Cần tích cực đấu tranh ngăn chăn nạn buôn người ra nước ngoài
Cộng đồng quốc tế cho rằng, buôn người là một trong những tội phạm hình sự ghê tởm nhất, một vết nhơ của lịch sử còn tồn tại trong thế giới văn minh và cần phải loại bỏ nó bằng mọi hình thức.
1. Vài nét về nạn buôn người ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, nạn buôn người qua biên giới đã trở thành vấn đề toàn cầu. Không thể chấp nhận một thực tế phũ phàng như vậy trong một thế giới văn minh, cộng đồng quốc tế đã và đang phối hợp thực hiện nhiều chương trình quốc tế về chống nạn buôn người. Tuy nhiên, tệ nạn này vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp mọi nỗ lực của các chính phủ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trong vòng 10 năm qua đã có hàng chục nghìn người Việt Nam bị bọn tội phạm bán ra nước ngoài qua nhiều đường, đưa đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em (pháp luật hình sự nước ta chưa quy định tội buôn người) của Chính phủ, các cấp, các ngành, các đoàn thể đã có nhiều cố gắng đấu tranh phòng, chống nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Bọn tội phạm buôn người vẫn tiếp tục hoạt động với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về nhiều mặt, phá hoại trật tự luật pháp xã hội chủ nghĩa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phá hoại hạnh phúc nhiều gia đình, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, đe doạ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bôi nhọ hình ảnh quốc tế của Việt Nam.
Về địa bàn, người Việt Nam (phần lớn là phụ nữ và trẻ em) bị bọn tội phạm bán ra nước ngoài chủ yếu bị đưa vào các ổ chứa ép làm gái mại dâm, làm nô lệ tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động khổ sai. Các nước và vùng lãnh thổ mà bọn buôn người đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam đến chủ yếu là Trung Quốc, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao (chủ yếu là Trung Quốc và Cam-pu-chia). Một số ít được đưa tới Ôt-xtrây-li-a, châu Âu và cả châu Phi.
Thủ đoạn phổ biến của bọn tội phạm buôn người vẫn là những thủ đoạn khá quen thuộc như lợi dụng sự thiếu thốn, khó khăn, sự nhẹ dạ, cả tin của phụ nữ, trẻ em và gia đình; dựng lên viễn cảnh giả tạo về cuộc sống có thu nhập cao nếu đi theo chúng ra nước ngoài làm ăn, buôn bán; hoặc lợi dụng những sơ hở thiếu sót trong chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về vấn đề nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, pháp luật về xuất khẩu lao động, du lịch... để hoạt động phạm tội. Mấy năm gần đây, có thời điểm rộ lên thủ đoạn bắt cóc nạn nhân đem bán ra nước ngoài.
Đã xuất hiện một số đường dây chuyên môi giới cho người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi có dấu hiệu mua bán trẻ em. Điển hình là trường hợp xảy ra tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Long Xuyên, tỉnh An Giang. Từ năm 1995 đến 1997, Trung tâm này đã giải quyết cho người nước ngoài nhận 211 trẻ em làm con nuôi, trong đó nhiều em không phải là đối tượng do Trung tâm nuôi dưỡng mà do các nhân viên Trung tâm móc nối với các đối tượng bên ngoài thu gom trẻ em bị bỏ rơi ở bệnh viện hoặc bị cha mẹ bỏ rơi rồi bán cho người nước ngoài. Nguy hiểm, manh động hơn, bọn tội phạm còn dùng bạo lực bắt cóc nạn nhân bán ra nước ngoài. Mấy năm gần đây, ở địa bàn một số huyện thuộc tỉnh Cao Bằng đã xảy ra các vụ bọn tội phạm tấn công vào nhà nạn nhân, giết chết thân nhân (bố, mẹ, ông bà) bắt cóc các cháu trai đưa sang Trung Quốc bán.
Thường có sự cấu kết giữa bọn tội phạm ở trong nước và bọn tội phạm nước ngoài tạo thành các đường dây buôn ngưòi có tổ chức chặt chẽ. Vì lợi nhuận, bọn tội phạm không từ một thủ đoạn nào, kể cả lừa bán ngay cả ngưòi thân ruột thịt của mình. Địa bàn tập trung chủ yếu của bọn buôn người là ở các vùng kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống còn khó khăn, dân trí thấp như vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Ở các thành phố lớn, bọn tội phạm nhằm vào số phụ nữ, trẻ em từ nông thôn ra thành thị kiếm ăn, lang thang cơ nhỡ hoặc số gái mại dâm đã "quá đát". Các địa phương có nhiều người bị bán ra nước ngoài (hoặc nghi vấn bị bán ra nước ngoài) là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Thái Bình, Đồng Tháp, Cần Thơ, Thanh Hoá. Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng ở 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gần đây cho thấy đã có hàng chục nghìn người các địa phương này bị bọn tội phạm bán ra nước ngoài như: Thái Bình, 2514 trường hợp; Thanh Hoá, 2115 trường hợp; An Giang, 350 trường hợp... Riêng Lạng Sơn có gần 5000 phụ nữ không còn có mặt ở địa phương chưa rõ lý do, nghi bị bán sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm gái mại dâm.
2. Nguyên nhân.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy tình trạng công dân Việt Nam bị bán ra nước ngoài hiện nay là do các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Một là, trong cơn lốc toàn cầu hóa, "thị trường tình dục" và tình trạng lạm dụng lao động trẻ em trên thế giới và khu vực đang có xu hướng phát triển. Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia tích cực lùng sục tìm kiếm phụ nữ và trẻ em để đáp ứng nhu cầu trên của thế giới ngầm. Công động quốc tế đã có nhiều cố gắng hợp tác đấu tranh nhưng chưa kiểm soát được tình hình. Vì vậy, buôn bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất đã trở thành vấn đề toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Nhập cư thế giới (IOM), hàng năm có khoảng 4 triệu người bị bọn buôn người bán qua biên giới các quốc gia, lợi nhuận thu được từ hoạt động tội ác này hằng năm không dưới 10 tỉ USD, chỉ đứng sau lợi nhuận thu được từ buôn bán vũ khí và buôn lậu ma túy.
Hiện nay, ở Tây Âu "thị trường tình dục" và ở các nước châu Phi, Trung Cận Đông "thị trường lao động trẻ em" (kể cả lính đánh thuê là trẻ em) rất phát triển. Các nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi là nguồn cung cấp lao động tình dục và lao động trẻ em chủ yếu cho các "thị trường" này (ở Pháp có 60% gái mại dâm là người nhập cư, Ấn Độ có gần 1,5 triệu, Pa-ki-xtan có 200.000 gái mại dâm, trong đó có 20% là trẻ em; Đài Loan có khoảng 100.000 trẻ em hành nghề mại dâm...). Bên cạnh đó, tình trạng mất cân đối giữa tỷ lệ nam và nữ trong cơ cấu dân số ở Trung Quốc và các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Công cũng đã hình thành thị trường lấy vợ ngoại quốc ở khu vực.
Tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ những nước nghèo, những nước đang trong tình trạng chiến tranh, rối ren về chính trị sang các nước giàu đang có xu hướng tăng cao. Bọn tội phạm có lý do để dễ dàng buôn người hơn khi đánh trúng tâm lý nhu cầu đi tìm “miền đất hứa” của những người nghèo khó. Đã ra không ít các vụ hàng chục, thậm chí hàng trăm người bị chết trong các xe đông lạnh khi bị bọn buôn người vận chuyển qua biên giới nhằm che dấu nhà chức trách. Môi trường quốc tế kể trên đã tạo nhiều cơ hội cho bọn tội phạm quốc tế hy vọng thu được lợi nhuận cao từ hoạt động buôn bán người. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng là một địa bàn mà bọn tội phạm buôn người xuyên quốc gia nhằm tới.
Hai là, sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện một bước nhờ thành công trong chính sách xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng giáp biên, đời sống của nhân dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em và gia đình còn hết sức khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân, chủ yếu là giới trẻ còn bị tác động bởi nhiều yếu tố xã hội thiếu lành mạnh như văn hóa phẩm độc hại, tệ nạn ma túy, mại dâm đang tràn lan ở mọi địa bàn. Bọn tội phạm đã triệt để lợi dụng hoàn cảnh này để lừa phỉnh các nạn nhân đưa bán ra nước ngoài.
Ba là, trong nhận thức của một bộ phận cán bộ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là ở cơ sở về hậu quả nghiêm trọng của loại tội phạm buôn người gây ra cho xã hội, cũng như tính chất của cuộc đấu tranh còn chưa đầy đủ. Ở nhiều nơi, cấp ủy đảng, chính quyền còn xem nhẹ, thiếu quan tâm chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện các hoạt động phòng chống tội phạm. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, nhất là các ngành chịu trách nhiệm chính trong khuôn khổ Chương trình 130/CP (Chương trình Quốc gia phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em) còn thiếu chặt chẽ, chồng chéo; chưa chú trọng công tác phòng ngừa, nhất là các biện pháp kinh tế - xã hội. Hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nhằm trấn áp tội phạm buôn người của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bốn là, hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống buôn người chưa hoàn thiện, nhất là chính sách hình sự, dân sự, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, xuất nhập cảnh và xuất khẩu lao động, hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng. Nước ta chưa có văn bản luật về chống buôn người (Bộ luật Hình sự chỉ có một điều về tội buôn bán phụ nữ và trẻ em, hoặc điều luật tương tự như tội tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép…).
Năm là, hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn người chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về lao động, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác đa phương, song phương với nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, thực hiện nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế về các lĩnh vực này. Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, trong tình hình tội phạm buôn người qua biên giới đang trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải tích cực hợp tác quốc tế nhiều hơn nữa.
3. Làm gì để ngăn chặn tệ buôn người
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tệ buôn người, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh một số biện pháp sau:
Một là, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp cần quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 776/TTg ngày 17-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ về phân công trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài trái phép. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể, nhất là ở cơ sở đẩy mạnh các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong công tác phòng, chống tội phạm buôn người, thực hiện nghiêm túc các đề án thuộc Chương trình 130/CP theo trách nhiệm được phân công, đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, huy động được sự tham gia của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội
Hai là, quán triệt quan điểm lấy phòng ngừa là chính, đặt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm buôn người gắn liền với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, lấy biện pháp kinh tế - xã hội làm cơ bản và trọng tâm. Đặc biệt quan tâm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, địa bàn giáp biên, địa bàn tập trung người lao động phổ thông, phức tạp về tệ nạn xã hội ở thành phố, thị xã. Kết hợp phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội, nhất là thực hiện các chương trình xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí như Chương trình 133, 134, 135/CP, Chương trình Quốc gia giải quyết việc làm. Các đoàn thể đẩy mạnh các phong trào xã hội ở địa bàn dân cư như phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “phụ nữ thi đua lao động, sản xuất xây dựng gia đình hạnh phúc”, “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Các lực lượng chuyên trách đẩy mạnh các hoạt động tấn công, truy quét, xoá các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, ma tuý làm trong sạch địa bàn.
Ba là, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền chiều sâu ở địa bàn dân cư nhằm nâng cao cảnh giác cho những người dễ bị lừa đảo, bắt cóc như chị em phụ nữ, các cháu nhỏ, gia đình họ và cộng đồng trước những thủ đoạn của bọn tội phạm. Tích cực vận động quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, chủ động hỗ trợ các lực lượng chức năng tấn công trấn áp tội phạm.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực: xuất khẩu lao động, du lịch, xuất nhập cảnh, quản lý biên giới (đặc biệt là các đường tiểu mạch)…chủ động ngăn chặn tình trạng đưa người ra nước ngoài trái phép. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy mạnh các hoạt động phát hiện, điều tra đưa ra truy tố, xét xử tội phạm.
Năm là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống buôn bán người ở các lĩnh vực: hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, lao động và xuất khẩu lao động, du lịch và xuất nhập cảnh, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài, hồi hương và tái hoà nhập cộng đồng… Cần nghiên cứu xây dựng, ban hành một số đạo luật như: Luật Phòng, chống buôn người, Luật Hồi hương, Luật Tái hoà nhập cộng đồng, sửa đổi Bộ luật Hình sự…phù hợp với thực tiễn cuộc đấu tranh và thông lệ quốc tế.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về chống tội phạm buôn người trong điều kiện, hoàn cảnh cho phép, đặc biệt với các nước, vùng lãnh thổ lân cận và các tổ chức quốc tế. Ví dụ như có thể nhanh chóng tham gia Dự án chống buôn người ở khu vực châu Á do Chính phủ Ốt-xtrây-li-a tài trợ (hiện đã có 6 nước trong ASEAN tham gia, Việt Nam đang là quan sát viên và được mời tham gia chính thức)./.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Tiền Giang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (10/07/2008)
Buổi thi sáng nay diễn ra an toàn, nghiêm túc  (09/07/2008)
Dân số Việt Nam: Những đặc điểm nổi bật  (09/07/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên