TCCS ĐT - Trong khuôn khổ các hoạt động liên quan đến Đại hội Pháp ngữ tại Việt Nam, trong hai ngày 30 và 31-3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Đại học và sự đa dạng. Các đại biểu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam và từ Cộng đồng Pháp ngữ thảo luận thực trạng hợp tác đại học pháp ngữ tại Việt Nam và những phương thức mới đối với một nền đại học đạt chuẩn quốc tế.

Tham dự Hội thảo có Đại sứ Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot; Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Jean- Hubert Lebret; Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Bành Tiến Long; Phó Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam Phạm Văn Quý, cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Việt Nam hiện có 160 trường đại học và 209 trường cao đẳng (trong đó có 64 trường ngoài công lập) với 1.603.484 sinh viên, đạt 188 sinh viên/1 vạn dân (sinh viên ngoài công lập 16,5%).
 
Giảng viên đại học cao đẳng năm 2008 là 56.120 người tăng 11,7% so với năm 2007; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ giảm từ 11% xuống 10,5%; trình độ thạc sĩ 36,1% tăng so với năm học trước (33,57%). Tỷ lệ bình quân 28,5 sinh viên /1 giảng viên.  

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc hội thảo trong bối cảnh Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và hội nhập quốc tế: “Việc Việt Nam ra nhập WTO và xu thế hội nhập quốc tế đã đem lại cho giáo dục Việt Nam nhiều thách thức và cơ hội, đòi hỏi phải có những chiến lược phát triển phù hợp nhằm tạo ra những chuyển biến có tính đột phá trong thời kỳ mới.”

Đại sứ Herve Bolot cho rằng, trong lĩnh vực đào tạo đại học Việt Nam đang có bước ngoặt và thông qua quan hệ đối tác, Việt Nam đã đi tắt qua một số giai đoạn. Đại sứ khẳng định Việt Nam là một mảnh đất của đào tạo đại học với sự đa dạng rất lớn, phân bổ trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo, trên cơ sở phân tích những yêu cầu và thách thức đối với nền giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, để hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, cho rằng cần quan tâm đến những vấn đề như:

- Xây dựng quy trình đào tạo mềm dẻo và liên thông, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập ở đại học; khuyến khích các trường lựa chọn áp dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước phát triển.

- Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học có chất lượng cao. Có cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia giỏi từ các cơ sở nghiên cứu và sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước hỗ trợ cho giảng dạy đại học; thu hút chất xám từ Việt kiều từ nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước.

- Xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia về đào tạo và nghiên cứu khoa học, hệ thống thư viện điện tử và các trung tâm học liệu để tạo các công cụ hỗ trợ cho việc dạy, hoc và đánh giá kết quả dạy, học.

Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, trực tiếp giải quyết những vấn đề từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu cho nhà trường.

- Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học nhằm đa dạng hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư. Dành quỹ đất cho các trường đại học, có quy hoạch các khu đại học tập trung, hiện đại; chuẩn hóa cơ sở vật chất và xây dựng một số kết cấu hạ tầng chung cho giáo dục đại học.

- Xây dựng một số trường đại học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, làm chỗ dựa về chất lượng cho toàn hệ thống giáo dục đại học.

- Thiết lập các nguyên tắc và thủ tục thông thoáng cho phép nước ngoài hoặc các trường đại học có chất lượng của nước ngoài đầu tư 100% vốn xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế hoặc mở chi nhánh ở nước ta.

- Tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, tiến tới xuất khẩu lao động trình độ cao.../.