Năm vấn đề cấp bách đối với nông nghiệp nước ta

Nguyễn Lân Dũng
16:00, ngày 06-11-2008

Cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra sự sinh trưởng của giống chè mới trồng thử nghiệm
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Để đạt được mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, chúng ta phải có một cuộc cách mạng thật sự trong tư duy và trong hành động, nhất là cần có sự cân nhắc sáng suốt đối với từng chủ trương lớn và phải có các biện pháp quyết liệt từ những nhà lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Nước ta là một nước nông nghiệp lấy sản xuất lúa nước làm chính, với hơn 70% số dân sống ở nông thôn, và tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 23%. Từ chỗ không đủ lương thực đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo; hàng đầu về xuất khẩu nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su, cà phê, tiêu, điều... và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trên thị trường thế giới, rõ ràng là nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có một bước chuyển mình rất lớn.

Những vấn đề gì đang đặt ra?

Không thể không thấy rằng, nông dân Việt Nam vẫn với cung cách làm việc như cũ, trong khi ruộng đất ngày càng bị thu hẹp và hiện họ vẫn là những người bị thiệt thòi nhất, nghèo khó nhất trong dân cư. Thực tế, nhiều gia đình sau khi thu hoạch lúa có tới 2/3 số tiền thu được dành để trả nợ, chỉ còn 1/3 dùng để xoay xở chờ cho đến tận vụ sau. Nhiều nông dân đã phải trả lại đất vì làm ruộng không đủ sống. Có thể nói, nông nghiệp nước ta đang còn nhiều vấn đề rất cấp bách đáng phải suy nghĩ và tháo gỡ, nếu hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

1 - Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp

Trong 5 năm, từ năm 2001 đến 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha. Các vùng kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên toàn quốc. Những địa phương có diện tích đất thu hồi lớn là, Tiền Giang (20.308 ha), Đồng Nai (19.752 ha), Bình Dương (16.627 ha), Quảng Nam (11.812 ha), Hà Nội (7.776 ha), Hà Tĩnh (6.391 ha), Vĩnh Phúc (5.573 ha)... Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại 16 tỉnh trọng điểm về thu hồi đất, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89% và diện tích đất thổ cư chiếm 11%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất, chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp, tỷ lệ này ở Đông Nam Bộ là 2,1%, ở nhiều vùng khác dưới 0,5%. Và, mặc dù diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi tại mỗi tỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số diện tích đất tự nhiên của địa phương nhưng lại tập trung vào một số huyện, xã có mật độ dân số cao nên dẫn đến tình trạng diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, chưa kể có xã diện tích đất bị thu hồi chiếm tới 70% - 80% diện tích đất canh tác. Chỉ các tỉnh nằm ngoài những vùng trọng điểm về phát triển kinh tế, thì diện tích đất sản xuất và đất ở bị thu hồi còn tương đối nhỏ (trong khoảng từ vài trăm tới dưới 1.000 ha).

Việc dùng đất nông nghiệp để xây dựng rất nhiều sân gôn cho mục đích giải trí của một thiểu số người có nhiều tiền thật đáng báo động. Theo trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vàođầu tháng 6-2008, cả nước đã có 141 sân gôn ở 39 tỉnh, sử dụng tới 49.268 ha đất đai - trong đó có 2.625 ha đất trồng lúa. Nếu như trong suốt 16 năm mới chỉ cấp phép cho 34 dự án sân gôn, thì chưa đầy 2 năm (7-2006 - 5-2008) các địa phương sau khi được phân cấp đã cấp phép cho 104 dự án, nghĩa là cứ bình quân sau mỗi tuần lại xuất hiện thêm 1 sân gôn. Đấy là chưa kể việc sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ cỏ sẽ dẫn đến ô nhiễm không ít các mạch nước ngầm.

Một nguyên nhân nữa làm đất nông nghiệp bị thu hẹp là do các quyết định thu hồi đất nhằm mục đích khác. Chẳng hạn, trong lúc hàng trăm hộ dân ở ấp 4, xã Mỹ Long, huyện Thủ Thừa (Long An) còn chưa yên vì dự án sân gôn thì đầu năm 2008, ủy ban nhân dân tỉnh Long An lại có quyết định phê duyệt bổ sung, lấy 25 ha đất lúa tại ấp 2 (cũng thuộc xã Mỹ Phú) để xây dựng công viên nghĩa trang.

Kết quả là, mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết số 29/2004/QH 11 thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và Nghị quyết số 57/2006/QH 11 thông qua kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của cả nước, theo đó đến năm 2010 diện tích đất trồng lúa cả nước là 3.861.380 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ trở lên (đất chuyên trồng lúa nước) là 3.311.770 ha, nhưng khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ (cuối tháng 4-2008) yêu cầu rà soát, kiểm tra đất nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc thì diện tích đất trồng lúa đã bị giảmnhiều (34.330 ha - số liệu tính đến ngày 1-1-2007 so với số lượng kiểm kê ngày 1-1-2005). Số lượng giảm tập trung ở đồng bằng sông CửuLong là 15.000 ha, ở đồng bằng sông Hồng - 8.000 ha, Đông Nam Bộ - 6.600 ha, Bắc Trung Bộ - 2.340 ha. Các tỉnh có diện tích lúa bị giảm nhiều nhất trong hơn 2 năm qua là Bạc Liêu với 8.597 ha, Sóc Trăng- 3.600 ha, Vĩnh Long - 3.024 ha, Hà Tây - 2.232 ha, Tiền Giang - 2.065 ha, Tây Ninh - 1675 ha, Thành phố Hồ Chí Minh - 1.599 ha, Hải Dương - 1.118 ha, Bắc Ninh - 997 ha, Vĩnh Phúc - 820 ha, Hà Nội - 647 ha, Hải Phòng - 637 ha, Hưng Yên - 627 ha, HàNam và Nam Định - 550 ha. Điều đáng lo ngại là diện tích đất trồng lúa bị giảm đều thuộc hai châu thổ đất đai phì nhiêu của sông Hồng và sông Cửu Long. ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị) chỉ bị giảm có 800 ha. Chỉ tính riêng KCN Bình Minh ở Vĩnh Long đã đủ làm xóa sổ 130 ha đất trồng bưởi Năm Roi vốn có giá trị kinh tế rất cao.
 
 Trong khi những thửa ruộng màu mỡ nhất thường được bà con gọi là "bờ xôi ruộng mật" bị lấy đi để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân gôn hoặc xây các khu nhà nhằm mục đích kinh doanh thì điều đáng tiếc là nhiều KCN mặc dù được cấp giấy phép từ lâu nhưng ruộng đất vẫn bị bỏ không một cách vô cùng lãng phí. Chẳng hạn, KCN Xuyên Á (Long An) được cấp giấy phép từ năm 1997 với diện tích 306 ha nhưng đến nay mới cho thuê được 14,56% diện tích; tương tự KCN Đức Hòa (Long An) được cấp giấy phép từ năm 1997 nhưng mới cho thuê được 26,16%/ 274 ha diện tích; KCN Tân Hương (Tiền Giang) được cấp giấy phép từ năm 2004 mới cho thuê được 0,76%/197 ha diện tích; KCN Bình Minh (Vĩnh Long) quy hoạch 130 ha trên đất nông nghiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ hình hài ra sao; KCN Nam sông Cần Thơ đã có 2.000 ha đất nông nghiệp bị quy hoạch nhưng vẫn đang bỏ hoang nhiều năm; KCN Phố Nối B (Hưng Yên) được cấp giấy phép từ năm 2003 nhưng mới cho thuê được 37,31% /95 ha diện tích; KCN Hà Nội - Đài Từ được cấp giấy phép từ năm 1995, mới cho thuê được 18,75%/40 ha diện tích...

2 - Tình trạng ruộng đất vô cùng manh mún

Cả nước hiện có trên 75 triệu thửa ruộng, thuộc quyền sở hữu của 9 triệu 259 nghìn hộ nông dân. Chỉ tính riêng đồng bằng sông Hồng hiện nay có 857.000 ha canh tác và thuộc sự quản lý của 2,8 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,31 ha. Vì các thửa ruộng quá nhỏ nên riêng diện tích đất được dùng làm bờ ruộng đã chiếm tới 20.000 ha. Chủ trương dồn điền, đổi thửa là bước đầu của quá trình tập trung đất canh tác, giúp nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, tăng thêm diện tích canh tác và nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ dồn điền, đổi thửa mà diện tích đất canh tác ở tỉnh Hưng Yên từ 89.000 ha tăng lên đến 92.309 ha. Tuy nhiên, tại 9 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ mới chỉ có 2 tỉnh hoàn thành bước đầu công việc này. Gọi là bước đầu vì ngay ở tỉnh đã hoàn thành như Bắc Ninh, mỗi hộ vẫn còn trung bình tới... 7 thửa ruộng. Khó khăn rất lớn trong việc dồn điển, đổi thửa là chi phí cho việc đo đạc, cấp sổ đỏ cho nông dân còn quá tốn kém, trung bình khoảng 4 triệu - 11 triệu đồng/ha. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhiều địa phương phải bán một số diện tích đất công ích để có thể hoàn thành công việc này.

3 - Công nghệ sinh học sử dụng những nguyên liệu của nông nghiệp còn phát triển rất hạn chế

Nước ta có nhiều nguyên liệu quý giá như mía, sắn, ngô, khoai... có thể phục vụ tốt cho phát triển công nghệ sinh học. Thậm chí những nguồn chất xơ (cellulose) như rơm rạ, lau sậy, mùn cưa... trong tương lai cũng có thể được đường hóa nhờ vi sinh vật và dùng để tạo ra cồn sinh học, nhất là khi trữ lượng than đá, dầu mỏ, khí đốt đã cạn kiệt. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ sinh học ở nước ta còn rất chậm chạp để lãng phí nguồn nguyên liệu quý giá, sẵn có nhiều trong nước.

4 - Nhiều ưu thế về nông sản phẩm nhiệt đới chưa được phát huy

Sở dĩ như vậy vì nông sản của Việt Nam bị coi là không sạch, trong khi đó mặc dù được xếp loại là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng tiền thu được từ xuất khẩu gạo không nhiều, người nông dân vẫn không được hưởng lợi bao nhiêu... Vì vậy, cần phải suy nghĩ có một cuộc cách mạng để nông nghiệp nước ta ngoài việc thỏa mãn nhu cầu trong nước còn phải là một nơi chuyên sản xuất những cây nhiệt đới quý hiếm, bán cho cả thế giới với công nghệ sạch, bền vững, nhất là biến nông sản thành các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị kinh tế cao.

5 - "Nhẫn tâm" bê-tông hóa đất có cấu tượng

Để ra các quyết sách đúng đắn cần hiểu rõ đất có cấu tượng là gì và không được xâm phạm đến nó. Nói một cách đơn giản có thể hiểu, xét về lý tính, đất có 3 loại, một loại là các hạt rất to gọi là cát, một loạt hạt rất nhỏ, gọi là sét, loại đất trồng trọt có các hạt nhờ đó mới có thể giữ nước, thức ăn, không khí trong đất. Người ta gọi đó là đất có cấu tượng. Đất có cấu tượng chính là đất mà nông dân ta vẫn gọi là "bờ xôi, ruộng mật". Tuy nhiên, khi quy hoạch các nhà máy, khu công nghiệp chúng ta đã không chuẩn bị trước cho các nhà đầu tư nơi được đến mà thường để họ tự chọn, nhằm vào những chỗ "bờ xôi ruộng mật" và bê-tông hóa chúng. Đây quả là một sự phung phí tài nguyên vô cùng và chắc chắn các thế hệ mai sau của chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả này.

Sắp tới chúng ta phải làm gì?

Đối với những vùng đất màu mỡ là “quà tặng” của thiên nhiên, được phù sa bồi đắp qua hằng ngàn năm, ngoài canh tác nông nghiệp, nhất quyết không được thay đổi mục đích sử dụng một cách tùy tiện.

Thiết nghĩ các cấp lãnh đạo ban, ngành, địa phương cần suy nghĩ để có những giải pháp trước những vấn đề cấp bách trong nông nghiệp nước ta hiện nay. Một số gợi ý nên được xem xét để giải quyết những vấn đề này, như sau:

Một là, để vẫn có đất phát triển nông nghiệp, công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần có quy hoạch tốt, hợp lý. Không thể lấy đi những vùng đất màu mỡ mà thiên nhiên ban tặng, nhất là nông nghiệp vẫn cần phải bảo đảm an ninh lương thực, trong điều kiện hơn 70% số dân còn sống bằng nghề nông. Nên phát triển công nghiệp ở những vùng cao như các nước đã làm. Dọc miền Trung và vùng Trung du Bắc Bộ, nơi đất đai khô cằn, bạc mầu hoàn toàn có thể xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất rộng lớn. Còn hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, nơi được phù sa bồi đắp hằng nghìn năm qua nhất quyết không được thay đổi mục đích sử dụng một cách tùy tiện như vừa qua. Tại đây, phải suy nghĩ xem nên trồng cây gì, nuôi con gì để vừa thỏa mãn đủ nhu cầu trong nước (cho hiện nay và cho tương lai) vừa đáp ứng nguyên liệu cho ngành công nghệ sinh học phát triển nhanh chóng. Ngoài ra cần nghiên cứu kỹ xem nên nuôi trồng loại cây, con gì để xuất khẩu có giá trị kinh tế cao nhất, có thể gấp nhiều lần so với lúa gạo.

Hai là, muốn đưa công nghiệp lên miền núi, trung du, đến những nơi đất xấu chúng ta phải định giá đất ở vùng đồng bằng cao hơn nhiều so với ở vùng núi, trung du, sau đó ra chính sách bảo hộ theo vùng. Có chính sách thích hợp cho vùng làm nông nghiệp thì đời sống của bà con nông dân sẽ không bị thua thiệt so với làm công nghiệp. Nhà nước cần có mục đích rõ ràng cho phát triển nông nghiệp trong cả nước, và cho từng vùng riêng. Công tác quy hoạch cần đi trước, sau đó quy hoạch phải được pháp lý hóa và tiếp theo có lộ trình để chỉnh sửa chính sách cho phùhợp.

Ba là, để có một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, năng suất cao, có những sản phẩm xuất khẩu có giá trị, cần phải tập trung đầu tư nghiên cứu sản xuất các loại vắc xin phòng chống hiệu quả bệnh tật cho gia súc, cây trồng, vật nuôi. Không có lý do gì năm nào chúng ta cũng phải đối phó với sự hoành hành của bọ rầy, nấm đạo ôn, vàng lùn, vàng xoắn lá và các loại dịch như cúm gia cầm, lợn tai xanh, trâu bò lở mồm long móng, tôm nhiễm vi - rút.... Điều này đặt ra vấn đề cần tập trung đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại cho các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của nước ta; phải tăng cường sự hợp tác quốc tế có hiệu quả nhằm học tập kinh nghiệm tiên tiến bên ngoài. Tránh tình trạng đầu tư của Nhà nước cho khoa học vừa chưa đủ tầm, vừa dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm. Việc cần kíp đặt ra là các viện nghiên cứu phải nhanh chóng khắc phục được những vấn đề cần tháo gỡ. Với các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến sau thu hoạch... đều cần có cách làm tương tự như vậy./.