TCCS - Tiêu thụ hàng hóa bao giờ cũng là khâu quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của sản xuất trong nền kinh tế thị trường. ở các nước trên thế giới, hợp tác xã có vai trò quan trọng đối với những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong việc tiêu thụ hàng hóa nông sản, nhưng ở nước ta vai trò này chưa được phát huy hiệu quả. Vậy cần phải làm gì để hợp tác xã tiếp tục vươn lên đóng vai trò quan trọng đó?

Vai trò của hợp tác xã trong tiêu thụ hàng nông sản

Hợp tác xã (HTX) là sản phẩm tất yếu của văn minh nhân loại. Sản xuất hàng hóa càng phát triển, cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì những người sản xuất riêng lẻ, các hộ sản xuất cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, muốn nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, phải tự nguyện liên kết, hợp tác với nhau để tồn tại và phát triển. Một nước có trên 70% dân số sống bằng nghề nông như nước ta thì kinh tế hợp tácvà HTX có vai trò rất quan trọng trong tiêu thụ hàng nông sản, vì mấy lý do sau:

Bản chất kinh tế của HTX là tương trợ giúp đỡ nhau tốt hơn

Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Điều 20 đã khẳng định: "Kinh tế tập thể do công dân góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức dưới nhiều hình thức trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi".

Luật Hợp tác xã năm 2003 xác định: "hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật".

Tóm lại, HTX là một kiểu tổ chức sản xuất, kinh doanh do cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp hoặc các tổ chức xã hội tự nguyện góp vốn để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề của sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Nguyên tắc hoạt động cơ bản của HTX là tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, bình đẳng

Luật Hợp tác xã năm 1996 nêu thành 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX, cụ thể: "Tự nguyện gia nhập và ra hợp tác xã; Quản lý dân chủ và bình đẳng; Tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; Chia lãi bảo đảm kết hợp lợi ích xã viên và sự phát triển của hợp tác xã; Hợp tác và phát triển cộng đồng".

Luật Hợp tác xã năm 2003 quy định 4 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX là: "Tự nguyện; dân chủ, bình đẳng và công khai; tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; hợp tác và phát triển cộng đồng".

Vai trò của HTX trong tiêu thụ hàng nông sản

Với bản chất là một tổ chức kinh tế hợp tác, cùng có lợi; hoạt động theo 4 nguyên tắc được nêu trong Luật Hợp tác xã năm 2003, HTX có vai trò to lớn trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước cũng như quốc tế; thể hiện qua các nội dung sau:

Thứ nhất, định hướng cho các nhà sản xuất. Với chức năng là người đại diện cho nhà sản xuất, HTX là nơi tiếp cận thị trường để thu thập và phân tích các thông tin thị trường; từ đó đưa ra các dự báo thời gian, số lượng, giá cả và xu hướng vận động của thị trường. HTX là người đưa ra các định hướng sản xuất sát với nhu cầu thị trường cho các nhà sản xuất nhằm cung ứng hàng hóa với hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, đại diện cho cá nhân, hộ gia đình khi tiêu thụ sản phẩm. Hàng nông sản được sản xuất bởi nhiều cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp khác nhau. Để tiêu thụ ổn định một khối lượng lớn hàng nông sản trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường, tất yếu các nhà sản xuất hàng nông sản phải tự nguyện hợp tác cùng nhau. HTX ra đời và đảm nhận chức năng là người đại diện cho các cá nhân và hộ gia đình khi tiêu thụ sản phẩm. HTX có thể trực tiếp bán hàng nông sản cho người tiêu dùng, có thể làm trung gian giữa người sản xuất với các doanh nghiệp thương mại bằng cách ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp ký hợp đồng xuất khẩu.

Thứ ba, hạn chế số lượng người bán (cung) trên thị trường. Để giảm bớt số lượng các chủ thể cung hàng nông sản trên thị trường, HTX là người đại diện cho những người sản xuất tham gia cung ứng hàng nông sản. Điều này mang lại hiệu quả cao hơn cho người sản xuất, nhờ giá cả cao hơn và ổn định hơn.

Thứ tư, tập trung khối lượng lớn hàng nông sản. Hàng nông sản được sản xuất bởi các cá nhân và hộ gia đình đơn lẻ, khối lượng hàng nông sản mỗi cá nhân và hộ gia đình cung cấp thường nhỏ. HTX là tổ chức trung gian có thể tập trung được một khối lượng hàng hóa lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo quy luật giá trị, ai là người cung ứng đại bộ phận hàng hóa trên thị trường thì người đó có quyền định giá thị trường. Mặt khác, khi có một khối lượng hàng nông sản trong tay, các HTX có tiềm lực vật chất đủ mạnh để giành chiến thắng trong cạnh tranh.

Thứ năm, tiết kiệm chi phí lưu thông. Địa bàn sản xuất hàng nông sản nói chung thường xa thị trường tiêu thụ. Để đưa hàng hóa nông sản từ từng nhà sản xuất đến thành thị hoặc xuất khẩu phải tốn kém một khoản chi phí nhất định gọi là phí lưu thông. Nếu mỗi cá nhân, hộ gia đình tự mình tham gia thị trường thì, một mặt, khối lượng hàng hóa nông sản bị hạn chế; mặt khác, chi phí lưu thông sẽ cao và do đó lợi nhuận sẽ không đạt như mong muốn. HTX đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng hóa đến các thị trường sẽ tiết kiệm được chi phí lưu thông, do đó lợi nhuận mang lại cho người sản xuất sẽ cao hơn.

Thứ sáu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xuất xứ hàng nông sản. Khi tham gia thị trường, kể cả thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế; hàng hóa có thương hiệu, nhất là thương hiệu có uy tín thường được người tiêu dùng lựa chọn đầu tiên và giá bán hàng hóa đó thường cao hơn hàng hóa cùng loại và mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất kinh doanh. Hàng nông sản Việt Nam rất đa dạng, do đó việc xây dựng thương hiệu và xuất xứ hàng hóa là vấn đề cấp bách và cần thiết, nhằm nâng cao uy tín và giá bán trên thị trường.

Là tổ chức trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, HTX có đủ tư cách pháp nhân, sự am hiểu pháp luật, tiềm lực tài chính nhằm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam. Đồng thời HTX còn là tổ chức đứng ra bảo đảm ổn định được các nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến trên cơ sở các quan hệ cùng có lợi giữa doanh nghiệp - HTX và hộ xã viên - HTX khác với cách hoạt động của trung gian, “nậu” - “vựa” hiện nay đang rất bất lợi cho hộ nông dân.

Thứ bảy, HTX là tổ chức trung gian làm cầu nối giữa chính sách của Nhà nước với hộ xã viên. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình làm kinh tế nhưng chưa thể tiếp cận với đăng ký kinh doanh, mã số thuế và hóa đơn chứng từ tiêu thụ hàng hóa nông sản, do đó thường bị thua thiệt trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Bởi vậy, rất ít kinh tế hộ được hưởng lợi thông qua những chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư và tiêu dùng hiện nay. ở đâu có HTX, ở đó hộ xã viên dễ dàng tiếp cận hơn với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, và do đó sẽ có lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh nói chung, tiêu thụ hàng nông sản nói riêng.

Bởi vậy, tới đây, để nâng cao vai trò của HTX trong việc tiêu thụ hàng nông sản, thiết nghĩ cần lưu ý một số giải pháp sau:

- Xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã (2003); đổi mới cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với HTX: Đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với HTX theo hướng để các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh theo các quy luật thị trường theo định hướng, quy hoạch và luật pháp của Nhà nước. Nhà nước quản lý gián tiếp các HTX thông qua các công cụ luật pháp, cơ chế, chính sách và các đòn bẩy kinh tế. Tuy nhiên, vì HTX thường là cộng đồng của những người yếu thế, nhỏ lẻ, nên Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ tích cực và hiệu quả thông qua nhiều kênh khác nhau, không thể đổ đồng HTX với các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý HTX: Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách đối với HTX; có chính sách thu hút người có năng lực, có kinh nghiệm, nhất là những người có tâm huyết gắn bó với phong trào HTX; có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để họ yên tâm làm việc. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX thông qua hệ thống giáo dục đào tạo của trung ương và địa phương. Chương trình và nội dung đào tạo phải phù hợp với tình hình của đất nước trong thời kỳ mở cửa và hội nhập.

- Sớm bổ sung một số chức năng của hệ thống dọc trong phong trào HTX trong việc làm dịch vụ, nhất là dịch vụ đầu ra, tiếp cận thị trường cho các HTX thành viên của Liên minh HTX từ Trung ương đến địa phương để giảm dần sự trợ cấp của ngân sách đối với các hoạt động của hệ thống, tăng thu nhập từ lợi ích của hoạt động dịch vụ. Có như vậy mới tránh được xu hướng hành chính hóa các hoạt động trong hệ thống dọc của các HTX.

- Tăng cường quan hệ phối hợp, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà nông và Nhà nước: HTX có thể chủ động mời các doanh nghiệp góp vốn, cử người tham gia hoạt động của HTX, hỗ trợ cơ sở vật chất, phổ biến kinh nghiệm kinh doanh và kỹ thuật. Thông qua đó, HTX tăng thêm nguồn lực. HTX làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nông, thông qua việc ký kết các hợp đồng với cả hai phía nhằm bảo đảm sản xuất kinh doanh của ba bên đều ổn định. HTX làm đại diện cho xã viên trong việc ký kết hợp đồng với các nhà khoa học để đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Đối với nông hộ, chủ trang trại cần phải thực hiện nghiêm chỉnh các hợp đồng đã ký kết với HTX, nhằm hạn chế tối đa tình trạng tranh mua, tranh bán gây rối loạn thị trường, bất lợi cho kinh tế hộ. Chính quyền địa phương nên tích cực tham gia bảo đảm các ràng buộc pháp lý trong các hợp đồng mua bán giữa hộ với HTX, giữa HTX với các đầu mối tiêu thụ và chế biến hàng hóa nông sản./.