Tham quan mô hình trình diễn kỹ thuật giống lúa mới  Ảnh: TTXVN

TCCS - Kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi mới mạnh mẽ lên sản xuất hàng hóa, hướng tới xuất khẩu và đã thu được những thành công lớn, thể hiện ở sự tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và sự đa dạng hóa kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề của sản xuất nông nghiệp(1), nông dân(2) và nông thôn cần phải tiếp tục giải quyết.

1 - Về sản xuất nông, lâm, thủy sản

Thứ nhất, vẫn chưa thống nhất trong việc xác định vị trí, vai trò của ngành nông, lâm thủy sản trong tổng thể nền kinh tế hiện nay. Do đó dẫn đến nhiều bất cập trong hoạch định và thực thi các chính sách phát triển nông, lâm, thủy sản thời gian vừa qua.

Thứ hai, quy hoạch phân bổ tài nguyên (đất đai, nguồn nước...) phục vụ phát triển nông nghiệp chưa hợp lý, chưa hướng tới việc cải thiện năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Điều này thể hiện ở sự mâu thuẫn, bất cập về quản lý nhà nước trong phân bổ, quản lý việc sử dụng đất vào phát triển các ngành sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo điều kiện tự nhiên, sinh thái và nhu cầu thị trường dẫn đến tình trạng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản bị phá vỡ triền miên nhưng không được xử lý kịp thời và triệt để, tạo ra sự hỗn loạn trong sản xuất, hao phí vốn đầu tư của người nông dân, gây ra khó khăn cho đời sống của họ.

Thứ ba, đầu tư xã hội và đầu tư của Nhà nước vào nông, lâm, thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Cụ thể, tỷ trọng vốn đầu tư xã hội vào nông, lâm, thủy sản mấy năm gần đây đã giảm nhanh về tỷ trọng so với tổng đầu tư. Đây chính là nguyên nhân rất cơ bản làm cho tình trạng kết cấu hạ tầng của sản xuất nông, lâm, thủy sản rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản hiện nay.

Thứ tư, chính sách bảo hộ và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đang phải điều chỉnh theo lộ trình cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, làm gia tăng khó khăn đối với nhiều ngành sản xuất, làm cho chi phí sản xuất tăng lên và không cạnh tranh được với hàng hóa nông sản của các nước có điều kiện sản xuất tốt hơn.

Thứ năm, tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn còn rất phân tán. Các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu vẫn do những hộ nông dân đảm nhận (9.776.090 hộ, chiếm tỷ trọng 71,0 % số hộ ở nông thôn), nhưng nhỏ bé về quy mô đất đai (bình quân đất nông nghiệp trên một hộ chỉ đạt 0,63 ha, gồm cả diện tích cây hằng năm và cây lâu năm), thiếu kiến thức kinh doanh nông nghiệp (97,6% số lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo chuyên môn về lĩnh vực hoạt động)... Điều này đang đặt ra vấn đề về phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác tập thể với quy mô thích hợp, gắn với chế biến, tiêu thụ để sản xuất phát triển được bền vững.

Thứ sáu, thiên tai, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi gia tăng cùng với quá trình tăng quy mô sản xuất tạo ra nhiều rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp.

2 - Vấn đề đặt ra cho người nông dân

Người nông dân Việt Nam hiện nay đứng trước không ít vấn đề, bao gồm cả về kinh tế và xã hội. Cụ thể:

Những vấn đề về kinh tế.

- Quy mô đất đai, mặt nước sản xuất của hộ nông dân quá nhỏ bé, hạn chế khả năng gia tăng sản lượng sản phẩm hàng hóa, năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất.

- Tỷ lệ hộ thuần nông còn rất cao. Nhóm hộ có năng lực tổ chức sản xuất hàng hóa lớn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

- Đa số hộ nông dân thiếu vốn dài hạn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hoặc chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, hay sang nghề mới. Song vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại chủ yếu mới đến được các hộ trung bình và có kinh tế khá giả; mức được vay thường thấp hơn so với nhu cầu cần vay để đầu tư và thời hạn vay ngắn hạn. Nhiều hộ nông dân không đủ điều kiện và tài sản thế chấp để vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Thời gian xét duyệt để được vay vừa lâu, vừa rườm rà làm mất đi cơ hội kinh doanh của nông dân.

- Hộ nông dân cũng chưa nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế có quan hệ với hộ.

- Nông dân còn gặp khó khăn trong tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và phương pháp sản xuất mới.

Những vấn đề xã hội.

- Một bộ phận hộ nông dân đang còn rất nghèo, không có tích lũy. Hơn 90% số hộ nghèo của cả nước hiện đang sống ở các vùng nông thôn khó khăn, thiếu cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh và thị trường, trong đó rất nhiều đối tượng là những hộ nông dân rất nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa, là những hộ dân tộc thiểu số thiếu kiến thức sản xuất hàng hóa.

- Nông dân thiếu việc làm, thu nhập thấp. Tỷ lệ thời gian sử dụng lao động của nông dân hiện nay mới đạt 65% so với số ngày cần làm việc trong năm của một lao động. Nông dân không có việc làm ổn định và thu nhập thấp. Vì thế tình trạng di chuyển ra thành thị kiếm việc làm, nhưng không có tổ chức, hướng dẫn, thiếu các điều kiện an sinh xã hội, gặp nhiều rủi ro khá phổ biến.

- Một bộ phận nông dân trẻ không thiết tha với sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nhưng không được đào tạo nghề chuyên môn để chuyển sang các lĩnh vực kinh tế khác.

- Chất lượng lao động nông thôn thấp. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo chỉ đạt 11%. Hệ thống đào tạo nghề ở các tuyến huyện còn nhiều yếu kém, không đủ khả năng đào tạo nghề mới cho nông dân theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Người nông dân lại chưa quen với tác phong sản xuất công nghiệp, đòi hỏi kỷ luật lao động cao, hiểu biết về sản xuất hàng hóa kém.

- Nông dân phải đóng góp xã hội cao, nên tiếp cận dịch vụ công rất khó khăn. Theo những đánh giá gần đây, bình quân một hộ nông thôn đang phải đóng góp 28 khoản khác nhau theo quy định của chính quyền xã, các đoàn thể xã hội, với giá trị từ 250 - 800 ngàn đồng/năm, chưa kể các khoản phí và lệ phí theo quy định của pháp lệnh về phí, lệ phí của Nhà nước. Đối với các hộ nghèo thì đây là gánh nặng và làm cho họ càng không đủ tiền để trang trải những chi phí dịch vụ xã hội cơ bản, buộc phải từ bỏ hưởng lợi những dịch vụ này.

3 - Những vấn đề đặt ra ở nông thôn

Nông thôn hiện nay còn tồn tại một số hạn chế, bất cập sau:

- Quy hoạch phát triển nông thôn chưa toàn diện, chưa chi tiết, thiếu minh bạch và không mang tính hiệu lực thực thi.

- Nông thôn đang thiếu sự đồng bộ về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội và môi trường để phát triển hài hòa, bền vững.

- Quản lý nhà nước đối với nông thôn hiện nay còn nhiều vấn đề. Đó là, phân định chức năng, trách nhiệm không rõ ràng giữa cơ quan chính quyền và sự thiếu điều kiện, chế tài để triển khai. Chưa có tiêu chí để đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tình trạng quan liêu, hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước ở nông thôn của các cấp còn nặng nề.

- Các hoạt động văn hóa, tinh thần ở nông thôn còn nghèo nàn, chưa định hướng được người dân vào xây dựng đời sống nông thôn truyền thống, văn minh, tiến bộ.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên nông thôn đang ảnh hưởng tới sự phát triển nông thôn bền vững.

- Kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu và yếu. Môi trường kinh doanh nông thôn chưa đủ thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

- Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức đang làm ở nông thôn chưa thỏa đáng, thể hiện ở chính sách phụ cấp tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách thu hút nhân lực có trình độ kỹ thuật, những người đã qua đào tạo về công tác tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập.

4 - Một số giải pháp chủ yếu

Đối với sản xuất nông, lâm, thủy sản: Cần xác định rõ quy hoạch dài hạn về phát triển các ngành sản phẩm nông, lâm, thủy sản thích ứng với thị trường để tạo ra các vùng sản xuất ổn định; ứng dụng công nghệ canh tác mới và công nghệ sau thu hoạch có hiệu quả cao. Tổ chức lại màng lưới thu gom nông sản hàng hoá theo nguyên tắc liên kết. Tập trung nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Các ngành chăn nuôi cần điều chỉnh theo hướng phương thức chăn nuôi từ phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nuôi thả tự nhiên không kiểm soát dịch bệnh sang phương thức chăn nuôi trang trại theo quy hoạch, có sử dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và xử lý chất thải đồng bộ. Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ổn định diện tích cây trồng và quy mô vật nuôi theo quy hoạch đã phê duyệt.

Đối với ngành nghề phi nông nghiệp trong nông thôn: Thúc đẩy phát triển ngành nghề phi nông nghiệp dưới hai hình thức cơ bản là: Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với sử dụng nguồn lao động trong nông thôn và phát triển các làng nghề truyền thống, làng nghề mới.

Đối với hộ nông dân: Cần nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho nông dân. Thực hiện “khoan sức nông dân” bằng tiếp tục chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế doanh thu đối với các hộ sản xuất, thuế VAT và thuế thu nhập cho các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản và thủy sản. Bổ sung các chính sách hỗ trợ nông dân. Tăng cường đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của sản xuất nông nghiệp.

Đối với những vấn đề xã hội của nông dân: Chú trọng đầu tư nhiều hơn vào các trường, trung tâm dạy nghề cho nông dân. Nghiên cứu hình thành và triển khai chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và các điều kiện an sinh xã hội bền vững đối với các hộ nông dân bị thu hồi đất để bảo đảm không tạo ra những vấn đề xã hội mới. Tiếp tục triển khai các dự án xóa đói, giảm nghèo bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo từng đối tượng người nghèo ở các vùng nông thôn sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc(3).

Đối với vấn đề phát triển nông thôn. Để phát triển nông thôn, về kinh tế, cần phát triển các ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hợp lý theo lợi thế và vị trí địa lý của từng vùng nông thôn. Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn tạo thêm nhiều việc làm mới và quan tâm đến các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhằm tạo ra mô hình nông thôn mới văn minh với cơ cấu kinh tế phù hợp với cơ cấu lao động, xã hội nông thôn, đồng thời tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân cư nông thôn một cách ổn định.

Cần chú trọng tới giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn. Muốn vậy, phải tổ chức lại quá trình sản xuất nông nghiệp với sự chuẩn bị tốt các biện pháp hữu hiệu hạn chế sự phát sinh và lây lan sâu bệnh. Hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng có hàm lượng độc tố cao,... Khuyến khích hộ nông dân, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học. Đối với các khu vực nông thôn có ngành nghề phi nông nghiệp, các làng nghề, cụm công nghiệp thì cần phải tách bạch các làng nghề và cụm công nghiệp này với khu dân cư sinh sống./.

---------------------------

(1) Nông nghiệp theo nghĩa rộng, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản

(2) Nông dân bao gồm những người làm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và làm muối

(3) Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chương trình xóa đói, giảm nghèo cho 61 huyện nghèo nhất nước (tổng số toàn Việt Nam có 538 huyện)