TCCSĐT - Ngày 25-5-2009, CHDCND Triều Tiên chính thức thông báo đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân trong lòng đất, và cho biết, vụ thử lần này là “một phần của các biện pháp nhằm hỗ trợ chính sách ngăn chặn hạt nhân để tự vệ". Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ hai của CHDCND Triều Tiên, sau vụ thử hồi tháng 10-2006.

Diễn biến tiếp theo của vụ thử hạt nhân này thật đáng lo ngại. Chỉ một ngày sau đó, ngày 26-5-2009, Hàn Quốc quyết định tham gia Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân (PSI) do Mỹ đề xuất. Là thành viên tham gia PSI, Hàn Quốc sẽ cùng các quốc gia - thành viên khác tiến hành bắt giữ và khám xét tàu thuyền của các nước bị nghi là vận chuyển các loại nguyên vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đáp lại, CHDCND Triều Tiên coi hành động này của Hàn Quốc là "lời tuyên chiến"; đồng thời tuyên bố, Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp định đình chiến mà họ đã từng ký hết với Xơ-un năm 1953 và sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ bằng sức mạnh quân sự đối với bất kỳ hành động nào của phía Hàn Quốc bắt giữ hoặc khám xét tàu thuyền của CHDCND Triều Tiên.

Tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày cuối tháng 5 này đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Các nước đã lên tiếng phản đối vụ thử này và bày tỏ thái độ của mình ủng hộ một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, đồng thời kêu gọi CHDCND Triều Tiên quay trở lại đàm phán 6 bên.

Đại sứ năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc, cùng Hàn Quốc và Nhật Bản đã họp thảo luận về nội dung dự thảo nghị quyết của HÐBA đối với CHDCND Triều Tiên, do Nhật Bản và Mỹ đề xuất, nhưng chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, điều dư luận quan ngại hơn cả là biện pháp trừng phạt Triều Tiên cần như thế nào để vừa hạ nhiệt được “nồi nước đang sôi” này vừa ngăn chặn được các nước chưa có vũ khí hạt nhân cố tìm cách để có, và, các nước đã có sử dụng nó như một thế mạnh đàm phán, một công cụ răn đe để đạt mục tiêu chính trị trong quan hệ quốc tế.

Nỗi lo ngại đó không phải không có cơ sở, bởi trong lịch sử, quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân luôn chịu tác động của hai nhóm yếu tố có tác dụng đối ngược nhau: nhóm ngăn chặn và nhóm kích thích.

Nhóm ngăn chặn, gồm có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực từ năm 1970, trong đó có nội dung quan trọng nhất là cho phép các quốc gia ký kết sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, các quốc gia chưa sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết sẽ không nghiên cứu phát triển và mua sắm loại vũ khí này với điều kiện các quốc gia đã từng sở hữu vũ khí hạt nhân phải huỷ bỏ hoàn toàn. Sau gần 40 năm, chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân đang gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. I-ran đã gần kề khả năng chế tạo bom hạt nhân, CHDCND Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước NPT và đã hai lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Mỹ từ bỏ các cam kết về cấm thử vũ khí hạt nhân, rút khỏi Hiệp ước về phòng chống tên lửa và tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân mới.

Ngoài NPT, còn có nhiều hiệp ước quốc tế cấm thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân dưới nước, dưới lòng đất, trên không và trong vũ trụ, hướng tới xây dựng các khu vực phi hạt nhân hoá. Các tác nhân trong nhóm ngăn chặn đã có tác dụng tích cực, nên đến nay, số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không nhiều. Tuy nhiên, có thể thấy rất rõ rằng, cơ chế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân hiện có còn kém hiệu lực, chưa đủ sức thuyết phục các nước trong vấn đề phát triển công nghệ hạt nhân. Thí dụ, tại hội nghị bàn về NPT năm 2005, Mỹ và một số nước đồng minh đề nghị đưa ra một điều khoản mới trong Hiệp ước NPT là cấm hoàn toàn việc chuyển giao công nghệ làm giàu hạt nhân. Đây là một "sáng kiến" bất công đối với các quốc gia đang thực sự có nhu cầu phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Nhóm kích thích có nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý nhất là việc cộng đồng thế giới chuyển sang thế hệ chiến tranh mới từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước -chiến tranh công nghệ cao. Nhiều nước đã trang bị các loại vũ khí điều khiển chính xác cao được điều khiển từ mặt đất, từ biển, từ trên không và từ vũ trụ, có tầm tiến công rất xa, có thể tiến công tàn phá các mục tiêu trọng điểm của bất kỳ quốc gia nào mà không cần xâm phạm lãnh thổ của họ, thậm chí có sức huỷ diệt tương đương vũ khí hạt nhân chiến thuật. Loại vũ khí này đã tạo ra phương thức tiến hành chiến tranh hoàn toàn mới, gọi là tiến công không tiếp xúc, từ xa và đã từng được Mỹ thử nghiệm trong chiến tranh Vùng Vịnh (1991), chiến tranh Cô-xô-vô (1999), chiến tranh Ap-ga-ni-xtan (2001) và chiến tranh I-rắc (2003). Một số quốc gia đứng trước nguy cơ chiến tranh xâm lược đã quyết định nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân để lấy đó làm công cụ ngăn chặn chiến tranh. Giới nghiên cứu trên thế giới giả thiết rằng nếu như Nam Tư, Ap-ga-ni-xtan hoặc I-rắc có trong tay vũ khí hạt nhân thì họ đã không rơi vào vòng xoáy chiến tranh xâm lược. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc tiến tới ngưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Điều đáng tiếc là kể từ năm 1945 sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản đến nay, nhóm yếu tố kích thích vẫn có tác dụng mạnh hơn nhóm yếu tố ngăn chặn. Vậy nên, nếu trước những năm 90 của thế kỷ XX, quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân còn mang tính chất bí mật, thì sau khi kết thúc "chiến tranh lạnh", sự phổ biến vũ khí hạt nhân dường như trở nên công khai hơn, thậm chí các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có ý định sớm công khai thành quả của họ để ngăn đe hành động chiến tranh từ các nước khác.

Trong thế giới toàn cầu hoá như hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia. Do đó, để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nói riêng và vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên nói chung, chỉ có thể dùng cơ chế đàm phán 6 bên, không có con đường nào khác vì vấn đề này liên quan đến cả nhiều quốc gia bên ngoài bán đảo Triều Tiên.

Giải pháp cơ bản và lâu dài để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân là Liên hợp quốc cần xây dựng Chiến lược hạt nhân toàn cầu. Trên cơ sở đó, các quốc gia xây dựng chiến lược hạt nhân của riêng mình, tạo ra sự phối hợp hành động chung nhằm loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình./.