Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a: Lịch sử và hiện đại
Gần 90 năm hoạt động và đấu tranh, trải qua bao thăng trầm, với nỗ lực không ngừng đổi mới đường lối, phương thức hoạt động, với quyết tâm "mạnh mẽ, chủ động đi vào quần chúng", Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a đang từng bước nâng cao được vai trò, vị thế của mình trong các tầng lớp nhân dân lao động và trong đời sống chính trị đất nước này.
Những thăng trầm trong quá khứ
Hai thập niên đầu thế kỷ XX, đất nước Ô-xtrây-li-a đã trải qua những biến chuyển kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng. Năm 1901, Liên bang Ô-xtrây-li-a được thành lập. Các ngành luyện kim, khai khoáng, đóng tàu và công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó, đội ngũ công nhân tăng lên nhanh chóng về số lượng và trưởng thành về chất lượng. Các tổ chức công đoàn hình thành từ những thập niên cuối thế kỷ XIX tiếp tục phát triển mạnh. Trên thế giới, phong trào phản đối Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ ở khắp nơi. Đặc biệt, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân dân các nước, trong đó có nhân dân lao động Ô-xtrây-li-a.
Chính trong bối cảnh như vậy, ngày 30-10-1920, Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a được thành lập. Mặc dù, trong những năm đầu sau khi được thành lập, Đảng đã đạt được thành công đáng kể trong hoạt động quốc tế, như phát động, lãnh đạo các chiến dịch ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước khác, nhưng do ban lãnh đạo Đảng chịu tác động nặng nề của tư tưởng hữu khuynh, cơ hội nên ảnh hưởng của Đảng ở trong nước khi đó là chưa đáng kể.
Năm 1929, Đảng bầu ra ban lãnh đạo mới. Các phần tử cơ hội, hữu khuynh trong ban lãnh đạo cũ bị khai trừ. Đảng triển khai những hoạt động sôi động hơn trong việc tổ chức, lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân công nghiệp.
Trước nguy cơ của chủ nghĩa phát-xít, những năm 30 thế kỷ XX, Đảng tích cực tham gia và đi tiên phong trong phong trào đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới. Thời kỳ này nhiều đại biểu của giới văn nghệ sỹ, tầng lớp trí thức Ô-xtrây-li-a đã gia nhập Đảng. Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a nhiệt thành cổ vũ và hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho các cộng đồng dân cư bản địa, đề xuất những chính sách tiến bộ liên quan đến quyền lợi của các cộng đồng dân tộc ở Ô-xtrây-li-a.
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, các lực lượng cầm quyền Ô-xtrây-li-a đã tìm cách loại Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Do vậy, Đảng phải đi vào hoạt động bí mật. Mặc dù bị chính quyền cấm đoán, nhưng các chiến sỹ cộng sản Ô-xtrây-li-a không hề khuất phục, tiếp tục triển khai hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa phát-xít, ủng hộ cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân và Hồng quân Liên Xô. Năm 1942, Chính phủ Công Đảng lên cầm quyền ở Ô-xtrây-li-a đã bãi bỏ lệnh cấm hoạt động đối với Đảng Cộng sản.
Chuyển từ thời kỳ hoạt động bí mật sang thời kỳ hoạt động công khai, Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a có sự lớn mạnh vượt bậc về đội ngũ. Đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, số lượng đảng viên của Đảng đã đạt con số kỷ lục với trên hai vạn (dân số Ô-xtrây-li-a lúc đó là 5 triệu).
Suốt thập niên 50 của thế kỷ trước, những mưu đồ phá hoại Đảng về tư tưởng và tổ chức vẫn ngấm ngầm và trở nên ráo riết, nhất là sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô cùng các chính biến xảy ra ở Hung-ga-ri.
Bước sang những năm 60, ban lãnh đạo Đảng bị mất phương hướng nghiêm trọng, đội ngũ và uy tín của Đảng bị suy giảm, vị trí, vai trò của Đảng trong các tổ chức công đoàn bị mất dần. Ban lãnh đạo của Đảng có thái độ không đúng đắn đối với phong trào cộng sản quốc tế, công khai phản đối Đảng Cộng sản Liên Xô.
Trong bối cảnh phức tạp ấy, nội bộ Đảng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt. Đến tháng 12-1971, những đảng viên cộng sản chân chính đã tách ra khỏi Đảng để thành lập một đảng mới với tên gọi Đảng Xã hội chủ nghĩa Ô-xtrây-li-a, khẳng định là người tiếp tục và phát huy những truyền thống cách mạng, những chính sách và hoạt động thực sự tiến bộ của Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a trước đây.
Đảng Xã hội chủ nghĩa Ô-xtrây-li-a tuyên bố đoạn tuyệt hoàn toàn với hệ tư tưởng và chính sách xét lại của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản (cũ). Đảng Xã hội chủ nghĩa hoạch định và thông qua đường lối hướng vào những vấn đề cấp bách, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động, như đòi hỏi cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm và mở rộng quyền của các tổ chức công đoàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ hòa bình, các quyền tự do dân chủ của người dân, quyền của người nhập cư, quyền bình đẳng của phụ nữ... Xuất phát từ thực tế lịch sử của đất nước, Đảng đã tích cực đấu tranh đòi quyền làm chủ đất đai cho các cộng đồng người thổ dân. Đảng đề xướng quan điểm lý luận về "Hai bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Ô-xtrây-li-a", kêu gọi thành lập Liên minh Cánh tả tiến bộ.
Nhờ đổi mới đường lối, chính sách đúng đắn và hoạt động tích cực, Đảng đã giành lại dần uy tín trong giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Không ít công nhân và các nhà lãnh đạo công đoàn đã gia nhập Đảng.
Đường lối và hoạt động trong tình hình mới
Trước những biến động mạnh mẽ của thế giới cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, đầu năm 1992 Đảng Xã hội chủ nghĩa Ô-xtrây-li-a đã triệu tập đại hội bất thường. Đại hội tập trung thảo luận, đánh giá về sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, về hậu quả của sự sụp đổ này đối với thế giới nói chung, với phong trào cộng sản, phong trào cách mạng thế giới nói riêng. Nghị quyết Đại hội tái khẳng định sự trung thành, tin tưởng đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và học thuyết Mác - Lê-nin, và nhấn mạnh: sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu hoàn toàn không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội bị thất bại. Sự sụp đổ là do sai lầm của ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các quốc gia này, do áp dụng máy móc, giáo điều các nguyên lý chung của học thuyết Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của đất nước. Theo những người cộng sản Ô-xtrây-li-a, một nguyên nhân không thể xem thường gây ra tổn thất nêu trên là sự tấn công, phá hoại ngấm ngầm và công khai của các thế lực phản động quốc tế.
Tại Đại hội VIII (tháng 10-1996), Đảng Xã hội chủ nghĩa Ô-xtrây-li-a quyết định trở lại với tên gọi cũ - Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a. Sự kiện này là mốc quan trọng đánh dấu sự khôi phục của Đảng sau những năm tháng khó khăn. Tháng 4-2001, Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a tiến hành Đại hội IX nhằm đánh giá lại hoạt động của Đảng trong thế kỷ XX, xác định phương hướng hoạt động đấu tranh trong những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Đại hội X của Đảng được tổ chức vào tháng 10-2005 với khẩu hiệu “Xây dựng đảng trong giai cấp công nhân. Mỗi đảng viên là một nhà hoạt động tích cực!”. Lý do những người cộng sản Ô-xtrây-li-a chọn khẩu hiệu trên, theo đánh giá của Đảng, bởi giai cấp tư sản cầm quyền đang ráo riết tấn công, nhằm phá vỡ phong trào công nhân. Do vậy, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác cần tiến hành và tăng cường đấu tranh chống lại âm mưu của giai cấp tư sản và giai cấp công nhân phải đi tiên phong trong cuộc đấu tranh này. Để đảm đương sứ mệnh cao cả ấy, giai cấp công nhân phải được tổ chức, lãnh đạo bởi một hạt nhân chính trị là Đảng Cộng sản.
Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng khẳng định, Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động thực tiễn, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản nhất của Đảng. Đảng tôn trọng ý kiến, sự sáng tạo, quan điểm độc lập của từng đảng viên cũng như của các tổ chức đảng cơ sở trong quá trình thảo luận đường lối, sách lược, trong tìm kiếm các hình thức hoạt động thực tiễn. Mọi dự thảo nghị quyết của Đảng được thảo luận dân chủ, rộng rãi trong toàn Đảng và khi đã được đa số nhất trí thông qua, thì mọi đảng viên, mọi tổ chức đảng có nghĩa vụ chấp hành và nỗ lực triển khai thực hiện. Tất cả những người trên 16 tuổi, cư trú thường xuyên ở Ô-xtrây-li-a, thừa nhận Điều lệ, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, tự nguyện đóng đảng phí theo quy định, đều có thể làm đơn gửi tới tổ chức đảng ở cơ sở. Sau khi tổ chức đảng cơ sở xem xét, thông qua và chuẩn y vào đơn thì người đó chính thức trở thành đảng viên của Đảng. Ngoài những quyền lợi và nghĩa vụ được ghi trong Điều lệ, các đảng viên còn có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho Đảng theo khả năng của mình, mua và phổ biến các ấn phẩm của Đảng.
Đại hội thường kỳ, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, được tổ chức 4 năm một lần. Đại hội tiến hành bầu các cơ quan lãnh đạo và các chức vụ chủ chốt của Đảng, như ủy ban Trung ương, chủ tịch, tổng thư ký của Đảng. Hiện nay, số lượng đảng viên của Đảng mới dừng lại ở con số hàng trăm. Đảng có tổ chức đại diện ở hầu khắp các bang của Ô-xtrây-li-a. Cơ quan ngôn luận chính của Đảng là tuần báo Người bảo vệ và tạp chí lý luận chính trị Người Mác-xít Ô-xtrây-li-a.
Từ những năm 90 thế kỷ XX, nhất là từ khi trở lại tên gọi cũ của mình, Đảng tích cực tham gia vào các hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế. Đại biểu của Đảng tham dự đều đặn các Cuộc gặp mặt quốc tế được tổ chức thường niên ở A-ten (Hy Lạp). Đảng cũng cử đại biểu tham dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Sao Pao-lô, Diễn đàn Xã hội thế giới. Ngay từ năm 2000, Đảng cùng với Đảng Cộng sản Ca-na-đa và Đảng Cộng sản Mỹ đề xuất sáng kiến và thiết lập một trang điện tử trên mạng với tư cách là diễn đàn trực tuyến để các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới có thể trao đổi ý kiến, kinh nghiệm hoạt động, thông tin cho nhau về tình hình đất nước và quốc tế. Đảng hiện duy trì quan hệ thường xuyên với trên 100 đảng và tổ chức cánh tả trên thế giới; sẵn sàng và nỗ lực mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi ý kiến, kinh nghiệm với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, vì sự hợp tác hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ của nhau. Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ, khi xu thế hợp tác, liên kết đang tăng mạnh, khi giai cấp tư sản, nhất là giới tư bản độc quyền xuyên quốc gia đang ra sức tập hợp lực lượng trên quy mô toàn cầu, khi các thế lực quân phiệt hiếu chiến, cực hữu đang công khai tấn công vào các quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động, để đấu tranh có hiệu quả với kẻ thù giai cấp, để vượt qua thách thức, các lực lượng cộng sản, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ở từng nước, cũng như trên phạm vi toàn thế giới cần tăng cường hợp tác, phối hợp hành động; tìm ra và vận dụng sáng tạo các hình thức tập hợp lực lượng mới, mềm dẻo, linh hoạt; biết tận dụng các thành tựu mới nhất của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại.
Gần 90 năm hoạt động và đấu tranh, trải qua bao thăng trầm, giờ đây, những người cộng sản Ô-xtrây-li-a đang nỗ lực phấn đấu, cố gắng tăng cường vai trò, uy tín, ảnh hưởng của mình trong các tầng lớp nhân dân lao động. Đối với những người cộng sản Ô-xtrây-li-a, đây thực sự là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh, khi tình hình trong và ngoài nước biến động phức tạp khó lường, khi tương quan lực lượng trên thế giới đang nghiêng về phía kẻ thù của cách mạng. Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng đổi mới đường lối, phương thức hoạt động, với quyết tâm "mạnh mẽ, chủ động đi vào quần chúng", có cơ sở để hy vọng rằng, những người cộng sản Ô-xtrây-li-a sẽ từng bước nâng cao được vai trò, vị thế của mình trong đời sống chính trị đất nước, thực hiện thành công những nhiệm vụ trước mắt cũng như sẽ đạt tới mục tiêu chiến lược của Đảng./.
Truông Bồn xanh  (30/10/2008)
Việt Nam là một người bạn gần gũi và hữu nghị của Mông Cổ  (30/10/2008)
Thông cáo số 12 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (30/10/2008)
Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO những thành tựu và thách thức  (30/10/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên