Các giải pháp cơ bản để giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Bài viết này đề cập tới các giải pháp cơ bản để Tây Nguyên phát huy các tiềm năng và lợi thế, đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo theo chủ trương của Đảng.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh với tổng diện tích 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước; dân số 4,784 triệu người (tính đến cuối năm 2005), trong đó đồng bào thiểu số tại chỗ gồm 12 dân tộc với khoảng 1,7 triệu người, chiếm 28,2% dân số toàn vùng.
Những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hiện vẫn còn nhiều khó khăn, sự phân cực giàu nghèo giữa các cộng đồng dân cư trong chính vùng dân tộc thiểu số đang ngày càng rõ nét.
Theo báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên, đến cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) trong đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, bình quân toàn vùng trên 60%; trong đó: Lâm Đồng: 55%, Đắc Nông: 63%, Đắc Lắc: 62%, Gia Lai: 81%, Kon Tum: 88%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn rất cao, tốc độ giảm nghèo những năm vừa qua mới chỉ đạt khoảng 2 - 3%/năm cho toàn vùng.
Qua nghiên cứu thực trạng, có thể thấy vấn đề nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, thiếu nguồn lực và kỹ thuật. Đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo ở Tây Nguyên đang thiếu thốn đáng kể về hầu hết các nguồn lực cho sản xuất như đất, vốn, lao động có kỹ thuật v.v...Thực tế các hộ nghèo đã được bố trí đất sản xuất nhưng do thiếu các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật nên đất sản xuất không được sử dụng có hiệu quả. Các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm cũng có nhiều hạn chế; cùng với kỹ thuật canh tác truyền thống vẫn là phát nương làm rẫy; cây trồng, vật nuôi chưa được đa dạng hóa... nên giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích còn rất thấp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về thị trường sản phẩm, về công nghệ còn rất sơ khai; việc hỗ trợ về kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi hầu như chưa phát triển. Vì vậy, có thể nói những hộ nghèo chưa có đủ điều kiện và khả năng để tự vượt nghèo bằng nội lực của chính mình.
Thứ hai, việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường đông con, đa phần có từ 5 đến 6 con; lao động chính trong nhà có học vấn rất thấp, rất khó có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập khá và ổn định. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở vùng Tây Nguyên chỉ bằng 67,2% so với mức trung bình toàn quốc; trong đó, thu nhập bình quân đầu người của nhóm hộ đồng bào nghèo là dưới 80 ngàn đồng/người/tháng. Những hạn chế về kinh tế chính là cản trở đối với người nghèo trong việc tiếp cận các điều kiện phúc lợi trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa v.v...
Thứ ba, dễ gặp rủi ro do điều kiện ngoại cảnh. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Tây Nguyên rất tiềm tàng cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là các loại cây công nghiệp có giá trị. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, khí hậu, nước tưới, giá cả vật tư, phân bón... Việc rớt giá một số sản phẩm nông nghiệp trong nhiều năm qua, cùng với nắng hạn, mưa lũ thất thường đã làm cho đồng bào Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ tư, hạn chế về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng bởi tính biệt lập về địa bàn cư trú. Nhiều năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 168/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Tây Nguyên hằng năm đều tăng. Cụ thể là giai đoạn 2001 - 2005 đã đầu tư 40.498 tỉ đồng (bình quân 8.000 tỉ đồng/năm) tăng bình quân 18,17%/năm. Tuy nhiên, do phần lớn địa bàn mà đồng bào dân tộc sinh sống là những nơi dân cư sống rải rác, địa hình chia cắt phức tạp nên suất đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng cao, trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như hiệu quả thu được đều hạn chế nên đồng bào chưa được hưởng lợi nhiều từ các nguồn đầu tư của nhà nước.
Thứ năm, nhận thức và năng lực tự vươn lên thoát nghèo của người dân cũng như công tác xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế. Về mặt nhận thức, đồng bào nghèo ý thức chưa đầy đủ về việc phải tự giải thoát mình khỏi cảnh nghèo khó, chưa lo tích góp vốn để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Ở nhiều nơi, đồng bào còn cho rằng, đầu tư xóa đói, giảm nghèo là việc của Nhà nước, của chính quyền các cấp nên họ chưa có ý thức hợp tác, bảo vệ và khai thác các công trình hạ tầng do nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực điều hành của chính quyền địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo chưa được thể hiện rõ; một số nơi chưa bố trí được cán bộ chuyên trách có đủ năng lực và trình độ, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người dân tộc; hoặc thiếu sự phối, kết hợp nhịp nhàng giữa các bên tham gia quản lý.
Để khắc phục tình trạng đói nghèo trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, theo chúng tôi cần tiến hành đồng bộ và thường xuyên các giải pháp cơ bản sau đây.
Một là, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc. Thực hiện khai thác có hiệu quả quỹ đất đai, tài nguyên rừng; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư phát triển và sản xuất - kinh doanh cho các thành phần kinh tế trên địa bàn, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề truyền thống có nguồn nguyên liệu dồi dào, những sản phẩm độc đáo của đồng bào các dân tộc. Cần triển khai công tác xúc tiến và chuẩn bị đầu tư để tranh thủ các nguồn vốn cho phát triển và xóa đói, giảm nghèo; thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn; áp dụng linh hoạt chính sách thuế nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ khắc phục tình trạng nghèo đói trong dân cư, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc nghèo. Ưu tiên đầu tư giải quyết tốt công tác định canh, định cư gắn với phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng nghèo.
Hai là, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực và việc làm cho vùng đồng bào dân tộc, trên cơ sở thực hiện quy hoạch và quy hoạch lại nguồn nhân lực cho khu vực Tây Nguyên. Kết hợp chặt chẽ kế hoạch sử dụng đất và nguồn lao động tại chỗ để giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo. áp dụng các chính sách sử dụng lao động theo hướng tăng quyền chủ động của các đơn vị sử dụng lao động; khuyến khích và hỗ trợ việc sử dụng lao động là đồng bào dân tộc; chú trọng phát triển mô hình trồng cao su, trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn để thu hút lao động là đồng bào dân tộc. Không ngừng nâng cao dân trí cho đồng bào; hướng dẫn, khuyến khích đồng bào thay đổi tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và sản xuất - đây là vấn đề cốt lõi để nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào. Đẩy mạnh việc đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên việc dạy nghề, đào tạo lao động tại chỗ, tạo điều kiện cho lao động vùng nghèo đi xuất khẩu lao động, tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn.
Ba là, khuyến khích các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất - kinh doanh. Tăng thêm cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cho vùng đồng bào dân tộc; thường xuyên tập huấn cho đội ngũ này để có năng lực tiếp cận thực tiễn, có năng lực chuyên môn, hiểu biết phong tục tập quán, ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào để hướng dẫn cho đồng bào thuần thục kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, vật nuôi, nhất là kỹ thuật trồng lúa nước và thâm canh cây trồng cạn. Thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật; tổ chức tham quan học tập, xây dựng mô hình trình diễn để đồng bào "mắt thấy, tai nghe", khuyến khích đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Bốn là, xây dựng quy hoạch phát triển vùng gắn với xóa đói, giảm nghèo. Cần sớm triển khai hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành, phát triển vùng và các khu vực kinh tế trọng điểm; các ngành quan trọng và các sản phẩm chủ lực có tiềm năng về thị trường và lợi nhuận cao. Tạo quyền chủ động của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn dự án, chọn đối tác, hình thức và địa điểm đầu tư. Đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA cho các địa phương, trong đó ưu tiên cho vùng nghèo.
Đối với các dự án đầu tư, cần áp dụng quy trình thẩm định chặt chẽ có xác định nguồn vốn, hình thức phân cấp, trách nhiệm từ khâu điều tra, khảo sát, thiết kế đến thi công, kiểm tra, giám sát dự án. Xây dựng mô hình điểm về xóa đói, giảm nghèo cho từng tiểu vùng để nhân rộng ra toàn vùng.
Năm là, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động. Nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, kinh tế tư nhân phát triển ở các lĩnh vực sản xuất cao su, cà phê và lâm nghiệp là những ngành mà lao động đồng bào dân tộc dễ tiếp cận. Quỹ hỗ trợ phát triển cần đẩy mạnh việc cho vay các dự án trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp và các cơ sở chế biến gắn với tạo việc làm cho đồng bào dân tộc. Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung vốn cho đồng bào vay phát triển kinh tế, thực hiện các dự án trồng cây tiểu điền, chăn nuôi đại gia súc.
Sáu là, làm tốt công tác tổ chức, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động đồng bào tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện được mục tiêu cơ bản về xóa đói, giảm nghèo, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận, động, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức cho người nghèo, cho các cộng đồng nghèo và lực lượng cán bộ các cấp có liên quan đến điều hành, chỉ đạo công tác xóa đói, giảm nghèo. Các tổ chức đoàn thể (hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh...), trong đó già làng, trưởng bản là lực lượng xung kích, đầu tàu trong việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Chỉ có triển khai một cách thường xuyên và đồng bộ các giải pháp trên, mới có thể thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên theo chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước.
* Chuyên viên chính Vụ IV, Văn phòng Chính phủ
Vận dụng chính sách  (27/04/2007)
Cải cách hành chính ở một số nước châu Á  (27/04/2007)
Cải cách hệ thống chính quyền địa phương ở Nhật Bản  (27/04/2007)
Giao đất, giao rừng cho làng ở miền núi Quảng Nam  (27/04/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển