Một số suy nghĩ về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới
Nếu như khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và hàng đầu, nhân loại đang bước vào kinh tế tri thức, văn minh trí tuệ… thì tư tưởng, lý luận ngày càng dễ chuyển hoá thành một phần của lực lượng sản xuất, khi nó thâm nhập vào người lao động, với tư cách là thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận và những giá trị văn hoá. Hay nói rộng hơn, tư tưởng, lý luận và báo chí có thể trở thành lực lượng vật chất, khi các mục tiêu và nội dung của nó được chuyển tải và thấm nhuần vào mọi tầng lớp nhân dân, trở thành nhân tố định hướng nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, có tác dụng tiếp sức cho mỗi người trong học tập, lao động, sáng tạo, niềm tin yêu cuộc sống và lý tưởng cách mạng…
C.Mác đã chỉ rõ: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng” (1). Với ý nghĩa đó, công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng ta có thể và phải được triển khai một cách hữu hiệu để phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước theo con đường đã chọn, nhằm mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam là xây dựng đất nước “độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản” (2). Đồng thời, cũng như văn hoá nói chung, công tác tư tưởng, lý luận và báo chí phải làm cho các mục tiêu và nội dung của mình “thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người…" (3), nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (4). Khi đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất (người lao động, công cụ và phương tiện lao động) sẽ đồng thời thống nhất biện chứng với sự phát triển của tư tưởng, lý luận. Nhờ đó, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tính “lạc hậu” và phát huy cao độ tính “vượt trước” (vốn là những thuộc tính khác nhau của “ý thức xã hội”) trong công tác này. Việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền và nền văn hoá Việt Nam sẽ được thực hiện bằng cả lực lượng vật chất và tinh thần.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng: một dân tộc tuy không lớn, đất không rộng, người không đông, trình độ phát triển xã hội không cao… vẫn có thể đánh bại những đế quốc lớn nhất, hùng mạnh nhất qua các thời đại. Đó là nhờ nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, thông minh, anh dũng; với đường lối đấu tranh đúng đắn, trong đó biết lấy dân làm gốc, tự lực tự cường, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Nhưng tại sao dân tộc ta cũng đã từng bị đô hộ, bị nô dịch, bị dày xéo, bị mất nước? Bởi vì, trong những giai đoạn lịch sử đó, mặc dù dân tộc ta đã có những giá trị bất biến, là những điều kiện cần cho sự thắng lợi (lòng yêu nước, cần cù lao động, sáng tạo, thông minh, anh dũng, kiên cường…), song chưa hội tụ được các giá trị khả biến, là những điều kiện đủ để đảm bảo thắng lợi (đường lối đấu tranh đúng đắn…), nên dẫn đến thất bại. Sang thế kỷ XX, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là điều kiện đủ để đưa cách mạng Việt Nam đi “từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đó là khi Đảng ta đã vận dụng đúng đắn lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào điều kiện cụ thể của đất nước, thâm nhập vào đông đảo các tầng lớp nhân dân, kết nối sự thống nhất biện chứng giữa các giá trị bất biến với các giá trị khả biến của dân tộc, tạo thành lực lượng vật chất để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Một vị tướng trong quân đội Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam nói rằng, nguyên nhân sâu xa khiến cho máy bay B52 rơi trên bầu trời Hà Nội và Mỹ thua Việt Nam là do gặp phải “một cơn gió ngang”, đó chính là văn hoá Việt Nam.
Ngày nay, xu thế toàn cầu hoá và cuộc cách mạng khoa học – công nghệ vừa tạo ra thời cơ vừa tạo ra thách thức, đang hằng ngày, hằng giờ, với mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên mọi lĩnh vực, đang vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tác động lên lối sống và cách tư duy của mọi người, mọi nhà. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước sau 20 năm đổi mới, tư tưởng, lý luận và báo chí, với tư cách là một bộ phận hợp thành ý thức xã hội, đã bộc lộ rõ những hạn chế vốn có của mình, đó là sự “lạc hậu”, đi sau so với tồn tại xã hội, so với tình hình thực tiễn xã hội của đất nước và thế giới. Vì thế, yêu cầu cấp thiết đối với công tác tư tưởng, lý luận này hiện nay là: một mặt, phải chủ động và tích cực khắc phục những điểm còn hạn chế; mặt khác, phát huy tính tích cực của ý thức - khả năng vượt trước so với tồn tại xã hội (tính dự báo, định hướng) - để từ đó xác định nhiệm vụ và có giải pháp đúng đắn nhằm làm cho tư tưởng lý luận có thể trở thành một bộ phận của lực lượng sản xuất, gia nhập vào lực lượng vật chất trong xã hội, tạo nên một “cú hích”, nhằm phát huy cao độ nhân tố con người và các nguồn lực để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thế kỷ XXI.
Trên mặt trận tư tưởng, lý luận và báo chí, các thế lực thù địch đang rêu rao về sự cáo chung của lịch sử cách mạng thế giới, về sự kết thúc của hệ tư tưởng mác-xít, về thời đại toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa, về một “xã hội mở” toàn cầu theo hình dạng của chủ nghĩa tư bản… Chúng đang ráo riết thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hoà bình” và bạo loạn lật đổ. Các nhà tư tưởng và lãnh đạo phương Tây đang tự lấy mình làm trung tâm, làm hệ quy chiếu, mà bất cứ quốc gia – dân tộc nào “đi theo con đường của chính mình” cũng sẽ bị quy chụp là vi phạm, là phản tiến bộ hay phản phát triển, nhằm tìm kiếm cơ hội để can thiệp. Lợi dụng việc đầu tư, cho vay, viện trợ, giáo dục và đào tạo, chuyển giao công nghệ…, họ tìm cách làm chệch hướng trong chính sách phát triển nói chung, đồng thời thẩm thấu những “thông điệp”, những “giá trị” của văn hoá, văn minh phương Tây (châu Âu làm trung tâm và Mỹ làm hệ quy chiếu) đến phần còn lại của thế giới qua từng sản phẩm vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể.
Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá X) về công tác tư tưởng lý luận và báo chí trước yêu cầu mới đã đánh giá sâu sắc những thành tựu và hạn chế trên lĩnh vực công tác này trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp lớn đối với công tác tư tưởng; 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với công tác lý luận; 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đối với công tác báo chí trong thời gian tới. Những chủ trương ấy cần được triển khai, thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời.
Để tư tưởng, lý luận chuyển hoá và trở thành một lực lượng vật chất quan trọng phục vụ cho sự phát triển toàn diện của đất nước, cần:
1. Trong hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh cần đặc biệt chú ý đến điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước và xu thế khách quan của thời đại. Chủ động trong cuộc đấu tranh tư tưởng, còn có đấu tranh giai cấp thì tất yếu còn có đấu tranh tư tưởng.
2. Phát triển báo chí cách mạng gắn liền với việc nâng cao dân trí, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ... Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng kiến thức về xu thế khách quan của thời đại (toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học và công nghệ, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội) cho mọi công dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ những người làm báo và quần chúng cốt cán; thực hiện chế độ giáo dục miễn phí đến hết bậc trung học phổ thông (kiến thức nền tảng để mỗi công dân có thể tiếp cận và xử lý các vấn đề cơ bản trong cuộc sống), gắn với đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giáo dục; quan tâm phát triển khoa học xã hội – nhân văn tương tự như quan tâm phát triển khoa học tự nhiên - kỹ thuật.
3. Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí phải được triển khai trên cơ sở phong phú về nội dung, đa dạng về phương pháp và phù hợp với đối tượng tác động, nhưng về nội dung vẫn phải bảo đảm 6 tính (tính khoa học, tính cách mạng, tính đảng, tính đại chúng, tính định hướng, tính dự báo), về mục tiêu nhất thiết phải đạt được 6 dễ (dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ liên hệ, dễ phản hồi) và 6 khó (khó phản bác, khó bôi nhọ, khó xuyên tạc, khó kích động, khó lợi dụng, khó dao động).
4. Đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, lý luận và báo chí cần được đào tạo cơ bản về chuyên môn và chính trị, thực sự giỏi, tư duy sắc bén, tâm huyết với công việc và trung thành (trên cơ sở biết kế thừa và vận dụng sáng tạo) mục tiêu lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
5. Đầu tư phát triển mạnh những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và những cơ sở trực tiếp phục vụ cho công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng theo hướng: hiện đại về cơ sở vật chất – trang thiết bị; đủ và có chất lượng cao về nguồn nhân lực, có chính sách trọng dụng và ưu đãi tương xứng đối với những người làm công tác này.
(1) C.Mác – Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb Sự thật, 1980, tr.25.
(2) Xem Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006.
(3), (5) Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1998.
(4) Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2007.
Mỗi thày cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo  (16/11/2007)
Cách mạng Tháng Mười và những hoạt động khởi đầu của V.I.Lê-nin cho văn hóa, văn nghệ Xô-viết  (15/11/2007)
Ngày hội truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc  (15/11/2007)
15 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc  (15/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên