Cuốn sách là công trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX-05 giai đoạn 2001 - 2005 của tập thể các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang làm việc tại các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Đây là chương trình thứ ba nghiên cứu về văn hóa và con người, nhưng khác với hai lần trước (1991 -1995; 1996 - 2000), chương trình lần này nghiên cứu phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong bối cảnh đất nước bước vào thế kỷ XXI, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa. Mục tiêu nghiên cứu của chương trình là: Tổng kết thực tiễn thực hiện đường lối, chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghiên cứu, đánh giá thực trạng một số mặt chính của văn hóa, con người và nguồn nhân lực ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng các luận chứng khoa học cho việc xác định các quan điểm, hoạch định đường lối, chính sách và giải pháp phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực giai đoạn 2001 - 2020.

Nội dung cuốn sách tập trung trình bày kết quả nghiên cứu chủ yếu của chương trình: Những vấn đề mang tính phương pháp luận về văn hóa, con người, nguồn nhân lực, đời sống văn hóa và xu hướng phát triển văn hóa ở những vùng, miền khác nhau; đặc điểm con người Việt Nam hiện nay; thực trạng nguồn nhân lực, phương hướng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, v.v..

Cuốn sách gồm 12 chương:

Chương 1: Một số vấn đề phương pháp luận về nghiên cứu và phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Chương 2: Đời sống văn hóa và xu hướng phát triển văn hóa vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.

Chương 3 : Đời sống văn hóa và xu hướng phát triển văn hóa vùng đô thị và khu công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chương 4: Đời sống văn hóa và xu hướng phát triển văn hóa một số dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chương 5: Xây dựng con người Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập quốc tế.

Chương 6: Nghiên cứu phát triển con người và chỉ số phát triển con người ở Việt Nam.

Chương 7: Đo lường một số chỉ số trí tuệ của người Việt Nam.

Chương 8: Con người Việt Nam công nghiệp.

Chương 9: Giáo dục phổ thông và hướng nghiệp - nền tảng để phát triển nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chương 10: Đào tạo lao động kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động trong nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Chương 11: Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chương 12: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thể, tình trạng sức khỏe của một số nhóm người lao động xét dưới góc độ yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.