà khoa học nói nhiều về vai trò của người lãnh đạo quốc gia theo cung cách một nhà kỹ trị. Người ta cổ vũ cho ý nghĩa của kỹ trị là “trí thức nắm quyền và vận hành guồng máy quốc gia theo khoa học, tức bằng các nguyên tắc chứng minh được qua các dữ kiện, con số và hoàn toàn không để bị chi phối bằng cảm tính, thường được tô vẽ là tình nghĩa hay đạo đức hoặc cao quý hơn là chủ thuyết hay mục tiêu chính trị”(!). Chúng ta không xa lạ về điều đó nhưng cũng không ảo tưởng và “cực đoan” về điều đó.

Để thực hiện được yêu cầu trên, trước hết với tư cách “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, “Đảng cũng ở trong xã hội”, chính trị lúc này, hơn bao giờ hết, Đảng phải xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, “là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”, như Hồ Chí Minh nói. Nói kỹ trị lúc này là phải tổ chức, xây dựng một nhà nước pháp quyền khoa học, phù hợp, mạnh mẽ và sáng suốt với một đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thực sự là công bộc của dân. Đạo đức lúc này là đẩy lùi những “cơn khát” quyền lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền - cội nguồn đẻ ra biết bao đau lòng: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Pháp trị lúc này là trừng phạt nghiêm minh các tệ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Nghĩa là, vì chính trị, thì đức trị, pháp trị... phải được toàn dụng! Chính trị cao nhất của chúng ta lúc này là lợi ích của nhân dân là tối cao, là quyền lợi của dân tộc là tối thượng, chứ không phải là thứ gì mù mờ, ảo tưởng nào khác! Xin nhắc lại: “Sông phía Bắc, biển phía Đông. Nếu không Dân cũng là không có gì”. Lòng tin của nhân dân là nền móng của thể chế, là Quốc bảo của chế độ, là tài sản vô giá của Đảng! Vì điều vô giá đó, những quyết sách chính trị của chúng ta không thể “bị chi phối bằng cảm tính, thường được tô vẽ là tình nghĩa hay đạo đức hoặc cao quý hơn là chủ thuyết hay mục tiêu chính trị”, như ai đó phê phán. Và, kiên quyết tẩy trừ bất cứ thứ gì dù dưới danh nghĩa hay cái “áo khoác” kỹ trị hay đạo đức thuần túy... làm phương hại điều đó. Vì, chưa bao giờ vấn đề đức trị phải nêu cao như bây giờ. Và vì, cũng chưa bao giờ vấn đề pháp trị phải nắm chắc và đề cao như bây giờ. Tôi đã nói, dùng đức trị quản sẽ chỉ được 10 dặm, dùng pháp trị thì có thể quản được 100 dặm, mà dùng cả đức trị và pháp trị thì mới dẫn dắt và quản trị được muôn dặm sơn hà xã tắc. Cho nên không thể nhấn chỉ một bên này đức trị hoặc phía bên kia pháp trị được. Cần thực thi đồng thời cả hai, trên nền tảng dân chủ thì đức trị hay pháp trị mới thực sự trở thành chính nó và phát huy được tác dụng, thậm chí tới mức mạnh mẽ khôn lường.

Nếu chỉ kêu gọi đức trị mà thiếu pháp trị đi kèm chỉ là kêu gọi gọi suông; đức trị không gắn liền với luật pháp thì không thể thành công trong quản trị. Gia thì có gia phong, nước thì có quốc pháp. Vấn đề nêu gương không thể không gắn với luật pháp, chế tài đi kèm. Khi đạo lý chưa đủ thấu, đạo đức chưa đủ chuyển thì pháp lý phải toàn dụng, pháp luật phải vận hành. Đó là phương lược dẫn dắt và quản trị quốc gia dân chủ và văn minh nhất.

Đó cũng vì sự bảo đảm tối thiểu của đức trị, pháp trị...!

Chúng ta thừa hiểu và chưa bao giờ “nhầm lẫn chính trị với kỹ trị”, đánh đồng cả hai thứ này, hay chuyện “hệ thống chính trị quyết định, nên sự mặc cả giữa các thế lực chính trị, xem thường yêu cầu hiệu quả kinh tế, để đổi lấy sự đồng thuận chính trị” nào đó, như ai “khuyến nghị”. Thực tiễn khiến chúng ta càng hiểu và càng kiên quyết hơn rằng, những phương cách tiếp cận sử dụng kỹ trị một cách khắt khe sẽ chứng minh là chúng ưu việt hơn hẳn các chu kỳ dân chủ hỗn độn nào đó, trong xây dựng những quyết sách chính trị. Nhưng, quyết không phải là câu chuyện: rằng, “nhiều dự án lớn hàng tỷ đô-la dựa trên quyết tâm chính trị nên cuối cùng thất bại, người ta chỉ chịu trách nhiệm... chính trị”(!), “và chỉ dùng ý chí giúp cho lá phiếu”(!)... được tưởng tượng ra một cách ngây thơ, rồi từ đó thổi phồng về vai trò quyết định của kỹ trị, hạ thấp vấn đề chính trị, không ngớt tán dương giới kỹ trị, rằng phải “dẫn dắt quốc gia đi lên”(!); rằng, “không thể dựa vào các nhà chính trị chuyên nghiệp được thăng tiến từ các hoạt động phong trào hay từ quân đội mà buộc phải dựa vào giới trí thức tinh hoa”(!); rằng, khi “khoa học kỹ thuật, in-tơ-net phát triển như vũ bão, không còn chỗ đứng cho những lãnh đạo không biết đến máy tính hay Google”(!) một cách cơ học, thiển cận, thậm chí cố ý bài xích nào đó. Điều đó khác hẳn với việc chúng ta “khó lòng né tránh khỏi lộ trình kỹ trị mà các nước Đông Á đã và đang đi qua”, với tính cách thuần túy là công cụ, là phương tiện!

Không gì tai hại và nguy hiểm hơn khi đánh tráo mục tiêu chính trị và phương tiện, lại cổ xúy thực thi nó một cách dân chủ rất hình thức, dân chủ trá hình, thậm chí dân chủ vô chính phủ.

Nói gọn lại, dù nhân trị hay pháp trị, kỹ trị, dù cả ba hay hơn nữa, nếu tinh hoa thể chế chúng ta không bao hàm và phát triển Lòng Dân và Quốc pháp - hai bảo vật quốc gia - theo tinh thần pháp quyền và dân chủ, thì rất khó nói tới bất cứ sự phát triển mong muốn nào về Tự do và Độc lập trong cuộc đổi mới hệ thống chính trị hiện nay. Thực tiễn cho thấy và đòi hỏi rằng, thước đo linh nghiệm và quyết định bậc nhất trong cuộc đổi mới và phát triển tinh thần thể chế, dù bắt đầu từ nhân trị hay pháp trị hay sự tổng hòa kỹ trị với pháp trị và nhân trị..., như không ít người bàn thảo và đòi hỏi trong đổi mới hệ thống chính trị hiện nay, xét cho tới cùng, nếu không giải phóng tiềm năng Con người, với thiết chế kiểm soát quyền lực phù hợp và hiệu quả (như đã trình bày), vì sự phát triển Tự do và toàn diện của Con người, bảo vệ vị thế Độc lập và toàn vẹn thống nhất của Tổ quốc, tôn vinh và phát triển tinh thần và bản lĩnh Dân tộc, xét từ mọi góc độ, thì nguyên vẹn chỉ dừng lại là việc cũ kỹ và sẽ không có lối ra. Nghĩa là, Tự do và Độc lập đó chính là mục tiêu và cũng là linh hồn con đường của chúng ta trong cuộc đổi mới hệ thống chính trị cần vươn tới.

Nói khái lược, Lòng Dân và Quốc pháp hay Chính trị với Đức trị - Pháp trị - và Kỹ trị... đều phải nhằm tới Giải phóng tiềm năng Con người hiện thực, vươn tới Tự do và bảo đảm Dân tộc thực sự Độc lập.

4.2- Kiến tạo và phát huy hệ động lực phát triển hệ thống chính trị Việt Nam

Trong hệ động lực phát triển hệ thống chính trị đổi mới, nổi bật các động lực chủ yếu:

Thứ nhất: Bình đẳng. Trước pháp luật, mọi tổ chức dù chính trị hay xã hội và mọi cá nhân đều bình đẳng. Đó là nguyên tắc vận hành một cách dân chủ theo luật định của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, xét về tính chỉnh thể. Đó cũng chính là tính tối thượng của pháp luật, sự dân chủ của nền pháp quyền Việt Nam.

Gần đây, các nhà quan sát lại rộ lên rằng, “bất cứ chủ thuyết hay chủ trương điều hành đất nước nào cũng rất khó thành công nếu phải dựa dẫm, tránh né hay thỏa hiệp với người cầm quyền, khi họ lấy sự chi phối chính trị làm mục tiêu”(!); rằng, “... Sự thiếu vắng của giới kỹ trị đã làm cho dự án đang bên bờ vực thẳm, chưa nói đến chuyện quốc phòng và an ninh quốc gia”(!); và, rằng “đã dùng ý chí cho lá phiếu rồi, khi “ý chí” nhầm tai hại, chẳng ai lại bỏ phiếu tín nhiệm một cách công bằng nữa”(!). Có thể nói một cách không nghi ngờ rằng, người ta đang cố khoác cho mình mảnh chiến bào với “sứ mệnh” tiếp tục thổi phồng, bảo vệ kỹ trị để phê phán cái gọi là chính trị quyết định tất cả, đối lập giữa chính trị và kỹ trị, mượn danh nghĩa dân chủ để bài xích cái gọi là “toàn trị” nào đó ra vẻ vừa “thấm đẫm” khách quan, vừa thành tâm, nhưng kỳ thực là sự công kích, với thủ đoạn “giấu dao tay áo”.

Dỡ bỏ tất cả tối thiểu những điều này thì đó chính là động lực phát triển của hệ thống chính trị nói riêng và nền chính trị Việt Nam hiện nay.

Thứ hai: Pháp quyền. Trong toàn bộ công việc kiến tạo và vận hành hệ thống chính trị pháp luật phải là tối thượng với tinh thần quốc pháp bất vị thân. Không thể không xây dựng và phát triển hành lang pháp lý tổng thể và đủ mạnh để kiến tạo hệ thống chính trị đổi mới. Đó là trọng trách của pháp quyền, một bảo đảm căn bản, một động lực chủ yếu để bảo đảm thành công đổi mới hệ thống chính trị. Pháp quyền là phương thức hành động tất yếu thực thi chính trị nhân bản; và pháp luật là cái giới hạn tối thượng để thực thi dân chủ một cách tự do và minh bạch đối với chúng ta, mà tất cả đều vì nhân dân! Nhất định nó không phải là thứ pháp trị vị pháp trị, pháp quyền vị pháp quyền, mà là pháp trị vị tự do, pháp quyền vị dân chủ, vị nhân văn! Pháp quyền và đạo đức, đó là cái cần hành động lúc này. Làm trái điều đó chính là sự thất bại của công lý và vô hình làm băng hoại đạo đức.

Gần đây, ai cũng thấy, ngay trong việc làm trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta không thể không “lấy chữ “Nhân” (nhân trị) làm trọng để giải quyết tham nhũng, làm trong sạch Đảng”, nhưng càng không thể không dụng “pháp trị để thẳng tay với quốc nạn đục khoét đất nước”; chúng ta quyết không mơ hồ “không thể để pháp trị ghi trong Hiến pháp nhưng ngoài đời lại dùng nhân trị một cách không đến nơi đến chốn, chỗ này dùng luật khắt khe, chỗ kia tha thứ vì bạn bè đồng chí một cách tùy tiện”, như có ý kiến từng chỉ trích một cách hạn hẹp, thiển cận.

Thượng tôn pháp luật với quốc pháp bất vị thân!

Thứ ba: Dân chủ. Đó là mục tiêu, là động lực kiến tạo hệ thống chính trị Việt Nam. Nói cách khác, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là con đường. Nó không hề mâu thuẫn với việc tiếp biến các thành tựu của nhân loại: pháp quyền hay kỹ trị... Cùng với pháp quyền, dân chủ là mục tiêu mà pháp quyền hướng tới; và, đến lượt nó, pháp quyền là giềng mối để dân chủ đích thực được thực thi, chứ không phải là thứ dân chủ hình thức hay biến thái nào đó của dân chủ: dân chủ vô chính phủ, dân chủ giả hiệu... Nhưng, mượn danh nghĩa dân chủ để thổi phồng “tầm quan trọng của mô hình nhà nước kỹ trị đối với tương lai... Và nó hơn hẳn so với mô hình dân chủ” (!), như ai đó nói, thì quyết không phải là con đường nhiều quốc gia dân tộc và chúng ta sẽ đi. Cho dù “những quốc gia dân chủ lâu năm ở châu Á, như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin đều đang lâm vào hoàn cảnh cố gắng chấn chỉnh lại chính mình với hy vọng sẽ bắt kịp những gì mà các thể chế kỹ trị trong khu vực đã làm được”, như ai đó cổ xúy, thì lại là một chuyện khác, vì đó là sự lựa chọn của riêng họ. Thì ra, trong lúc phê phán không ngớt lời các nhà nước dân chủ như thế, người ta lại nhân danh dân chủ để đòi... dân chủ vô hạn độ, thổi phồng nhà nước kỹ trị để hạ thấp chính trị, nhân danh phê phán chính trị hóa để âm mưu và cổ xúy cho một thứ chính trị khác là chính trị đa nguyên với nhà nước kỹ trị, cốt “bẻ lái” con thuyền chính trị Việt Nam!

Nhưng, người ta lại quên (hoặc cố tình) và chối bỏ, rằng nhân dân Việt Nam được tổ chức thành hệ thống chính trị, khi họ thực hiện hành động chính trị để “bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền”, “cử ra” chính quyền các cấp và “tạo ra” các đoàn thể từ Trung ương tới địa phương. Nghĩa là, đặc trưng chính trị của Việt Nam, xét về mặt tổ chức chính trị xã hội, rằng nhân dân không chỉ tạo ra Nhà nước mà còn cả hệ thống chính trị, rằng Nhà nước chỉ là một bộ phận trong đó. Điều này không giống các nước “dân chủ” khác. Người ta lại cũng cố quên rằng, nó là một phương thức tổ chức xã hội hiện đại - xem chế độ nhà nước chỉ là một yếu tố tồn tại của nhân dân, nhưng không bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ là một hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân. Nhà nước nhỏ và Xã hội lớn. Dân chủ, như ai đó nghĩ và phê phán, phải chăng là khác thế?

Chúng ta thừa hiểu và không ngừng hành động, Đảng chỉ có thực hiện dân chủ thực sự cho nhân dân, lãnh đạo xã hội để nhân dân là chủ và làm chủ, nâng cao địa vị, quyền hành và năng lực làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước dân, trọng dân, học dân, hiểu dân, hỏi dân, bàn bạc, giải thích cho dân và hành động vì dân, cho dân, thì Nhà nước, Chính phủ mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Nếu không như thế, khi cứ hành động theo kiểu làm bằng được, bất chấp lòng dân, ý dân thì dân oán. Mà “dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại”, như Hồ Chí Minh nói. Và, sự thật không có con đường thực thi dân chủ nào đúng đắn hơn, phù hợp hơn trong thế giới ngày nay!

Thứ tư: Minh bạch. Dân chủ, bản thân nó đã bao hàm minh bạch. Nhưng, không có minh bạch thì không có dân chủ hoàn bị! Có thể nói, công khai là “thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương” của nền dân chủ, của hệ thống chính trị được kiến tạo một cách khoa học nhằm thực thi dân chủ một cách hoàn bị.

Vì vậy, minh bạch và công khai là hai nhân tố động lực của dân chủ để kiểm soát toàn vẹn một cách dân chủ, nhằm thực thi dân chủ một cách đúng đắn và hoàn bị, theo tinh thần pháp quyền. Nhưng, chỉ vì cái gọi là minh bạch lại đòi đẩy tới sự “bạch hóa” một cách trần trụi, vô hạn độ, vô chính trị và vô văn hóa, như có người kêu gào, thì chính là phản minh bạch, vô hình xỉ nhục dân chủ và báng bổ, bóp nghẹt luôn cả chính trị.

Minh bạch một cách dân chủ, tuân thủ pháp quyền là con đường để giám sát và kiểm soát chính trị, không thể bỏ mặc nó leo thang đến mức bị mất kiểm soát. Vì sự phát triển của dân chủ chính là sự kiềm tỏa các quyền lực của bản thân chính trị, khuôn nó phải phục tùng một cách dân chủ, minh bạch và thiết thực pháp quyền. Làm trái đi, vô hình đặt dân chủ trên ghế “bị cáo” và việc kiểm soát chính trị trở nên trống rỗng. Không có con đường nào khác tốt hơn!

Đó là động lực để đổi mới hệ thống chính trị mà chúng ta cần nắm lấy và bảo vệ.

Thứ năm: Phản biện. Tranh luận một cách dân chủ, công khai, bình đẳng và có văn hóa là con đường ngắn nhất, dù gập ghềnh, khó khăn, để dẫn tới chân lý. Đó là sinh khí của nền chính trị dân chủ cho nhân dân mà chúng ta kiến tạo, bắt đầu từ mỗi thành viên của hệ thống chính trị, giữa các thành viên của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Đó cũng chính là một trong những con đường phát triển dân chủ. Những quyết sách chính trị đúng đắn một phần chỉ được xây dựng theo tinh thần đó, thông qua đối thoại, tranh luận, phản biện một cách cầu thị, khoa học và đầy trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia và với vận mệnh của mỗi người.

Không độc quyền chân lý, không áp đặt tư tưởng, không chụp mũ chính trị, đó cũng chính là “hàn thử biểu” của tinh thần dân chủ và pháp quyền, thấm đẫm nhân văn, bằng động lực phản biện một cách thành tâm, trong sáng, vì sự phát triển của dân tộc.

Thứ sáu: Trách nhiệm. Bình đẳng, dân chủ, minh bạch, phản biện... theo pháp luật tự chúng đã dẫn tới sự bảo đảm trách nhiệm và chịu trách nhiệm về pháp lý và đạo lý. Không giữ vững và bảo đảm trách nhiệm với quốc gia dân tộc, với chính mình thì mọi việc sẽ trở nên trống rỗng, thậm chí hỗn loạn, nguy hiểm đối với toàn cục hệ thống. Đây là “khoảng trống” thường bị coi nhẹ hoặc thực thi chưa thỏa đáng đây đó, trước nay, trên bình diện tổ chức thực tiễn kiến tạo và vận hành của hệ thống chính trị.

Buông lỏng trách nhiệm, tắc trách... nhất định làm hại tất cả mọi nỗ lực về hành xử đức trị hay pháp quyền, hạ thấp vị thế từng thành viên, nhiệm vụ và thẩm quyền mỗi người trong từng bộ máy... có nguy cơ khiến cho hệ thống bạc nhược hoặc bất cập. Nói như V.I. Lê-nin: Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người. Vì không biết vận dụng nguyên tắc này nên mỗi bước đi, chúng ta lại bị khốn đốn; rằng, một người có trách nhiệm, biết rõ công việc chứ không phải là một ông quan liêu. Người đó sẽ nghiêm khắc chịu trách nhiệm về tình trạng bê trễ; và, rằng đáng lẽ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình... với ý thức rằng chính mình là người chịu trách nhiệm thì người ta lại nấp sau các ban. Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra được người chịu trách nhiệm cả; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó mọi người đều cùng chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân và cụ thể là trách nhiệm trước chính mình, trên nền tảng dân chủ, bảo đảm bằng pháp quyền, đó phải là bổn phận của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, dù là Đảng, Nhà nước hay bất cứ một thành viên nào khác. Hành xử trái thế là vô hình rơi vào vô đạo, vô pháp. Chúng ta thừa hiểu rằng, “lý do trước hết là lòng tin của công chúng và sự ổn định của hệ thống chính trị hiện nay đều đặt trên khả năng quản lý và lãnh đạo xã hội chứ không phải vào quá khứ”.

Thứ bảy: Lòng tin của nhân dân. Không có lòng tin của nhân dân sẽ không có gì cả, mất lòng tin của nhân dân là mất hết. Đó là chân lý ngàn đời. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng chính là vốn quý nhất trong các tài sản của Đảng, để Đảng dẫn dắt đất nước, làm nên công trạng cho dân tộc. Vì, Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ quốc gia, làm chủ đất nước. Nhờ nó, Đảng trở nên mạnh mẽ và bước qua mọi khó khăn, nhất là ở những bước ngoặt mất còn của lịch sử cách mạng hơn 88 năm qua. Đối với Nhà nước, Lòng tin của nhân dân là Quốc bảo. Nhờ nó, Nhà nước đứng vững trước những sinh - tử khi mới ra đời và suốt hơn 73 năm qua. Đây là động lực căn bản vô hình nhưng hữu hình, hàm chứa sức mạnh của thể chế chính trị nước ta, nhất là hơn 30 năm đổi mới qua. Đó là thước đo và công cụ kiểm soát về sự mạnh yếu, thăng trầm, thậm chí sinh tử của thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đó là hệ động lực đi tới tương lai của sự phát triển của hệ thống chính trị Việt Nam đổi mới!

4.3- Lựa chọn khâu đột phá làm chuyển biến toàn cục và sâu sắc hệ thống chính trị đổi mới

Đổi mới hệ thống chính trị, một cách tự nhiên, không thể không bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, từ đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hệ thống tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đổi mới cơ chế, nguyên tắc hoạt động và quan hệ giữa các bộ phận cấu thành; hệ thống bầu cử... Mặc dù vậy, kinh nghiệm lịch sử và yêu cầu phát triển, trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị nước ta là, cần lựa chọn đúng khâu đột phá, có khả năng làm chuyển động toàn bộ hệ thống.

Trong tình hình hiện nay, nhất định phải lựa chọn: Đột phá trước hết từ bảo đảm vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng làm căn bản và đổi mới bộ máy đảng giữ vai trò trọng yếu? Đây là vấn đề rất cơ bản, có ý nghĩa quyết định thành công, bởi Đảng là trung tâm của hệ thống chính trị và đổi mới chính trị trực tiếp ở đây trong chỉnh thể công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Trong rất nhiều vấn đề mệnh hệ, tiếp tục kiến giải và hoạch định các phương lược khả thi những tính quy luật và quy luật cầm quyền của Đảng có ý nghĩa quyết định nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm lịch sử với nhân dân, với dân tộc của Đảng, bao gồm các loại vấn đề: Quy luật cầm quyền, nguyên tắc cầm quyền, cơ sở cầm quyền, đối tượng cầm quyền, nội dung cầm quyền, phương thức và nghệ thuật cầm quyền, điều kiện cầm quyền, môi trường cầm quyền, các nguy cơ đối với sự cầm quyền... Đây là công việc căn bản.

Đồng thời, trong việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, ngày càng đòi hỏi yêu cầu về nghệ thuật hóa thân cầm quyền của Đảng trong các thành viên của hệ thống chính trị thấm đẫm tinh thần nhân văn, pháp quyền và dân chủ, thật sự đạo đức và văn minh, trước yêu cầu phát triển của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng. Đây thực sự đang là thách thức. Nói một cách hình ảnh: “Cầm” tất cả, “cầm” toàn cục, nhưng dường như không “cầm” gì, cố nhiên quyết không được phép “buông” gì cả!

Vì vậy, cùng với công việc căn bản, đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, trong đổi mới hệ thống chính trị, thật sự là công việc then chốt:

Bộ máy phải thật sự mang tầm viễn kiến và văn hóa. Thiếu tầm nhìn chính trị nhất định sẽ mù quáng và thất bại. Thiếu văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị, sẽ không xứng đáng với danh dự là một đảng đạo đức, văn minh và nhân văn. Và, càng không xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân, của dân tộc, càng không thể thâu thái tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa của Đảng, trên nền móng văn hóa của dân tộc; kiến tạo vị thế mới và nâng cao uy tín quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Đưa xây dựng văn hóa vào trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bộ máy phải thật sự tiên phong và tiêu biểu. Là cơ quan lãnh đạo và phục vụ lãnh đạo, bộ máy phải thật sự có khả năng dẫn dắt và mẫu mực trong toàn thể các bộ máy của hệ thống chính trị. Đó chính là sức mạnh của uy tín, của quyền uy và phục tùng, với tư cách là người lãnh đạo, nói như Ph. Ăng-ghen.

Bộ máy phải thật sự trung thành và liêm khiết. Bản chất của chính trị là “chính giả chính dã”, tức là ngay thẳng và trung trực. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói: “Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”. Bộ máy không mang tư chất trung thành và liêm khiết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, “không lãnh đạo được ai cả”, nếu không nói là không lãnh đạo được gì! Cổ nhân nói: Muốn ướp mặn được người khác thì tự mình phải là muối!

Bộ máy phải thật sự danh dự và tinh nhuệ. Để Đảng xứng đáng “là trí tuệ, là danh dự, là lương tâm của thời đại”, đại biểu và tinh hoa của dân tộc, bộ máy các cấp của Đảng phải bao gồm những phần tử ưu tú nhất về phẩm hạnh và trí tuệ của Đảng, của dân tộc. Nó là gương mặt, tư chất và bản lĩnh của Đảng, trí tuệ của nhân dân, là thể diện, danh dự và sức mạnh quốc gia.

Bộ máy phải thật sự hành động và dũng cảm. Là Đảng cách mạng và hành động, hơn ai hết, những cán bộ trong bộ máy của Đảng tiêu biểu về về bản lĩnh, gan góc và hy sinh bằng hành động, chứ không phải tệ nói suông, thói đạo đức giả trong cuộc sống và làm việc, nhất là trước những lúc đất nước gặp khó khăn, ở những bước ngoặt của cách mạng.

Bộ máy phải thật sự tinh gọn và thống nhất. “Thà ít mà tốt”, “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, theo phương châm nhất thể hóa, bộ máy phải được tổ chức gọn nhẹ, trực tiếp, liên thông, không cấp trung gian và linh hoạt, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả trong toàn thể hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu. Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (hoặc ủy ban nhân dân) ở tất cả các cấp. Rà soát, kiên quyết sắp xếp lại các ban Đảng phù hợp, đúng với vị thế là cơ quan lãnh đạo và tham mưu cầm quyền, không song trùng với các thành viên khác của hệ thống chính trị, trước hết là Nhà nước.

Đồng thời, lấy cơ sở làm khâu đột phá vĩ mô tạo động lực làm chuyển động hệ thống chính trị toàn cục, rộng lớn và đồng bộ, bắt đầu ngay từ cơ sở nhằm xây dựng cơ sở xã hội - chính trị của Đảng và Nhà nước từ nền móng. Đây là công việc cơ bản, có ý nghĩa sống còn đối với công việc cầm quyền của Đảng, đối với sự thành bại đổi mới hệ thống chính trị tổng thể. Bộ máy thành viên hệ thống chính trị ở cơ sở phải thực sự gọn nhẹ, hành động trong nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, theo luật định, chứ không đứng trên hay “theo đuôi” nhân dân. Không như vậy, không thể dân chủ hóa đời sống xã hội, thực thi dân chủ trực tiếp, thực hiện tốt hơn dân chủ đại diện, tạo điều kiện và môi trường chính trị - xã hội để nhân dân thực sự tham gia ngày càng đông đảo và hiệu quả vào công việc của Đảng, của Nhà nước và xã hội. Mặt khác, nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế bộ máy ở cơ sở là động lực tinh giản bộ máy, giảm sự cồng kềnh và giảm chi ngân sách một cách tổng thể và cấp bách.

Trong 30 năm, từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp xã, phường tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị, bình quân mỗi năm tăng 50 xã, phường) và giữ nguyên cho đến năm 2018. Trước mắt, căn cứ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, cần sắp xếp số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường theo Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 6.191/11.162 đơn vị trong cả nước, chiếm 55,46%, trong đó có 5.106 xã, 794 phường và 291 thị trấn. Trước mắt, thực thi Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, lộ trình tới đến năm 2021, phải sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; và, từ năm 2022 đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp cơ sở theo tiêu chuẩn quy định.

Đó là yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị, là nhu cầu phát triển của hệ thống chính trị trong tổng thể công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, chứ tuyệt nhiên không phải đơn thuần là chuyện “Đảng muốn cái gì phải là “trung ương tập quyền” để duy trì kỷ cương và tính thống nhất quốc gia, cái gì phải “phân quyền” để phát huy tính năng động và vai trò giám sát từ cơ sở”(!) một cách tùy hứng, như có người chỉ trích.

4.4- Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế bộ máy thành viên và kiến tạo chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết cấp chiến lược và chính trị gia, chiến lược mang tầm tổng thể (1)

Từ những luận đề trên dẫn tới các vấn đề chủ yếu với tính cách là những nhân tố quyết định:

Thứ nhất, việc kiến tạo hệ thống chuyển từ đa tầng sang đa trụ, nhất định các chính trị gia phải thông qua cơ chế tuyển chọn phù hợp, với các con đường tranh tuyển, bảo cử xứng đáng là “gương mặt” “tinh hoa”, “biểu tượng”, “hình ảnh” của thể chế; các viên chức bổ nhiệm phải thông qua các con đường tuyển cử, tiến cử và bổ tuyển xứng đáng là “mưu sĩ”, “chiến lược gia”, “người lĩnh ấn tiên phong”, rường cột của bộ máy lãnh đạo, quản lý; và các viên chức hành chính phải thông qua con đường thi tuyển xứng đáng là những “công bộc”, “tai mắt”... của thể chế. Nói một cách hình ảnh, yêu cầu phát triển mới của lịch sử dân tộc đòi hỏi đội ngũ cán bộ của thời kỳ 4.0 chứ không thể là của thời đoạn 0.4 hoặc là sự dịch chuyển của 0.4, ngay từ tư duy và bắt đầu tối thiểu từ tư duy, đối với việc kiến tạo đội ngũ chính trị gia và chuyên gia đất nước.

Như thế, mới có thể xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xứng tầm dẫn dắt hệ thống, quốc gia mang tầm chiến lược, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm tinh nhuệ và chuyên nghiệp góp phần làm nên sức mạnh thể chế và toàn hệ thống; bộ máy tất cả các thành viên của hệ thống thực sự gọn nhẹ, tinh thông, liên thông và trực tiếp; tổng thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quản lý và sử dụng đồng thời theo thứ bậc và giám sát theo ngạch trật phù hợp, minh bạch, cụ thể; chủ động phòng ngừa và chữa trị những chứng bệnh tiềm tàng có nguy làm cơ tha hóa bộ máy và làm thoái hóa, băng hoại đội ngũ cán bộ, công chức (quan liêu, hành chính hóa, tham nhũng...).

Thứ hai, trên cơ sở tổng rà soát, tiến tới cơ cấu lại tổng thể toàn hệ thống theo hướng: kiến tạo bộ máy đa năng, giảm thiểu tầng nấc trung gian, trực tiếp đúng quyền năng, minh bạch trách nhiệm, bảo đảm đủ các điều kiện vận hành và sự liên thông giữa các bộ máy toàn hệ thống, theo hướng nhất nguyên chế; từng bước nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và quản lý ở tất cả các cấp một cách phù hợp (khi đủ điều kiện), với phương châm từ trên xuống một cách đồng bộ; đồng thời, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực một cách tổng thể, cụ thể và hiệu quả. Tiếp tục sáp nhập các bộ máy tương dung về công việc, giảm đầu mối, bỏ các tầng nấc trung gian không cần thiết; thực thi chế độ bí thư cấp ủy đồng thời giữ vị thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở từng cấp, khi đủ điều kiện. Phân định và tổ chức lại hệ thống chính trị ở địa phương, bảo đảm phù hợp về quy mô, tương dung về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - xã hội... và khả năng hiện thực lãnh đạo, quản lý một cách tổng thể, mang tầm chiến lược.

Theo đó, bố trí người đứng đầu phù hợp các tổ chức bộ máy thành viên và địa phương một cách tương dung theo hướng nhất thể hóa và kiểm tra chặt chẽ, minh bạch theo kỷ luật và pháp luật, đo lường các chỉ số về tính năng, hiệu quả, sự thừa nhận và độ hài lòng của nhân dân đối với bộ máy và cán bộ, công chức.

Thứ ba, kiến tạo và bố trí phù hợp trên tầm chiến lược đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đồng thời tiếp tục kiến tạo đội ngũ chiến lược gia một cách chủ động trên tất cả mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với bối cảnh thế giới mới... bảo đảm tương dung với từng thành viên, từng loại cán bộ của hệ thống chính trị, ở tất cả các cấp, theo thứ bậc và ngạch trật một cách tinh giản nhất. Giám sát, kiểm tra và sàng lọc đội ngũ này một cách thường xuyên, rộng rãi, chặt chẽ và nghiêm khắc trong tổng thể cơ chế kiểm soát quyền lực, trong đó quyền và trách nhiệm giám sát, kiểm soát của nhân dân tiếp tục được chế định và thực thi nghiêm cách. Sửa sang tổng thể chế độ về tinh thần và vật chất một cách xứng đáng chiêu hiền với đội ngũ, “sao cho đối đãi với mọi người” (Hồ Chí Minh), trên phương diện này.

Mục tiêu đổi mới chính trị đã xác quyết. Con đường đổi mới hệ thống chính trị đã xác tín. Giờ đây, sự thành bại chỉ phụ thuộc vào quyết tâm về hành động chính trị nữa mà thôi!./.

----------------------------------------------------

(1) Xem Nhị Lê: “Không ngừng đổi mới chính trị vì sự phát triển toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”, Tạp chí Cộng sản số 883 (5-2016) và số 884 (6-2016); “Kiến tạo đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm công cuộc đổi mới”, Tạp chí Cộng sản Chuyên đề cơ sở, số 135 (3-2018) và số 136 (4-2018)