Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Guinea Bissau thăm chính thức Việt Nam
TCCS - Ngày 7-9-2024, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Cộng hòa Guinea - Bissau Umaro Sissoco Embalo đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-9 đến 8-9-2024 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
* Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng được biết Tổng thống Umaro Sissoco Embalo đã có cuộc hội đàm rất thành công với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Guinea - Bissau sẽ tạo đột phá và mở ra giai đoạn mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Guinea - Bissau trong thời gian tới.
Chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Guinea - Bissau trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ mong Guinea - Bissau sẽ sớm hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược Guinea - Bissau 2025, đưa đất nước Guinea - Bissau ngày càng phát triển và đóng góp hiệu quả vào tiến trình hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở châu Phi.
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân tình mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam anh em đã dành cho đoàn, Tổng thống Guinea - Bissau bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu phát triển vượt bậc của Việt Nam, đánh giá cao vai trò và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Tổng thống chia sẻ, cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền cảm hứng cho con đường giải phóng dân tộc của nhân dân Guinea - Bissau; Việt Nam là hình mẫu của Guinea - Bissau trong duy trì ổn định, đổi mới và phát triển kinh tế.
Thông tin về tình hình, các định hướng phát triển lớn và ưu tiên đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam trân trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia bạn bè châu Phi, không ngừng mở rộng và phát triển mối quan hệ này, trong đó dấu mốc quan trọng là việc Việt Nam chính thức trở thành Quan sát viên của Liên minh châu Phi tháng 12-2023.
Trao đổi về các phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng phối hợp phát triển quan hệ trên tinh thần “đối tác chân thành, bình đẳng, cùng có lợi”; xác định 3 ưu tiên trong hợp tác chính trị - ngoại giao gồm tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp; phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy hợp tác ở cấp độ khu vực, trong đó Guinea - Bissau hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Phi, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), Việt Nam làm cầu nối cho hợp tác giữa Guinea - Bissau với ASEAN và các nước thành viên.
Đánh giá cao kinh nghiệm và các chính sách của Việt Nam trong quản lý kinh tế vĩ mô và hội nhập quốc tế thành công, Tổng thống Guinea - Bissau ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các giải pháp ưu tiên trong hợp tác kinh tế.
Theo đó, hai nước sẽ đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu trên cơ sở mặt hàng chủ lực là hạt điều và mở rộng sang các hàng hóa thế mạnh khác, như gạo, hàng dệt may, hàng gia dụng, máy móc, thiết bị điện, thủy hải sản...; thúc đẩy trao đổi đoàn doanh nghiệp, tăng cường thông tin về thị trường và cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư; thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp, chế biến nông, thủy, hải sản, phối hợp vận động các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế tham gia triển khai các dự án hợp tác nông nghiệp ba bên, góp phần giúp Guinea - Bissau bảo đảm an ninh lương thực và gia tăng xuất khẩu; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực hợp tác chuyên gia y tế, giáo dục; hoàn thiện, triển khai các cơ chế hợp tác và đàm phán, ký kết các thoả thuận, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương.
Nhân dịp này, Tổng thống Guinea-Bissau cũng mong muốn được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Guinea - Bissau. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn và sẽ thu xếp vào thời gian thích hợp.
* Tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng Tổng thống và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Guinea - Bissau thăm chính thức Việt Nam và tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng, củng cố và tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống được hình thành từ lịch sử đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây.
Chủ tịch Quốc hội chúc Guinea - Bissau tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 24-11 sắp tới, góp phần ổn định chính trị, tạo ra những động lực mới để đưa đất nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Tổng thống Cộng hòa Guinea - Bissau Umaro Sissoco Embaló cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dành cho đoàn; khẳng định Việt Nam là mô hình, tấm gương để Guinea - Bissau học tập trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và đấu tranh chống lại đói nghèo hiện nay, từ đó vững bước trên con đường phát triển.
Tổng thống Umaro Sissoco Embaló nhấn mạnh, chuyến thăm lần này thể hiện quyết tâm phát triển, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, lên một tầm cao mới, tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Guinea - Bissau đạt được thời gian qua (tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,2% trong các năm 2022, 2023 và dự kiến đạt 5% trong năm 2024), góp phần xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng tại khu vực Tây Phi và châu lục. Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống ở châu Phi, trong đó có Guinea - Bissau.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thống Umaro Sissoco Embaló tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Về chính trị ngoại giao, hai bên thúc đẩy tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao, trên tất cả các kênh đảng, nhà nước, quốc hội và tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân.
Về kinh tế và các lĩnh vực khác, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Guinea - Bissau. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại thông qua việc đẩy mạnh xuất, nhập khẩu các mặt hàng hai nước có thế mạnh và có nhu cầu.
Về hợp tác nghị viện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội hai nước cần tăng cường hợp tác và phát huy hơn nữa vai trò của ngoại giao nghị viện trong thúc đẩy quan hệ hai nước.
Hai bên phối hợp, tăng cường giám sát, bảo đảm triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác mà hai nước đã ký, phát huy vai trò của Quốc hội trong việc tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để Chính phủ, ban, bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Quốc hội hai nước tăng cường tiếp xúc và phối hợp tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; trao đổi bên lề các sự kiện và cử đoàn tham dự các hoạt động đa phương mà Quốc hội hai nước đăng cai.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nghị viện ở cấp độ khu vực và quốc tế. Quốc hội Việt Nam sẵn sàng nghiên cứu khả năng xây dựng và thúc đẩy quan hệ với Nghị viện liên châu Phi và Nghị viện Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi.
Nhân dịp này, qua ngài Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời thăm hỏi và lời mời Chủ tịch Quốc hội nhân dân Guinea - Bissau thăm chính thức Việt Nam để cùng nhau trao đổi về hợp tác nghị viện song phương trong thời gian tới.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về ngoại giao nghị viện đóng vai trò vô cùng quan trọng, Tổng thống Umaro Sissoco Embaló cho biết, sau khi bầu cử Quốc hội xong sẽ thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị giữa Việt Nam và Guinea - Bissau, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dạy tốt, học tốt để đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái  (05/09/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay