Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội
TCCSĐT - Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là thực hiện nghiêm túc một công việc đã được luật định "...góp phần bảo đảm cho Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất" (lời mở đầu Luật hoạt động giám sát của Quốc hội). Chất vấn còn nhằm thúc đẩy việc nâng cao trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân để hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Nhà nước và nhân dân giao phó.
Chất vấn và trả lời chất vấn là 1 trong 5 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp. Theo quy định tại Điều 98 Hiến pháp năm 1992, Điều 49 Luật tổ chức Quốc hội và Điều 7, Điều 40 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội thì những người phải trả lời chất vấn trước Quốc hội bao gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Từ nhiều khóa nay, nói chung Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hầu như chưa phải trả lời chất vấn, một mặt, do rất ít đại biểu chất vấn các đối tượng này, mặt khác, có lẽ các vấn đề bức xúc của cuộc sống tập trung chủ yếu ở lĩnh vực hành pháp (Chính phủ, các bộ, ngành) và các cơ quan tư pháp, do đó đại biểu tập trung phần lớn các chất vấn vào những người đứng đầu các cơ quan này.
Hoạt động chất vấn được tiến hành thường xuyên từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp cuối cùng của mỗi khóa Quốc hội. Số lượng người trả lời chất vấn ở mỗi kỳ họp các khóa gần đây thường từ 6 đến 8 người. Thống kê cho thấy, tại mỗi kỳ họp, số câu hỏi (chất vấn) được gửi trước ở khóa XI từ 150 đến 210 câu, ở khóa XII từ 220 đến 300 câu. Các câu hỏi này được người đứng đầu các cơ quan nhà nước trả lời bằng văn bản cho đại biểu có chất vấn trước khi diễn ra các phiên chất vấn tại kỳ họp. Thời gian cho các phiên chất vấn tại kỳ họp thường từ 2,5 đến 3 ngày. Mỗi người trả lời chất vấn có thời lượng "đối thoại" với các đại biểu khoảng 2 giờ; riêng Thủ tướng có thể đến 3 giờ. Trong thời gian đó mỗi người thường phải trả lời trên dưới 25 câu chất vấn trực tiếp, cá biệt có trường hợp lên đến 40 câu.
Kết quả chủ yếu đã đạt được:
- Đây là một trong những hoạt động sôi nổi, nổi bật của Quốc hội được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm (các phiên chất vấn, số đại biểu có mặt thường từ 95% trở lên). Đây là dịp để đại biểu gửi gắm những tâm tư, những khúc mắc của cử tri tới các vị đứng đầu các cơ quan nhà nước. Đồng thời, đây cũng là dịp để các vị đứng đầu các cơ quan nhà nước báo cáo "trực tuyến" với cử tri cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng về những hoạt động của cơ quan mình (những kết quả, những khó khăn) để cùng chia sẻ, và cùng với Quốc hội tìm các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy thực thi nhiệm vụ tốt hợn. Vì vậy ai cũng mong muốn hoạt động thiết thực, bổ ích này được tiếp tục phát huy, đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu lực và hiệu quả.
- Nhiều đại biểu tâm huyết với công việc đã nung nấu từ khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp những vấn đề dự kiến sẽ chất vấn. Càng ở những kỳ họp sau, đại biểu càng rút được kinh nghiệm nên nội dung các chất vấn "có tầm" hơn (mang tính vùng, miền, vĩ mô và thực sự cấp bách). Kỹ năng chất vấn được nâng cao (câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng hơn, có câu hỏi dự phòng để nếu chưa đủ rõ sẽ chất vấn tiếp).
- Người trả lời chất vấn cũng rút được kinh nghiệm, càng về sau càng trả lời gọn gàng, xúc tích, đúng trọng tâm hơn, giải đáp vấn đề được rõ ràng, mạch lạc hơn theo phương châm "hỏi gì, đáp nấy"(một số Bộ trưởng ban đầu thường thiên về báo cáo khó khăn và những thành tựu đã đạt được trong muôn vàn khó khăn đó, sau này đã nhận ra, chất vấn không nhằm mục đích báo cáo thành tích nên đã kịp thời điều chỉnh). Qua các phiên chất vấn, phần lớn người trả lời thấy rõ trách nhiệm và "hứa" xử lý công việc tốt hơn. Thống kê sơ bộ cho thấy, lần chất vấn có số lời hứa nhiều nhất là 70 và lần ít nhất có 12 lời hứa. Sau đó, nhiều lời hứa đã được thực hiện khá nghiêm túc và đã báo cáo kết quả đến đại biểu.
- Hoạt động chất vấn đã có những bước cải tiến, đổi mới nhất định. Trước đây người trả lời chất vấn đọc cả tập văn bản, tiêu tốn nhiều thời gian, thời gian "vấn đáp" không còn bao nhiêu nên hiệu quả thấp; nay chỉ được trình bày trong ít phút vì đã có văn bản gửi đại biểu, phần lớn thời gian dành cho đối thoại nên không khí sôi động hơn, xử lý được nhiều vấn đề hơn, do đó hiệu quả cao hơn. Trước đây đại biểu hỏi "tự do" bất kỳ vấn đề nào thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của người trả lời (có lần đang thảo luận về rừng trồng mới thì có đại biểu lại hỏi sang giá cả phân bón, đại biểu khác lại hỏi thủy lợi phí... nên rất khó dứt điểm một vấn đề nào); nay chất vấn theo từng cụm vấn đề, xong vấn đề này mới chuyển sang vấn đề khác nên có điều kiện "đi sâu đến cùng" dứt điểm từng nhóm vấn đề.
- Ở nhiều khóa trước, kết thúc các phiên chất vấn, người bị chất vấn tự rút ra các vấn đề phải bổ khuyết, phải làm tốt hơn; tiến lên một bước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp tập hợp lại những vấn đề cấp bách nhất nổi lên sau chất vấn gửi đến các vị đã trả lời chất vấn để chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên hiệu quả cũng chưa cao lắm. Mới đây tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, lần đầu tiên sau chất vấn, Quốc hội đã ra nghị quyết về chất vấn, trong đó đã chỉ rõ những việc mà người trả lời chất vấn phải thực hiện và báo cáo với Quốc hội ở kỳ họp tiếp theo. Tuy là bước đầu nhưng rất cần thiết, vì đó là căn cứ pháp lý để các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đôn đốc người đã trả lời chất vấn nghiêm chỉnh thực hiện những gì đã hứa trước Quốc hội, trước cử tri, là căn cứ để xem xét ở lần chất vấn sau...
Khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế để đạt hiệu quả cao hơn
Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp nhưng Quốc hội vẫn phải tiếp tục khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện một số việc, một số công đoạn để hoạt động này đem lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn.
- Trước hết, có một vài ý kiến vẫn còn băn khoăn về hoạt động chất vấn, coi chất vấn là chỉ trích, là “xăm soi” không cần thiết; hoặc ở thái cực khác lại xem nhẹ hoạt động này theo hướng "dĩ hòa vi quý" cho vừa lòng nhau. Các ý kiến đó đều không đúng, bởi Quốc hội tiến hành hoạt động này là thực hiện nghiêm túc một công việc đã được luật định "...góp phần bảo đảm cho Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất" (lời mở đầu Luật hoạt động giám sát của Quốc hội). Chất vấn còn nhằm thúc đẩy việc nâng cao trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân để hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Nhà nước và nhân dân giao phó.
- Về phía người chất vấn, có một số đại biểu thường đưa ra những câu hỏi rất dài, nhưng lại không rõ nội hàm, làm cho người bị chất vấn khó trả lời trúng ý người hỏi. Lại có đại biểu hỏi mà như thảo luận kinh tế - xã hội, nói hết cả 7 phút (trong khi quy định chỉ 2-3 phút) mà chưa rõ chất vấn vấn đề gì. Các khuyết, nhược điểm nói trên có thể mau chóng khắc phục bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt Nội quy kỳ họp, Quy chế hoạt động của đại biểu và trực tiếp hỏi thẳng vào nội dung khúc mắc cần hỏi.
- Về phía người trả lời chất vấn, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một hai vị vẫn "ham" đọc dài, nói dài. Đây cũng là "thói quen" đáng phải sửa. Để khắc phục tình trạng này, người trả lời chất vấn phải nắm rất chắc mục đích của chất vấn và trả lời chất vấn (như đã nói ở trên), nắm chắc tình hình thuộc phạm vi quản lý của mình, khi cần thiết thì có thể ví dụ cụ thể, nhưng nói chung phải có tầm khái quát rất cao.
- Có một vấn đề đang được đại biểu Quốc hội cũng như cử tri tán đồng và được xem như một "nguyên tắc", đó là một số vấn đề ở tầm vĩ mô khi đã được xem xét chất vấn thì phải "đi đến tận cùng", nghĩa là không được "bỏ lửng" mà phải làm rõ bản chất của vấn đề; nếu xác định được đúng sai, quy kết được trách nhiệm thì càng tốt. Ví dụ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII có 13 đại biểu chất vấn về môi trường sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng và đã trở thành "dòng sông chết" do công ty Vedan xả trực tiếp với khối lượng siêu lớn nước thải chưa qua xử lý ra sông. Quốc hội đã thảo luận khá sôi nổi vấn đề này, nhưng sau thảo luận cũng chưa làm rõ được trách nhiệm quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, đặc biết là trách nhiệm vật chất của công ty Vedan. Vì thế trong tháng 4 năm 2009, công ty Vedan đã có hành vi như "làm từ thiện", tự ý đưa ra mức trợ giúp cho nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh 25 tỉ đồng thay vì chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất theo tính chất pháp lý của vấn đề, vì thế nông dân chưa chấp thuận...
Rút kinh nghiệm vụ việc này và nhiều vụ việc khác trước đây, trong các cuộc chất vấn tới đây, Quốc hội phải kiên quyết "đi đến tận cùng" theo phương châm "phải trái phân minh, nghĩa tình đầy đủ". Có như thế mới thúc đẩy các vụ việc bức xúc nhanh chóng được giải quyết và hoạt động chất vấn nói riêng, giám sát tối cao tại kỳ họp nói chung mới có hiệu lực và hiệu quả cao và thiết thực hơn.../.
Thông cáo số 15 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII  (08/06/2009)
Diễn đàn ngũ cốc thế giới lần thứ nhất  (08/06/2009)
Khai mạc hội nghị giữa nhiệm kỳ nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam  (08/06/2009)
Bảo vệ môi trường - yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ mới  (08/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay