Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”
TCCS - Nhân Tháng Công nhân năm 2024, chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2024), ngày 26-5-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cùng 450 đại biểu đại diện cho 11 triệu đoàn viên công đoàn, hơn 18 triệu công nhân, người lao động toàn quốc.
Báo cáo tại diễn đàn cho thấy, những năm qua, năng suất lao động Việt Nam liên tục tăng, đạt 4,8% vào năm 2022 và 3,65% vào năm 2023. Bình quân giai đoạn 2011 - 2020, mỗi năm, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt 5,29%, góp phần quan trọng tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, mức tăng này chưa đạt yêu cầu và vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, chuyên gia và công nhân, người lao động cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động Việt Nam.
Sau khi lắng nghe chia sẻ của các đại biểu dự diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi và trao đổi với các công đoàn viên, công nhân, người lao động về 6 yếu tố mang tính quyết định năng suất lao động: Yêu lao động, yêu nghề; luôn luôn học hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề; tuân thủ kỷ luật, xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn; luôn luôn đổi mới sáng tạo; người lao động được đãi ngộ thỏa đáng về tinh thần, vật chất; Chính phủ, công đoàn và các chủ thể liên quan phải xây dựng hệ sinh thái lao động tốt. Xuyên suốt quá trình đó, con người được coi là trung tâm, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của đại biểu, đại diện người lao động, doanh nghiệp, trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, rất tích cực, phản ánh rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong nâng cao năng suất lao động; đưa ra những mô hình tốt, cách làm hay; đặc biệt là đề xuất, kiến nghị những giải pháp sâu sắc, cụ thể.
Theo Thủ tướng Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động. Tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong các nghị quyết đại hội của Đảng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, ngày 8-11-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1305/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030”, với mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thủ tướng Chính phủ, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn.
Phân tích tình hình, bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương chung tay tập trung thực hiện 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động. Trong đó, “3 đẩy mạnh” bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động. “Ba tiên phong” là: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động. “Ba bứt phá” gồm: Bứt phát về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt phá về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi; bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động, trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động và kiến nghị giải pháp phù hợp; chú trọng thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc. Đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt. Phát huy hơn nữa vai trò của người lao động, không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động; nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Công đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng thưởng 95 đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động có năng suất lao động cao, có thành tích tiêu biểu trong lao động, sản xuất./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân  (23/05/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho phát triển đất nước nhanh, bền vững  (16/05/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với đoàn doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc về kinh tế xanh, kinh tế số  (15/05/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên