Quảng Ninh phát huy giá trị di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới

VŨ HOÀI PHƯƠNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
12:21, ngày 05-12-2024

Kinh tế di sản là một khái niệm mới, được hiểu là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, đó là dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, nhiều địa phương trong nước nói riêng rất quan tâm. Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có đầy đủ những yếu tố vượt trội để phát triển kinh tế di sản.

Tiềm năng vượt trội trong phát triển kinh tế di sản

Trong 30 năm qua, cùng với danh hiệu Di sản thế giới, vịnh Hạ Long còn liên tiếp được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý khác như: Di tích quốc gia đặc biệt, Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Di sản địa chất quốc tế vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Khu du lịch hàng đầu Việt Nam, Điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam, và mới đây nhất - năm 2023, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Thành phố hiện có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh. Trong đó, có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng vịnh Hạ Long, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh, 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử, phản ánh sự kế tiếp lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này cách đây hàng nghìn năm. Trên địa bàn thành phố Hạ Long hiện có 16 lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại, như: Lễ hội chùa Long Tiên, Lễ hội đền bà Men, Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn, Hội làng Bằng Cả, Lễ hội đại kỳ phúc đình nghè Vạn Yên, Lễ hội đình Giang Võng... Trong năm 2025, thành phố Hạ Long sẽ phục dựng và tổ chức lại 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu bao gồm: Lễ mừng cơm mới của người Tày (xã Dân Chủ, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội chùa Lôi Âm, Lễ hội đền Cái Lân, Lễ hội chùa Long Tiên. Đây là mục tiêu quan trọng nằm trong Đề án “Hạ Long - Thành phố của lễ hội”.

Hạ Long còn ghi dấu ấn với các sự kiện văn hóa - thể thao quy mô lớn, nâng tầm thương hiệu du lịch địa phương. Những chương trình như Carnaval Hạ Long vào mùa hè và mùa đông, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc... đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tổ chức thường niên càng làm nổi bật hình ảnh Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế. Các hoạt động lễ hội đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới, góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Hạ Long. Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các di tích văn hóa, lịch sử, du lịch lễ hội của thành phố, hay các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương là những cách làm hữu ích, thiết thực nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, quảng bá giá trị di sản.

Kinh tế di sản cũng được đề cập trong Đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024 - 2025. Đề án được xây dựng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ bền vững dựa trên việc khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của thành phố. Đề án phát triển kinh tế ban đêm cũng nhằm nâng tầm du lịch, dịch vụ của thành phố, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản trên địa bàn thành phố trong tương lai. Hạ Long cũng nghiên cứu phát triển tại các khu di tích tại các xã khu vực phía Bắc của thành phố, chú ý đến sản phẩm đặc trưng vùng, miền. Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện. Đề án cũng đặt ra mục tiêu nâng cấp quy mô hai lễ hội truyền thống là Hội làng Bằng Cả và Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ. Tổ chức các lễ hội hiện đại như: Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống thành phố Hạ Long, Lễ hội hoa anh đào và Tuần Văn hóa Nhật Bản tại Hạ Long, Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn, Lễ hội Trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh di sản, Ngày di sản vịnh Hạ Long, Lễ hội hoa Xuân Hạ Long, Lễ hội hoa tại thiên đường hoa Quảng La, Lễ hội Mùa ổi chín…

Thành phố Hạ Long không ngừng đổi mới với hàng loạt sản phẩm độc đáo, như tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, “phố đêm du thuyền” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và các dịch vụ thưởng thức âm nhạc trên tàu nhà hàng. Ngoài ra, các dịch vụ kết hợp tổ chức tiệc cưới, sự kiện trên du thuyền đã mang đến những trải nghiệm sang trọng, đẳng cấp, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Song song với đó, các điểm check-in như tuyến phố đi bộ Bài Thơ, hồ Hải Thịnh và khu trưng bày giá trị vịnh Hạ Long tại hang Đầu Gỗ đã tạo nên những điểm nhấn mới mẻ. Tại đảo Titốp, biểu tượng di sản được xây dựng gắn với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, thu hút đông đảo du khách tìm đến khám phá và lưu giữ kỷ niệm.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh thu hút được 19 triệu lượt khách du lịch, trong đó thành phố Hạ Long là điểm đến nổi bật nhất được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn bởi đang sở hữu tài sản quý giá là Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Cũng trong năm 2024, thành phố Hạ Long đã xây dựng và triển khai các đề án “Hạ Long - thành phố của hoa”, “Hạ Long - thành phố của lễ hội”. Từ đó, hằng năm, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động lễ hội như chương trình chào Hè trong dịp 30-4, 1-5, chương trình Carnaval Hạ Long vào mùa hè và mùa đông, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và tổ chức các hội thảo quảng bá xúc tiến du lịch.

Thành phố tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao. Nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng được hình thành như “Phố đêm du thuyền” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; dịch vụ nghe nhạc trên các tàu nhà hàng, tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long; sản phẩm du lịch du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên vịnh Hạ Long; sản phẩm lưu trú đẳng cấp trên bờ và trên vịnh Hạ Long; phố đi bộ ẩm thực Bãi Cháy; sân golf; dịch vụ đi thủy phi cơ ngắm vịnh Hạ Long, cùng các hoạt động trình diễn ca nhạc… được tổ chức thành công tạo điểm nhấn ấn tượng đối với du khách.

Bên cạnh đó, Hạ Long chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực thực hiện đầu tư các dự án quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch nhằm phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp, chất lượng cao như khách sạn, nhà hàng tiêu chuẩn, trung tâm thể thao, nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch cộng đồng, làm mới các sản phẩm du lịch về đêm. Địa phương từng bước nghiên cứu các loại hình du lịch mới, phù hợp thị hiếu và xu thế phát triển, như du lịch hội nghị, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch canh nông, du lịch thể thao, du lịch sự kiện, du lịch điện ảnh, nhiếp ảnh…

Bên cạnh việc làm tốt các công tác quản lý, bảo tồn, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long còn từng bước gia tăng giá trị kinh tế. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (1994 - 2024), ngày 17-12-2024, việc gia tăng giá trị kinh tế đã được nhắc đến như một trong những điều kiện để bảo đảm cho công tác bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản vịnh Hạ Long. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Hạ Long cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế của di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, lấy bảo tồn các giá trị của di sản làm nền tảng, làm động lực phát triển; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

Một số thành tựu tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long

Một là, thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý vịnh Hạ Long phù hợp với thực tế công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản vịnh Hạ Long, như: xây dựng Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long, Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long, Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Kế hoạch quản lý tổng hợp Di sản vịnh Hạ Long được xây dựng theo từng giai đoạn 5 năm...

Hai là, tập trung điều tra, nghiên cứu và làm rõ các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long làm cơ sở để đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ nhằm ngăn chặn các nguy cơ xâm hại đến di sản. Một số hoạt động điển hình, như: tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản vịnh Hạ Long nhằm kiểm đếm, kiểm soát, đánh giá, phát hiện kịp thời những nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị của khu di sản và có các hành động quản lý, ứng phó kịp thời; thực hiên khoanh vùng toàn bộ diện tích rừng trên núi đá vôi và rừng ngập mặn thuộc khu di sản thế giới vịnh Hạ Long để công nhận là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.

Ba là, chú trọng quản lý môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái của vịnh Hạ Long theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải; rác thải trôi nổi và rác tại các điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long được tăng cường thu gom; phao xốp tại các công trình nổi trên vịnh được thay thế bằng các vật liệu nổi bền vững; triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”; nước thải, rác thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan trên vịnh, các khu dân cư ven bờ vịnh Hạ Long từng bước được thu gom, xử lý; triển khai các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị của di sản như: xây dựng các bộ tiêu chí giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản, lắp đặt bổ sung hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Jokaso tại đảo Đầu Gỗ, tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn, ra quân thu gom rác thải ven bờ và ở các chân đảo…

Bốn là, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội trên và ven bờ vịnh. Các vụ vi phạm trên vịnh Hạ Long được tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời. Các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long được quản lý theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, hiệu suất khai thác và giám sát thông qua các thiết bị hiện đại như GPS, camera...

Năm là, chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo có trọng tâm, trọng điểm cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan, điểm lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long theo đúng quy hoạch và các quy định liên quan nhằm bảo đảm an toàn, mỹ quan, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch, trong đó tập trung nâng cấp, cải tạo hạ tầng tại các điểm tham quan chính; thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống phao neo, phao báo hiệu tại luồng tuyến, điểm tham quan, lưu trú và hệ thống báo hiệu kết nối các điểm tham quan, lưu trú nghỉ đêm với luồng đường thủy nội địa.

Doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long, qua đó, hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho du lịch Hạ Long, làm tăng tính hấp dẫn của điểm đến di sản vịnh Hạ Long, đem đến những trải nghiệm tốt nhất và kéo dài thời gian tham quan của du khách khi đến Hạ Long. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý từng bước được chú trọng triển khai (đầu tư hệ thống truyền dẫn tín hiệu bằng sóng viba, camera giám sát tại một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long…).

Sáu là, đa dạng hóa, mở rộng không gian du lịch trên vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, tăng sự trải nghiệm cho khách tham quan. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có như tham quan hang động, leo núi ngắm cảnh, tắm biển, chèo kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc, nghỉ đêm... trên vịnh Hạ Long đã và đang phát triển thêm tuyến, điểm và sản phẩm, dịch vụ du lịch mới: 8 hành trình tham quan, du lịch và 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm; hoạt động thử nghiệm của du thuyền khám phá với 3 tuyến tham quan riêng; sản phẩm Phố đêm du thuyền với trải nghiệm ẩm thực kết hợp thưởng thức âm nhạc và tham quan vẻ đẹp của thành phố Hạ Long về đêm; mở rộng sản phẩm du lịch dựa trên việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ, đa dạng sinh học trên vịnh Hạ Long. Chú trọng mở rộng không gian du lịch nhằm tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng của du khách, giảm áp lực cho khu vực di sản, đồng thời đáp ứng mục tiêu kết nối, liên kết vùng, miền trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Bảy là, từng bước đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long: hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du của trên vịnh Hạ Long trên các mạng xã hội được chú trọng đẩy mạnh (Youtube, Facebook, Twitter, Zalo,...); mở rộng phạm vi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long tại các thị trường khách trọng điểm trong nước và quốc tế thông qua nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng; tích cực hợp tác truyền thông với các đài phát thanh, báo, tạp chí để đăng tải các chuyên đề, viết bài chuyên sâu về Di sản vịnh Hạ Long; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan truyền thông, các nhà làm phim trong nước và quốc tế để quảng bá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vịnh Hạ Long thông qua lĩnh vực điện ảnh; Tăng cường liên kết với Câu lạc bộ các di sản thế giới ở Việt Nam để kết nối thông tin, quảng bá về các giá trị, tiềm năng di sản vịnh Hạ Long, trong đó xuất bản ấn phẩm “Di sản thế giới tại Việt Nam - giá trị nổi bật toàn cầu”, góp phần quảng bá di sản vịnh Hạ Long, lan tỏa hình ảnh “Vịnh Hạ Long - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.

Tám là, tỉnh thực hiện quản lý chặt chẽ công tác quản lý tài chính, thu phí tham quan. Phương thức bán, kiểm soát vé tham quan vịnh Hạ Long được thay đổi theo hướng tập trung, chuyên nghiệp nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa thất thoát. Giai đoạn từ năm 1996 đến tháng 11-2024, vịnh Hạ Long đã tổ chức đón tiếp trên 56,7 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt trên 26 triệu lượt, khách nước ngoài đạt 30,7 triệu lượt; thu phí tham quan đạt trên 8.551,4 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn để cho thấy, ngoài việc bảo tồn nguyên trạng di sản theo quy định của UNESCO, công tác phát huy di sản để mang lại những giá trị kinh tế - xã hội của Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung đã mang lại những kết quả quan trọng. Thành phố tập trung khai thác hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối, mở rộng không gian phát triển du lịch, đặc biệt là khu vực phía Bắc theo hướng phát triển nhanh và bền vững, gắn với khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh. Đồng thời, thành phố bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, truyền thống văn hóa người dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch bền vững; từng bước hình thành các tour, tuyến liên thông, hấp dẫn, giữ chân và tăng mức chi tiêu của du khách trên địa bàn. Chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực thực hiện đầu tư các dự án quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch nhằm phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp, chất lượng cao như khách sạn, nhà hàng tiêu chuẩn, trung tâm thể thao, nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch cộng đồng, làm mới các sản phẩm du lịch về đêm./.