Phiên thảo luận chung sáng 27- 9 ở khoá 63 Đại Hội đồng Liên hợp quốc mở đầu với bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đề cập tình hình quốc tế, vai trò của Liên hợp quốc và cam kết của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Về những vấn đề trong thế giới hiện nay, đại diện Việt Nam đề cập đến những căng thẳng mới ở châu Âu, những khó khăn kinh tế toàn cầu được xem là trầm trọng nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998, và những diễn biến phức tạp mới về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Phó Thủ tướng nói: "Những bất trắc hiện nay trong tình hình kinh tế, tài chính thế giới và những thách thức gay gắt toàn cầu như biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu năng lượng, lương thực đòi hỏi chúng ta cùng tăng cường hiệu quả của hợp tác quốc tế. Cộng đồng quốc tế mong muốn các nước phát triển có các biện pháp ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô, đồng thời thực hiện những cam kết quốc tế về cải thiện quan hệ kinh tế quốc tế, hệ thống thương mại và tài chính, giảm nợ, chuyển giao khoa học, công nghệ. Để sự hợp tác đó thực sự hiệu quả cần tính đến điều kiện đặc thù, các quan tâm và lợi ích chính đáng của các quốc gia".
Về vai trò của Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, Liên hợp quốc càng cần thể hiện được vai trò của mình trong việc ngăn ngừa chiến tranh và thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với những thách thức đang được đặt ra. Để có thể thực hiện vai trò này, càng cần cùng nhau thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc một cách dân chủ, toàn diện, nhằm mục tiêu tăng cường vai trò và khả năng của Liên hợp quốc, trong đó có Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế Xã hội và các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Việt Nam luôn mong muốn đóng góp vào công cuộc này và tin tưởng rằng những kinh nghiệm của mình và của Liên hợp quốc trong việc thực hiện chương trình thí điểm này sẽ hữu ích đối với các nước nhận viện trợ khác và cho chính quá trình cải tổ Liên hợp quốc.
Bày tỏ quan điểm của Việt Nam về một số vấn đề quốc tế, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, thúc đẩy những tiến bộ đã đạt được trong các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và của I-ran trên cơ sở tôn trọng quyền chính đáng của các quốc gia được phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời tuân thủ cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với vai trò của Nhóm Bộ Tứ, Liên đoàn A-rập, các nước trong khu vực và Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, trong quá trình đi đến một giải pháp bền vững cho Trung Đông. Theo Phó Thủ tướng, giải pháp đó phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quyền bất khả xâm phạm của nhân dân Pa-lét-xtin, trong đó có quyền thành lập nhà nước độc lập của riêng mình, và nguyên tắc “Đổi đất lấy hòa bình” đã được khẳng định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng khẳng định trong năm nay, tuy gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, Việt Nam cam kết đảm bảo xuất khẩu ở mức như năm trước là khoảng 4 triệu tấn gạo, góp phần của mình vào việc giảm sức ép tăng giá lương thực toàn cầu và vấn đề an ninh lương thực. Với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào việc giải quyết các vấn đề hoà bình, an ninh chung, Việt Nam chủ trương hoạt động với tinh thần tích cực, xây dựng, hợp tác và trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an. Việt Nam sẽ tiếp tục đề cao các nguyên tắc của Hiến chương và cùng các nước trong và ngoài Hội đồng Bảo an thúc đẩy các biện pháp gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, đảm bảo lợi ích chính đáng của các nước và các bên liên quan./ |