* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 335,6 nghìn tỉ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các khu vực kinh tế đều tăng trên 25%, riêng khu vực kinh tế nhà nước giảm 7,7%. Xét theo ngành kinh doanh, thương nghiệp chiếm gần 82%, tăng 22,6%; khách sạn, nhà hàng chiếm 11,8%, tăng 21,7%; du lịch chiếm 1,2%, tăng 38,6%; dịch vụ chiếm 5,1%, tăng 28,4%.

* Giá tiêu dùng tháng 6-2007 tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 5,2% so với tháng 12-2006 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng tăng do giá của tất cả các nhóm hàng hóa đều tăng với các mức độ khác nhau. So với 6 tháng đầu năm trước, giá tiêu dùng bình quân tăng 7%, thấp hơn mức tăng bình quân 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2005 và 7,9% trong 6 tháng đầu 2006 và thấp hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, với xu hướng tăng giá như 6 tháng đầu năm và các biến động khó lường về giá trên thị trường quốc tế để việc kiềm chế tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng, cần có các giải pháp hữu hiệu và sự quan tâm thường xuyên của các cơ quan hữu quan.

Giá vàng 6 tháng biến động thất thường, bình quân 6 tháng tăng 11,9% so với 6 tháng đầu năm trước, trong đó giá vàng tháng 6-2007 giảm 2% so với tháng trước nhưng tăng 5% so với tháng 12-2006 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ 6 tháng có xu hướng tăng nhẹ từ tháng 4-2007 và hầu hết các tháng đều tăng so với cùng tháng năm trước, bình quân mỗi tháng tăng 0,5%. Giá đô la Mỹ tháng 6-2007 tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 0,1% so với tháng 12-2006 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

* Xuất, nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 49,69 tỉ USD, tăng 25,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,4% và nhập khẩu tăng 30,4%. Do nhập khẩu tăng mạnh so với tốc độ tăng xuất khẩu nên nhập siêu hàng hoá 6 tháng đầu năm nay đã ở mức 4,78 tỉ USD, cao hơn mức nhập siêu 1,98 tỉ USD của 6 tháng đầu năm trước là 2,8 tỉ USD và bằng 21,3% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn gấp đôi tỷ lệ 10,6% của 6 tháng đầu năm 2006.

Giá trị xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 22,5 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước 9,8 tỉ USD, tăng 24,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 8,9 tỉ USD, tăng 31,4%. Thị trường xuất khẩu chính 5 tháng đầu năm 2007 phát triển không đồng đều, trong đó thị trường ASEAN tăng 29,8%, EU tăng 28,4%, Mỹ tăng 23%, Trung Quốc tăng dưới 5%, riêng thị trường Nhật Bản giảm 0,4%; Ôx-trây-li-a giảm 11%.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 6 tháng đầu năm nay nhìn chung đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng lớn (giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD trở lên) giữ được tốc độ tăng cao. Giá trị xuất khẩu dầu thô giảm, do lượng xuất khẩu giảm 6,7%, giá giảm 3,6% và mới đạt 43,9% kế hoạch cả năm 2007; xuất khẩu gạo 731 triệu USD, giảm 5,6%, chủ yếu do lượng xuất khẩu giảm 18,9%, mới đạt 2,3 triệu tấn; cao su 527 triệu USD, tăng 1,6% (lượng giảm 3,5%); hạt điều 255 triệu USD, tăng 16,3% (lượng tăng 14,3%).

Giá trị nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 27,2 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước 17,3 tỉ USD, tăng 30,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 9,9 tỉ USD, tăng 30,7%. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nhiều vật tư, nguyên, nhiên liệu quan trọng cho sản xuất trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Xuất, nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 6,2 tỉ USD, tăng 20,8% trong đó xuất khẩu dịch vụ gần 3 tỉ USD, tăng 17,2% và nhập khẩu dịch vụ đạt 3,2 tỉ USD, tăng 24,4%. Nhìn chung, giá trị xuất khẩu các loại dịch vụ 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu dịch vụ có mức tăng cao hơn xuất khẩu dịch vụ do phí vận tải và bảo hiểm hàng hoá nhập khẩu tăng 31,6%, dịch vụ tài chính tăng 23,1%, dịch vụ bảo hiểm tăng 16,9%.

* Bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế tiếp tục phát triển ổn định. Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 6 tháng ước tính đạt 8,9 triệu, nâng tổng số thuê bao trên cả nước tính đến hết tháng 6 đạt 36,4 triệu. Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ phát triển viễn thông cao so với các nước trong khu vực.