Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - một cương lĩnh quân sự lịch sử
TCCSĐT - Cách đây 67 năm, một ngày trước Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư nhỏ của Bác Hồ đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là Chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
1.“Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một đội tuyên truyền…”
Ngày 22-12-1944 vào lúc 5 giờ chiều, lễ thành lập đội được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Đội ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói:
Các đồng chí!
Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này…
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự phát triển của cách mạng Việt Nam đi từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng. Vì vậy, lực lượng để tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng bao gồm lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, khác với quan điểm “súng đẻ ra Đảng, súng đẻ ra chính quyền”.
2. Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân
Chỉ thị của Bác Hồ viết tiếp:
Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên theo chỉ thị mới của Đoàn thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
Đối với các đội vũ trang địa phương, đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của dân tộc về xây dựng các thứ quân: “quân triều đình”, “quân các lộ” và “dân binh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng vũ trang ba thứ quân cũng là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Ăng-ghen và Lê-nin về xây dựng các “đội dân cảnh”, xây dựng “quân đội thường trực”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau này tư tưởng đó đã phát triển và từng bước hoàn chỉnh theo quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, từ xây dựng các đội tự vệ, đội du kích đến xây dựng đội chủ lực, từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến Việt Nam giải phóng quân thống nhất lực lượng vũ trang trong cả nước đến Vệ quốc đoàn, Quân đội nhân dân, Quân giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, từng bước hiện đại ngày nay.
3. Tư tưởng kháng chiến toàn dân
Tư tưởng cơ bản nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh đã được nêu rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam truyên truyền giải phóng quân: Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân phải động viên toàn dân và vũ trang toàn dân. Toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc. Ông cha ta đã sớm có ý thức đoàn kết chiến đấu để giữ nước, gắn bó nước với nhà: Nước mất thì nhà tan. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì toàn dân đứng lên đánh giặc.
Trần Hưng Đạo đã nói: Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, ấy là thượng sách của sự giữ nước. Nguyễn Trãi cũng đã nói: Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Phải tập hợp bốn phương manh lệ. Mỗi khi có họa ngoại xâm, dân tộc ta đã nêu cao truyền thống cả nước chung sức đánh giặc, trăm họ là binh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc kết hợp với vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở: phải dựa vào dân, có dân là có tất cả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã động viên được lực lượng toàn dân tham gia hai cuộc kháng chiến to lớn, chưa từng có trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, do đó đã giành được thắng lợi vĩ đại.
4. Về chiến thuật
Chỉ thị của Bác Hồ nêu rõ cách đánh của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, lai vô ảnh, khứ vô hình.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong chiến tranh toàn dân phải đánh địch bằng mọi cách: đánh du kích và tác chiến tập trung. Tác chiến du kích có vị trí chiến lược trong khởi nghĩa vũ trang với lực lượng tác chiến là những đội du kích, tự vệ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên nhưng quy mô còn nhỏ nên về chiến thuật, Bác Hồ đã chỉ đạo dùng lối đánh du kích.
Quy luật phát triển về cách đánh của quân đội ta đi từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến tập trung và kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức tác chiến đó để tiêu hao tiêu diệt địch.
5. Bác Hồ tiên đoán về sự phát triển của quân đội ta
Chỉ thị thành lập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Bác Hồ kết thúc bằng hai câu:
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta.
Lời tiên đoán của Bác Hồ trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã trở thành sự thực. Đội quân chủ lực nhỏ bé với 34 chiến sĩ đã lớn mạnh như Phù Đổng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, xứng đáng với sự tin cậy của Bác Hồ, của Đảng, của nhân dân.
Kỷ niệm 67 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hãy không ngừng phát huy bản chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới./.
Xây dựng nông thôn mới: Vấn đề quy hoạch và huy động các nguồn tài chính  (20/12/2011)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, phục vụ thiết thực công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương  (20/12/2011)
Quan điểm của Bộ Tài chính về thù lao chi trả cho các đại lý xăng dầu  (19/12/2011)
Bế mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27  (19/12/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên