Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 6-7-2009 đến 12-7-2009)
1. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma thăm chính thức Liên bang Nga
Ngày 6-7-2009, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đến Mát-xcơ-va bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga lần đầu tiên kể từ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ. Chuyến thăm Nga kéo dài hai ngày này của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhằm "tái khởi động" quan hệ hợp tác và đối tác giữa hai nước vốn bị đóng băng trong những năm gần đây. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã hội đàm với Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, gặp Thủ tướng Nga V.Pu-tin và tham gia một số hoạt động xã hội. Tổng thống B.Ô-ba-ma và Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã ký văn kiện "Nhận thức chung về vấn đề tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược". Theo đó, Nga và Mỹ thỏa thuận tiếp tục cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược và trong thời gian tới sẽ ký thỏa thuận mới có tính ràng buộc pháp lý, thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn một (START-1) hết hạn vào đầu tháng 12-2009. Đây là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng trong quá trình tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hai nước cũng thông qua Tuyên bố chung về Áp-ga-ni-xtan, chứng kiến lễ ký Văn kiện khung về phát triển hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước; Nghị định thư về vạch kế hoạch công tác nhằm hoàn thiện sự hợp tác quân sự giữa các lực lượng vũ trang hai nước năm 2009. Các thỏa thuận trên giúp hai bên nối lại hợp tác quân sự, đồng thời đưa quan hệ hợp tác quân sự hai nước lên cấp độ mới. Tuy nhiên, lập trường giữa hai bên về nhiều vấn đề quốc tế vẫn còn khác biệt.
2. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Ngày 6-7-2009, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của CHDCND Triều Tiên, coi đó là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trở thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực và thế giới. Hội đồng bảo an khẳng định lại rằng, Bình Nhưỡng "phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình và tuân thủ các nghị quyết liên quan", đồng thời kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế, không có hành động làm xấu đi tình hình an ninh trong khu vực". Tuyên bố trên được đưa ra sau một cuộc họp của 15 thành viên Hội đồng Bảo an do Nhật Bản đề nghị triệu tập. Ông R.Ru-gun-đa, Đại sứ U-gan-đa, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, các thành viên Hội đồng Bảo an đã thể hiện cam kết về “một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị”. Trước đó, dư luận phương Tây tiếp tục lên án việc Triều Tiên liên tiếp phóng thử 11 quả tên lửa, một động thái làm "nóng" thêm tình hình vốn đã rất căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á.
3. Bạo động ở U-rum-chi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc
Ngày 7-7-2009, Bí thư Khu tự trị Tân Cương, ông Vương Lạc Tuyền, cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được ban hành tại U-rum-chi (Urumqi), thủ phủ Khu tự trị Tân Cương nhằm ngăn chặn các vụ bạo loạn leo thang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, các vụ gây bạo lực tại Khu tự trị Tân Cương không phải là một cuộc biểu tình hòa bình mà là hành động phá hoại. Ông Tần Cương còn khẳng định chính quyền sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên trong và ngoài nước đưa tin về tình hình Khu tự trị Tân Cương. Cảnh sát Tân Cương còn cho biết, họ đã có bằng chứng cho thấy nhóm ly khai thiểu số Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC) đã lập kế hoạch và chỉ đạo vụ bạo loạn. Đứng đầu nhóm này là bà Rê-bi-a Ca-đi-ơ (Rebiya Kadeer), từng bị bắt giữ năm 1999 với tội danh gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Ngày 8-7-2009, Chính quyền thành phố U-rum-chi đã kiểm soát được tình hình và khẳng định sẽ trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham gia các vụ bạo lực làm 156 người chết và hơn 1.000 người bị thương.
4. Hội thảo quốc tế Lào - Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông.
Ngày 7-7-2009 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã diễn ra Hội thảo quốc tế Lào - Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông với chủ đề “Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông”. Chủ trì cuộc Hội thảo có các đồng chí: Xa Mản Vi-nha-khệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận và văn hoá Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều cán bộ lãnh đạo của Lào và Việt Nam. Đây là cuộc Hội thảo quan trọng vừa để tưởng nhớ cố Chủ tịch, vừa góp phần làm sáng tỏ thêm những cống hiến to lớn của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông với sự nghiệp cách mạng Lào; những tình cảm cao quý của đồng chí đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam; làm giàu có thêm nguồn tư liệu phong phú trong lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
5. Bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a
Ngày 8-7-2009, cuộc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a đã cơ bản kết thúc. Kết quả sơ bộ, sau khi kiểm được 88% phiếu bầu, ông Xu-xi-lô giành được 59,77% phiếu bầu, bà Mê-ga-oa-ti về nhì với khoảng 26% số phiếu bầu và ông Ca-1a về thứ ba với trên dưới 150% số phiếu bầu. Theo Luật Bầu cử In-đô-nê-xi-a, nếu trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống, ai giành được trên 50% phiếu bầu, sẽ trúng cử. Mặc dù kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử sẽ do Uỷ ban Bầu cử In-đô-nê-xi-a công bố sau 1 tháng, nhưng kết quả sơ bộ cho thấy, ông Xu-xi-ô đã giành chiến thắng. Theo các nhà phân tích, sở dĩ ông Xu-xi-lơ thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử lần này là do Chính quyền mà ông Xu-xi-lô lãnh đạo đã cải thiện đáng kể tình hình chính trị trong nước, kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi, việc chống tham nhũng giành được hiệu quả bước đầu, số người nghèo đói dần giảm xuống. Hơn thế, ông Xu-xi-lô buôn giữ hình ảnh cá nhân thanh liêm, thận trọng và bình dị, dễ gần, đồng tình với nỗi khổ của nhân dân. Trong buộc bầu cử Quốc hội In-đô-nê-xi-a tổ chức tháng 4-2009, đảng Dân chủ In-đô-nê-xi-a do ông Xu-xi-lô lãnh đạo đã trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội. Tất cả những điều đó đã đặt cơ sở vũng chắc cho việc tái đắc cử thành công của ông Xu-xi-lô. Với chiến thắng này, ông Xu - xi - lô sẽ có cơ hội để tiếp tục các cuộc cải cách mà Chính phủ của ông đã tiến hành nhằm giúp cho nền kinh tế In-đô-nê-xi-a đạt tốc độ trên 6%.
6. Ông Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) tiếp tục giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai
Ngày 9-7-2009, các nhà lãnh đạo EU đã chính thức nhất trí đề cử Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Dô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) tiếp tục giữ chức vụ này nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Trong một văn bản viết, Thủ tướng Thuỵ Điển Phrê-đrích Rai-phên (Fredrik Reinfeldt) nhấn mạnh sự nhất trí của lãnh đạo các nước EU sẽ đảm bảo để EC tiếp tục công việc quan trọng vào mùa Thu tới trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế... Ông Ba-rô-xô, 53 tuổi và là cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, được bầu làm Chủ tịch EC từ năm 2004 và sẽ mãn nhiệm vào tháng 11 tới. Ông là ứng cử viên duy nhất ứng cử vào chức vụ này nhiệm kỳ 2009-2014. Để được tiếp tục giữ chức vụ này, ông Ba-rô-xô còn phải được Nghị viện châu Âu (EP) cũng như chính phủ 27 nước EU thông qua.
7. Nga và Nhật Bản tìm cách tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước liên quan tới chủ quyền quần đảo Cu-rin (Kuril)
Ngày 9-7-2009, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) tại thành phố La-ki-la (L'Aquila) của I-ta-li-a, Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép có cuộc hội đàm nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước liên quan tới chủ quyền quần đảo mà Tô-ki-ô gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Mát-xcơ-va gọi là quần đảo Cu-rin (Kuril). Tổng thống Mét-vê-đép nêu rõ, Quốc hội Nga đã phản đối việc Nhật Bản gần đây thông qua dự luật tuyên bố các đảo tranh chấp là “một phần không thể thiếu” của Nhật Bản và kêu gọi cần “cải thiện môi trường” để thúc đẩy giải quyết tranh chấp này. Trong khi đó, Thủ tướng A-xô khẳng định lại tuyên bố của Nhật Bản coi việc Nga nhận chủ quyền các đảo trên là "vô căn cứ về mặt luật pháp quốc tế". Theo ông A-xô, "do không đạt được tiến bộ về mặt chính trị, Nhật Bản vẫn lưỡng lự trong việc xây dựng quan hệ đối tác kinh tế với Nga”. Theo hãng tin AFP (Pháp), hai nhà lãnh đạo thừa nhận quan hệ song phương bị ảnh hưởng bởi việc phía Nhật Bản thông qua dự luật tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo tranh chấp, song nhấn mạnh không nên để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ song phương vì sự phát triển quan hệ giữa hai nước sẽ đóng góp to lớn cho sự ổn định an ninh tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
8. Tổng Thư ký Ban Ki Mun chủ trương đổi mới hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Ngày 7-7-2009, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) trong chuyến thăm Ai-en hai ngày với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề như nhu cầu của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới và biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Ban Ki Mun tuyên bố ông muốn tạo lập một "tầm nhìn mới về gìn giữ hòa bình" để các chiến dịch được đặt trên một nền tảng vững chắc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đang tiếp diễn. Hiện Liên hợp quốc đang tiến hành 16 chiến dịch gìn giữ hòa bình và 27 sứ mệnh chính trị đặc biệt trên khắp thế giới, với 78.000 quân, hơn 11.000 cảnh sát và trên 23.000 nhân viên dân sự tham gia. Tổng Thư ký Ban Ki Mun cho biết, ông muốn cải tổ các hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm đảm bảo rằng những hoạt động này có thể theo kịp các cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới và rằng thế giới đang đối mặt với một kỷ nguyên hoàn toàn khác, nơi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát cùng với các cuộc khủng hoảng về y tế, năng lượng và lương thực. Theo ông, điều đó đòi hỏi các hoạt động gìn giữ hòa bình phải diễn ra hiệu quả hơn.
9. Hội nghị cấp cao G-8 ở I-ta-li-a
Ngày 8-7-2009, Hội nghị cấp cao thường kỳ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đã khai mạc tại thành phố La-ki-la (I-ta-li-a). Trong thời gian này, cũng diễn ra Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF) gồm G-8 và năm nền kinh tế lớn khác làTrung Quốc, Ấn Ðộ, Bra-din, Me-hi-cô và Nam Phi, được gọi là Hội nghị 8+5. Có khoảng ba nghìn đại biểu và phóng viên tới La-ki-la trong những ngày diễn ra hội nghị này. Hội nghị đã ra hàng loạt tuyên bố về các vấn đề quan trọng như việc đối phó cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, Vòng đàm phán Ðô-ha về tự do thương mại, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, tình hình I-ran. Nguyên thủ nhiều nước cho rằng, cơ chế G-8 nay trở nên không còn phù hợp, trong khi G-14 là một cơ cấu mang tính đoàn kết, đại diện 80% kinh tế thế giới. Vì vậy, các cuộc gặp cấp cao G-14 có thể sẽ được tổ chức thường xuyên. Trong ngày họp cuối, Hội nghị G-8, với sự tham dự của lãnh đạo 28 nước và tám tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ, WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Liên minh châu Phi (AU) để thảo luận các vấn đề của châu Phi, cuộc chiến chống đói nghèo và an ninh lương thực. Hội nghị thông qua các tuyên bố chung về nguồn tài nguyên nước, an ninh lương thực. Kết quả của Hội nghị cấp cao G-8 đã không đáp ứng được sự mong đợi của nhiều nước, nhất là các nước đang và chậm phát triển về vai trò của các nước giàu có trong cuộc đấu tranh chung chống lại các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Vai trò của G-8 đã suy giảm.
10. Ðối thoại chiến lược Việt Nam- Liên bang Nga
Ngày 9-7-2009, tại Mát-xcơ-va đã diễn ra cuộc đối thoại chiến lược ngoại giao- quốc phòng - an ninh Việt Nam - Nga lần thứ hai . Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, phía Nga do Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Liên bang Nga An-đrây Đen-ni-xốp (Andrey Denisov) dẫn đầu. Ðây là sự kiện được tiến hành hằng năm theo thỏa thuận cấp cao đạt được giữa hai bên trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 9-2007. Trên tinh thần cởi mở và tin cậy đặc trưng cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; các thách thức đối với an ninh của Việt Nam và Liên bang Nga; quan hệ đối ngoại của Việt Nam và Liên bang Nga. Hai bên cũng thảo luận các vấn đề hợp tác song phương, đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư; tăng cường phối hợp hành động giữa hai nước tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác, nhất là trong các cơ chế liên kết khu vực.
11. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thăm châu Phi
Ngày 11-7-2009, sau khi tham dự Hội nghị G8 ở I-ta-li-a, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã thực hiện chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử tới Ga-na, một quốc gia ở châu Phi được đánh giá là có “thành tích dân chủ”. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma muốn nhân cơ hội này “thúc đẩy dân chủ” trên toàn châu Phi. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ghé thăm một người từng là nô lệ. Theo Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, châu lục này cần nắm giữ vận mệnh của chính mình trong thế giới. Ông tuyên bố: “Tôi muốn đảm bảo rằng, việc tới thăm một nước châu Phi sau hội nghị G8 và sau chuyến công du tới Nga thể hiện châu Phi không tách rời khỏi những công việc của thế giới. Thế kỷ XXI sẽ phát triển từ những gì xảy ra không chỉ ở Rô-ma, hay Mát-xcơ-va hoặc Oa-sinh-tơn, mà còn bởi những gì xảy ra ở Ga-na”. Ở một tầm nhìn rộng hơn, chuyến thăm Ga-na sẽ giúp ông Ô-ba-ma khẳng định mối quan hệ có bề dày lịch sử giữa những người Mỹ gốc Phi và "lục địa đen". Không thể phủ nhận những nỗ lực của Tổng thống B. Ô-ba-ma khi ông đã và đang tạo được ấn tượng trong việc xây dựng mối quan hệ tích cực với châu Phi. Nhưng còn nhiều thách thức phía trước khiến người ta hoài nghi việc ông B.Ô-ba-ma đề cao chính sách châu Phi. Thời gian sẽ cho chính sách của B.Ô-ba-ma đối với châu Phi câu trả lời thích hợp./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 29-6-2009 đến 5-7-2009)
Vấn đề dân tộc và đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk  (13/07/2009)
Bình Định: phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2009  (13/07/2009)
G8 - đã đến lúc nói lời giã biệt?  (12/07/2009)
Khởi công xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn 2  (12/07/2009)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2009  (12/07/2009)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay