Màn trình diễn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên trong đêm khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại Gia Lai (tháng 11-2009)
 Ảnh: TTXVN
TCCS - Văn hóa cộng đồng dân cư là một trong những nhân tố cơ bản làm nên nền tảng của đời sống tinh thần xã hội. Xây dựng và phát huy nét đẹp của đời sống văn hóa cộng đồng dân cư là trực tiếp xây dựng cơ sở tốt đẹp, văn minh; là góp phần tạo nên động lực quan trọng, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nét tươi mới trong xây dựng văn hóa cộng đồng dân cư

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, xã hội. Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa các cộng đồng dân cư (xóm, làng, ấp, khu phố...) được phát triển rộng khắp, đang hướng theo chiều sâu và thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Nhiều địa phương, cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình, xóm, ấp, khu phố văn hóa; tổ chức tốt việc bình xét, công nhận và công nhận lại danh hiệu "Gia đình văn hóa". Đến nay, có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua bình xét ở cơ sở, không công nhận danh hiệu đó cho 114.271 gia đình văn hóa do không đủ tiêu chuẩn. Năm 2009, cả nước đã có hơn 13 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", đạt tỷ lệ 80,67%. Các địa phương đã tổ chức tốt Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa các cấp, cổ vũ mạnh mẽ phong trào. Cả nước có 42.530/86.765 làng văn hóa, đạt tỷ lệ 48,88%, trong đó có 7.428 làng văn hóa tiêu biểu được khen thưởng ở các cấp. Hơn 70 nghìn trên tổng số hơn 90 nghìn khu dân cư được đánh giá là thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh.

Trong các cộng đồng dân cư ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Theo thống kê cho thấy, năm 2009, hơn 56% số đám cưới ở nông thôn và 41% số đám cưới ở thành thị có sự tiến bộ trong việc tổ chức; 54% số đám tang ở nông thôn và 36% số đám tang ở thành thị xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu. Trong tổng số gần 8.000 lễ hội được tiến hành trong cả nước, nạn cờ bạc, cá độ đã giảm 60%; hoạt động mê tín dị đoan giảm 59%, tổ chức lãng phí giảm 41%. Những hình thức cưới gọn nhẹ, tiết kiệm xuất hiện ngày càng nhiều, được dư luận ủng hộ. Việc tổ chức tang lễ chu đáo, bảo đảm vệ sinh, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu đã trở nên phổ biến ngay cả ở cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số. Lễ hội diễn ra tương đối lành mạnh. Bên cạnh phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống diễn ra sôi động và lành mạnh.

Hầu hết các cộng đồng dân cư đã gắn xây dựng khu dân cư tiên tiến với xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở" nhân dân đã thực hiện tốt chương trình "Những tấm lòng từ thiện", "Nối vòng tay lớn", "Bát gạo nghĩa tình"; đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào "Quỹ Tình thương", "Quỹ Vì người nghèo"; hàng nghìn tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Phong trào "Ngày Vì người nghèo", "Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo" ở các cộng đồng dân cư đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo sửa chữa hoặc xây mới được nhà ở. Các mô hình tín dụng - tiết kiệm, thanh niên làm kinh tế, nông dân sản xuất giỏi, đã giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Các cộng đồng dân cư cần gắn xây dựng khu dân cư tiên tiến với xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa mới cộng đồng dân cư.

Ở nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo nếp sống văn hóa đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tổ chức các cuộc tọa đàm sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các vị chức sắc tôn giáo, các tổ dân phố, hoặc cộng đồng dân cư cùng tham gia thảo luận, góp ý kiến xây dựng Quy ước văn hóa. Hiện nay, cả nước có 12.720 hương ước, quy ước văn hóa được xây dựng, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn có chọn lọc, đổi mới và phát triển những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những cách sống lỗi thời, lạc hậu; xây dựng và hình thành lối sống văn minh, đấu tranh ngăn chặn sự thẩm lậu của văn hóa độc hại, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thế giới.

Phong trào xã hội hóa văn hóa đã khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh. Nếp sống mới, văn minh, hiên đại từng bước được hình thành và bén rễ sâu trong các gia đình, cộng đồng dân cư, đơn vị. Sự tham gia rộng khắp, tự giác của đông đảo nhân dân tạo nên những nét đẹp mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người Việt Nam như: nếp chào cờ đầu tuần nơi công sở, nếp văn minh công sở, gia đình văn hóa, ấp, khu phố, xóm văn hóa, đường phố văn hóa, chợ văn minh, khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Còn nhiều bức xúc, trăn trở

Trong những năm qua, diện mạo các cộng đồng dân cư ngày càng trở nên khang trang, tươi sáng. Song nhìn chung, mức hưởng thụ văn hóa ở các làng, bản, thôn, ấp còn thấp. Theo một điều tra xã hội học, chi tiêu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh dành cho vui chơi, giải trí chiếm 30% thu nhập gia đình. Ở Hà Nội, Huế tỷ lệ đó là 20%. Còn ở các cộng đồng dân cư nông thôn, chi tiêu đó rất nhỏ bé. Hình thức chủ yếu là xem truyền hình, nghe đài. Hoạt động văn hóa thông tin còn gặp nhiều khó khăn do đầu tư cho thiết chế văn hóa ở cộng đồng dân cư còn hạn chế. Thiếu vắng đội ngũ làm công tác văn hóa - thông tin ở các cộng đồng dân cư, hoặc chỉ có cán bộ kiêm nhiệm.

Từ nhiều năm nay, các cộng đồng dân cư trong cả nước đều quan tâm xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, ấp, khu phố. Nhưng hầu hết các nhà văn hóa này mới chỉ là nơi để hội họp, sinh hoạt tập thể. Sách báo, nhạc cụ và các trang bị, thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa văn nghệ hầu như không có. Điều đáng chú ý là, các đội văn nghệ ở các làng, bản, các chiếu chèo ở các cộng đồng dân cư khu vực đồng bằng sông Hồng, vốn một thời hoạt động rất sôi nổi, nhưng nay ít nơi duy trì được. Các cộng đồng dân cư ở miền núi, vùng cao, vùng sâu đời sống văn hóa của người dân còn khó khăn hơn.

Sự giao lưu, mở cửa, hội nhập kinh tế, văn hóa ngày càng sâu với quốc tế đem đến cho cộng đồng dân cư nhiều cơ hội: Cộng đồng dân cư có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu, hội nhập với nhiều nền văn hóa, những thành quả của văn minh nhân loại. Song bên cạnh những mặt tích cực đã nảy sinh nhiều tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa cộng đồng dân cư. Cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó, đã phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, đại dịch HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào không ít gia đình. Mâu thuẫn giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong các gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng và phức tạp.

Cộng đồng dân cư vốn là hạt nhân của quốc gia, là cái nôi sinh thành văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, mỗi làng xóm ven đô đều là nơi gìn giữ, bảo lưu một nền văn hóa dân gian phong phú với những tập quán, phong tục, lối sống, lễ hội, hệ thống, đình, đền, chùa, miếu... Tất cả cấu kết thành một cộng đồng dân cư văn hóa vững chắc. Tình trạng đô thị hóa nhanh, nhất là sự tùy tiện, ở không ít nơi đang làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Lối sống cộng đồng truyền thống bị tác động tiêu cực bởi lối sống thị dân "thực dụng". Nhưng thực tế cũng cho thấy, lối sống của người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa bắt kịp với lối sống văn minh đô thị, nếp sống tiểu nông phần nào gây khó khăn cho việc quản lý cộng đồng dân cư ven đô. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà kết cấu hạ tầng xã hội ở các cộng đồng ven đô còn nhiều vấn đề bức xúc. Mạng lưới giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, thông tin... rất kém, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đất đai bị lấn chiếm bừa bãi để xây nhà, diện tích cây xanh, ao hồ ngày càng giảm, sông ngòi, cống rãnh bị thu hẹp là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, gây trở ngại không nhỏ cho phát triển văn hóa, xã hội các cộng đồng dân cư ở khu vực này.

Những vấn đề cần giải quyết

Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng văn hóa cộng đồng dân cư, những khó khăn và thách thức sẽ tiếp tục làm suy yếu sức mạnh cộng đồng dân cư. Do đó, đề cao giá trị văn hóa cộng đồng và xây dựng văn hóa cộng đồng là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - nền tảng tinh thần xã hội.

Để tiếp tục xây dựng phong trào văn hóa cộng đồng đạt hiệu quả thiết thực, chúng ta cần tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư gắn với tiếp thu và xây dựng những giá trị văn hóa tiên tiến. Đề cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở ngay trong cộng đồng mình đang sinh sống và làm việc. Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng cộng đồng văn hóa và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu làng, ấp, bản, thôn, khu phố văn hóa. Tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không thực chất phong trào và chất lượng văn hóa cộng đồng. Các tiêu chí xây dựng cộng đồng văn hóa phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của nhân dân. Công tác bình xét danh hiệu cộng đồng văn hóa phải được tiến hành theo tiêu chí thống nhất, trên nguyên tắc công bằng, dân chủ, khách quan, đúng quy trình, tiêu chí; nắm bắt tư tưởng, dư luận của nhân dân qua nhiều kênh, nhất là qua cộng tác viên dư luận; cần huy động nguồn lực của nhân dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nguyện vọng, tâm tư, tình cảm và tạo được sự đồng tình hưởng ứng của toàn dân.

Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng cộng đồng văn hóa và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu làng, ấp, bản, thôn, khu phố văn hóa. Tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không thực chất phong trào và chất lượng văn hóa cộng đồng.

Chú trọng đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho xây dựng phong trào văn hóa cộng đồng dân cư kết hợp với phương châm xã hội hóa, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa. Thường xuyên tổng kết phong trào xây dựng văn hóa cộng đồng dân cư, đánh giá kết quả phấn đấu từng giai đoạn kết hợp với các phong trào khác để đạt được hiệu quả thiết thực, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm. Tổ chức hội nghị tuyên dương những cộng đồng dân cư văn hóa xuất sắc và nhân rộng những mô hình đó ra toàn xã hội. Chú trọng công tác kiểm tra và đổi mới, cải tiến công tác này sao cho phù hợp với tình hình mới, sát thực tế địa phương, hướng về cộng đồng dân cư. Thường xuyên cung cấp kiến thức, nội dung công tác xây dựng cộng đồng văn hóa cho cán bộ hướng dẫn phong trào; phổ biến kiến thức xây dựng văn hóa cộng đồng dân cư trong đời sống xã hội hiện đại để cập nhật yêu cầu đổi mới của thời đại và có định hướng hướng dẫn nhân dân thực hiện lâu dài.

Điều quan trọng là, phải phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chính trị và xã hội, vận động sự tham gia tích cực của nhân dân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Phát huy lợi thế của các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền giới thiệu rộng rãi cho mọi người dân hiểu về mục tiêu, ý nghĩa và lợi ích chung trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cộng đồng dân cư.

Xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ngay từ mỗi thôn, ấp, bản, làng, mỗi cơ sở./.