Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 15-6-2009 đến 21-6-2009)
1. Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải
Ngày 15-6-2009, tại E-ca-tê-rin-bua (Nga), khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 9 Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Tham dự phiên họp toàn thể, có các nhà lãnh đạo sáu nước thành viên SCO, cùng các nước quan sát viên, trong đó có Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan và Mông Cổ. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo SCO điểm lại những hoạt động trong một năm qua kể từ Hội nghị cấp cao SCO tại Ðu-san-be năm 2008, xác định hướng ưu tiên trong việc phối hợp hoạt động nhằm đem lại cho SCO một chất lượng mới và những động lực mới. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo SCO cũng tập trung thảo luận việc mở rộng các mối liên kết quốc tế, các vấn đề chính trị và kinh tế ở khu vực và trên thế giới, trong đó có việc tăng cường hợp tác nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết thúc hôm 16-6, lãnh đạo các nước thành viên SCO ký Tuyên bố chung E-ca-tê-rin-bua, văn kiện chính trị cơ bản của hội nghị.
2. Biểu tình biến thành bạo lực ở I-ran
Ngày 15-6-2009, làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống mới đây ở I-ran nổ ra tại Thủ đô Tê-hê-ran trong ba ngày qua đã biến thành bạo lực. Ngày 15-6, hàng trăm nghìn người thuộc lực lượng ủng hộ ứng cử viên Tổng thống thất cử H. Mô-xa-vi xuống đường biểu tình trên các đường phố ở thủ đô. Trước tình hình bất ổn tại I-ran, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun nói rằng, ý nguyện "thật sự" của người dân I-ran, như thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vừa qua ở nước này, cần được "tôn trọng đầy đủ" và cho biết, ông sẽ theo dõi sát diễn biến cuộc điều tra liên quan những cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử này. Ngày 19-6-2009, Ðại giáo chủ A.Kha-mê-nây lên tiếng khẳng định không có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống tổ chức ngày 12-6 vừa qua ở nước này, đồng thời kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình rầm rộ trong nhiều ngày qua của lực lượng ủng hộ ứng cử viên thất cử H.Mô-xa-ri. Ông Kha-mê-nây tuyên bố ủng hộ Tổng thống M.A-ma-ni-đê-dat vừa tái đắc cử và cho rằng kết quả kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống là chính xác.
3. Hội nghị cấp cao của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về khủng hoảng việc làm toàn cầu
Từ ngày 15 đến ngày 18-6, tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ), các chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cùng đại diện một số nước trên thế giới tập trung thảo luận về những biện pháp cấp bách để có thể tạo thêm việc làm cho người lao động. Các nhà chức trách của ILO đồng thời kêu gọi chính phủ các nước hãy tích cực hơn trong việc đề ra những giải pháp hữu hiệu và mang tính lâu dài. Tổng Giám đốc ILO Somavia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính phủ các nước cần chủ động trong tạo việc làm cho người dân, chứ không thể chờ đợi cho đến khi việc làm trở lại sau khi nền kinh tế thế giới phục hồi. Thống kê của các chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế công bố cho thấy, số người thất nghiệp trên thế giới sẽ vẫn tăng lên trong năm nay do tác động của khủng hoảng kinh tế, với khoảng từ 210 triệu đến 239 triệu người, nâng tỷ lệ người không có việc làm tại các nước lên thành khoảng 7,4%.
4. Hội nghị Nhóm bốn nền kinh tế đang nổi lên BRIC
Ngày 16-6-2009, Hội nghị Nhóm các nền kinh tế đang nổi lên BRIC gồm các nước Bra-xin, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc chính thức khai mạc ở Ê-ca-tê-ren-bua (Nga). Hội nghị cấp cao lần đầu của Nhóm BRIC cũng là Hội nghị thành lập Nhóm, với sự tham gia của nguyên thủ bốn quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh trên thế giới, được dư luận rất quan tâm. Là cuộc họp thành lập khối, nhưng tại hội nghị cấp cao lần đầu này, lãnh đạo BRIC cũng tập trung thảo luận tình hình kinh tế thế giới hiện nay, hệ thống tài chính thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hợp tác năng lượng và bảo vệ môi trường. Nguyên thủ bốn nước cũng xem xét việc thực hiện những thỏa thuận của Hội nghị cấp cao G20, trong đó có sự tham gia của bốn nước BRIC, diễn ra đầu tháng 4 vừa qua tại Luân Ðôn (Anh). Nga, Trung Quốc, Bra-xin và Ấn Ðộ là những nền kinh tế đang phát triển mạnh, liên tục có mức tăng trưởng cao, có vị trí quan trọng trong thương mại thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, BRIC được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc bình ổn nền kinh tế thế giới, là một tổ chức có ảnh hưởng đối với cục diện chính trị và kinh tế thế giới, tiếp sau Nhóm G8 và Nhóm G20.
5. IAEA kêu gọi CHDCND Triều Tiên tiếp tục cho phép các thanh sát viên quốc tế đến và thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở hạt nhân của nước này
Ngày 18-6-2009, Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) lên tiếng kêu gọi CHDCND Triều Tiên tiếp tục cho phép các thanh sát viên quốc tế đến và thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở hạt nhân của nước này vốn đã bị đình trệ kể từ tháng 4-2009. Trong bản tuyên bố chung được công bố vào cuối phiên họp, các nhà lãnh đạo đã lên tiếng kêu gọi CHDCND Triều Tiên cần ngay lập tức ngừng phát triển hạt nhân và cho phép các thanh sát viên của IAEA quay trở lại nước này. Trong một diễn biến khác có liên quan, trong buổi gặp gỡ ngày 17-6-2009, tại Mat-xcơ-va, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc lên tiếng kêu gọi CHDCND Triều Tiên quay trở lại các vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của mình. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, để thúc đẩy hòa bình và an ninh tại khu vực Đông Bắc Á, tất cả các bên có liên quan cần nỗ lực hết mình nhằm nối lại các vòng đàm phán.
6. Tổng thống Mỹ đề xuất kế hoạch cải tổ hệ thống quản lý tài chính
Ngày 17-6-2009, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đề xuất một kế hoạch cải tổ hệ thống quản lý tài chính mà ông cho là "sâu rộng nhất" kể từ cuộc Ðại suy thoái trong thập niên 30 của thế kỷ trước với mục đích ngăn chặn những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Theo đề xuất này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có nhiều quyền hạn hơn nhằm giám sát các ngân hàng lớn cũng như các định chế tài chính được cho là sẽ làm tổn hại nền kinh tế Mỹ nếu bị sụp đổ. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng nhằm quản lý các sản phẩm tài chính, như vay tiền mua nhà trả góp hoặc thẻ tín dụng. Trong khi đó, nhiều nhóm doanh nghiệp lại lo ngại những cải cách này sẽ bóp nghẹt thị trường và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Những đề xuất cải cách sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi có hiệu lực và tiến trình này dự kiến sẽ phải kéo dài trong sáu tháng tới.
7. Hội nghị thượng đỉnh EU nhất trí về đề xuất thiết lập hệ thống giám sát tài chính liên châu Âu
Ngày 19-6-2009, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh 2 ngày tại Brúc-xen, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được nhất trí về đề xuất thiết lập hệ thống giám sát tài chính liên châu Âu mới nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Hô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso), quyết định trên xuất phát từ nhận thức chung rằng, châu Âu cần có cách tiếp cận mới thực tế trong vấn đề giám sát tài chính, nhấn mạnh một hệ thống giám sát tài chính mới và rộng lớn của châu Âu sẽ không làm mất đi vai trò của các thể chế giám sát tài chính quốc gia, ngược lại sẽ càng nâng cao vai trò của các cơ quan này trong khuôn khổ châu Âu. Theo kế hoạch mới, sẽ có 4 cơ quan giám sát tài chính mới của châu Âu được thiết lập (dự kiến vào cuối năm 2010) nhằm củng cố các hoạt động giám sát tài chính của châu Âu ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô. Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí ủng hộ ông Ba-rô-xô ứng cử chức Chủ tịch EC nhiệm kỳ thứ hai, đồng thời khẳng định các cam kết pháp lý mở đường cho Ai-len tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về Hiệp ước Li-xbon.
8. Hội nghị Bộ trưởng của các nước thuộc Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS)
Ngày 19-6-2009, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ trưởng của các nước thuộc Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) gặp nhau tại Cha-am (Thái Lan), để xem xét những nỗ lực đang được thực hiện nhằm thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa 6 quốc gia trong tiểu vùng. Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê-kông thảo luận về cách thức thúc đẩy các chương trình hợp tác về giao thông, thương mại, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, du lịch và môi trường trong bối cảnh tình hình kinh tế trên khắp thế giới đang ảm đạm hiện nay. Trong tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị, các Bộ trưởng các nước Cam-pu-chia, Trung Quốc, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam đã ghi nhận rằng, mặc cho tình hình bất ổn kinh tế hiện tại, sáu nước đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong một loạt các sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của tiểu vùng. Các Bộ trưởng GMS cho biết, trong vòng 3 năm tới, các nước sẽ hướng đến mục tiêu thực hiện hiệp định vận tải qua biên giới GMS và các sáng kiến thương mại và vận tải khác để biến các hành lang giao thông thành những khu vực kinh tế hoàn chỉnh, đồng thời hướng tới những cải thiện về môi trường.
9. Một tỉ người trên thế giới đang bị đói
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: CPI tháng 6-2009 tăng dưới 1%  (22/06/2009)
Ông Lâm Hoàng Sa giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang  (22/06/2009)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay