Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị

Trịnh Thị Hoa
13:54, ngày 08-11-2008

Giáo dục giáo dục lý luận chính trị là một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm trang bị cho người học tri thức lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng một cách cơ bản, có hệ thống, giúp cho người học xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học, nâng cao trình độ tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác dạy và học ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận huyện

Thực tế cho thấy, những năm qua các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Thanh Hóa chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình (phương pháp truyền thống) trong giảng dạy lý luận chính trị. Có thể khái quát phương pháp dạy - học đó như sau: giảng viên trình bày nội dung cần truyền đạt cho học viên bằng cách nêu vấn đề theo nội dung yêu cầu, sau đó phân tích, giải thích, lấy ví dụ dẫn chứng, chứng minh những nội dung cần truyền đạt cho học viên lĩnh hội. Quá trình này diễn ra theo một chiều thày giảng, trò nghe và ghi chép, sau đó về học bài. Trong quá trình giảng rất ít có sự phản hồi thông tin ngược chiều của học viên. Sử dụng phương pháp thuyết trình trong giảng dạy có nhiều ưu điểm: trong một thời gian ngắn giảng viên có thể chuyển tải được khối lượng thông tin nhiều cho học viên. Nhưng nếu chỉ sử dụng một phương pháp này trong giảng bài sẽ làm cho học viên trở thành đối tượng thụ động, không phát huy được tính chủ động sáng tạo, đôi khi gây ức chế về mặt tâm lý, học viên cảm thấy mệt mỏi và không tập trung vào nội dung của bài giảng.

Theo một kết quả điều tra, việc sử dụng phương pháp thuyết trình có 70% chỉ chú ý ghi, 10% chú ý nghe, 20% lơ đãng. Như vậy, chất lượng hiệu quả bài giảng không cao.

Những vấn đề đặt ra

Để đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Thanh Hóa, theo chúng tôi cần tiến hành các bước sau:

Thứ nhất: Tổ chức tập huấn cho giảng viên về phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chủ yếu là cán bộ các ban Đảng chuyển về, đây là những người chưa được đào tạo chính quy công tác giảng dạy, do đó hạn chế về phương pháp sư phạm.

Thứ hai: Trong giảng dạy lý luận chính trị có thể áp dụng tổng hợp các phương pháp giảng dạy trong một bài giảng như: Phương pháp dạy học thuyết trình, phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học cùng tham gia (còn gọi là phương pháp dạy học cộng tác), kết hợp với việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật trợ giảng hiện đại. Tùy thuộc vào nội dung bài giảng, đối tượng học viên, thời gian qui định mà giảng viên lựa chọn các phương pháp giảng dạy thích hợp.

Sử dụng phương pháp nêu vấn đề, đòi hỏi giảng viên phải nghiên cứu kỹ tài liệu phát hiện và tạo những tình huống có vấn đề của bài giảng. Toàn bộ nội dung bài học phải được kết cấu thành hệ thống câu hỏi và câu giải đáp thống nhất. Trong quá trình học, học viên không tiếp thu thụ động mà cùng với giảng viên tìm các phương án để giải quyết vấn đề. Ở đây ghi nhớ kiến thức không còn là mục tiêu nữa, mà chính là phương tiện rèn luyện tư duy sáng tạo.

Dạy học nêu vấn đề được thực hiện bằng cách nêu ra câu hỏi, song nó khác với câu hỏi phát vấn ở chỗ, câu hỏi không bao giờ đặt ra một cách lẻ loi mà nó nằm trong hệ thống có tính lô-gic, các câu hỏi không phải để kiểm tra tri thức, mà câu hỏi là tìm cách giải quyết vấn đề. Các câu hỏi nêu vấn đề cần có 2 phần: Phần kiến thức đã biết và phần tìm tòi phát hiện kiến thức, giúp học viên suy nghĩ độc lập, sáng tạo tìm ra cách giải quyết, giảng viên từ chỗ là người truyền bá tri thức trở thành người tổ chức quản lý hoạt động trí tuệ của học viên, học viên tích cực giải quyết nhiệm vụ nhận thức, tức là quá trình tiếp thu kiến thức mới.

Để làm tốt công việc này, giảng viên phải biên soạn được "kịch bản" dạy học. Để đáp ứng được phương pháp này đòi hỏi Ban Tuyên giáo Trung ương phải cải tiến nội dung chương trình bồi dưỡng cho phù hợp, có tài liệu hướng dẫn tham khảo và các bài tập tình huống được giảng viên tổ chức một cách khoa học, sư phạm mới đạt chất lượng.

Phương pháp dạy học cùng tham gia hay phương pháp lấy người học làm trung tâm tạo cơ hội cho học viên tham gia vào quá trình dạy và học. Cốt lõi của phương pháp này là sự trao đổi, chia sẽ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giữa giảng viên và học viên thông qua hành vi học và hành, vì vậy phương pháp này giúp học viên tiếp thu bài nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu các kiến thức đã học và rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Việc áp dụng phương pháp dạy học cùng tham gia hoàn toàn phù hợp với các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị, vì học viên là người trưởng thành, có vốn sống và kinh nghiệm công tác, nên họ hoàn toàn chủ động, tự tin tham gia vào quá trình học tập, trao đổi thông tin đa chiều, buộc mọi người phải suy nghĩ và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Ví dụ, khi giảng chương trình bồi dưỡng cấp ủy viên và bí thư chi bộ, có thể hướng dẫn học viên thảo luận về cách thức, quy trình tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát… sau đó giảng viên chỉ ra cách thức, quy trình sai, định hướng cách làm đúng giúp học viên tiếp thu và vận dụng vào công việc được ngay.

Khi sử dụng phương pháp dạy học cùng tham gia đòi hỏi giảng viên phải biết chuyển giao, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm với học viên, hỗ trợ, hướng dẫn học viên về mặt phương pháp luận: Cách thức tiếp cận thực tiễn, phương pháp làm thế nào cho hiệu quả, cách vận dụng tri thức đó vào cuộc sống, biết cách gợi mở, tạo ý tưởng mới cho học viên như tạo trạng thái xung đột, tranh luận, nêu vấn đề, đặt câu hỏi, giảng viên là người thúc đẩy quá trình học tập của học viên, giúp họ khám phá và tự rút ra những điều mình học được.
 
Như vậy, giảng viên đóng một vai trò quan trọng, thể hiện hai vai trò, vai trò là một chuyên gia và là một người hướng dẫn viên, cả 2 vai trò này phải được thể hiện một cách linh động, có lúc là một người hướng dẫn, có lúc là một chuyên gia, có lúc phải đóng cả 2 vai trò. Khi sử dụng phương pháp giảng dạy cùng tham gia giảng viên cần lưu ý đến khả năng của học viên. Nếu học viên cảm thấy thiếu tự nhiên, ngại thể hiện mình, hoặc có những vấn đề giảng viên đưa ra ít liên quan đến kiến thức và công việc của học viên, học viên sẽ thiếu tự tin khi tham gia. Cho nên giảng viên phải biết chọn nội dung khi sử dụng phương pháp dạy học cùng tham gia cho phù hợp.

Ngoài việc kết hợp phương pháp dạy học truyền thống, dạy học nêu vấn đề và dạy học cùng tham gia chúng ta có thể kết hợp sử dụng các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy hiện đại như máy chiếu hắt Overhead, máy chiếu Projector, bảng gim, bảng lật, trong đó hiệu quả nhất là máy chiếu Projector có máy tính kèm theo.

Khi sử dụng máy chiếu Projector đòi hỏi giảng viên phải nhận thức thấu đáo nội dung bài giảng, có khả năng khái quát cao (chưng cất, cô đọng kiến thức) và phải sử dụng thành thạo máy vi tính và máy chiếu. Khi sử dụng máy chiếu giảng viên sẽ linh hoạt hơn, tư duy và phong cách làm việc theo hướng hiện đại và cập nhật hơn. Học viên được tiếp cận với phương tiện kỹ thuật và nhờ đó mà tăng khả năng tiếp thu kiến thức qua nghe nhìn trực quan. Đương nhiên, sự giao tiếp giữa giảng viên và học viên cũng năng động và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng các phương tiện kỹ thuật bổ trợ, giảng viên cần tránh tình trạng lạm dụng thái quá.

Thứ ba: Giảng viên Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cần được trang bị các loại tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy, được thường xuyên tham gia sinh hoạt chuyên môn, được dự giờ đồng nghiệp học tập kinh nghiệm, được tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy lý luận chính trị./.