Đồng thuận xã hội - một số vấn đề lý luận và thực tiễn
TCCS - Đồng thuận xã hội là vấn đề xuất hiện và song hành cùng với sự ra đời và phát triển của xã hội loài người, do nhu cầu hợp tác và bảo tồn cuộc sống chung của các cộng đồng người trong lịch sử quy định. Cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội, vấn đề đồng thuận ngày càng trở thành nhu cầu phổ biến, trên phạm vi rộng lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội.
Trước hết có thể thấy rằng, khái niệm đồng thuận xã hội được phát triển từ khái niệm đồng thuận, với nghĩa là sự đồng ý với nhau giữa ít nhất hai người về một hoặc một số vấn đề nào đó, trên cơ sở đó đi đến thống nhất về hành động. Sự thống nhất giữa tư tưởng, ý chí và hành động của những lực lượng xã hội trong một hệ thống xã hội nhất định được xem là đồng thuận xã hội. Nói cách khác, đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí với nhau của đại đa số thành viên trong xã hội về một hoặc một số vấn đề nào đó, trên cơ sở đó, các thành viên này gắn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động của mình nhằm đạt đến mục đích chung. Đồng thuận xã hội có nội dung đa dạng, phong phú, phức tạp trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, văn hóa, tâm lý, nhận thức, tín ngưỡng, tôn giáo; có nhiều phạm vi khác nhau và các mối quan hệ xã hội khác nhau, như trong nội bộ cộng đồng dân cư, tầng lớp, giai cấp, dân tộc, nhân loại hoặc quan hệ giữa các lực lượng xã hội ấy với nhau. Đồng thuận xã hội là điều kiện khách quan cho sự tồn tại, ổn định và phát triển bền vững của mỗi hệ thống xã hội; đồng thời là phương thức tập hợp lực lượng hữu hiệu nhất trong đời sống chính trị - xã hội của xã hội hiện đại. Trong lịch sử phát triển của xã hội nói chung, mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng, đồng thuận xã hội có những biểu hiện đa dạng, diễn biến thăng trầm khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm thời đại, tương quan lực lượng giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử - cụ thể nào, đồng thuận xã hội đều được thiết lập và củng cố trên các cơ sở chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, sự thống nhất về lợi ích chung giữa các thành viên xã hội, trong đó quan trọng nhất là về lợi ích kinh tế, chính trị và văn hóa. Trong đời sống xã hội có nhiều loại lợi ích khác nhau tùy thuộc cách tiếp cận, chẳng hạn lợi ích chung, lợi ích riêng, lợi ích cơ bản, lợi ích cá nhân, lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích văn hóa, lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài v.v.. Thực tiễn và lý luận đều cho thấy rằng, lợi ích là cơ sở để kết nối các thành viên của một cộng đồng xã hội nhất định; sự đồng thuận và tính chất bền vững của một cộng đồng xã hội phụ thuộc vào khả năng giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa các thành viên của nó; vì lợi ích mà con người cùng nhau thỏa thuận để đi đến sự đồng thuận. Như vậy, cơ sở của đồng thuận xã hội là đồng thuận về lợi ích giữa các thành viên xã hội và bản chất của đồng thuận xã hội chính là sự đồng thuận về lợi ích. Phương thức để tạo ra đồng thuận xã hội là tìm kiếm sự đồng thuận về lợi ích chung trên phạm vi xã hội giữa các khuynh hướng, lực lượng xã hội khác nhau. Lợi ích chung này không phải là một đại lượng bất biến, mà tùy thuộc điều kiện lịch sử cụ thể, nội dung của nó có sự khác nhau.
Trong xã hội, giữa các thành viên xã hội luôn tồn tại sự khác nhau về nhận thức, địa vị xã hội, quan điểm, tư tưởng, tín ngưỡng, lập trường giai cấp... nên trên thực tế không thể tạo ra được một sự đồng thuận tuyệt đối và càng không thể áp đặt một cách máy móc những giá trị, lợi ích chung của nhóm xã hội này cho nhóm khác. Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để các thành viên xã hội tự ý thức được giới hạn các lợi ích của mình trong quan hệ với lợi ích chung, từ đó đi đến thống nhất giới hạn của lợi ích chung để tạo ra được sự đồng thuận xã hội; trái lại, nếu lợi ích giữa các chủ thể xã hội mâu thuẫn gay gắt với nhau thì sẽ làm nảy sinh xung đột xã hội.
Thứ hai, sự tự nguyện nhất trí, tự giác gắn kết giữa các thành viên xã hội. Đồng thuận xã hội phải là kết quả của các cuộc thảo luận, đàm phán, thương thảo, thỏa thuận một cách khách quan, toàn diện trên quy mô xã hội. Xã hội càng tự do, dân chủ thì việc thảo luận càng diễn ra công khai, rộng rãi và do đó càng đạt được sự đồng thuận cao. Như vậy, giữa đồng thuận xã hội và dân chủ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Xây dựng sự đồng thuận xã hội cũng chính là tiến tới xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ; ngược lại, dân chủ càng được bảo đảm, các nguyên tắc của dân chủ càng được coi trọng thì càng đạt được sự đồng thuận xã hội ở mức cao. Nói cách khác, mức độ đồng thuận xã hội tỷ lệ thuận với chất lượng của đời sống dân chủ trong xã hội. Ngược lại, mọi sự cưỡng bức, áp đặt, vi phạm dân chủ cùng lắm cũng chỉ tạo ra được sự nhất trí tạm thời nào đó chứ không thể tạo ra sự đồng thuận đích thực, thậm chí còn tiềm ẩn khả năng dẫn đến xung đột xã hội.
Thứ ba, tôn trọng và thừa nhận những sự khác biệt không "đi ngược" mục tiêu chung, lợi ích chung của các thành viên xã hội. Chúng ta biết rằng, xã hội là một tập hợp những người không đồng nhất với nhau về lợi ích, nhu cầu, năng lực, quan điểm, tư tưởng... Những khác biệt này được xem là những "cái đơn nhất" của mỗi "cái riêng" trong mối liên hệ với "cái chung". Chính những sự khác biệt trong đồng thuận xã hội đã tạo nên tính đa dạng, phong phú, phức tạp trong đời sống xã hội. Bên cạnh sự khác biệt, đồng thuận xã hội cũng hàm chứa cả những đối lập trong chừng mực nhất định giữa các khuynh hướng, lực lượng xã hội. Đây là những nhân tố cần thiết trong quá trình vận động, phát triển xã hội. Sự đối lập này là có tính biện chứng chứ không phải siêu hình, hay có tính chất tiêu cực, đối kháng, phá hoại, gây bất ổn xã hội. Thực tế cho thấy, trong không ít trường hợp, những quan điểm khác biệt hoặc đối lập đã trở thành một kênh "phản biện xã hội" tích cực để qua đó các chủ thể lãnh đạo, quản lý đất nước điều chỉnh, hoàn thiện chủ trương, chính sách nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội trong việc thực thi những chủ trương, chính sách ấy một cách hiệu quả. Vì vậy, phản biện xã hội như một phương thức quan trọng để đạt đồng thuận xã hội. Bởi vì, không có phản biện xã hội thì sẽ không có dân chủ, không có dân chủ thực sự thì không thể có đồng thuận, đại đoàn kết dân tộc.
Đồng thuận xã hội còn bao hàm cả sự đấu tranh giữa các mặt đối lập diễn ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phép biện chứng duy vật mác-xít đã chỉ rõ, sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan vận động, phát triển luôn gắn liền với sự vận động, phát triển và giải quyết các mâu thuẫn. Xây dựng và tăng cường đồng thuận xã hội cũng chính là quá trình không ngừng phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn xã hội. Dựa trên cơ sở những điểm tương đồng, sự đấu tranh giải quyết mâu thuẫn nhằm đạt được sự thống nhất. Như vậy, đồng thuận xã hội chính là mục đích của việc giải quyết mâu thuẫn biện chứng giữa những mặt đối lập để khắc phục những bất đồng về tư tưởng, quan điểm, lợi ích và hành động giữa các lực lượng xã hội nhằm đi đến sự thống nhất chung. Các mâu thuẫn ở đây được giải quyết bằng phương thức "kết hợp các mặt đối lập" nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, thống nhất và đồng thuận giữa các lực lượng xã hội, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Về nguyên tắc, đồng thuận xã hội là yếu tố thuộc bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), là mục tiêu phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã chủ động tích lũy kinh nghiệm, lắng nghe các quan điểm, tư tưởng chính diện, phản diện trong các lực lượng cách mạng của quần chúng. Trên cơ sở đó, phân tích kỹ lưỡng, đề ra các giải pháp nhằm dần dần xóa bỏ những khác biệt, bất đồng, đối lập, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết gắn bó các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng cùng nhau thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng chữ "đồng", với nội dung hết sức phong phú, sinh động và biện chứng, như đồng tâm, đồng lòng, đồng mục tiêu, đồng lý tưởng, đồng lợi ích v.v.. Người viết: "Dân ta xin nhớ chữ đồng: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh"; "Biết đồng sức, Biết đồng lòng. Việc gì khó làm cũng xong"(1). Người cũng chỉ rõ: "Sử ta dạy ta bài học này: Lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn"(2). Từ đó, với nguyên tắc: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, Người chủ trương: đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài với tất cả những ai có thể đoàn kết được vì mục tiêu chung. Nhờ vậy, đã quy tụ được mọi thành phần xã hội thuộc các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người bóc lột và bị bóc lột, những người trước đây từng là kẻ thù của nhân dân nhưng nay đã thực sự ăn năn, hối cải... dưới ngọn cờ cách mạng, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng nhau tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Người chủ trương: Mặt trận sẵn sàng đoàn kết tất cả những người yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo...(3); không phân biệt họ thuộc đảng phái nào... và quá khứ của họ đã hợp tác với phe nào; Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ(4). Tư tưởng ấy xuất phát từ tinh thần biện chứng và nhân văn sâu sắc trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đã tạo ra sự đồng thuận xã hội rộng lớn, có đủ sức mạnh trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn xã hội. Ưu thế của Đảng ta trong việc tạo ra sự đồng thuận xã hội là chúng ta chỉ có duy nhất một đảng, đồng thời là đảng cầm quyền; chúng ta có lực lượng quần chúng nhân dân gắn bó máu thịt với Đảng qua các cuộc chiến tranh vệ quốc; nhân dân ta có truyền thống đoàn kết gắn bó với nhau. Đồng thuận xã hội tạo điều kiện quy tụ được lực lượng của toàn dân, để xây dựng cơ sở xã hội - chính trị vững chắc của Đảng. Mục tiêu và quan điểm cơ bản của Đảng ta là tăng cường đồng thuận xã hội, khắc phục những khác biệt, bất đồng để đi đến thống nhất tư tưởng và hành động, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp để đưa công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN đi đến thắng lợi, đồng thời chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả và đánh bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Với ý nghĩa đó, đồng thuận xã hội không phải là sách lược mà là một chiến lược của Đảng.
Đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay phản ánh yêu cầu khách quan của việc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thể hiện nguyện vọng chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đồng thuận xã hội được thực hiện trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam, bao gồm đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài. Việc kết hợp này được thực hiện trên cơ sở mục tiêu lợi ích chung là giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; trên nguyên tắc lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và xã hội gắn chặt và thống nhất với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp; coi trọng lợi ích cá nhân nhưng không tuyệt đối hóa, không chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ dẫn đến mâu thuẫn gay gắt, làm tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc; kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài, lợi ích địa phương và lợi ích cả nước. Đảng ta chủ trương: "Đại đoàn kết toàn dân tộc cần lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, giữ gìn sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội vì tương lai tươi sáng của dân tộc"(5). Đồng thời Đảng cũng khẳng định: "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội"(6).
Đồng thuận xã hội là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do đó, xây dựng đồng thuận xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và là trách nhiệm của mỗi công dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để đạt được đồng thuận xã hội, theo chúng tôi, cần phải:
Một là, tạo ra cơ chế để mọi người đồng thuận với nhau và đồng thuận với sự hướng dẫn chính trị của Đảng và Nhà nước trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn phát triển của đất nước; tạo điều kiện để mỗi người đều thấy mình được tự do, được tôn trọng, có quyền bình đẳng như tất cả mọi người khác; hình thành và mở rộng các diễn đàn để thông qua đó mọi người có điều kiện cùng trao đổi, thương lượng, đàm phán, thỏa thuận để đi đến thống nhất về tư tưởng và hành động với nhau.
Hai là, xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp, các khuynh hướng, lực lượng xã hội trong quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Ba là, kiên trì quan điểm lấy dân làm gốc, lấy lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân làm điểm xuất phát và cơ sở của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này đòi hỏi các chủ thể lãnh đạo đất nước phải biết lắng nghe một cách nghiêm túc, chân thành những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân và quần chúng nhân dân cũng phải hiểu biết những người cầm quyền của mình.
Bốn là, mở rộng và thực thi có hiệu quả dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Qua đó nhằm động viên, phát huy tính chủ động, sáng tạo, sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố mối quan hệ đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả nạn quan liêu, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo ra sự đồng thuận cao trong đời sống xã hội.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội tự nguyện thống nhất với nhau về các vấn đề cơ bản, vì mục tiêu và lợi ích chung của đất nước; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kết hợp với phát huy truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của dântộc.
Sáu là, có thái độ khách quan, khoa học trong việc nhận thức, phân tích và xử lý những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, sai trái trong nhân dân; tích cực, chủ động trong việc giải quyết các mâu thuẫn nội bộ nhân dân nhằm tăng cường đồng thuận xã hội. Việc giải quyết mâu thuẫn được thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng trong quần chúng kết hợp với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực tế cho thấy, đồng thuận xã hội khó có thể được xây dựng và tồn tại bền vững trên nền tảng của sự yếu kém kéo dài về mọi mặt trong xã hội, nhất là về kinh tế. Nếu tình trạng trì trệ, yếu kém toàn diện kéo dài, nhất là về kinh tế, thì sớm muộn sẽ dẫn đến những biến cố gây bất ổn và rối loạn xã hội. Sự tan rã của hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã cho ta thấy điều này.
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 3, tr 229, 232, 217
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 66 - 67
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 7, tr 438
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc, Hà Nội, 2006, tr 41
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 86
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hội kiến Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào  (31/03/2010)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Tanzania phát triển nông nghiệp  (31/03/2010)
Ðẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước  (31/03/2010)
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16  (30/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên