BRIC và tác động đối với thế giới
TCCSĐT - Trong 2 ngày 16-6 và 17-6-2009, Summit đầu tiên của nhóm các nước BRIC, gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, vừa được tổ chức thành công ở thành phố Ê-ca-tê-ren-bua (Nga), đánh dấu sự ra mắt chính thức của nhóm BRIC trên trường quốc tế. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép gọi đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Ngay từ khi BRIC mới ra đời, nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế đã dự đóan rằng, tổ chức này tiềm ẩn những ảnh hưởng rất lớn tới thế giới.
BRIC đang ở đâu trong thế giới hôm nay?
Xét về quy mô, khó có thể nói là BRIC nhỏ bởi nhóm 4 nước này chiếm 25,9 bề mặt Trái Đất, 40% dân số thế giới (2,7 tỉ người), sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, tiềm lực công nghiệp hùng hậu, có các nền văn hoá đa dạng phong phú và giàu bản sắc, là những quốc gia đứng đầu khu vực.
Xét về tiềm năng phát triển, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới cuối năm 2008, các quốc gia trong BRIC có mức tăng trưởng trung bình 7-10% hàng năm và được xếp vào nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện nay, GDP của BRIC chiếm tới 15% tổng GDP và gần 25% sức mua của toàn thế giới. Nguồn dự trữ ngoại tệ quy ra vàng của BRIC chiếm 40% dự trữ ngoại tệ của toàn thế thế giới, trong đó Trung Quốc đứng vị trí số 1, Nga đứng vị trí số 3. Tổng khối lượng thương mại hai chiều của cả bốn nước BRIC trong năm 2008 là 260 tỉ USD.
Xét về trình độ phát triển, so với Mỹ và EU, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng công nghệ của BRIC còn hạn chế, và cũng đang đứng trước nhiều thách thức của nhu cầu hiện đại hoá. Tổng khối lượng thương mại giữa các nước BRIC thấp hơn quan hệ thương mại giữa họ với các nước phương Tây.
Tuy nhiên, dự báo về tương lai có vẻ ủng hộ các nước BRIC. Trong báo cáo gần đây mang tựa đề “Xu hướng toàn cầu hướng tới năm 2025 - thế giới sẽ đổi thay” của Hội đồng tình báo Mỹ, có đưa ra nhận định: thế giới sẽ hướng tới trật tự đa cực, trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng với Mỹ hình thành ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, còn Nga và Bra-xin sẽ mạnh lên trông thấy nếu họ đứng vững được trên con đường hiện đại hoá. Đến năm 2040, tổng GDP của BRIC sẽ lớn hơn của nhóm các nước G-7.
BRIC với những khác biệt và tương đồng
Các thành viên của BRIC có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt, và điều đó đã tạo nên tính đặc thù khá thú vị của nhóm nước này.
Nói về sự tương đồng, thứ nhất, cả bốn nước đều chủ trương tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cũng không can thiệp vào công việc của các nước khác. Họ tiếp nhận các đối tác như nó vốn có.
Thứ hai, cả bốn cường quốc này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa bao giờ gia nhập hoặc hoàn toàn gia nhập các tổ chức của các nước phương Tây bởi không muốn chịu vị thế là “vai phụ” trong các tổ chức đó.
Thứ ba, các thành viên của BRIC đều chủ trương dân chủ hoá các quan hệ quốc tế, chống bá quyền và phản đối chính sách sử dụng sức mạnh, chủ trương xây dựng một trật tự thế giới đa dạng, xây dựng nền an ninh toàn cầu và an ninh khu vực, trong đó các quốc gia phải tính đến lợi ích của nhau và tuân thủ nguyên tắc an ninh công bằng đối với mọi quốc gia. Họ cho rằng, các cuộc tranh chấp quốc tế cần được giải quyết thông qua đối thoại, dựa trên cơ sở nguyên tắc tin cậy lẫn nhau, phát huy lợi thế của nhau và hợp tác. Họ có cùng chung quan điểm về các nguyên tắc giải quyết tình hình ở Trung Đông, ở I-rắc, ở Ap-ga-ni-xtan, về việc hoá giải chương trình hạt nhân của I-ran. Nguyên tắc có giá trị nhất của BRIC là tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền bình đẳng và chủ quyền của các quốc gia.
Thứ tư, cả bốn nước BRIC đều có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của khu vực, là trung tâm liên kết khu vực và có đóng góp quan trọng trong việc bình ổn tình hình kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay.
Các nước BRIC ngày càng thống nhất nhận thức cho rằng, họ sẽ cùng phối hợp nỗ lực để xây dựng một cấu trúc kinh tế và chính trị thế giới mới thay thế cấu trúc hiện tại đang ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hạn chế. Với cách nhìn nhận đó, BRIC đang hành động hướng tới một trật tự thế giới đa cực thực sự.
Còn những điểm khác biệt, đó là, các thành viên của BRIC có các thế chế chính trị, kinh tế khác nhau, vậy nên, cần phải mất nhiều thời gian để thống nhất với nhau cách tiếp cận đối với nhiều vấn đề của thế giới.
Hai là, các nước BRIC chịu thiệt hại ở những mức độ khác nhau do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và vượt qua khủng hoảng cũng với các phương thức khác nhau, vì thế, có lẽ sẽ xảy ra nhiều sự khác biệt.
Ba là, sự khác biệt về vị trí địa lý và lịch sử buộc các nước BRIC phải có các chính sách địa - chính trị khác nhau, và do đó, các nhu cầu an ninh của mỗi thành viên cũng khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều khi những đặc điểm phát triển kinh tế riêng, thế mạnh riêng của mỗi nước thành viên có thể bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực để tạo sự phát triển cho cả khối.
Summit Ê-ca-tê-ren-bua của BRIC bàn định những gì?
Summit Ê-ca-tê-ren-bua của BRIC đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông phương Tây bởi các chủ đề thảo luận đều tập trung vào những vấn đề đang “nóng” của thế giới như: tình hình kinh tế thế giới hiện nay; hệ thống tài chính quốc tế; cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu; hợp tác năng lượng và bảo vệ môi trường. Nguyên thủ bốn nước trong BRIC còn xem xét việc thực hiện những thỏa thuận của Hội nghị cấp cao G-20, trong đó có sự tham gia của bốn nước BRIC, diễn ra đầu tháng 4-2009 tại Luân-đôn (Anh).
Vì BRIC là bốn trong số những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất trên thế giới, nên vấn đề kinh tế và tài chính là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự lần này của BRIC. Nhóm BRIC cho rằng, chế độ bảo hộ mậu dịch trong nước mà Mỹ và một số nước phương Tây đang áp dụng không phải là giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Bra-xin Rô-bec-tô Gia-goa-ri-be (Roberto Jaguaribe) nhận xét, cuộc họp cấp cao lần này của BRIC dọn đường cho sự ra đời của một cơ cấu tương tác xuyên quốc gia mới.
BRIC hướng tới tương lai nào?
Tại Summit đầu tiên vừa qua, nguyên thủ các quốc gia trong nhóm BRIC đã đạt được đồng thuận về những gì BRIC phải tránh. Cụ thể là, thứ nhất, không “nhân bản” mô hình phát triển kinh tế và chính trị sang bất kỳ quốc gia nào, và cho rằng, việc lựa chọn mô hình là chủ quyền của nhân dân ở các quốc gia đó.
Thứ hai, các nước BRIC không có tham vọng lãnh đạo thế giới, không muốn trở thành “nhạc trưởng” cầm cây gậy chỉ huy toàn thế giới, mà tìm kiếm phương thức xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế mới dựa trên các giá trị tự do, bình đẳng và công bằng.
Thứ ba, BRIC không có ý định thay thế các tổ chức quốc tế hiện hành, không có ý định thay thế G-8 hoặc G-20, mà chỉ là góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của các tổ chức quốc tế khác mà họ là thành viên.
Thứ tư, BRIC không phải là một khối chính trị - quân sự, không phải là tổ chức an ninh tập thể, không phải là một nhóm liên kết, càng không phải là liên minh hải quan hoặc vùng kinh tế tự do.
Bốn quốc gia thành viên của BRIC nhất trí cho rằng, họ liên kết với nhau thì sẽ tốt hơn đối với họ và cả thế giới. BRIC không phải là một cực của thế giới, mà chỉ là trung tâm phối hợp lợi ích của các quốc gia đủ lớn và đủ mạnh để hình thành khu vực lợi ích riêng đôi khi khác biệt với lợi ích của các trung tâm ảnh hưởng khác. BRIC sẽ giống như một câu lạc bộ, trong đó xây dựng cơ chế tham vấn bốn bên về các vấn đề tài chính - tiền tệ ở cấp bộ trưởng, giám đốc các ngân hàng nhằm hoạch định chính sách vĩ mô.
Với thực tế hiện nay, BRIC không phải là một không gian đối đầu với phương Tây, tuy nhiên, sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng của BRIC trong thế giới hiện nay làm cho người ta có cảm giác rằng, dường như BRIC đang là một khối liên minh tách khỏi “quỹ đạo” của phương Tây. Báo "The Times" của Anh nhận định, BRIC từ chỗ là “câu lạc bộ kinh tế” sẽ từng bước có tầm ảnh hưởng chính trị tới các quan hệ quốc tế.
Cùng với nhiều động thái đang diễn ra trong thế giới đương đại, sự hình thành một tổ chức gồm các thành viên của các nước thuộc các châu lục khác nhau phản ánh một thực tế khách quan và nhu cầu hình thành một trật tự thế giới mới, với hy vọng rằng trật tự đó sẽ công bằng hơn, tạo ra cơ hội phát triển tốt đẹp hơn cho các quốc gia trên thế giới./.
Bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (19/06/2009)
Diễn văn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (19/06/2009)
Châu Á cần hướng tới những động lực tăng trưởng mới  (19/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay