Quảng Ninh với chiến lược phát triển kinh tế di sản
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các di sản, di tích, Quảng Ninh đã và đang chú trọng dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế di sản, di tích, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với người dân và du khách thập phương.
Tiềm năng vượt trội của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế di sản
Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử, văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử mà còn tạo nên sức hút cho du lịch, cho mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Với lợi thế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, có nhiều bản sắc văn hóa, Quảng Ninh đã và đang khai thác, phát huy giá trị của di sản, di tích để phát triển du lịch, cùng với đó là ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản, di tích.
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 632 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó di tích nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút đông đảo nhân dân và du khách là Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long 3 lần được UNESCO vinh danh là di sản thế giới với các giá trị về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo. Hay Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn). Các nguồn di sản này đã và đang là nguồn lực quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh.
Thực tế cho thấy, tỉnh vẫn còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ đa dạng và chất lượng cao để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Sự gắn kết giữa di sản văn hóa với các ngành kinh tế khác như du lịch, thương mại, và công nghiệp sáng tạo còn hạn chế. Nhận thức của người dân về giá trị và trách nhiệm bảo tồn di sản chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng khai thác thiếu bền vững.
Ngày 24-10-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg, về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể Thương cảng Vân Đồn và Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (TP Móng Cái). Theo tài liệu lịch sử, Thương cảng Vân Đồn được thành lập từ khoảng năm 1149 đời vua Lý Anh Tông. Trong suốt hơn 700 năm lịch sử, không chỉ hoạt động đơn tuyến với chỉ một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi đỗ tàu liên đới với nhau. Trung tâm của thương cảng có phạm vi 200km2, ở vùng Vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn). Vùng Cống Đông - Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) là trung tâm một thời của Thương cảng Vân Đồn. Còn đình Trà Cổ là Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia tiêu biểu của thành phố Móng Cái. Hằng năm, từ ngày 30-5 đến 3-6 âm lịch, tại đình diễn ra lễ hội truyền thống. Nét độc đáo của Lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước và tục thi “Ông Voi” (lợn) độc đáo. Năm 2019, Lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Như vậy đến thời điểm này, Quảng Ninh sở hữu 8 di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Thương cảng Vân Đồn; Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (Móng Cái); Danh lam Vịnh Hạ Long (Hạ Long); Di tích lịch sử Bạch Đằng (Uông Bí và Quảng Yên); Di tích lịch sử Yên Tử (Uông Bí và Đông Triều); Di tích lịch sử Nhà Trần (Đông Triều); Di tích lịch sử đền Cửa Ông (Cẩm Phả và huyện Vân Đồn); Khu Di tích Hồ Chủ tịch ở đảo Cô Tô (huyện Cô Tô). Đây đều là những địa danh chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa, thể hiện bản sắc của vùng đất Quảng Ninh và trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch ở trong, ngoài nước đến với Quảng Ninh.
Có thể nói, Quảng Ninh có hệ thống di sản, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng. Đây là tài sản vô giá để Quảng Ninh phát huy những giá trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế làm gia tăng các cơ hội quảng bá, truyền thông và marketing về di sản, song cũng đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện phương thức, chuẩn mực phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế di sản. Quảng Ninh cần học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế di sản của thế giới; mặt khác, có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của mình với các địa phương khác trong cả nước, tạo nên hệ sinh thái kinh tế di sản để cùng phát triển bền vững.
Việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế của vịnh Hạ Long mang lại cho tỉnh nhiều cơ hội phát triển. Dựa trên những nền tảng văn hóa và thiên nhiên, các giá trị của vịnh Hạ Long được bảo tồn và khai thác thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch. Hiện nay, trên vịnh Hạ Long có hơn 500 tàu du lịch hoạt động. Trong đó có hơn 320 tàu tham quan, hơn 180 tàu lưu trú và 2 tàu nhà hàng. Ngoài ra, còn có gần 2.800 kayak và đò chèo tay, tender (tàu chuyển tải nhỏ) nhằm phục vụ chuyển tải khách tham quan. Để phát huy tiềm năng về tài nguyên du lịch của vịnh Hạ Long cũng như tăng trải nghiệm trên vịnh, Quảng Ninh đã và đang phát triển thêm tuyến, điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Tỉnh cũng phát triển thêm một số bãi tắm du lịch theo hướng thân thiện, hài hòa với cảnh quan; mở rộng sản phẩm du lịch dựa trên việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ, đa dạng sinh học trên vịnh Hạ Long. Đặc biệt, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án tổng thể Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi khu vực, tăng tính kết nối và kéo giãn lượng khách du lịch tập trung tại khu vực di sản. Ngoài ra, ngành du lịch tỉnh đã đưa vào hoạt động thử nghiệm du thuyền với 3 tuyến tham quan riêng dành cho dịch vụ cao cấp.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng cư dân tham gia phát triển dịch vụ, tạo sinh kế bền vững, nhất là cộng đồng ngư dân trước đây sinh sống trên vịnh Hạ Long. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm hại di sản, Quảng Ninh đã thành lập khu bảo tồn nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học; khoanh vùng rừng trên núi đá vôi và rừng ngập mặn để công nhận là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm. Từ năm 2014, với mục tiêu ổn định cuộc sống cho ngư dân và giảm áp lực về môi trường trên vịnh, Quảng Ninh đã vận động, di chuyển 354 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở 7 làng chài lên sinh sống tại khu tái định cư. Có thể thấy, những chính sách, định hướng cụ thể trong bảo vệ, khai thác giá trị của di sản đã đưa du lịch vịnh Hạ Long trở thành sản phẩm thế mạnh, động lực tăng trưởng chủ lực cho nền kinh tế. Từ chỗ chỉ đón vài trăm ngàn lượt khách với mức thu phí tham quan đạt hơn 1 tỷ đồng trong những năm đầu tiên, đến nay, mỗi năm, vịnh Hạ Long đón vài triệu lượt khách, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân khách tham quan đạt 16,13%/năm, góp phần tăng nguồn lực phục vụ công tác quản lý, bảo tồn di sản.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Không ít các cấp, ngành và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thực tế cho thấy, một số địa phương của tỉnh chưa có sự điều tiết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, còn tình trạng quá coi trọng tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh. Nhiều di tích không được bảo tồn một cách hợp lý. Còn sự mất cân đối, chênh lệch trong quá trình phát huy giá trị của từng di tích, di sản văn hóa. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vẫn chưa được các ngành, các cấp có liên quan phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, thậm chí ở một số nơi còn buông lỏng, khiến việc xâm phạm, lấn chiếm di tích, di sản còn diễn ra. Nguồn kinh phí cho tu bổ di tích còn thấp. Nguồn nhân lực quản lý di tích các cấp còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Hiện nay, tỉnh đang phải đối diện với không ít thách thức trên con đường phát triển kinh tế di sản, như chưa có nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn thúc đẩy; nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tuy đã được tích hợp vào các quy hoạch phát triển chung cấp tỉnh, cấp huyện nhưng việc lập các quy hoạch này chưa xem xét hệ thống di sản theo các dạng cấu trúc không gian địa - văn hóa đặc trưng như ở một số trung tâm văn hóa, du lịch lớn, do đó còn khó khăn cho việc kết nối hạ tầng trong các lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế đêm tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, sự thiếu vắng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bốn mùa đã làm giảm sức hút của kinh tế du lịch và dịch vụ, nhất là đối với nhu cầu của khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu lớn đến từ các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Công nghiệp văn hóa đã được gắn với phát huy lợi thế của di sản nhung chưa phát triển mạnh như ở một số tỉnh, thành phố khác. Hạ tầng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của các di sản thiên nhiên trên địa bàn…
Một số giải pháp phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.
Tiếp tục rà soát, đổi mới quy hoạch hạ tầng du lịch văn hóa, đặc biệt là quy hoạch các tuyến du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao theo hướng tăng cường tính liên kết vùng.
Đẩy mạnh hiện đại hóa công cụ quản lý di sản, ứng dụng công nghệ (trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào hệ thống bảo tàng, phục dựng di sản bằng công nghệ 3D…). Tiếp tục cập nhật, số hóa hồ sơ di sản trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tư liệu mới phát hiện trong nước và quốc tế được sưu tầm, phổ biến. việc làm giàu hồ sơ di sản văn hóa sẽ góp phần nâng cao được giá trị của di sản và giúp cho việc giáo dục, phổ biến tri thức văn hóa, lịch sử gắn với di sản một cách chân thực hơn.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ: Một trong những điều kiện tiên quyết để ứng dụng công nghệ thành công là phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ. Quảng Ninh cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng Internet tốc độ cao, hệ thống máy chủ, và các thiết bị công nghệ tối tân phục vụ số hóa di sản văn hóa và thiên nhiên của tỉnh. Việc triển khai các trung tâm dữ liệu lớn, hệ thống điện toán đám mây sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các ứng dụng công nghệ về quản lý và bảo tồn di sản.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Nguồn nhân lực có chất lượng là yếu tố then chốt trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ. Quảng Ninh nên tập trung xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo chuyên biệt về khoa học - công nghệ đối với các cán bộ quản lý di sản và những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các khóa học chuyên sâu về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, và phân tích dữ liệu lớn cần được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh mở các ngành đào tạo về công nghệ thông tin và du lịch thông minh, nhằm tạo ra lớp nhân lực trẻ, năng động và sáng tạo cho thị trường lao động.
Hoàn thiện các chính sách quản lý: Để tạo ra một môi trường thuận lợi cho ứng dụng khoa học - công nghệ, Quảng Ninh cần xây dựng một khung chính sách quản lý rõ ràng, minh bạch và linh hoạt. Các chính sách này cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ di sản. Việc đưa ra các ưu đãi về thuế, vay vốn ưu đãi cho các dự án công nghệ số trong bảo tồn và quảng bá di sản cũng là những bước đi chiến lược cần thiết. Cần có cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ hiệu quả của các chính sách này, nhằm kịp thời điều chỉnh và cải tiến phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của tỉnh.
Thúc đẩy mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong việc ứng dụng công nghệ vào phát triển di sản là một giải pháp khả thi. Nhà nước cần đóng vai trò hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các đơn vị quản lý di sản để cùng phát triển các dự án công nghệ thông minh. Điều này không chỉ giúp giảm tải áp lực tài chính cho địa phương mà còn thu hút được sự sáng tạo và nguồn lực từ khu vực tư nhân. Các dự án thử nghiệm công nghệ, như các ứng dụng thực tế ảo, quản lý di sản bằng công nghệ IoT (Internet of Things), cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bên liên quan để đạt hiệu quả tối ưu.
Bảo mật thông tin và quản lý dữ liệu số hóa là yếu tố then chốt cần chú ý khi triển khai công nghệ trong lĩnh vực di sản. Quảng Ninh cần xây dựng các hệ thống bảo mật tiên tiến, quy trình quản lý chặt chẽ, bảo vệ dữ liệu di sản khỏi các nguy cơ bị xâm nhập và tấn công mạng. Việc thiết lập các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư, xử lý thông tin nhạy cảm cũng cần được thực hiện song song với các dự án công nghệ.
Tiếp tục lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu, di sản thế giới trên địa bàn để phát triển khai thác phục vụ du khách. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho du khách; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Có chiến lược lâu dài để đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản hệ thống các sản phẩm lưu niệm là các biểu tượng, sản phẩm đặc trưng gắn với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, các sản phẩm thủ công, sản phẩm ẩm thực đặc sắc, tiêu biểu gắn với lịch sử vùng đất, với câu chuyện di sản, với văn hóa dân tộc, văn hóa vùng, miền để đi vào sản xuất tạo sinh kế cho nhân dân và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh./.
Kinh nghiệm của tinh Bắc Ninh trong việc phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
Kinh nghiệm của Nam Định trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  (05/12/2024)
Bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa truyền thống tạo động lực phát triển kinh tế du lịch ở Quảng Ninh  (05/12/2024)
Truyền thông thương hiệu - Trợ lực cho phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm