Phát triển các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
TCCS - Để tránh khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, việc hội nhập vào kinh tế toàn cầu đòi hỏi chúng ta không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, mà còn phải phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, từng bước hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế có tầm vóc quốc tế, tạo thế và lực để cạnh tranh trên toàn cầu.
I - Sự hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế ở Việt Nam
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 91/TTg, ngày 7-3-1994, về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh dựa trên các xí nghiệp, công ty cũ. Các tổng công ty (TCT) được thiết lập trong hàng loạt các ngành, một số trường hợp các TCT chiếm toàn ngành. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều TCT nhà nước còn thiếu năng động trong kinh doanh, chất lượng sản phẩm chưa được cải tiến đáng kể, sản lượng thấp.
Ý tưởng về những tập đoàn kinh tế (TĐKT) được Thủ tướng Chính phủ đưa ra ngay từ khi quyết định thành lập TCT 91, nhưng phải đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khóa IX (tháng 9-2001), vấn đề thành lập TĐKT mới được đề cập một cách cụ thể. Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ: "Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính, chuyên môn hóa cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân..." (1).
Triển khai Nghị quyết này, tháng 11-2005, TĐKT đầu tiên của nước ta là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TVN) ra đời và đi vào hoạt động, theo Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg, ngày 8-8-2005 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thành lập công ty mẹ. Cùng năm đó, TCT Dệt may Việt Nam cũng chuyển thành Tập đoàn Dệt may Việt Nam; TCT Bảo hiểm Việt Nam cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Năm 2006, TCT Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) chuyển thành Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), TCT Dầu khí Việt Nam chuyển thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đầu năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý để TCT Thuốc lá Việt Nam chuyển thành Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam; chỉ đạo, yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng đề án thành lập Tập đoàn Công nghiệp xây dựng (do TCT Sông Đà làm nòng cốt), và Tập đoàn Chế tạo cơ khí nặng (do TCT Lắp máy Việt Nam làm nòng cốt); TCT Cao su Việt Nam chuyển thành Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Các TĐKT đã thực hiện vai trò nòng cốt trong việc bình ổn giá cả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân đang lớn mạnh không ngừng và hình thành những TĐKT tư nhân hùng hậu như: FPT, Hòa Phát, Trung Nguyên, Kinh Đô...Mặt khác, nhiều TĐKT lớn trên thế giới như Công ty Bảo hiểm AIA, Prudential... đã có mặt tại Việt Nam.
Hoạt động của các TĐKT trong thời gian qua cho thấy, mô hình này đã đạt được nhiều kết quả nhất định, là công cụ điều tiết vĩ mô hiệu quả của Nhà nước. Các TĐKT đã nắm giữ những ngành, lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế, quy mô vốn liên tục tăng và là một trong những khu vực dẫn đầu trong nộp ngân sách nhà nước.
1 - Tập đoàn kinh tế giữ vững vai trò trụ cột trong nền kinh tế, công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giữ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như: phân đạm, khí hóa lỏng, điện. Với nguồn thu chiếm 25% - 30% ngân sách, việc chi phối ngành dầu khí đã góp phần quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp trên 97% tổng lượng than tiêu thụ trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Mặc dù, giá bán than trong nước còn thấp hơn giá thành sản xuất nhưng TKV vẫn nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ chưa tăng giá bán cho một số ngành quan trọng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tập đoàn điện lực (EVN) cung cấp cho nền kinh tế 94% sản lượng với hệ thống phân phối tới 100% các huyện trên toàn quốc; vẫn thực hiện bù lỗ cho điện nông thôn bình quân mỗi năm 5.000 tỉ đồng. Tập đoàn Dệt may (Vinatex) là đơn vị trọng yếu trong ngành dệt may, với 18% doanh thu xuất khẩu toàn ngành, trong đó nhiều loại mặt hàng chiếm tỷ trọng cao như: sợi, vải chiếm trên 30%, bông chiếm trên 90%. Đặc biệt, tỷ trọng những mặt hàng cao cấp của dệt may Việt Nam chủ yếu do Vinatex nắm giữ.
2 - Quy mô và khả năng tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế ngày càng tăng
Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình TĐKT, doanh thu và quy mô của các tập đoàn đều tăng nhanh. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong năm 2006 đạt 180.188 tỉ đồng, tăng 17,5% so với năm trước, chiếm 18% GDP cả nước; nộp ngân sách nhà nước 80.060 tỉ đồng. Năm 2008 doanh thu của PVN đạt 280,05 nghìn tỉ đồng, tăng 31,2% so với năm 2007. Cũng trong năm 2008 tập đoàn đã ủng hộ 5.000 căn nhà đại đoàn kết, xây mới 8 trường học và nhiều chương trình an sinh xã hội khác. Doanh thu năm 2008 của Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt đạt 9.182 tỉ đồng, tăng 10,7% so với năm 2007. Theo báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, doanh thu của tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2008 đã đạt 22.000 tỉ đồng, đạt 56% kế hoạch năm 2008, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, doanh thu tiêu thụ than ước đạt 15.162 tỉ đồng, đạt 61% kế hoạch năm, tăng 40% so với 2006. Doanh thu từ xuất khẩu than đạt hơn 9,2 tỉ; xuất than trong nước đạt 5,9 tỉ đồng, bằng 65,6% kế hoạch và tăng 59% so với năm 2006.
II - Những thách thức đặt ra với việc hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam
1 - Một số TĐKT và TCT nhà nước sử dụng nhiều nguồn lực nhưng kinh doanh chưa hiệu quả
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt hiện nay, hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực sẽ quyết định mức độ phát triển của quốc gia đó, và tất nhiên Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Việc tiếp tục đổ vốn vào và ưu đãi cho những TĐKT và TCT kém hiệu quả, trong khi khu vực dân doanh đang trưởng thành nhưng lại thiếu nguồn lực để phát triển là một điều bất cập cần được xem xét lại.
2 - Thể chế, chính sách pháp luật về TĐKT chưa hoàn thiện
Quyết định số 91/TTg ban hành năm 1994 là văn bản đầu tiên xác định các tiêu chí về TĐKT, nhưng chưa đề cập đầy đủ bản chất và đặc thù về mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của TĐKT, dẫn đến hoạt động của các TCT chưa thể phát triển theo mô hình các TĐKT. Nhận thức được những hạn chế về khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các TĐKT, Nhà nước đã ban hành Luật Doanh nghiệp nhà nước (năm 2003), Luật Doanh nghiệp (năm 2005) và Nghị định số 153/2004 NĐ-CP về TCT nhà nước và chuyển đổi TCT nhà nước thành mô hình công ty mẹ - công ty con. Thế nhưng, ngay cả những khuôn khổ pháp lý mới này cũng chỉ có thể được coi như tiền đề pháp lý ban đầu cho việc chuyển đổi các TCT 91 thành các TĐKT nhà nước, vì nhiều nội dung quan trọng của mô hình tập đoàn vẫn chưa được làm rõ, chẳng hạn như địa vị pháp lý, chế độ tài chính, mô hình quản trị nội bộ của tập đoàn cũng như mối quan hệ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong tập đoàn.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2007/NĐ-CP, Nghị định số 141/2007/ NĐ-CP đã bổ sung thêm một số vấn đề về các TĐKT. Theo đó, TĐKT được hiểu là nhóm công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn... Như vậy, hạt nhân của tập đoàn là công ty mẹ và xoay quanh nó là các công ty thành viên. Nhưng trong khi các công ty thành viên có tư cách pháp nhân thì công ty mẹ lại không có tư cách pháp nhân, nên việc quy định một khung khổ pháp lý tổ chức của một nhóm công ty trong bối cảnh doanh nghiệp được quyền tự quyết về các mối liên hệ có thể trở thành khiên cưỡng, thậm chí có thể kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện nay chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp mạnh, tích hợp, liên kết với nhau để hoạt động dưới bộ máy chung, một thương hiệu chung tạo ra sự phát triển vượt bậc. Đây chính là sự liên kết, hình thành mô hình TĐKT tư nhân. Tiêu biểu cho xu thế này là một số doanh nghiệp như FPT, Đồng Tâm, Kinh Đô, Hòa Phát... Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các TĐKT non trẻ này là chưa được pháp luật thừa nhận một cách đầy đủ. Các tập đoàn vẫn phải mang một cái tên không "chính danh" như "Công ty cổ phần tập đoàn" hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn tập đoàn. Luật Doanh nghiệp (năm 2005) vẫn chưa tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành các TĐKT tư nhân. Hiện tại các TĐKT vẫn được xếp chung với nhóm các công ty.
Như vậy, việc thừa nhận các TĐKT vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương, hệ thống quy định chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các tập đoàn, từ đó cũng chưa thể có những nghiên cứu sâu, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của mô hình mới này. Chính vì thế, những nhân tố mới của nền kinh tế vẫn đang phải hoạt động một cách mò mẫm và chưa có những định hướng mang tầm vĩ mô.
Một điều nữa cần lưu ý là, do pháp luật về TĐKT chưa hoàn thiện nên dẫn tới cơ chế quản lý của TĐKT hiện nay còn chồng chéo, chưa rõ ràng, còn hiện tượng “chen chân” nhau giữa quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản.
3 - Được bảo hộ, độc quyền nên một số tập đoàn đã đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, "lấn sân" sang các lĩnh vực kinh doanh khác
Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự thành công của một công ty phụ thuộc vào khả năng tham gia vào một chuỗi cung ứng toàn cầu có tính phụ thuộc và tương hỗ. Thế nhưng, các TĐKT nhà nước ở Việt Nam mới chỉ "quanh quẩn" trong thị trường nội địa mà chưa chuẩn bị đủ tinh thần ra "biển lớn" để đối đầu với "sóng to gió lớn" của cạnh tranh quốc tế. Từ tâm lý này dẫn đến tình trạng các tập đoàn đầu tư vốn và mở rộng ngành nghề theo "chiều ngang".
Việc mở rộng đầu tư vào các ngành ít liên quan đến ngành kinh doanh chính như vậy sẽ làm phân tán nguồn lực, hiệu quả không cao và chứa đựng rủi ro lớn. Ví dụ, nếu các tập đoàn, TCT kiểm soát một số ngân hàng, sau đó sử dụng ngân hàng này để tài trợ cho kế hoạch mở rộng của mình, nếu không có hệ thống kiểm soát tốt, phân tích rủi ro tốt thì điều này sẽ dẫn tới lạm dụng khoản vay và đầu tư quá mức của các thành viên tập đoàn. Chưa kể, cùng với sự tăng liên tục về số lượng công ty con, công ty cháu, rồi công ty liên kết, đồng thời sở hữu chéo của nhau, tất yếu sẽ hình thành những nhóm đặc quyền liên kết với nhau chặt chẽ và tác động trở lại tới chính sách của các bộ, ngành theo hướng có lợi cho nhóm. Hơn thế, việc mở rộng hoạt động của các tập đoàn còn đi ngược lại chủ trương của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu đối với nền kinh tế và an sinh xã hội. Có thể thấy, sự bành trướng quá nhanh và liên kết ngày càng chặt chẽ của các TĐKT nhà nước sẽ làm cho sự kiểm soát của Nhà nước đối với các TĐKT trở nên khó khăn. Cơn bão lạm phát vừa qua là một minh chứng cho điều đó.
III - Gợi ý chính sách phát triển cho tập đoàn kinh tế ở Việt Nam
1- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật để tạo hành lang pháp lý an toàn cho các tập đoàn hoạt động
- Nhà nước sớm ban hành các quy định về tính pháp lý, mô hình và nguyên tắc hình thành các TĐKT, những yêu cầu và tiêu chí về quy mô tổ chức, phương pháp tổ chức, các hệ thống quản lý, đội ngũ cán bộ, số vốn pháp định, các chỉ tiêu kinh tế tối thiểu... Song song với khung khổ cơ bản nhất về pháp lý, Nhà nước có những quy định rõ ràng hơn trong cơ chế hoạt động và mối quan hệ bên trong mỗi tập đoàn liên quan đến kinh doanh, đầu tư, tài chính, thông tin, nhân sự, tài sản, trách nhiệm... Quan trọng nhất là phải xác định và phân biệt một cách rõ ràng hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước và của chủ sở hữu.
- Đổi mới thể chế về đầu tư: các cơ quan chức năng cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện cho các doanh nghiệp, trong đó cần công khai những ưu đãi đầu tư.
- Đổi mới thể chế về đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh: lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất đến tận xã, phường và công khai các quy hoạch này để xây dựng hệ thống cơ quan đăng ký đất trong cả nước...
- Đổi mới thể chế về vốn: đẩy mạnh hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng để cung cấp thông tin tín dụng cho tập đoàn, thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.
- Tiếp tục đổi mới thể chế về thuế, bao gồm các loại thuế liên quan đến tập đoàn như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất, nhập khẩu.
- Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính, như thủ tục hải quan, thủ tục về công chứng, nhất là đổi mới đăng ký kinh doanh đối với tập đoàn, rà soát bãi bỏ các giấy phép kinh doanh không cầnthiết.
2 - Thực hiện đa dạng hóa sở hữu và cổ phần hóa doanh nghiệp
Vấn đề xác định chủ sở hữu là yếu tố then chốt để tạo động lực cho các tổng công ty và doanh nghiệp thành viên. Thực hiện đa dạng hóa sở hữu bằng cách:
- Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, tham gia thị trường chứng khoán là những kênh để huy động vốn cho TĐKT.
- Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi từ doanh nghiệp thành viên của TCT. Doanh nghiệp thành viên của TCT sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 (khác với Luật Doanh nghiệp nhà nước trước đây).
3 - Đổi mới cơ chế quản lý, giám sát TĐKT
- Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý và giám sát TĐKT, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát công ty mẹ thành lập doanh nghiệp mới, góp vốn vào doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực có nguy cơ rủi ro, giám sát các danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề liên quan; Bộ Nội vụ theo dõi, đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp; Bộ Tài chính giám sát, đánh giá hoạt động tài chính, kết quả kinh doanh của công ty mẹ và toàn bộ hoạt động của TĐKT, giám sát việc tăng vốn điều lệ của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên, phát hành cổ phiếu, việc vay vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản; giám sát việc chuyển dịch vốn, đầu tư, các nguồn lực bên trong tập đoàn và ngoài tập đoàn.
- Giao quyền và năng lực đầy đủ cho kiểm toán nhà nước để kiểm toán thường xuyên TĐKT nhà nước, với mật độ kiểm toán dày hơn. Kiểm toán vừa bảo đảm cái lợi về lâu dài cho năng lực cạnh tranh của tập đoàn vừa giúp Nhà nước quản lý tốt hơn.
- Hệ thống ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng thương mại quốc doanh cần kiểm soát vốn vay tốt hơn. Hiện nay, các khoản tín dụng cho vay đối với TĐKT vẫn còn mang tính bao cấp chứ chưa xem xét tính khả thi của dự án. Vì vậy, cần xóa bỏ tình trạng bao cấp trong hoạt động tài trợ vốn cho danh nghiệp, thay vào đó là các khoản vay mang tính chất thương mại.
- Xây dựng cơ chế về mối quan hệ, liên kết và tính liên thông giữa các tập đoàn để phục vụ cho lợi ích của dân tộc và tránh tình trạng "vườn ai nhà nấy rào", "đèn ai nhà nấy rạng". Ví dụ như, sự liên thông về vốn đầu tư, công nghệ... giữa các tập đoàn.
- Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền và đặc quyền kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết WTO. Có như vậy mới nâng cao năng lực cạnh tranh của các TĐKT và giải phóng được các nguồn lực kinh tế khác.
4 - Tổ chức lại các mô hình hoạt động cho các TĐKT nhà nước
Xuất phát từ thực trạng hoạt động của các TĐKT hiện nay, tình hình kinh tế đất nước cũng như bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta có thể tổ chức lại các TĐKT theo các hướng sau:
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các TĐKT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn. Để hỗ trợ tập đoàn đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự kết nối giữa các tập đoàn với cơ sở đào tạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với trung tâm nghiên cứu khoa học, Nhà nước cần có cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo....
- Tập đoàn công nghệ là một tổ chức kinh tế hội tụ các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết xung quanh một dây chuyền công nghệ khép kín, từ khai thác, cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất và bán sản phẩm, đến nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới... Các doanh nghiệp ở nhóm này thường tập trung trên một vùng lãnh thổ nhất định và điều này càng có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế khu vực. Thế mạnh của mô hình tập đoàn công nghệ là mức độ tập trung nội lực cao, thu hút được đầu tư trọng điểm vào công nghệ, cơ cấu tổ chức quản lý rành mạch. Mối quan hệ với các doanh nghiệp thành viên khác phải được thiết lập theo cơ chế thị trường.
- Tập đoàn tài chính là mô hình phổ biến, được ứng dụng rộng rãi ở rất nhiều nước trên thế giới. Nếu như mô hình tập đoàn công nghệ lấy phân hệ sản xuất làm hạt nhân, thì tập đoàn tài chính lấy phân hệ tài chính làm trọng điểm. Do vậy, để bảo đảm việc quản lý hiệu quả dòng chảy tài chính của tổ chức kinh tế mới này cần phải huy động được nguồn vốn đầu tư hùng hậu và một thể chế tài chính phù hợp.
(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr 21
Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch của miền Tây Bắc  (29/03/2009)
Sông Hàn lung linh sắc màu  (29/03/2009)
Tiết kiệm 19.000 Kw/h điện trong Giờ Trái Đất tại Thành phố Hồ Chí Minh  (29/03/2009)
Khủng hoảng tài chính và những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản  (29/03/2009)
Hà Nội một giờ tắt đèn  (28/03/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên