THAM LUẬN HỘI THẢO: Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay
Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, dù còn muôn vàn khó khăn, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi: “Chống giặc dốt như chống giặc ngoại xâm”. Người khẳng định: “Muốn cho nước ta trở thành một nước giàu mạnh thì dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái”. Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, Đảng và Nhà nước ta nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng luôn coi trọng và xác định công tác giáo dục - đào tạo, khuyến học, khuyến tài là quốc sách hàng đầu.
Sự quan tâm đặc biệt của tỉnh
Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã tạo lập được vị thế, vai trò nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong công cuộc đổi mới, trở thành một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Phát triển, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Chính vì thế, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nổi bật có thể kể đến như: Nghị quyết 01-NQ/TV, ngày 12-11-2010, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “về đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”; Chỉ thị 04-CT/TU, ngày 27-4-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay”, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND, ngày 9-12-2021, về Ban hành quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của Tỉnh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, khu vực và cấp tỉnh với mức thưởng từ 2 triệu đồng đến 700 triệu đồng - mức thưởng cao nhất trong cả nước, đã khích lệ, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài trong học sinh và sinh viên toàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3111/2012/QĐ-UBND, ngày 26-11-2012, quy định danh hiệu gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch 252/KH-UBND, ngày 29-12-2021, về xây dựng xã hội học tập tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030…, tạo ra một luồng sinh khí mới thúc đẩy phong trào xây dựng các mô hình học tập, học tập suốt đời phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn tỉnh.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, đến nay, hệ thống tổ chức hội khuyến học của tỉnh đã phủ kín đến thôn, bản, khu phố, tổ dân. Toàn tỉnh có 309 hội, 2.455 chi hội, 1.705 ban khuyến học. Số hội viên lên tới hơn 454.945 người, chiếm 32,9% dân số. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai nhanh chóng. Phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập được chú trọng và thực sự đi vào cuộc sống, giúp gặt hái nhiều thành quả hết sức to lớn trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và KT-XH nói chung.
Các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã có nhiều hoạt động sáng tạo, chủ động, tích cực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, sơ, tổng kết,... từ đó tạo ra phong trào sôi nổi, có chiều sâu. Các mô hình học tập phát triển khá đều và rộng khắp, xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 251.377/346.868 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, chiếm 72% tổng số gia đình.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của việc học tập suốt đời
Những năm qua, hàng trăm nghìn gia đình học tập được thẩm định và được cấp có thẩm quyền công nhận gia đình học tập xuất sắc. Tiêu biểu như gia đình ông Làu Tằng Sáng (dân tộc Sán Dìu ở bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) có 6 người con đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; gia đình ông Vũ Văn Hiển (khu Tràng Bạch, phường Hoàng Quế, TX Đông Triều); gia đình ông Tằng Vằn Nàm (dân tộc Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu); gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên)... cùng biết bao gia đình học tập tiêu biểu, xuất sắc khác.
Nếu gia đình học tập là hạt nhân, thì dòng họ, nơi gắn kết dòng máu chính là điểm tựa để các gia đình phấn đấu các danh hiệu. Hoạt động khuyến học, khuyến tài trong dòng họ không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào học tập trong các thành viên dòng họ, mà còn xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng thân tình, chặt chẽ hơn, giúp xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong các gia đình. Toàn tỉnh hiện có 1.010 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, chiếm 63% tổng số dòng họ toàn tỉnh.
Tiêu biểu cho dòng họ học tập là dòng họ Vũ Tam (phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên) với bề dày truyền thống hiếu học, đỗ đạt. Trải qua 588 năm hình thành và phát triển, đến nay dòng họ Vũ Tam đã có 19 đời con cháu hậu duệ, tổng số 2.818 người. Thực hiện chủ trương khuyến học, khuyến tài của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cùng với truyền thống hiếu học của dòng họ, dòng họ Vũ Tam đã hình thành Ban Khuyến học từ rất sớm và có nhiều người đỗ đạt. Theo gia phả, dòng họ Vũ Tam có 3 tiến sĩ, 18 thạc sĩ, 185 cử nhân, có 248 người công tác ở các tổ chức chính trị, xã hội, lực lượng vũ trang từ phường, xã, huyện, tỉnh đến Trung ương.
Cùng với việc xây dựng gia đình, dòng họ học tập, các cấp khuyến học trong tỉnh còn đẩy mạnh phát triển cộng đồng học tập. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 1.259 cộng đồng đạt danh hiệu cộng đồng học tập, chiếm 82% tổng số cộng đồng. Sự phát triển của cộng đồng học tập tạo nền tảng vững chắc xây dựng xã hội học tập ngay từ địa bàn dân cư, cơ sở.
Trong những năm qua đã xuất hiện nhiều cộng đồng học tập tiêu biểu xuất sắc, điển hình như khu Xuân Cầm, phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều, với trên 300 hộ dân, trong đó 80% số hộ có kinh tế khá trở lên. 100% gia đình trong khu phố đăng ký phấn đấu trở thành gia đình học tập, trong đó 96% đạt danh hiệu gia đình học tập; 100% dòng họ đăng ký dòng họ học tập. Quỹ khuyến học của khu không ngừng được phát triển, hằng năm huy động được trên 20 triệu đồng để khen thưởng, động viên học sinh học giỏi, đỗ các trường đại học. Cấp ủy, chính quyền khu phố còn đưa công tác khuyến học, khuyến tài vào nghị quyết hằng năm, phân công cho từng chi ủy viên chỉ đạo thực hiện và là chỉ tiêu thi đua, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của khu phố.
Xác định đơn vị học tập được xây dựng sẽ tạo thành mạng lưới quan trọng giúp người lao động, cán bộ, công chức, viên chức,… trong các đơn vị tham gia học tập và thúc đẩy phong trào học tập của đơn vị, địa phương, chính vì thế, những năm qua hội khuyến học các cấp cũng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng đơn vị học tập. Nhờ đó, tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, hội đồng hương,... thường xuyên làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Thành viên của hầu hết các đơn vị trong tỉnh đã tích cực tham gia học tập dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Toàn tỉnh có 826 đơn vị đạt danh hiệu đơn vị học tập, chiếm 83% tổng số đơn vị. Các đơn vị đạt danh hiệu đơn vị học tập có nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ các cơ sở giáo dục, góp phần hỗ trợ các trường học thực hiện mục tiêu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mô hình đơn vị học tập có nhiều điển hình, tiêu biểu như Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu). Trong nhiều năm qua, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hiệu quả như: “Hỗ trợ học sinh nghèo vươn lên trong học tập”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”…
Việc xây dựng thành công các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đã tạo nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời tuyên dương những điển hình tiên tiến
Công tác tuyên dương, khen thưởng luôn được các cấp hội khuyến học trong tỉnh thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, là động lực để các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, tại Hội nghị Tuyên dương các gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học tiêu biểu xuất sắc 5 năm (2017 - 2022) được tổ chức vào ngày 9-3-2023, toàn tỉnh có 185 mô hình được công nhận mô hình học tập xuất sắc cấp tỉnh, trong đó có 82 gia đình, 28 dòng họ, 37 cộng đồng và 38 đơn vị; 153 mô hình được các cấp khen thưởng gồm 42 mô hình được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen, 69 mô hình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và 42 mô hình được Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen.
Thời gian qua, tuy dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động chung nhưng chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực rất đáng phấn khởi: Tỉnh được công nhận phổ cập Tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS đạt 25,8%, mạng lưới và hiệu quả hoạt động giáo dục thường xuyên được nâng cao. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đạt 48 giải tăng 7 giải so với năm học trước; có 1 học sinh đạt giải nhất chung kết đường lên đỉnh Olympia; 1 học sinh đạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic vật lý châu Âu. Đặc biệt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,6% cao hơn những năm gần đây. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đạt 6,26 điểm, xếp thứ 31 tăng 5 bậc so với năm 2021.
Hằng năm có gần 2.000 học sinh được trợ giúp, trong đó có hơn 950 học sinh nghèo vượt khó, gần 300 học sinh khuyết tật, gần 700 học sinh giỏi; hơn 76.000 học sinh được khen thưởng với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng; gần 3.700 giáo viên được khen thưởng với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; gần 2.000 học sinh được trao học bổng với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà Quảng Ninh đã đạt được thời gian qua là thành quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp; sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, hội viên hội khuyến học từ tỉnh đến cơ sở, địa bàn dân cư. Đặc biệt là sự hưởng ứng, tinh thần thi đua hiếu học của các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế tồn tại, tập trung thực hiện thắng lợi các chủ trương, định hướng, mục tiêu nhiệm vụ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được nêu trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của Tỉnh và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong bức thư gửi cán bộ, hội viên hội khuyến học tỉnh nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh (27-2-2002 – 27-2-2022) là “Tiếp tục phát huy tốt các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, công dân học tập; tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh học tập, sớm đưa Quảng Ninh trở thành 1 trong những địa phương có chất lượng giáo dục và đào tạo tốt nhất cả nước”
Để tiếp tục đưa phong trào đi vào chiều sâu, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2028 có 70% công dân đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 75% đơn vị cấp huyện được công nhận danh hiệu “Huyện học tập”; 85% số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 75% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”. 85% số cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. 100% xã, phường, thị trấn được công nhận “Cộng đồng học tập cấp xã” trong đó 75% được xếp loại tốt. Các thành phố trực thuộc tỉnh đủ điều kiện đăng ký tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do tổ chức UNESCO điều hành, trong đó có ít nhất một trong 4 thành phố được công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”.
Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập góp phần xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại là khát vọng của những người làm công tác khuyến học, khuyến tài tỉnh Quảng Ninh để đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có bước phát triển vượt bậc. Từ đó, góp phần sớm đưa Quảng Ninh trở thành “Tỉnh học tập”, xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, địa bàn động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý văn hóa tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Về việc phục dựng lễ hội Đền Xã Tắc thành phố Móng Cái, góp phần phát huy giá trị văn hóa vùng biên tỉnh Quảng Ninh hiện nay  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Kết nối văn hóa biển Quảng Ninh - Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Xây dựng điểm đến du lịch di sản - nhìn từ Hạ Long  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp